Tố chất Việt

Nguyễn Hoàng Sơn

Hôm trước đọc báo thấy Hà Nội đang tính tổ chức sinh nhật của Hai Bà Trưng nên mình thấy vui vui vì không ngờ ngày nay họ biết được đích xác ngày sinh tháng đẻ của Hai Bà thay vì làm lễ kỷ niệm như từ ngày dành độc lập vào năm 1945. Có người xấu miệng, bảo họ tìm cách tổ chức hội hè, kỷ niệm để kiếm ăn. Theo tài liệu của Tàu thì ở vùng Động Đình Hồ, một địa danh bên tàu, Đông Bắc của tỉnh Hồ Nam mà theo truyền thuyết Lĩnh Nam Chích Quái, ông ngoại của Sùng Lãm (Lạc Long Quân) sống ở dưới đáy hồ này, mà không hiểu sao lại lọt về tới Việt Nam, xứ Giao Chỉ độ 1,000 km về phía nam.

Hồi nhỏ mình nghe người lớn nói sao thì tin vậy nhưng lớn lên thì khám phá ra cái đặc tính của người Việt: hay "nổ" bú xua la mua. Đa số là bựa chuyện nói cho vui hay để che lấp cái nghèo về văn minh, văn hoá của mình. Cứ kêu người Việt là thông minh nhưng chả có đóng góp gì cho nhân loại, ngày nay còn thua các nước lân cận như Kampuchia, Lào. Để biện minh cho vấn đề này thì bảo 1 người Việt giỏi hơn thằng Nhật nhưng 3 thằng mít ngồi lại thì dốt hơn 3 thằng Nhật. Đã nói thông minh thì chắc chắn 3 thằng thông minh ngồi lại với nhau là phải làm nên chuyện đội đá vá trời.

Mình hay đặt câu hỏi về lịch sử Việt Nam, rồi tìm Tài liệu Tây Tàu Việt để đọc. Điển hình hai bà Trưng có thật là giống Việt của người Việt Nam ngày nay, hay tổ tiên mình lại mượn của người tàu, làm mô hình cho sự vùng dậy chống người Hán. Lịch sử Trung Hoa là một chuỗi dài tranh chấp giữa các bộ tộc có văn hoá, ngôn ngữ khác nhau, can qua triền miên từ mấy ngàn năm qua mà ngày nay 40% người Hán thống trị các bộ tộc khác Văn hoá, tiếng nói,...như các chư hầu của Trung Quốc.

Theo các sử gia thì người Việt không có họ tới thời Hai Bà Trưng và Hồng Bàng có thể là sự tưởng tượng của thế kỷ15 vì trong cuốn Việt Đại Sử Ký (1227) của Lê Văn Hưu, không có nói đến Hồng Bàng. Chỉ đến khi Ngô Sĩ Liên (1479) được chỉ thị của nhà Lê, viết cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì mới nhắc đến truyền thuyết Kinh Dương Vương. Ông sử thần này được xem là thọ đến 98 tuổi nhưng không ai biết năm sinh và năm mất. Cứ phán đại cho vui.

Ông bác sĩ Trần đại Sỹ, có sang tàu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam xưa, kể có đến nơi mà Hai Bà nổi dậy đánh quân của Tô Định, nhiều nơi còn di tích thờ hai bà này cho nên tổ chức sinh nhật của hai bà ở một địa dư 1,000 cây số phía nam của Động Đình Hồ và chọn nơi hai bà dấy quân làm mình thấy là lạ. Ông này kể Trần Thủ Độ lên ngôi, để diệt nhà Lý, bắt phải đổi tên qua họ Nguyễn mà nghe kể có hoàng tử họ Lý đưa dòng họ thân thích nhất lên hai chiếc thuyền, vượt biển có ghé lại Đài Loan để tiếp tế lương thực, một chiếc ở lại đảo này và một chiếc tiếp tục đi đến Triều Tiên và đã giúp vua chúa xứ này gây dựng sự nghiệp mà ngày nay họ Lê (Lý) của nước này tự nhận là con cháu của Lý Công Uẩn. Sau này khi Nguyễn Hoàng vào nam thì họ Nguyễn mới phát triển mạnh nhất là khi Nguyễn Ánh lập ra nhà Nguyễn, thống nhất Việt Nam nên họ này chiếm trên 40% dân số Việt Nam hiện giờ.

Ông Trần Đại Sỹ có viết nhiều sách ngay cả tiểu thuyết về các anh hùng Lĩnh Nam, Hai Bà Trưng,... Mình có mua và đọc cho con trước khi đi ngũ nhưng thấy có lẽ ông ta hãnh diện làm người Việt nên tạo ra hay nói đúng hơn là đặt định đề dựa vào trái tim hơn là dùng đến phương pháp khoa học để nghiên cứu về sử của Việt Nam rồi tiểu thuyết hoá các nhân vật của Lĩnh Nam khi xưa vì trong sử Tàu thì thấy khi Tô Định bị hai bà đánh bỏ chạy thì hai năm sau, Mã Viện đem quân sang, đã chém đầu hai Bà cho nên xưng tụng các tướng thời ấy hơi quá.

Trong cuốn Lịch Sử Việt Nam của Hà Nội xuất bản thì cho rằng các tên Hùng trong Hùng Vương là tên vua của nước Sở,chư hầu của nhà Chu. Các vua nước Sở có tên đều mang chữ Hùng như Hùng Thông (Sở Vũ Vương), Hùng Vận (Sở Thành Vương).... Thêm nữa người Việt tự nhận mình là người Kinh xuất phát từ Kinh Châu, dòng sông ở nước Sở. Cho nên các vua Hùng và Hồng Bàng có thể là tập hợp của những truyền thuyết của người Kinh và người Việt lai Hán sau này. Như vậy thì dân Giao Chỉ, Cửu Chân,...là người thượng, dân tộc thiểu số? Hồi nhỏ nghe Tây Thi, gái nước Việt khiến mình tưởng con gái Việt Nam đẹp nhất trần gian, sau này lớn lên mới hiểu là có nhiều nước mang tên Việt, đúng hơn nhiều bộ tộc có tên là Việt mà người tàu hay gọi Bách Việt, để chỉ những bộ tộc tên Việt mà người Việt mình chơi cái màn vớt cả đống, rồi chế ra sự tích bà Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng. Cũng có thể người Tàu dùng chuyện cổ tích này để ràng buộc người An Nam, bảo người ana mít thuộc về các bộ tộc của nước họ. Ngày nay, những bộ lạc người thiểu số sống rải rác ở các miền núi vẫn còn giữ những tố chất Việt của mấy ngàn trước còn người Kinh thì đã bị Hán hoá hết? Nhìn bản đồ Tàu thì ta thấy những nước trong thời Xuân Thu Chiến Quốc đều nằm phía bắc của sông Dương Tử, phía nam giòng sông này, người Tàu gọi là vùng Hoa Nam hay Giang Nam. Phía Bắc của Dương Tử có sông Hoàng (Hoàng Hà) có những nước lớn, văn minh hơn phía Nam, luôn luôn tranh chấp nhau đến khi Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt 6 nước Tề, Nguỵ, Yên, Hàn, Triệu, Sở để thống nhất lập ra nhà Tần, sau này Lưu Bang thành lập nhà Hán trị vị hơn 400 năm.

Nói chung nền văn minh TQ được hình thành phía Bắc của Trường Giang (Dương Tử) và lưu vực của Hoàng Hà. Các bộ tộc Hán xem các bộ tộc miền nam của sông Dương Tử là Nam Man, bọn man rợ phía Nam. Dần dần văn hoá của họ đã thu hút ngay cả những đoàn quân đã chinh phục đất nước họ như người Mông Cổ, Mãn Châu đã bị Hán hoá khi sử dụng cách cai trị triều chính,... Trung Hoa bị phân hoá bởi nhiều ngôn ngữ bộ tộc cho nên mới bị các giống dân Mông Cổ, Mãn Châu,...đánh chiếm toàn nước của họ.

Các bộ tộc phía nam chỉ chuyên về trồng trọt, không có đóng góp gì về văn chương triết học, các đạo giáo như Khổng, Lão, Nho,... Trong số các bộ tộc Việt có nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn, nằm gần phía Nam sông Dương Tử, vùng Thượng Hải ngày nay. Nước Mân Việt vùng Phúc Kiến, Tây Việt ở Quảng Tây và Đông Việt ở Quảng Đông.... Nam Việt ở vùng phía Nam, trước khi Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc,...

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ( viết vào thế kỷ 15) và Đại Việt Sử Lược (viết vào thế kỷ 13) thì Thục Phán, thủ lĩnh của bộ tộc Âu Việt, đã đánh bại vua Hùng của bộ tộc Lạc Việt vào năm 258 TCN để thành lập nước Âu Lạc, lấy hiệu là An Dương Vương. Trong sử Tàu do Tư Mã Thiên viết thì nhà Tần sai tướng Đồ Thư đem quân xuống miền Nam, chinh phạt các bộ tộc Việt để thống nhất sơn hà nhưng bị thất bại sau 10 năm chinh chiến. Nếu dựa theo sử viết của Tư Mã Thiên (nhà Hán thế kỷ 1 TCN) thì nước Âu Lạc được thành lập muộn hơn, khoảng 218 TCN và bị Triệu Đà, quan của nhà Tần đánh bại vào năm 180 TCN, sau khi thái hậu Lữ Hậu chết.

Triệu Đà là quan của nhà Tần sai xuống miền nam, ông ta kêu Tần Thuỷ Hoàng đưa người vùng Trung Nguyên, di cư xuống miền nam để hoà hợp như ngày nay dân Hán được đem về các vùng mới được xâm chiếm như Tây Tạng, Mông Cổ,..., trong chương trình Hán hoá địa phương, tương tự sau 75, Hà Nội đưa người ngoài Bắc vào Nam. Khi nhà Tần sụp đổ thì Triệu Đà đem quân đánh chiếm Âu Lạc và xưng đế và đóng đô tại Phiên Ngung, quận Nam Hải bên Tàu, đặt tên nước là Nam Việt. Ông Triệu Đà đã thành công nhờ mua chuộc nhiều bộ tộc trong vùng, không cần dùng đến đao binh.

Cái khó là nếu ta chấp nhận Triệu Đà là vua của bộ tộc Giao Chỉ, Cửu Chân thì khó có thể nói người Tàu đô hộ người Việt mình gần 10 thế kỷ sau này vì Triệu Đà là người của nhà Tần, được phái xuống miền Nam để chinh phạt. Khi nhà Tần sụp đổ thì Lưu Bang, Hạng Vũ tranh quyền nên ông ta cũng xưng hùng xưng bá phía Nam. Ông ta sau này thần phục nhà Hán và nói với sứ giả của Hán vương là tiếc thay ta không xưng đế ở phía Bắc. Có thể ông ta tài giỏi hơn Hạng Vũ hay Lưu Bang vì ông ta bình định các châu, quận miền nam bằng ngoại giao, mua chuộc chỉ có An Dương Vương không chịu nên bị chết.

Mình có viếng viện bảo tàng Bắc Kinh để xem cái nỏ mà các sử gia Tây phương gọi là một kỳ công của thế giới, có thể đó là cái nỏ thần của An Dương Vương. Cái nỏ này bắn mấy mũi tên rất nhanh, bằng sắt nên có thể phá lủng áo giáp, sát hại binh lính của đối phương khá nhiều.

Nước Việt của Việt Câu Tiễn nổi tiếng về cô gái tên Tây Thi, người yêu của Phạm Lãi, quân sư của Việt Vương và truyền thuyết về nằm gai nếm mật 10 năm của ông ta để phục thù, đánh bại Ngô Phù Sai nên sau này mới có câu "người quân tử đợi 10 năm để trả thù cũng chưa muộn" nhưng sau này khi ông ta qua đời thì nước Sở, phía Bắc xuống đánh chiếm và sau này thôn tín luôn nước Lỗ của Khổng tử luôn. Dân của mấy bộ tộc Việt thấy quân lính nước Sở quá tàn bạo nên bỏ chạy xuống phía Nam.

Khi Lưu Bang lên ngôi thì dần dần bộ tộc Hán chiếm đóng hết các bộ tộc Việt ở miền nam Dương Tử. Tướng nhà Hán, Lộ Bác Đức đã đánh bại tướng Lữ Gia của Nam Việt do Triệu Đà đã sát nhập Âu Lạc, hai vùng phía nam của Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay. Người Quảng Đông nói Việt ngữ (Yuế Yu) để chỉ tiếng Quảng Đông, cũng như Việt Nam (Yuế Nản) để nói vùng Quảng Đông.

Theo chữ Nho thì "Việt" trong cụm từ Việt Nam nghĩa là "Vượt", ý nghĩa tượng hình của giống người Việt nay, chuyên vượt đồng vượt núi, chuyên về canh tác, nghề nông. Trong cuốn "The Birth of Vietnam", ông Keith Taylor cho rằng người Việt vùng này, biết làm ruộng, canh tác trước các bộ tộc phía Bắc. Có lẽ vì vậy khi nhà Lý sai Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống ở cửa ải Côn Lôn, lăm le đòi lại hai đất Quảng vì cho rằng nhà Hán đã chôm lưỡng Quảng của Việt Nam.

Mình có đọc tài liệu của Tàu về giai đoạn này. Dạo đó Vương An Thạch muốn thay đổi hành pháp, dùng Tân Pháp để cải cách chính trị, quân sự nhà Tống nên bị đám thủ cựu tìm cách trù dập nên đã thông báo cho nhà Lý, để đánh bại quân Tống để có cớ để cách chức Vương An Thạch khiến ông này về quê, dạy học. Sách tàu kể người cầm quân Việt Nam là Lý Thượng Cát, có nghĩa xấu nên có lẽ vì vậy người Việt đọc trại là Lý Thường Kiệt.

Trong cuốn "The Ugly Chinaman", ông Bá Dương có nhắc đến giai đoạn này để nói lên cái tai hại của Khổng Giáo, đã không cho cải cách từ nhà Hán đến nay. Một xã hội bị dậm chân tại chỗ, hoàng cung bị đám quan thái giám kiểm soát.

Linh mục Lương Kim Định dùng Trống Đồng Ngục Lũ để giải thích từ "Việt" là Tiên, tổ chim (tổ tiên), thành lập triết lý An Vi với Việt Nho. Nếu tin 18 ông vua Hùng thì trung bình mỗi ông làm vua được 127 năm, chắc đã đắc đạo tiên vì vào thời đó con người chết trung bình vào lứa tuổi 30, 35. Người Việt cứ kêu 4,000 năm văn hiến trong khi người tàu, họ kêu có 5,000 năm văn hiến. Họ đô hộ tổ tiên người Việt gần 1,000 năm nên có lẽ các người viết sử khi xưa loại bỏ thời gian bị đô hộ, làm nô lệ cho tàu nên còn lại 4,000 năm văn hiến.

Ông Bình Nguyên Lộc có nghiên cứu về nguồn gốc Mã Lai của người Việt thì mấy sử tích như Sơn Tinh Thuỷ Tinh đều có ở các xứ đông nam của Á Châu. Ông đưa ra nhiều chi tiết khá hay giúp mình phải đặt lại câu hỏi về những trang sử của tổ tiên để lại. Không thể tin hoàn toàn khi đọc sách của người xưa để lại mà cần kiểm chứng.

Sách báo cứ nói về đời vua Nghiêu Thuấn là ra đường không có trộm cướp, thái bình,.., mà quên đi cái điểm chính là thời đó là thời man khai, dân Tàu còn sống trong hang đá nếu đọc thời nhà Chu bên Tàu mấy ngàn năm sau là vẫn còn man khai. Ai cũng mong trở lại thời man khai của vua Nghiêu? Đọc sách về nguồn gốc của Việt Nam thì thấy không rõ lắm. Đất nước vì chiến tranh lâu năm nên sách vở ít thêm người viết sử, nhiều khi nghiên cứu theo quan điểm chính trị của mình hay bị bắt buộc phải viết theo chỉ thị nên khó có một sử liệu trung thực. Người tàu có Tư Mã Thiên chịu bị thiến để được sống mà viết lịch sử trong khi người Việt không có ai cả. Ngay ông Trần Trọng Kim, một người Bắc Hà cho nên những gì viết về nhà Nguyễn, ông ta không viết đúng sự thật, tương tự Nguyễn Du làm quan triều đình nhà Nguyễn nhưng vẫn ôm ấp bóng hình của vua Lê. Chỉ có mấy cuốn sách của người ngoại quốc viết thì có thể tin tưởng một chút nhưng lối nghiên cứu sử của họ thêm Việt ngữ, chữ Hán của họ chưa chắc rành để hiểu rõ về Việt Nam.

Miền nam sông Dương Tử, có đến cả 100 bộ tộc Việt cho nên ông Thi Sách và vợ không biết thuộc bộ tộc Việt nào. Theo sử Tàu ông Thi sách là người Châu Diên. Người Việt mình có thuộc bộ tộc của hai bà họ Trưng hay tổ tiên mình cứ mượn sử liệu của thiên hạ rồi xài, nhận là của mình tương tự người Hoa viết trong các sử sách của họ; Thành Cát Tư Hãn là người Tàu thay vì Mông Cổ. Từ Việt (Yuế) mà người Tàu dùng là để nói về Quảng Đông. Nếu viếng thăm vùng này hỏi "Yuế tsái" (Việt Thái) là đồ ăn Việt, nghĩa là đồ ăn Quảng Đông.

Trong sử của Tư Mã Thiên có nói đến Trưng Trắc và Trưng Nhị làm phản được các Ti Man như Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng còn Thi Sách là người Châu Diên. Sau này vua nhà Hán cho Mã Viện, Phục Ba tướng quân đi đánh và chém hai bà, gửi thủ cấp về triều đình cho vua Hán trong khi sử Việt viết hai bà nhảy sông tự tử. Sách sử Việt thì cho ông Thi Sách là họ Đặng cũng có sách cho ông là họ Dương trong khi các sử gia Hà Nội cho rằng thời ấy dân Giao Chỉ chưa có họ.

Theo tài liệu của Tàu thì mình đoán Thi sách và vợ cùng vùng lên chống lại sự hà khắc của thái thú Tô Định và ông Thi Sách chết trước. Có thể thời đó quận Giao Chỉ theo chế độ Mẫu hệ như các bộ lạc người thượng du ngày nay nên hai bà khởi binh thì được hưởng ứng khá nhiều trong nước Nam Việt do Triệu Đà thu gom lại mà ngày nay bên Tàu còn nhiều nơi vẫn thờ bà như ở Hồ Nam. Ngày nay người Việt bị Hán hoá nên bỏ phong tục Mẫu hệ trong khi các bộ lạc người Thượng vẫn giữ chế độ Mẫu hệ. Tương tự nhà Tây Sơn có nhiều nữ tướng như Bùi Thị Xuân,.., nên có người tự hỏi đàng trong theo chế độ mẫu hệ.

Có lẽ vì vậy mà người ta nói đến hai bà xuất quân tại Mê Linh, quê của hai Bà thay vì Châu Diên, quê của Thi Sách mà sau này các nhà nho bị ảnh hưởng của chế độ Phụ Hệ nói trại ra là ông Thi Sách bị Tô Định chém đầu rồi hai bà mới khởi nghĩa. Trong danh sách các tướng dưới trướng của hai bà thì đa số là phụ nữ, nổi tiếng nhất là bà Phật Nguyệt.

Trong tiến trình dựng nước, chống xâm lăng của ngoại bang, các triều đại đã dùng các gương sáng của các nước láng giềng hay tự bịa ra để thu phục lòng dân. Anh hùng Lê Văn Tám, ngọn đuốc cách mạng, tự tẩm xăng rồi chạy vào đồn để thiêu huỷ kho xăng của địch là do một đám cán bộ tuyên truyền, dựng đứng mà ngay sau chiến tranh, họ viết báo, yêu cầu giải ảo hiện tượng này nhưng vẫn có đường Lê Văn Tám, trường học mang tên Lê Văn Tám mọc lên khắp nước hay 4 cán bộ văn hoá, theo chỉ thị họp nhau viết cuốn sách rồi ký tên Trần Dân Tiên.

Việt Nam mình, mượn anh hùng xứ khác khá nhiều, Thánh Gióng đánh giặc Ân, giặc Ân ở phía Bắc sông Hoàng Hà, cách Việt Nam trên 2,000 cây số nên khó tin là đám giặc này tràn xuống Việt Nam, gần đây họ in sách giáo khoa lớp 5, kể Thánh Gióng đánh giặc, bị thương nhảy xuống Hồ Gươm tắm rồi mới đi đâu chết. Hồ Hoàn Kiếm có sau này khi thủ đô được Lý Công Uẩn dời về Thăng Long vào năm 1023 mà Hà Nội làm đình đám kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long. Hai chị em họ Trưng thì có tài liệu nói ở xứ Quảng Đông có nhiều chỗ còn thờ hai bà này. Nhiều khi phải nghiên cứu DNA của người mình và người sống xung quanh Động Đình Hồ để xem có liên quan với nhau trước khi phong họ làm tổ tiên của chúng ta.

Có nhiều người vẫn tin là bà Triệu Thị Trinh, mà người Tàu kêu là Triệu Ẩu, nghĩa là Mụ Triệu, có vú dài đến cả thước để làm nhục nhân vật đã dám nổi dậy chống họ. Họ bảo bà Triệu lấy Lạc Long Quân, sinh ra 100 người con, sau đó 50 con theo mẹ xuống miền Nam lập nên nước Nguỵ còn 50 con ở lại đất Bắc thành lập VNDCCH. Họ cứ cho giả sử lấy chính sử vô tội vạ.

Ngày nay các sử gia dùng máy móc để chẩn đoán các tài liệu, DNA của những bộ xương,...để xem xét có đúng thời đại. Nếu huỷ bỏ hết các truyền thuyết thì còn lại gì? Hoa Kỳ chỉ mới thành lập có 239 năm mà họ tiến xa trong khi mình cứ vỗ ngực, tự cho 4,000 năm văn hiến mà không đóng góp gì cho nhân loại. Theo mình thà không có gì rồi những thế hệ sau tự dựng lịch sử cho nghiêm túc còn hơn là vớ viếu vào những cái không đúng, biến cái sai thành đúng thì chúng ta sẽ không bao giờ sống thật.

Tương tự câu chuyện Cinderella, người mình cóp nhặt của tây phương rồi chế ra chuyện Tấm Cám nhưng lại diễn dịch sai cái ý ngụ ngôn của câu chuyện thần tiên này. Chúng ta thêm vào, Tấm dụ em leo cây cau rồi rung cho té chết, đem vào làm mắm, gửi cho kế mẫu ăn vô hình trung dạy con nít phải căm thù, phải gian ác, trả thù khi có quyền chức.