Tôi mất gốc

Nguyễn Hoàng Sơn

Có một chị bạn gửi một bài viết của một người chắc lớn tuổi; kể rằng ngày xưa tuy học chương trình Pháp nhưng ông ta không mất gốc vì mỗi tuần có học hai tiếng lớp Việt ngữ. Một còm sĩ phán rằng bài viết bị lỗi văn phạm rồi một ông thần khác gửi một bài kể nỗi khổ của hắn vì lấy vợ đầm made in VN; người vợ gốc việt nhưng học trường Tây nên không biết nhiều về văn hoá Việt khiến mình càng hoang mang vì không biết mình có mất gốc hay không? Sau 75, một số người lớn tuổi ở hải ngoại, viết báo kêu gọi đừng để con cháu mất gốc nhưng mình không hiểu rõ "gốc" là thế nào mà lại thấy những người này tổ chức nhảy đầm,... Khiêu vũ có phải là văn hoá, nguồn cội của VN? Nào là khiêu vũ kháng chiến, khiêu vũ cho người vượt biển, khiêu vũ từ thiện, khiêu vũ đêm không ngủ,...Nói chung các cuộc họp mặt của cộng đồng người Việt đều có tiết mục múa đôi, múa kép. Có lần mình hỏi ban tổ chức có cách nào khác để người Việt họp mặt mà không cần tổ chức khiêu vũ thì một anh trong ban tổ chức nói nếu không nhảy đầm thì ít ai đến. Dạo ở New York, đến các cuộc họp mặt cộng đồng thì thấy vài người còn đến chỗ nhảy đầm thì thiên hạ chen lấn, trả tiền khá nhiều để vào. Có thể khi đến tị nạn một xứ nào, thâm nhập vào một nền văn hoá xa lạ, con người theo bản năng sinh tồn, không muốn đón nhận cái mới vì họ lo sợ về tương lai vô định nên cố bám víu vào cái họ đã có, từ chối thay đổi để hội nhập vào nền văn hoá địa phương. Họ chưa nhận thức rằng khi xưa họ có một địa vị lớn trong chính quyền VNCH nhưng ra hải ngoại thì họ phải làm lại từ đầu, vô hình trung cứ bám lấy quá khứ huy hoàng của mình, kêu gọi đừng để con cháu mất gốc, đừng quên quá khứ oai hùng của họ. Giới trẻ thì sẵn sàng đón nhận luồng văn hoá mới tại nơi mình định cư nên thích sinh hoạt theo lối sống địa phương.

Nhìn lại lịch sử VN, ta thấy đất nước đã trải qua bao nhiêu năm làm nô lệ cho ngoại bang. Người ngoại quốc phải huấn luyện một thiểu số người Việt để giúp họ trong công việc hành chánh, vô hình trung giúp tạo dựng một tầng lớp trung lưu, học thuật của người cai trị nên lúc nào cũng khen kẻ cầm quyền là khôn ngoan, giỏi,..nên thường nói Khổng tử còn như vậy, Mạnh Tử viết thế kia... Trong thời Tây đô hộ thì đem mấy ông Tây bà đầm như Jean Paul Sartre, Diderot,.. ra hù dọa người đối thoại. Phải chăng bắt chước mấy ông Tây bà đầm khiêu vũ được xem là thuộc giai cấp thượng lưu? Nông dân khi ngày hội thì hát Quan Họ, Hò Giã Gạo, chơi bài chòi,.. phát nguồn từ nền văn hoá sông nước, dân quê. Khi người ở thôn quê vì chiến tranh, chạy về thành phố nên đã mất những truyền thống văn hoá địa phương. Mình sinh và lớn lên tại Đà Lạt, chỉ nghe nói đến hò giã gạo, đấu trâu, vật, bài chòi,.. do người lớn kể chớ chưa bao giờ nghe hay chứng kiến còn bài chòi thì có lần Tết trước Mậu Thân, thấy dân gốc Huế trên số 4 tụ tập tại mảnh đất được cày để làm làng SOS Tây Đức, trước nhà thờ Vinh Sơn ngay ngóc Calmette và Thi Sách, chơi bài chòi nhưng mình chả hiểu mô tê chi cả. Đến khi xem chương trình Con Đường Cái Quan của đoàn Tiên Rồng từ Saigon lên theo lời mời của trường Văn Học thì mới thấy hình dáng cái đàn tranh, đàn bầu,...mình sinh ra tại Đà Lạt nên không biết gì về các tục lệ, văn hoá của nhà quê thì được gọi là mất gốc? Mình có sống vùng quê, làm ruộng bao giờ mà có thể mất gốc.

Nếu nói người mà không biết văn chương VN là một người mất gốc thì mình thấy định nghĩa này quá khắc khe. Nói tiếng Tây như gió là Tây đầm? Nếu nói như vậy thì chưa biết xứ Tây là gì. Dạo mình còn dùng sổ thông hành Tây thì ra đường dân Tây chính gốc vẫn coi mình là người ngoại quốc, gọi "le métèque ". Ở Marseille có một ông cảnh sát trưởng gốc VN, thường được gọi là Cò Lộc, sinh bên Tây nhưng cảnh sát và truyền thông vẫn gọi là Le Chinois. Ông này chuyên bắt khủng bố, dân buôn bán ma tuý. Mình có gặp nhiều người ngoại quốc rất giỏi tiếng Việt. Người thứ nhất là cha Leahy mà mình hay đến chiều thứ tư hàng tuần ở Giáo Hoàng Chủng viện để đàm thoai Anh ngữ, Pháp ngữ và Việt ngữ với cha. Ông cha này rành tiếng Việt hơn mình chỉ có cái giọng thì vẫn còn Gia nã đại. Sau này mình có gặp bà Penelope Faulkner, có cái tên Việt là Ỷ Lan, nói giọng Huế, viết sách Việt ngữ lại biết hò mái nhị. Bà ta chưa bao giờ viếng VN. Có thể định nghĩa bà này không mất gốc VN? Người Việt ở hải ngoại nói được tiếng của người sở tại có thể cho họ là không mất gốc Mỹ, Tây,..? Khi giao tiếp với người Việt ở hải ngoại thì họ nói tiếng Việt hay pha tiếng của người sở tại. Cứ tưởng tượng đang nói chuyện với một người ngoại quốc rồi pha tiếng Việt vào thì họ có hiểu mình không? Ngay cái giọng ăn nước mắm của mình đã làm họ khó hiểu rồi nay thêm tiếng Việt thì thầy chạy. Thật ra không phải chỉ có người Việt mà mình thấy người Tây, Ấn độ,.. sống ở Mỹ thì sau một thời gian sinh sống ở nước người thì lối diễn đạt của họ, suy nghĩ bị Mỹ hoá nên phải pha thêm tiếng Mỹ để giúp họ diễn đạt. Có lần thằng con mình hớt hải chạy vào nhà kêu " cái bbq cháy-ing" hay hỏi mẹ đâu thì nó trả lời "Mẹ tắm-ing" vì quen lối nói ở trường học, chia động từ như người Mỹ.

Gần đây mình có cơ hội gặp lại vài người bạn học từ thời tiểu học nên càng băn khoăn vì mấy người này có cùng một mẫu số chung của phương trình học trường Tây. Mình học trường Tây từ bé đến xong đại học ngoại trừ 2 năm cuối của trung học là học chương trình Việt ở Văn Học cho nên cũng không thông thạo về văn chương VN. Mình học Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên,... nhưng không cảm nhận bằng khi học Molière, Corneille, Lamartine,..Mình vẫn thích đọc đi đọc lại Illiade của Homère hơn là đọc Kim Vân Kiều của ông Nguyễn Du. Nói theo Tân toán học thì mình thuộc nhiều thành phần như gốc Bắc cầy lai Bình Trị Thiên nhưng lại sinh tại Đà Lạt, học trường Tây, rồi học Văn Học, học tiếng Nhật ở trường Việt Anh, học tiếng Mỹ ở hội Việt Mỹ,.....rồi sau này học bên Tây, sinh sống tứ xứ thì hoá ra mình còn mất gốc gấp mấy lần các bạn học xưa. Mỗi lần gặp nhau là mấy ông thần này bảo mình không sống trong giai đoạn sau 75 cho nên không hiểu gì, không thông hiểu những hệ lụy mà họ đã kinh nghiệm qua, vô hình trung cho mình là mất gốc sau 75. Nếu gặp một người Việt sinh tại miền Bắc trước 75 hay người sinh tại miền nam sau 75 thì họ không biết gì về VNCH thì có thể gọi họ mất gốc VNCH? Nhiều khi ngồi suy ngẫm thì chẳng biết mình là người gì? Thằng con bảo mình không giống người Việt thế mới đau chứ. Mình cũng không hô hào con cái phải học tiếng Việt, chỉ khuyến khích là học thêm một ngoại ngữ là bồi dưỡng thêm về trí tuệ. Có dạo mấy đứa con tò mò về cái đàn bầu và đàn tranh thì cho tụi nó học, khi chán thì thôi. Học dương cầm hay vĩ cầm chán thì thôi. Tiếng Việt thì các trưởng hướng đạo dạy nên cũng biết viết thư cho ông bà nội hay đọc thực đơn khi vào tiệm ăn VN. Dạo mình ở đi làm bên Thụy Sĩ thì nhận thấy cái văn hoá, bản thể của người Thuỵ Sĩ rất khá phức tạp. Nước này là một liên bang, có 3 vùng chính nói tiếng Ý vì giáp với biên giới Ý, Đức vì giáp với biên giới Đức,Áo và vùng nói tiếng Pháp vì giáp với biên giới Pháp. Hình như có một vùng nhỏ nói tiếng Roman nữa thì phải. Đi học thì tuỳ vùng họ dạy theo tiếng vùng đó Đức, Pháp, Ý nhưng ở nhà hay trong công sở thì họ lại nói tiếng thổ ngữ vùng họ; thổ ngữ vùng Basel hơi khác với thổ ngữ vùng Zurich dù đều là vùng Đức ngữ nên cũng chăm cho mình khi vừa tập nói Đức ngữ vừa ráng học thêm thổ ngữ của họ. Mình nhớ có lần mình ngồi với 3 người Thụy sĩ thuộc 3 vùng mà những người này rất thủ cựu không muốn học thêm ngoại ngữ nên hôm đó mình làm thông dịch viên cho 3 người Thụy sĩ này.

Mình về VN thì nhiều khi nói chuyện với người trong nước thì cũng không hiểu họ nói gì nhất là người miền Bắc vì họ dùng những từ hậu 75 tương tự khi coi xi-nê phim Gia Nã Đại nói tiếng Tây thì Tây chính gốc con nai vàng cũng chịu thua vì họ dùng những từ cổ xưa của Tây khi họ di dân sang bên ấy hay qua Thụy Sĩ hay Bỉ vùng nói tiếng Pháp thì nghe bở hơi tai. Người Việt ở hải ngoại đang xử dụng những từ ngữ mà trong tương lai chỉ còn lại trong các tự điển cổ. Những bài thơ, đoản văn được làm ở nước ngoài cũng sẽ bị liệt kê vào văn chương của một thiểu số di dân. Có lẽ vì vậy nhà văn nga Aleksandr Solzhenitsyn đã trở về quê quán của ông ta để tìm nguồn cảm hứng sau ngày Liên Sô tan rã?

Ông Thomas L. Friedman tác giả cuốn sách " The world is flat" nói về thế giới ngày nay và ngày mai. Khắp toàn cầu, giới trẻ đều nghe nhạc Mỹ, ăn hamburger, bận quần Jean,....lại thêm Internet nên thế giới sẽ bớt sự khác biệt, giới trẻ có thể giao tiếp qua Anh ngữ. Có lần bộ trưởng văn hoá Pháp Jacques Lang tuyên bố: phải bảo vệ văn hoá Pháp để không bị đồng hoá bởi văn hoá đế quốc Mỹ. Sau này mình có dịp về thăm Paris thì nhận thấy tiệm ăn đông khách nhất ở đại lộ Champs Elysées là tiệm Mc Donald, bán hamburger và khoai tây chiên. Nghe nói có lần bị dân Tây kỳ thị, đặt bom,.. Giới trẻ Tây thích uống Coca Cola, ăn Hamburger, nghe nhạc Rap, nghe Michael Jackson,... Hàng năm gia đình mình có đón con của mấy người bạn bên Âu Châu sang chơi thì đám trẻ mê áo quần thời trang Mỹ, thèm ăn hamburger,...

Dạo mình đi chơi Hy Lạp thì cô bạn gái người Mỹ bảo là khi về Mỹ sẽ mua cổ phiếu của các hãng quần Jean như Levi's,.. lý do là cô nàng nhận thấy khắp nơi giới trẻ bận quần Jean Mỹ rất nhiều. Trong cuộc thi tài ở thế vặn hội mùa Đông ở Sochi, Nga, các tuyển thủ quốc gia trên thế giới trượt băng, ngay cả Nga Sô vẫn nhảy múa theo nhạc của Michael Jackson. Cả thế giới sống với kỹ thuật do nước Mỹ sáng chế như máy điện toán cá nhân, iPad, iPhone, iPod, Xbox,... Các tuyển thủ thay đổi quốc gia mình đại diện như chong chóng; có người sinh tại Mỹ nhưng tranh tài cho Nga Sô, Gia Nã đại,...

Có trường hợp ông Victok Ahn, từng đại diện Nam Hàn và đoạt huy chương vàng thế vận hội nhưng kỳ này thì phái đoàn Nam Hàn không cho anh ta thi đấu nên đã xin vào quốc tịch Nga, và đã đoạt 3 huy chương vàng và một đồng năm nay cho nước Nga. Tương tự tài tử Pháp Gérard Depardieu được ông Putin cho vào quốc tịch Nga vì nước Pháp đánh thuế 75% cho những người có lợi tức trên một triệu euro dù không biết một câu tiếng Nga. Điểm này cho thấy ngày nay hay trong tương lai, con người không bị lệ thuộc vào địa phương nơi họ sinh ra. Chỗ nào họ có thể sống dù là văn hoá hơi khác nơi họ lớn lên thì họ vẫn xin nhận nơi ấy là quê hương. Ông Viktor An, không được đội tuyển Nam Hàn chấp nhận thì ông ta xin vào quốc tịch Liên Bang Nga và tranh tài, đoạt Huy chương vàng cho nước đã nhận ra tài năng của ông ta thay vì phải lạy lục mấy tên cầm đầu hội trượt băng Nam Hàn. Có ông mỹ nào lấy vợ người Nga, không được Mỹ ủng hộ tài chánh nên xin vào quốc tịch của vợ. Ông Putin muốn thế vận hội mùa Đông Sochi đánh dấu sự thành công của chính quyền của ông nên đã vung tiền mua các cầu thủ các nước. Ông người Mỹ cùng vợ đoạt Huy chương vàng cho Cộng Hoà Liên bang Nga.

Trong cuốn phim "Cinema Paradiso" có đoạn cuối khi ông đạo diễn nổi tiếng trở về làng của ông ta để dự đám tang một người được coi như cha đở đầu, đã khuyến khích ông ta rời khỏi cái làng nhỏ và dặn đừng bao giờ trở lại, phải chặt cầu để đến thành phố La Mã thực hiện giấc mơ làm đạo diễn của mình. Ông ta trở lại làng sau 30 năm thì những người quen xưa ở làng vẫn giữ lối sống như xưa dù thế giới đã thay đổi rất nhiều. Dân trong làng không còn coi xi nê nữa mà coi truyền hình hay video nên rạp chiếu bóng khi xưa bị bỏ hoang phế và đập bỏ để xây cái nhà đậu xe. Văn hoá biến đổi theo thời gian mà nếu ta cứ khư khư giữ cái cũ thì e rằng chính ta sẽ bị đào thải, cho nên ngày nay khi nói về mất gốc hay lo sợ mất gốc thì đi ngược lại đà tiến bộ của nhân loại.

Năm ngoái thằng con nộp đơn ghi danh vào đại học thì bài tự sự chính (essay) thì hắn lại viết về cái "đàn bầu". Hắn kể lần đầu tiên thấy cái đàn bầu nhất là nghe âm thanh mộc mạc phát lên từ nhạc cụ thô sơ ấy thì hắn cảm thấy gần gũi, rất mê và cố gắng tập đến một hôm hắn khảy đúng được cái nốt nhạc vô hình thân thương thì mới hiểu âm thanh ấy là nguồn cội của mình xuất phát từ VN. Từ dạo ấy hắn kiếm sách hay lên mạng để tìm hiểu thêm về VN. Có lẽ cái gốc là cái gì tiềm tàng trong DNA của mình, nằm sâu trong tâm khảm chỉ có thể gợi lên khi có một làn sóng nào vô hình bất chợt tỏa lên khiến ta cảm nhận được cái thân thương vô hình kia là nguồn cội của mình?
10/20/13