Văn hoá võ biền

Nguyễn Hoàng Sơn

Hôm trước đọc báo, cho biết ở Việt Nam có trên 6,500 bị trọng thương vì ngày xuân nâng chén, ta chém anh em, có người đang ngồi nhậu bị 3 tên lạ mặt, bịt mặt ghé lại, dùng mã tấu chém trọng thương, có người bỏ chạy vẫn bị rượt theo chém làm mình nhớ hồi nhỏ đi học thấy thiên hạ đánh lộn. Hôm qua thấy trên báo có người bị chém trước mặt cảnh sát cơ động nhưng họ vẫn để thiên hạ chém nhau, không can thiệp.

Dạo học 10 ème thì phải, trong lớp có 2 tên học chung, đều là dân ở vùng số 4. Dân số 4 được xem là dân du côn, dữ dằn như dân Hố Nai. Hai tên học chung ở trên số 4 là Tuấn Trung và Khoa, đều gốc Huế cả. Tên Khoa có lẽ lớn hơn mình một tuổi, sau Mậu Thân gia đình hắn dọn xuống ở ngã Ba chùa, làm bánh cốm, bánh xu xê bán cho ai đăng ký quản lý đời nhau. Hôm trước trên diễn đàn Yersin, có tải hình của hắn ngày nay làm mình khá xúc động, nhìn lại ảnh của một tên khi xưa hay cúp cua đi đá banh với mình ở sân Cô Giang.

Mình không nhớ vì lý do gì mà hai tên Tuấn Trung và Khoa đánh nhau, chỉ nhớ trước khi vào học, ngay đường Hùng Vương, có cái đường đất nhỏ đi tắt vào trường Petit Lycée, có cái ao nhỏ, đầy lăng quăng là nơi hai tên này hay đập nhau. Có lần tên Tuấn Trung đem theo con dao rồi đâm tên Khoa, tên này vừa lùi vừa lấy cặp đỡ, cả đám học sinh vây quanh xem vỗ tay hoan hô, không có thằng nào can cả rồi hai tên này ôm vật nhau trên cỏ.

Tên Khoa có vẻ lớn con hơn, khiến tên Tuấn Trung ớn nên sau đó không thấy đập lộn nhau nữa. Sau này nghe tên Tuấn Trung chết vì sì ke còn tên Khoa thì xem lại cái hình của hắn, thấy vẫn còn nét khi xưa. Không biết gia đình hắn còn làm bánh xu xê hay không vì mình nhớ khi bà dì đi lấy chồng thì có đặt mua ở nhà hắn. PTTT là hàng xóm của hắn. Hy vọng hè này về có thể gặp lại hắn.

Dạo đó có tên Từ Lê Bình ở trong Hoàng Diệu cũng hay đập lộn với tên Tuấn Trung, anh em nhà nó chạy Honda đến trường, đem theo cái súng bắn đinh, nhắm tên Tuấn Trung bắn. Lên Grand Lycée thì nhớ có thằng Hoà, anh bà con của thằng Đa, ở Phan Đình Phùng bị đám tụi thằng Thạch, nhà cạnh tiệm thuốc tây Minh Tâm ở đường Duy Tân, rồi một tên ở ngã 3 chùa, hay đi chiếc xe Monkey Honda, tên Thảo con hãng cưa Xu Tiến và mấy tên khác độ 5, 6 thằng hình như có Bùi Văn Đông, con Bùi Vàng, vây đánh tên Hoà mà cũng chả ai can, sợ bị hoạ lây? Hồi nhỏ mình đã thấm nhuần tư tưởng của ông Khổng Khâu; nước nào có giặc thì tránh không nên tham dự, tìm nơi vắng vẻ, đừng xía vào chuyện thiên hạ, để bị hoạ lây. Được cái tên Hoà này cao, học Vovinam nên đám kia, toàn bé thấp nên chả làm gì cả, đến gần thì thằng Hoà đá gừ, chạy ra. Sau này Có lẽ chán đánh lộn nên cả đám chỉ gầm gừ với nhau cả tuần.

Người Việt có cái lạ là đánh nhau, không bao giờ đánh tay đôi như người tây phương mà hay đánh hội đồng, vài ba mạng xúm nhau lại đánh một người cô thế. Mới đây thấy cái clip trên mạng, ngay nữ sinh cũng vây đánh nữ sinh, lột áo quần như đàn bà đánh ghen khi xưa.

Ở chợ Đà lạt, mình biết có bà bán cá, thuộc dòng Công Tằng Tôn Nữ, mỗi lần đánh nhau, bà ta cứ chụp quần đen của đối thủ, rồi tụt xuống khiến đối thủ mắc cỡ, lo kéo quần thì bà ta nắm tóc rị xuống rồi vừa tát vừa chửi nên ngoài chợ cá không ai dám đụng tới bà ta. Mỗi lần nghe mụ này ré là đàn ông con trai, chạy lại xem, miệng kêu u chầu u chầu, thừa nước đục cố xem mấy bà bị tuột quần.

Sang Tây thì mình có thấy thiên hạ chửi nhau nhưng chẳng thấy tên nào trong đám sinh viên đánh nhau, còn đám thợ thuyền thì mình không biết vì ít quen. Truyền hình hay chiếu những cảnh các dân biểu Đài Loan hay Đại Hàn cãi nhau trong Hạ Viện rồi đánh nhau khiến mình thấy lạ vì là một người đại diện của các cử tri sao lại có những hành vi khá võ biền. Đọc lịch sử Hoa Kỳ, cũng thấy báo chí chụp, đăng những tấm hình cả 100 năm trước, các dân biểu cãi nhau rồi cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh nhau bú xua la mua nhưng không có màn đánh hội đồng như người Việt. Cho nên tiến trình dân chủ của một cộng đồng hay quốc gia cần thời gian để cấu thành.

Có dạo mình mua truyện Kim Dung, Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử,...bằng anh ngữ cho thằng con đọc thì nó hỏi mình tại sao trong cuốn Thuỷ Hữ, họ hay đánh nhau, cứ gặp mặt là choảng, chửi thề,...thì mình tịt. Mình đoán văn hoá võ biền của dân mình hay Tầu bắt nguồn từ những cuốn tiểu thuyết như Kim Dung, Thuỷ Hử,.., nói đến các anh hùng mã thượng Phản Thanh Phục Minh. Khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh thì nhóm người Hán bỏ chạy trốn, kẻ chạy sang Việt Nam, kẻ trốn ở các vùng hẻo lánh, tụ họp để đánh trả nhà Thanh, ai mang tôn chỉ Phản Thanh Phục Minh được gọi là người Hán tốt (hảo Hán), anh hùng hảo hán, rồi xúm nhau lại uống rượu như hủ chìm như các anh hùng lương sơn bạc, Lâm Xung,... Những hình ảnh này được lập lại ở Hải ngoại khi những người vượt biển, di tản, xúm nhau lại sau một tuần lao động, uống rượu thề phục quốc rồi ai nấy say mèn, lăn ra ngủ lấy sức thứ hai đi cày tiếp.

Đọc báo Việt Nam, thấy mọi người đi hội Thánh Gióng, một anh hùng tưởng tượng vay mượn của Tầu rồi đánh nhau thí mạng hay đi hội đền Trần, xin ấn lộc, đánh nhau kinh hoàng. Người ta đổ lỗi cho chiến tranh nhưng chiến tranh đã chấm dứt trên 40 năm. Người Việt nhiều khi không quen diễn đạt, tranh biện bằng lời ăn tiếng nói nên có lẽ vì vậy họ thích lớn tiếng để áp đảo người đối thoại, không được thì phải dùng đến tay chân để khẳng định cái lý của mình đúng, mới là anh hùng kiểu ra ngõ gặp anh hùng, mấy tên du côn đầu xóm.

Trong mọi xã hội, cộng đồng đều có những xung đột về lợi ích cá nhân hay chính trị, để giải toả các mâu thuẫn người ta có nhiều phương pháp như thương thảo hay tay chân vũ lực. Trong lớp nếu có sự xích mích thì có thầy giáo làm trọng tài, khuyên nhủ hai bên để đưa đến sự đồng thuận. Vợ chồng giận nhau thì có ông cố đạo, cố vấn về hôn nhân hay cha mẹ giúp giải toả bớt sự tức giận, còn cặp nào ngu đi hỏi thầy kiện thì mấy tên luật sư đổ dầu thêm, xúi ngay phải li dị, không được sống với kẻ nội thù thêm một giây, một phút. Hắn sẽ giúp lấy hết tài sản, nhận Child support cả đời.

Có lẽ văn hoá võ biền của Việt Nam là do người ta mất niềm tin, không tin vào luật lệ nên cứ lấy tay chân để biện minh cho công lý. Hôm qua đọc báo ở Việt Nam có anh chàng nào đi xe chở 3 lại không đội mũ bảo hiểm, không có giấy tờ nên bị giam xe. Anh chàng này về nhà lấy giấy tờ, lên đồn công an xin xe lại nhưng không được nên vác con dao to chém loạn xạ mấy công an rồi bỏ trốn, mấy ngày sau mới ra đầu thú.

Hè năm ngoái mình bị xe thiên hạ tông phía sau, nhẹ thôi. Có tên nào chạy phía sau đụng chiếc thứ 3 khiến xe này đụng chiếc thứ 2 rồi chiếc này hít nhẹ sau xe mình khi đang đậu ở ngã tư, đèn đỏ. Cả 4 xe trao nhau giấy tờ bảo hiểm xe,..rồi đi. 24 tiếng đồng hồ sau mình nhận giấy tờ của hãng bảo hiểm của xe thứ 4 cho biết ai là người sẽ lo vấn đề bồi thường cho mình,...sau đó họ cho người đến chụp hình xe của mình rồi gửi ngân phiếu mấy trăm đô cho mình để đi sửa.

Mình nhớ ở Sàigòn, có lần một tên quen ở đàlạt chở đi đâu thì bị một cô chạy Honda quẹt vào khiến cả hai xe đều té, cô lái xe đụng thiên hạ, đứng dậy chửi bới bú xua la mua, nắm áo tên quen la bai bải khiến tên này chới với kêu được rồi, được rồi, móc túi đưa hết tiền có trong ví cho cô nàng có cái mồm to.

Hôm trước, bạn mời đi ăn BBQ, ngồi nói chuyện với một anh chàng trẻ hơn mình 10 tuổi. Anh chàng kể muốn giữ truyền thống gia đình, nên có dạo hay đánh con vì quen bị ông bố đánh khi xưa. Cô vợ sót ruột nên cứ đứng cản bảo đánh tui, đánh tui còn bà mẹ vợ thì cầm cái điện thoại, bảo sẽ kêu cảnh sát. Có lần giúp con làm bài rồi thằng con không hiểu là anh chàng khệnh cho vài tát khiến thằng con tức quá, nói con không hiểu mới hỏi, ba không chỉ, tiếng anh của ba phát âm không đúng, nghe mệt thở sao lại đánh con. Anh chàng kể; nghe thằng con cự lại nên khựng người, quăng cái máy tính rồi chạy ra sân, chơi một chai bia ừng ực và từ đó hết đánh con. Mình đoán là anh chàng không diễn đạt được rõ ràng bằng anh ngữ ESL nên thằng con không hiểu nên cứ quen cảnh dạy con ở Việt Nam rồi phang con mình.

Có thể văn hoá võ biền là di sản của chiến tranh, trong thời chiến người ta thấy các cuộc đấu tố, bắn chết trưởng ấp, thủ tiêu những người bất đồng chính kiến như trường hợp ông Phạm Quỳnh bị giết, hay nhạc sĩ Văn Cao, đại uý đặc công được phái tới nhà ai ở Hà Nội bắn chết do đó mình không nghe nhạc Văn Cao, ám sát những người làm việc cho chính quyền VNCH như ông bầu và thủ quân đội tuyển đá banh Đà Lạt trước nhà hàng Nam Sơn, để dành lấy chiến thắng nên sau hoà bình, họ vẫn tiếp tục lối sống, suy nghĩ như xưa; chỉ dùng bạo lực mới làm xong chuyện và dần dần tạo nên một loại văn hoá võ biền không tin vào trật tự, luật lệ như Napoleon khi xưa từng nói: "l' état c'est moi!"