Hôm nay mình đi Tây Đô chơi. Cách đây mấy năm có đi vùng Mỹ Tho, Bến Tre, quê hương đồng khởi của VC qua du lịch cà phê Sinh. Kỳ này đi với vợ chồng anh bạn đồng môn của đồng chí gái với xe hơi riêng để viếng vùng mà trong thời pháp thuộc họ gọi là Basse Cochinchine nên thỏai mái hơn.
Thời Pháp thuộc, Việt Nam được chia làm 3 miền: Tonkin hay Đông Kinh (Đằng Ngoài) dưới quyền bảo hộ (protectorat), Annam thuộc triều đình Nguyễn và Cochinchine, miền Nam thuộc L'union Française, coi như tự trị không thuộc vào chính quyền của triều đình Nguyễn.
Xe chạy ngang tỉnh đầu tiên là Long An, khiến mình nhớ đến tuồng cải lương Con Gái Chị Hằng do Thanh Nga thủ diễn với ông cò quận 9. Dạo ấy Sàigòn chỉ có mấy quận nên người ta đặt quận 9 để không đụng chạm đến mấy quận trưởng thời đó. Ngày nay thì mình thấy có cả quận 11, 12 chi đó.
Xe chạy qua thành phố Cai Lậy khiến mình nhớ đến những đứa trẻ đang nô đùa trong sân trường khi xưa bị VC pháo kích ban ngày chết thê thảm. Bao nhiêu năm qua nhưng không hiểu sao mình vẫn nhớ đến cuộc thảm sát này, được quay lại trong phim "Áo lụa Hà Đông", có cảnh VC pháo kích nơi sân trường khiến cô bé bận áo cưới của mẹ, may bằng lụa Hà Đông, nằm chết như mơ.
Thấy bên đường có nhiều quán gọi lạc Cà Phê Võng, cà phê Wifi rồi cà phê "kho" trên sông thêm Thịt Trâu nhúng Trèm, loại nhúng rượu. Đa số các món ăn bình dân là cơm sườn, hủ tiếu... Các đặc sản miền Tây là bánh Pía. Hàng quán thì nhiều nhưng không thấy khách gì cả. Người ta mở quán để sống qua ngày thì phải. Có khách thì tiếp, nấu nướng không thì làm chuyện khác.
Mình khám phá một điều là ở Việt Nam, có nhiều nhà mở tiệm phở, bún,… sáng họ mở bán, hết nồi bún, nồi phở thì đóng cửa. Xong om. Mình nghe một tên bạn học cũ, nay mở quán bán miến gà, chạy lại tìm thì tiệm hắn đóng cửa ban ngày, mở vào ban đêm. Không như ở Hoa Kỳ, phải bán cho đúng giờ, mở và đóng. 2 nguyên tắc bán buôn khác biệt. Một bên thì bán để cố làm ra tiền cho nhiều còn một bên thì bán đủ xài trong ngày. Có những hàng quán ở Việt Nam cũng bán như ở Hoa Kỳ, mở đóng đúng giờ, xem như chuyên nghiệp còn mấy quán nhỏ nhất là ở tỉnh lẻ thì bán đủ xài kiểu nghiệp dư.
Điểm đến đầu tiên là tỉnh Sadec vì anh T muốn cho mình viếng căn nhà của ông Huỳnh Thuỷ Lê, nhân vật chính trong tác phẩm "l' amant" của nhà văn Marguerite Duras mà mấy năm về trước được quay thành phim, khá nổi tiếng với những cảnh nóng.
Căn nhà này trở thành nơi để du khách đến viếng tỉnh này cũng là nơi để moi tiền du khách. Hình như người ta chiếm đất phía sau nhà, khi ông này sang Tây vì thấy căn nhà bị giam hảm 3 phía, không có sân sau. Căn nhà được xây kiểu tây loại Rococco thêm mắm muối kiểu tàu nên hơi hơi quái thai.
Mình thấy cái cửa phụ đóng bằng các thanh gỗ tròn mà chủ nhân kéo lại vào buổi trưa khi nghỉ trưa để gió từ bờ sông thổi vào cho mát đồng thời báo cho người quen mình đang ngủ trưa, không được quấy rầy.
Ai muốn ngủ lại qua đêm để bay bổng về miền văn chương của bà Duras thì trả tiền nhưng mình nghĩ chắc đau lưng vì nằm trên bộ ngựa. Nhìn trần nhà thì thấy một phần được trùng tu lại nhưng lại khác với mấy trần nhà khác khá cũ kỹ thì hỏi phần nào là nguyên thủy thì được biết tất cả là nguyên thủy ngoại trừ phần mới được tân trang lại bằng thạch cao.
Cái khổ của Việt Nam là khi trùng tu lại các di tích lịch sử thì không hiểu họ cố ý hay không suy nghĩ nên cứ tư duy đột phá một cách vô tư. Thay vì làm lại như xưa thì họ lại đập phá cái cũ rồi thay vào cái mới, hiện đại hơn khiến chả còn gì là di tích lịch sử. Tưởng tượng một bức tranh của Leonardo da Vinci lọt vào tay họ, thay vì nghiên cứu màu sơn, cách vẽ của họa sĩ, họ cứ vẽ cái mới rồi ký tên Da Vinci.
Mình có thấy một cổng thành ngoài Bắc, họ đập phá cái cổng thành được xây cả mấy trăm năm trước để xây lại cái mới bằng gạch thay vì bằng đá ong như xưa tương tự họ chặt cây mấy 100 năm ở Hà Nội và Sàigòn để trồng mấy cái cây mới rẻ tiền hơn.
Hai bên hông phía sau nhà có hai nhà vệ sinh có nhà tắm đứng rất hiện đại để du khách muốn tìm cảm hứng về một thời, ngủ lại đêm sử dụng. Trên bàn thờ thì thấy thờ hình ông Quan Công, ông tướng pédé nổi tiếng trong Tam Quốc Chí, bên trái có vài tấm hình gia đình ông Huỳnh thời Tây ở Paris. Chả có gì gọi là đáng để phải chạy mấy chục cây số thêm trời oai bức.
Xe chạy về Cần Thơ mà ngày xưa người ta gọi là Tây Đô, nơi mình sẽ ngủ lại đêm. Anh T ghé lại Chợ Nha Mân để chụp vài tấm hình. Nghe nói con gái vùng này đẹp nhất miền nam vì khi xưa, Chúa Nguyễn Ánh chạy trốn quân lính Tây Sơn, đem theo các cung nữ, cho họ lấy những người giúp ông ta trốn quân Tây Sơn khi ông ta đi Pháp cầu viện. Không nhớ đã đọc ở đâu. Có lẻ Nam Kỳ Lục Tỉnh của thầy Hứa Hoành.
Đến Cần Thơ, vợ chồng anh T và mình ghé vào tiệm ăn Nam Bộ, đối diện bến Ninh Kiều, ăn Cá kho tộ và canh chua Cá Ba Sa thêm tôm rim. Ngon cực vì Cá và tôm rất tươi không như Cá đông lạnh ở bên mỹ nên thịt mềm cực. Nghe nói du khách ngoại quốc ăn ở đây nhiều nên nhà bếp róc hết xương.
Sau 75 có câu vè về bến Ninh Kiều:
Chiều chiều ra bến Ninh Kiều
Dưới chấn tượng bác Đĩ nhiều hơn dân
Dưới chấn tượng bác Đĩ nhiều hơn dân
Sau khi lấy phòng khách sạn, ngủ một giấc thì anh T đánh thức mình dậy, ra bến Ninh Kiều bên dòng sông Hậu (Hậu Giang) để lấy ghe đi hóng gió. Ra bến thì thấy vài "cò ghe" chạy lại hỏi nhưng anh T nói là đã có "mối" rồi thì nghe ai kêu Đầu Trọc thì ra người quen của anh là chủ ghe. Chị này kể là có người đóng ghe cả năm mà chưa được cấp giấy, đưa 50 triệu mà người ta không thèm lấy. Có ghe đưa du khách đi chơi kiếm tiền nên cán bộ làm khó dễ để kiếm thêm lợi nhuận.
Ngồi trên ghe khiến mình nhớ đến cảnh đồng chí gái đi vượt biên mà mình đã kể. Ghe chạy ra phía cầu treo Cần Thơ do người Nhật xây dựng. Cầu được đúc bằng bê tông có cáp treo sơn màu đỏ nung, đã giúp người dân đi qua đi lại lên Sàigòn nhanh chóng, giúp phát triển kinh tế. Nghe kể khi xưa muốn lên Sàigòn phải mất cả ngày vì phải đi qua mấy cái phà mà trong phim "người tình" có quay lại cảnh này.
Trong khi làm cầu thì vài người nhân công bị tai nạn chết nên người nhật có làm cái miếu để thờ các liệt sĩ lao động gần bên chân cầu. Việt Nam có cái bệnh liệt sĩ, ai chết cũng được gọi là liệt sĩ, chết vì nhậu say, được phong là liệt sĩ Heineken,… Mình thấy có một căn nhà màu trắng to, nghe nói là tiệm ăn, nơi được lấp đất một khúc trên sông. Kiến trúc hình thù thì không thấy có cửa sổ. Bên cạnh đó thì thấy bãi tắm, có nhiều cái dù. Anh tài công nói là lúc đầu dân đến tắm đông nhưng rồi có vài đứa bé chết đuối khiến dân trong vùng sợ Hà Bá. Nói nước sông rất sạch. Nước sông chảy xiếc, muốn tắm thì phải làm hàng rào bằng phao trong một chu vi, để người ta không bơi xa, tránh tai nạn. Cho người canh và ca nô để có gì thì chạy đi cứu vớt.
Nói đến chết đuối, hôm mình về thì có tin mấy đứa trẻ chết đuối ở sông Trà Khúc, gần quê của anh T nên anh chị T gửi tiền phúng điếu giúp các tang quyến. Nghe kể bố mẹ bỏ quê đi làm ăn xa, để con lại cho cha mẹ nuôi dùm. Khổ!
Quay về thì anh T hẹn sáng mai lấy ghe đi chợ nổi Cái Răng vào 5:00 sáng. Chị T hỏi có muốn mua bánh Pía về cho vợ, đặc sản của người Minh Hương, kiểu bánh đậu xanh trộn soài riêng, có trứng muối như bánh trung thu. Mình ăn thử thấy ngọt, chơi trái dừa tươi nhưng chắc còn non nên chua chua.
Trên xe, chị T cho ăn me cam thảo có trộn khoai lang dẽo Đà Lạt rất ngon. Họ cuốn thêm khoai lang dẽo ngoài trái me cho to hơn để làm thành kẹo theo khuôn rồi gói giấy bạc như kiểu kẹo sô cô la của tây phương. Anh chị T tặng đồng chí gái 2 gói kẹo này do các nữ tu làm nhưng vẫn chưa biết họ dùng chất bảo quản loại nào vì khoai lang nếu không sấy khô sẽ bị hư sớm.
Ghé về khách sạn để ăn tối cho chắc ăn. Ăn trưa trễ nên không thấy đói nhưng cũng ăn cho xong bữa. Nhà hàng họ chạy đi mua nước mía bên ngoài chợ đêm, uống ngon cực. Mình chơi hai ly vẫn còn thèm. Chợ Đêm của Cần Thơ nổi tiếng vì dân sống vùng sông nước, ghé bến Ninh Kiều vào đêm để mua và tãi hàng xuống ghe để đem về bán ở quê họ hay các chợ nổi.
Mình cứ thắc mắc là mấy nhà được "trồng" trên mấy cái cây, không sợ bị nước làm mục thì anh T cho hay họ dùng cây "cừ tràm" mà mình thấy dọc đường, loại này không bị mục nên được dân miền sông nước dùng để làm nhà trên sông. Loại gỗ này mà làm ván ép hay mấy cái Đà gỗ ép là hết xẩy. Không biết có ai nghĩ đến chưa.
Ăn xong về phòng thì nhận email của NVT cho biết đã tìm ra tin tức Huỳnh Kim Sang, nghe nói ở Houston. Mình sẽ liên lạc tên này khi về mỹ. Hắn ở cùng xóm và chơi thân với NVT khi xưa. Viết vài dòng rồi mình ngủ vì sáng mai đi chợ nổi Cái Răng vào lúc 5:00 sáng.
Nhs
Gọi số điện thoại hks nhưng tổng đài bảo là không còn sử dụng. Chán mớ đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét