Những người không quen *

Có những người mình không quen, họ không phải ông to bà lớn ở Đàlạt nhưng để lại cho mình nhiều ấn tượng của thời sinh sống tại Đàlạt. Trong những người đó có ông từ Phác, người Huế, làm chung với ông cụ mình tại ty Công Chánh. Dạo đó mình bị con chó berger hàng xóm cắn nên phải lên viện Pasteur để chích thuốc ngừa chó dại.
Ông cụ mình làm ở ty công chánh, bên cạnh viện Pasteur nên mình theo ông cụ lên sở để chích thuốc. Mình chỉ nhớ là y tá họ dùng cái kim to và dài đâm ngay bụng mình, hình như phải lên đó mấy tuần. Dạo đó mình học buổi chiều nên buổi sáng theo ông cụ lên sở chích thuốc rồi phải ngồi trong văn phòng ông cụ mấy tiếng tập đồ chữ. Trong sở có một ông viết chữ rất đẹp nên ông cụ mình mua một cuốn vỡ, nhờ ông ta viết bằng viết chì cho mình đồ theo bằng mực tím. Mình rất ghét ông này vì sau đó mỗi tuần là ông cụ đem về một tập khác, phải viết xong rồi mới được đi chơi. Sau này nhờ viết chữ đẹp nên mình thích vẽ dẫn đến nghề kiến trúc. Đúng là trong cái xui lại có cái rủi. 🙂
Một hôm, sau khi chích thuốc ông cụ mình hỏi có muốn ăn chè không thì mình gật đầu, ông cụ dẫn mình ra phía sau ty công chánh, thấy một bà gánh chè bán dạo trong vùng, các công chức của viện Pasteur, ty Công Chánh gọi vào ăn. Hôm đó mình không may vì có một cuộc cá độ giữa ông Phác và một ông làm chung sở. Họ cá nhau là ông Phác sẽ ăn hết nồi chè đậu ván. Mình thấy ông Phác người to béo như mấy chú 3, ngồi trên cái đòn ăn ngồm ngoằm mấy chén chè trong khi bà bán dạo múc từng chén chè để trên cái mẹt. Mình thất vọng lũi thũi theo ông cụ vào văn phòng rồi sau đó mình nghe ai chạy vào phòng bảo ông ta ăn hết nồi chè. Lúc đó mình ghét ông ta thậm tệ, mình chỉ cần ăn một chén nhưng không được trong khi ông ta rất là khổ sở, phải ăn hết nồi chè.

Lần thứ nhì gặp ông ta ở bờ hồ, cạnh lữ quán hướng đạo. Chỗ này các hướng đạo sinh hay tập bơi và kết bè nên con nít ở Đà Lạt hay ghé lại đây tập bơi còn tên nào giỏi thì qua Thuỷ Tạ mà người Pháp gọi là La Grenouillère theo một địa danh, câu lạc bộ thể thao về nước, nổi tiếng ngoại ô của Paris, leo lên plongeon để nhảy xuống. Phạm Thành Nguyên và Trần Văn Tiến thường bơi ở đây, hai tên này bơi khá, sau này bọn hắn dạy mình bơi ở thung lũng tình yêu.
Một hôm có tên nào nhảy xuống hồ bơi rồi không chịu lên nên có người chạy đi kêu cứu thì độ 15, 30 phút sau, mình thấy ai chở ông Phác đến. Ông ta tu chai nước mắm cho ấm người vì trời đang mưa rồi nhảy xuống lặn mò, lâu lâu lên bờ lấy chai nước mắm tu vài ngụm rồi lặn xuống, bổng mọi người reo lên thì mình thấy ông ta kéo một tên nào lên bờ.
Mọi người xúm lại phụ ông ta cỏng thằng bé ngược đầu. Hai chân gác qua vai còn đầu trúc ngược trên lưng của ông Phác. Mình thấy ông ta cầm hai chân thằng bé, chạy lòng vòng thì nước trong bụng của thằng bé ọc ra từ miệng, mũi nhưng nó đã tắc thở từ lâu. Có lần mấy tên phi công VN lái Chinook đậu xuống mảnh đất ngay Thuỷ Tạ để thăm người yêu, lúc về lấy le lạng vòng vòng khiến máy bay rớt xuống Hồ Xuân Hương chết cả đám nên từ đó không tên nào dám bơi ở Thuỷ Tạ nữa sợ ma da kéo xuống làm ma thế mấy tên phi công đi đầu thai.
Ngày rằm, mình hay chở bà cụ xuống am Soyer, góc đường Thống Nhất và Bà Huyện Thanh Quan, cạnh bờ hồ để cúng bái thì hay thấy ông Phác này đang lo phật sự, thắp hương cho mọi người cúng lạy. Nghe bà cụ kể trước khi mình đi thi tú tài, đợi mình ngủ bà cụ lấy thẻ thí sinh của mình đem ra am này nhờ ông Từ Phác cúng nên sau này đậu khá khá mới xin đi du học được nên thưởng công ông Từ Phác rất hậu thêm cúng dường thùng phát sương của cái am này. Biết vậy mình không cần thức khuya học bài. Sau này về thăm Đà Lạt thì ông đã mất, mình thấy con cháu ông ta cắm dùi đất xung quanh cái am ngày xưa, xây nhà xây cửa buôn bán coi như ông ta làm phước cho các con cháu hưởng.
Xí Rỗ, du côn du đảng, nổi tiếng một thời chém Đại Ca Thay trước vũ trường La Tulipe Rouge. Nghe kể là Đại Ca Thay đem đàn em, thuê máy bay lên Đà Lạt, lùng kiếm Xí Rỗ nên hắn trốn, sau nhờ hai anh em Lai Thái, trùm du đảng một thời ở đường Hai Bà Trưng trong hẻm Nữ Công Gia Chánh, dàn xếp cho hắn đến xin lỗi ở đồi cù mới thoát bị chém. Cái vui là dân Đàlạt, người lớn mà kể mình về câu chuyện này, đều tự xưng là có mặt hôm Xí Rổ chém Đại Ca Thay và hôm xin lỗi trùm du đảng tại sân cù khiến mình ngưỡng mộ họ nức nở. Nay lớn lên thì nghiệm lại người Việt có tố chất hay Nổ, cứ bựa ra chuyện để tự thổi phồng mình lên, nhất là ở thị xã buồn thiêu.
Dạo đó mình quen Đào Văn Quý, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, bên cạnh cái động chị em ta dưới tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu. Tên Quý này biết mặt mấy tên học chung trường đi thăm chị em ta, có dịp mình kể tên tuổi mấy tên này. Bên cạnh nhà tên Quý là nhà của Xí Rỗ. Tên này mắt hí, người Nam, mặt thì bị rỗ như tổ ong. Hàng năm vào ba ngày Tết mình thấy hắn hay làm cái sòng sóc dĩa ở trước nhà hắn. Quý, bạn mình kể là hắn ăn gian, gắn một miếng mousse trong cái chén để đè lên hột xí ngầu rồi lắc nên hắn ăn. Có lần mình đứng xem để coi hắn kẹp hột xí ngầu ra sao thì thấy có một ông ăn nhưng hắn không chịu chung, rút con dao thảy trên sòng bài khiến ông thắng ván đó từ từ đứng dậy bỏ đi. Nghe nói sau 75 chết vì sì ke hay trong tù.
Hai gia đình của tiệm sửa xe Honda Công Thành và Tân Tiến ở đường Phan Đình Phùng. Hai tiệm này nằm đối diện nhau hai bên đường Phan Đình Phùng, gần tiệm Luồng Điện của ông nội TTA. Tân Tiến gốc Bắc kỳ di cư còn Công Thành thì gốc Huế, đều có tiệm sửa và bán xe Honda nên cạnh tranh dành khách nhau nên lâu lâu đi ngang đây mình hay thấy đám đông bu lại xem hai gia đình chửi nhau rất vui tai vì bên chửi theo lối giọng Bắc kỳ, một bên thì chửi theo giọng đất thần kinh. Sau này nghe kể là hai tiệm này làm thông gia với nhau, kết thúc cuộc tình Romeo và Juliette sửa Honda made in Dalat.
Ông Marcel, ba của Dương Quang Trí, Phước học chung với mình khi xưa. Ông này Tây lai, 2- 3 vợ thì phải, con đâu 18 đứa hai ba giòng. Đứa nào cũng lai lai như ông ta, chỉ khác nhau nếu giống mẹ. Điểm hay là con ông ta được nuôi nấng rất tử tế không có lăn lóc như những gia đình đông con mà mình biết như gia đình ông Rị ở trên đường Thi Sách gần giếng của ông Ba Tây. Con ông Rị chỉ bận áo quần khi đi học còn ở nhà thì mấy đứa con nheo nhóc, ở trần không quần không áo, bò bên chuồng heo. Ông Marcel này con đông nhưng rất giàu có vườn, xe máy cày, xe hàng chạy Saigon Đà Lạt. Con ông ta sau này có đứa sống hải ngoại, đứa ở Đà Lạt thì hưởng đất đai, nhà cửa của ông ta để lại nên sống cũng thoải mái. Tết 74, Dương Quang Trí lấy xe của ông ta, chiếc Dodge Batman, 9 chỗ độc nhất ở Đàlat chở bạn bè xuống Ninh Chữ chơi.
Ông thầy thuốc Bắc Huỳnh Ôn, nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần tiệm ông thợ mộc Nguyễn Đình Thừa, bố của Nguyễn Minh Dũng hay đánh bóng bàn với mình khi xưa. Mỗi lần bà cụ mình sinh em bé là thấy tốn mấy thang thuốc cho ông này. Mình xuống mời ông thầy này lên nhà, ông này giống tài tử Toshiro Mifune, có sơi râu dài thòng lòng bên cằm. Lúc nào cũng đeo cái mũ Borsalino và khoát cái áo mưa Par-dessus,rồi kêu mình đi theo ông ta về tiệm để lấy thuốc, dặn mình sắc thuốc ra sao với cái siêu.
Mình thấy ông ta gói mấy thang thuốc rất lạ với cái cân cũ kỹ càng làm thuốc ông ta huyền bí. Nhiều khi muốn học nghề của ông ta nhưng không biết đọc tiếng tàu. Nhờ bán thuốc Bắc bổ huyết cho phụ nữ mà ông ta xây nhà mấy lầu cho con cái sau này. Mấy toa thuốc Bắc này ngày nay, ai cũng có chỉ cần email hay fax cho tiệm thuốc bắc ở Bolsa hay gửi mua ở xa, rồi người bán gửi về thẳng về nhà cho mình rồi dùng cái siêu xài bằng điện khoẻ re nhưng ông thầy này đóng kịch rất tài để tạo cho mình một huyền thoại để nuôi con. Tố thơn nữa thì tiệm thuốc họ sắc thuốc cho mình rồi bỏ vào bịch, niêm kính lại rồi gửi cho mình qua đường dây bưu điện. Chỉ cần lấy ra hâm lên là uống.
Ông Ba bán kẹo kéo mà hồi nhỏ mình hay ăn chịu khi học hè ông giáo Kim ở đường Phan Đình Phùng, khúc có cái giếng, khúc có đối diện khách sạn Mimosa, dốc đường Hàm Nghi, nhà thờ Tin Lành. Ông này chuyên dụ con nít. Mỗi lần ông ta bán ế là gạ đám học trò cho ăn chịu. Ông đi xe đạp, nhấn chuông tét tét, chở cái thùng kẹo kéo phía sau. Mỗi ngày ông ta đi dạo một vòng các trường học vào giờ ra chơi. Nơi thùng kẹo kéo có miếng gỗ tròn khoảng 10 cm bán kính, đóng mấy cây đinh nhỏ theo các ô nhỏ có ghi mấy con số.
Mỗi lần trả tiền ông ta là được quay cái miếng gỗ chạy vòng vòng rồi ngừng bởi cái kim màu đỏ bằng nhựa cứng chận lại như chơi bài roulette. Tuỳ theo số của ô, nếu nhỏ thì ông ta đưa cho một cục dầy còn số lớn thì ông kéo dài ra thật dài, thấy cả đậu phụng nằm bên trong. Không biết ông ta làm kẹo kéo ra sao nhưng có màu đỏ xanh, trắng như kem đánh răng perlon có đậu phụng ở trong nhưng mình thích nhất là kẹo gừng do ông ta làm. Thấy ông ta kéo từng sợi nhỏ hơn mì sợi rồi rắt chút bột đường trắng, gói trong trong cái miếng giấy, ăn hít hà. Mình không có tiền đều nên ông ta cứ cho ăn chịu, ghi sổ vì ế. Khi có tiền thì trả ông ta cho nên sau này ra đời mình không dám mượn tiền, ăn chịu.
Năm học lớp 12, một phi công có gia đình ở ấp Ánh Sáng, lái phản lực F5 bay về lạng qua nhà hắn quá thấp rồi ngất đầu lên không được bị nổ tung nơi Hồ Xuân Hương, máy móc bay lên đồi Cù thì không may cho ông hôm đó, đứng bán kẹo kéo ở ngay cầu Ông Đạo. Nghe nói phản lực bay xà ngang kéo ông ta xuống Hồ hay nổ trúng ông ta chết. Sau đó gia đình có làm đám ma ngay bờ Hồ với các gia đình nạn nhân khác vì VN cử đem người thân chết ngoài đường về nhà làm đám tang nên dạo đó thấy có đâu 4-6 cái đám ma ngay bờ Hồ.
Mình không bao giờ quên hai ông người Phúc Kiến ở rạp Ngọc Hiệp. Bên hông tay phải của rạp Ngọc Hiệp có dãy bán hàng ăn uống bán nước đá, phở,... Lần đầu tiên về Đà Lạt , mấy đứa em có dẫn lại đây ăn phở nghe nói dạo đó là ngon nhất Đà Lạt. Ngay đầu đường có một ông bán xắp xắp, nhà ở Hai Bà Trưng ngay dốc nữ công gia chánh bên tay phải, đối diện nhà thầy Thành Bắp Sú. Mỗi sáng đi học, thấy ông ta đẩy cái xe gỗ có mấy tấm kính đựng đu đủ bào qua cầu Cẩm Đô.
Ở Đà Lạt có mấy người bán xắp xắp nhưng mình mê nhất là của ông này vì tương ớt của ông ta cay phỏng lưỡi. Ông ta lấy một cái đĩa nhôm nhỏ của người khách trước mới ăn xong, nhúng vào cái thùng nước (dơ) để tráng, vãy vãy cho ráo nước rồi gắp một ít đu đủ bào, lấy cái kéo xắp từng miếng gan heo cháy tẩm thuốc rồi xắp tí bò khô có phẩm đỏ, xịt chút tương ớt rồi lấy chai nước mắm pha ớt xịt lên, xắp thêm cọng húng quế, lấy và thối tiền rồi đưa cho khách theo kiểu tiền trao cháo múc vì có một lần mình thấy hai tên ăn xong thì rú xe chạy. Mỗi lần ăn xong phải làm thêm ly đậu đỏ bánh lọt của gian hàng bên cạnh. Khách hàng đa số là đàn ông, đứng ăn xung quanh xe.
Cạnh ông này cũng có một chiếc xe đẫy của một ông Tàu khác bán thịt bò viên. Cái ớt sate của ông này phải độc nhất vô nhị ở Đà Lạt. Ông này có cái trò đổ xí ngầu với đám con nít ăn bò viên. Nếu đổ hơn điểm ông ta thì ăn miễn phí còn thua thì mất tiền cho ông ta, nhịn ăn bò viên đi về. Nếu thắng thì ông ta dụ chơi nữa ăn gấp đôi nên tên nào tham thì gật đầu là coi như cuối cùng phải thua. Mình nhớ thằng Nghị ở trên số 4, đối diện nhà Phạm Đình Kháng bị thua hoài rồi xin mình nửa miếng bò viên ăn cho đỡ thèm.
Có lẻ quan sát ông tàu này mà mình không bao giờ đánh bài. Nói chung là phải có tiền ăn đậu đỏ bánh lọt thì mới dám ăn hàng của hai ông Tàu này. Không biết hai ông này có thông đồng với ông Tàu bán đậu đỏ bánh lọt hay không mà ăn hàng của họ cay xé lưỡi thì phải ăn thêm đậu đỏ bánh lọt. Mình nhớ nhất lần đầu tiên và cũng lần chót ăn đủ bộ 3 món này vừa ăn bò viên, xắp xắp và ly đậu đỏ bánh lọt là ngày cuối cùng ở Đà Lạt trước khi đi Tây. Sau này về Đà Lạt nghe nói ông bán bò viên, đói quá đi ăn cướp bị cách mạng xử tử còn ông đẫy xe xắp xắp thì bị đuổi đi đâu không ai biết.
Dân cư thị xã Đàlạt chắc không bao giờ quên một ông bán đậu phụng húng lìu, hay bận cái áo vét trắng, cực kỳ sang trọng, đạp hay đẩy lên dốc chiếc xe đạp, chở cái thùng thiết nước mắm, đựng đậu phụng rang phía sau cái porte de bagage. Nhà ông ta ở ngay gốc Ngã Ba Chùa, nhìn xéo sang, trong hẻm phía sau. Có thằng con tên Dũng, khi xưa hay phụ bố nó rang đậu phụng, nghe nói nay nối nghiệp bố nó. Mình chỉ nhớ là ông ta ngâm đậu phụng sống trong cái thùng phi nhỏ cả đêm, chứa nước, bột ngũ vị hương, muối, đường. Sau đó để khô rồi bỏ vào cái thùng phi khác, có cát mịn của Cam Ranh. Thằng Dũng có nhiệm vụ quay cái thùng phi đựng cát mịn Cam Ranh, và đậu phụng đã ngâm ngũ vị hương, phía dưới là lò than…
Khi chín thì đem ra, đợi hơi nguội vì cát rất nóng. Mở nắp thùng phi, lấy cái rá sàng sàng lọt cát xuống cái mâm. Cả gia đình, em út xúm vào lựa hạt đậu phụng. Hạt nào còn vỏ thì để riêng, bán với giá cao hơn còn hạt nào bị lột vỏ thì để riêng, bán giá rẻ hơn. Mình chỉ nhớ sau đó, ông ta bỏ vào cái thùng thiết, có khăn lông màu trắng lót bên trong rồi ông ta bỏ các bịch đậu phụng để riêng trong hai ngăn rồi đạp xe đạp lòng vòng Đàlạt. Ông ta hay đứng ở bùng binh ở Chợ Dưới hay ngay khu Hoà Bình. Trưa về ăn cơm rồi lấy thêm mấy bị đậu phụng, tiếp tục lao động, buôn bán nuôi con. Hình như Đàlạt dạo ấy chỉ có ông ta là bán đậu phụng húng lìu. Ngoài ra hồi nhỏ mình có ăn đậu phụng da cá hay ngào đường nhưng hình ảnh ông bán đậu phụng húng lìu với bộ đồ trắng với chiếc xe đạp chở cái thùng đựng đậu khiến mình không bao giờ quên.
Mùa lạnh đến, có tiền mua được một bị nhỏ đậu phụng húng lìu, ăn nức nở. Dạo mình về Đàlạt, có cô em làm món này cho ăn, thấy rất ngon nên hỏi công thức. Về Cali làm thử thì chả thấy ngon như cô em hay ông bán đậu phụng làm nên bỏ nghề đậu phụng húng lìu.
Sơn đen