Thằng Đôn

Trên xóm mình, có thằng Đôn mà con nít hay gọi Đôn Lò, lớn hơn mình mấy tuổi, học trường Trần Hưng Đạo. Mình cũng bắt chước gọi nó Đôn Lò, sau này nghe Đinh Gia Lành nói tiếng lóng thì mới hiểu cái ý thâm thuý này. Tên Lành này, hàng xóm với mình, mỗi lần có mặt cha mẹ là nó xổ tiếng lóng để cho bố mẹ không hiểu. Tên này nói hay lắm, nay ở tiểu bang Washington. Gia đình thằng Đôn theo đạo, dân di cư 54, bồi dưỡng rau muống, cà cuống với tương Cự Đà trường kỳ từ mấy đời nay. Bố nó làm công chức ở ty Kiến Thiết.
Nó có 2 bà chị, 1 ông anh và 2 thằng em. Nghe kể, bố mẹ nó lấy nhau ở ngoài bắc, sinh ra 2 cô gái đầu nên bà nội nó muốn bố nó lấy vợ bé để kiếm thằng cu tí nối giòng. Bà ngoại nó thấy người bà con cùng làng nghèo, sinh được 1 con trai nên xin cho mẹ nó nuôi chung với chị Trâm của nó. Mẹ nó ít sữa nên chỉ cho thằng con nuôi bú sữa còn chị Trâm nó thì cứ húp nước cháo trắng nên sau này còi như con mắm.
Cuộc đời quái lạ, sau khi có thằng con nuôi thì mẹ nó sinh một lượt 4 thằng con trai, rồi Điện Biên Phủ đến, đất nước chia đôi, gia đình nó gồng gánh vào nam. Có lẻ hết bị xì trét, mình biết vài người không có con, xin con nuôi xong thì đẻ năm một. Bà nội nó kêu là già rồi nên không đi, ở lại lo mồ mả tổ tiên, kêu để thằng anh nuôi của nó ở lại, chăm sóc bà ta vào tuổi già rồi năm 1956, không có tổng tuyển cử, gia đình nó bặt tăm không còn liên lạc với bên nội và ngoại còn lại ngoài Bắc.
Mình bị người lớn cấm chơi với dân có đạo vì vụ ông Thích Trí Quang, kêu gọi Phật tử đem bàn thờ Phật ra đường thờ khi phái đoàn quốc tế đến viếng Việt Nam, để xem tình hình. Thời đó vui, mấy nhà theo đạo Phật thì cứ đem bàn thờ ra đường. Mấy thằng con nít như mình thì đi ăn cắp chuối quít ăn rụng răng luôn. Xóm Kiến Thiết thì chỉ có nhà thằng Đôn là không có bàn thờ ngoài đường.
Mẹ nó kêu mình là Người Nương, phải trở về đạo khiến mình tăm tối mặt mày vì trên trường, đa số tụi học chung lớp hay kêu mình là Kampuchia hay Mọi vì đen, nay mẹ nó kêu mình người Nương là người gì. Sau này lớn lên mới hiểu bà ta nói ngọng. Chán mớ đời.
Mấy năm đầu vào Nam, bố nó tiếp tục làm công chức nên hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng sung túc đến sau Mậu Thân thì chiến tranh leo thang, vật giá cũng theo đó mà lên. Quân đội miền bắc dùng vàng của Liên Sô chi viện, đem vào nam mua hàng hoá lậu qua dân nằm vùng, nuôi quân. Chiến tranh, không trồng trọt được nhiều lại phải nuôi quân cho hai miền nên vật giá theo cung cầu leo thang nên đời sống công chức với đồng lương cố định của bố nó, thêm chị em nó lại đến tuổi ăn tuổi trổ giò nên gia đình hơi kham khổ.
Lâu lâu mình ghé nhà nó chơi thì thấy bố nó cứ ngồi một chỗ nơi cái bàn, cặm cụi đọc sách, lâu lâu tru lên một tràn ho, mẹ nó chạy lại thổ thổ cái lưng. Bố nó có vẻ xa cách con cháu, ít thấy đứa nào lại gần. Chị Trang nó nghỉ học đi lấy chồng, vào Sàigòn ở. Chị Trâm nó học Bùi Thị Xuân, nghe nói học rất giỏi, đậu tú tài toàn phần rồi đậu trường Phú Thọ nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Bố nó đau, tiền thuốc men, bác sĩ nên phải đi học sư phạm 2 năm làm cô giáo thay vì học kỹ sư Phú Thọ.
Anh Tâm nó thì đậu tú tài xong thì gia nhập trường Võ Bị, đi đánh trận mút mùa con dế mèn. Bố nó thổ huyết rồi chết trên nhà thương Đàlạt. Sau này mới hiểu lý do vì sao bố nó xa cách mấy đứa con. Ông ta viết di chúc, nói bị đau ho lao nên ăn uống đều ăn riêng để tránh lây bệnh cho mấy đứa con. Ông muốn ăn chung, đi chơi với con mà dạo ấy chưa có thuốc trị bệnh lao này. Chị em nó đọc thư tuyệt mệnh của bố khóc như mưa Đàlạt vào tháng 7.
Mình thích đến nhà nó chơi vì cái radio. Dạo ấy nhà mình chưa có radio, nên mỗi khi có trực tiếp truyền thanh túc cầu là mình lại bò lên nhà nó để nghe đặc phái viên Huyền Vũ, tường trình trực tiếp tại sân Cộng Hoà hay ở ngoại quốc. Mình thì cả đời không biết sân Cộng Hoà có hình thù ra thế nào, lại nghe mấy thằng học cùng trường, ở Sàigòn lên, kêu có thêm trường đua Phú Thọ. Dân tỉnh lẻ nên chả biết gì. Vịt hoàn vịt.
Nhà nó có cái radio hiệu Philips của Hoà Lan, to đùng, vỏ bằng gỗ, sơn nâu và vải cho cái Haut parleur màu vàng. Haut parleur hình vuông ở phía trên, rồi có cái miếng bằng nhựa màu trắng, có đường gạch ngang ghi những số khz và cái kim màu đỏ thẳng góc với đường ngang này. Bên trái của miếng nhựa, có cái nút tròn để vặn âm thanh to nhỏ (volume), bên phải thì cái nút tròn tương tự để ra đài (Tuning).
Mỗi lần muốn nghe đài thì vặn cái nút âm thanh qua phải, theo đường dây đồng hồ, nghe cái tách rồi đợi mấy cái transistor nóng đèn lên. Khi nào nghe lè tè tè thì mới bắt đầu bắt đài, nghe rột rột, vặn qua vặn lại đến khi nghe hơi ít bị rè. Dạo ấy chỉ có đài Sàigòn, còn gọi là đài Quốc Gia và đài quân đội nhưng mỗi khi có trực tiếp đá banh của ông Huyền Vũ là hai đài nhập sóng để nghe ông ta nói khiến mình mơ thành trung phong Nguyễn Văn Chiêu hay làm thủ môn Lâm Hồng Châu dù chả bao giờ thấy họ đá trên sân. Ra sân đá banh với đám trên số 4, cứ làm như mình là trung phong Chiêu, bị chúng chém chân, té khăn vù vù.
Có lần mình được ông cụ dẫn đi xem đá banh ở sân vận động, cạnh bờ hồ, nay họ xây siêu thị, lòi ra trái dâu và artichaut, tượng trưng cho Đàlạt. Hai đội ở Sàigòn lên đá, thủ môn là Đực 1 và Đực 2. Hai ông thần này cứ thay phiên đá cho mạnh tới khung thành đội bên kia, chứng tỏ ta đây đá mạnh, còn ông sói đầu Đổ Thới Vinh lừa qua lừa lại.
Nhà mình có mấy ngàn tờ báo thể thao như Thao Trường,..với những ký giả thể thao như Nguyễn Ang Ca, Huyền Vũ,… mình đọc hết mấy tờ này vào mùa hè nhưng mê nhất là ông Huyền Vũ, mấy năm về trước, được tin ông ta qua đời ở tiểu bang Virginia, khiến mình buồn như chó đói mấy ngày vì ông ta đánh dấu tuổi thơ của mình, với những trận cầu quốc tế được ông ta tường trình trực tiếp như trận chung kết Merdeka, giải độc lập quốc tế Mã Lai năm 1966 mà Việt Nam đoạt giải vô địch.
Ngày nay có truyền hình High Definition nhưng không hiểu sao mình vẫn thèm được nghe giọng của ông Huyền Vũ ngày xưa. Mình xem đá banh thì xem đài Mễ vì có một tên phóng viên, nổi tiếng tên Andres Cantor nhờ tiếng kêu GOOOOOOAAAALLLLL dài cả mấy phút, tên này gốc Á Căn Đình, sang Hoa Kỳ học nhưng rồi mê đá banh nên làm ký giả về túc cầu. Ngày nay khán giả đài truyền hình xem đá banh, thích coi anh chàng này tường trình để nghe la ỏm cù tỏi.
Ngoài ra, nhà nó còn có cái máy nghe đĩa hát, hình vuông để trên bàn mà mình hay nghe anh chị nó mở bản “Smoke gets in your eyes” của bang nhạc The Platters. Sau này đọc Duyên Anh, có kể anh chàng nào hút thuốc rồi thả khói thuốc lên tóc cô bồ hay ai đó, lâng lâng trong bảng nhạc này nên mình bắt chước hút thuốc lá. Lấy gói Pall Mall của ông cụ, rút ra một điếu rồi bắt chước mấy thằng bạn, thổ thổ điếu thuốc trên bàn cho chặt điếu thuốc rồi châm lửa. Mình ho một tràn vi vu nên tởn tới ngày nay, không đụng đến điếu thuốc nên không có cơ hội trải nghiệm hình ảnh Smoke Gets In Your Eyes. Chán mớ đời.
Thằng Đôn học giỏi nhưng không hiểu sao sau này nó hay đập lộn, tụ băng tụ nhóm đánh nhau trên trường hay tên nào chạy xe qua khu nhà nó ở thì mấy tên trong xóm nó, chận lại đánh hội đồng rồi tụi này, kêu 302 lên lùng xóm nó.
Một hôm, mình ghé nhà nó chơi thì nó kêu đi với nó. Hoá ra nó mê con Thanh, học Bùi Thị Xuân, nhà đối diện trường Đa Nghĩa. Đứng trên dốc nhà nó, nhìn xuống đường thì nó chỉ con Thanh, đi học về, nha nhô nhí nha với cô bạn đi chung. Nó hỏi mình con Thanh được không? Mình nói Duyệt. Dạo ấy mình chưa đeo kính cận nên xa xa thấy cô nào cũng đẹp. Một hôm nó kêu mình đưa cái thư cho con Thanh, lại đưa thêm trái mận. Nhà thằng này có cây mận Trại Hầm rất ngon, trái màu đỏ nâu nâu, ruột màu đỏ, ngon cực kỳ. Bố nó lấy vôi, chôn xung quanh cây nên trái ra rất ngọt, khác với những cây mận trong xóm. Nghe nói đất dưới khu Trại Hầm, có vôi nên mận dưới đó nổi tiếng vị ngọt, ngày nay, dân tình chặt hết cây mận để trồng cà phê, có lợi nhuận nhiều hơn nên về Đàlạt nay không thấy người ta ăn mận như thế hệ mình ngày xưa.
Mình cầm trái mận rồi chạy xuống đường Hai Bà trưng, chạy theo con Thanh, đưa lá thư của thằng Đôn cho nó, kêu là của thằng Đôn đưa. Hoá ra con Thanh nhà ở trước trường Đa Nghĩa, em của thằng Hùng mà hồi nhỏ mình hay đá banh ở trường Đa Nghĩa. Thế là cứ lâu lâu, mình được thằng Đôn cho ăn mận để làm nghề đưa thư, sau này lớn lên qua Văn Học, cũng bị làm nghề đưa thư cho gái dùm mấy thằng học chung, cũng được trả công bằng ổi và mận.
Một hôm, đưa thư cho con Thanh, con này đưa lại cho mình lá thư cho thằng Đôn. Thằng Đôn run run mở thư ra đọc rồi kể là con Thanh muốn nó thi đậu vào Phú Thọ rồi mới đi chơi với nó. Kể từ đó thằng Đôn học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, quyết đậu vào đại học Phú Thọ nên mình hết được ăn mận. Mình cũng hết đến chơi nhà nó vì bắt đầu để ý đến Lá Diêu Bông.
Năm đó thằng Đôn rớt tú tài nên mộng đi chơi với con Thanh như tiêu tùng. Nó chán đời, đi lính rồi nó chết trong lần ra trận đầu tiên ở Cai Lậy. Đám ma nó buồn, chỉ có mình và thằng Hải trong xóm đến thắp hương. Nhìn lại đã 45 năm. Thằng Hải, năm sau lại thất tình sao đó, lấy súng Colt của ba nó tự tử.
Chán mớ đời