Tân Thực dân

Nguyễn Hoàng Sơn

Sau đệ nhị thế chiến, các thuộc địa của Âu Châu bỗng nhận thức rằng các mẫu Quốc không giàu mạnh tuyệt đối như họ từng tin tưởng vì trong mấy tuần lễ, quân đội Đức Quốc Xã đã chiếm đóng Hoà Lan, Bỉ Quốc, Pháp nhất là Anh Quốc bị không quân Đức đánh phá nát tan nên các phong trào đòi độc lập được thành hình rất mạnh ở các thuộc địa Á Châu và Phi Châu, tương tự khi Nhật Bản đánh thắng Nga Hoàng vào đầu thế kỷ 20 khiến các phong trào Đông Du rộ lên, du học sinh sang Nhật Bản để học hỏi.

Liên Xô lên án chế độ thực dân, tư sản từ khi cuộc cách mạng 1917 thành công và đang truyền lửa cách mạng khắp thế giới để cùng xây dựng thế giới đại đồng. Ở Việt Nam, người Việt chứng kiến những binh sĩ Nhật nhỏ bé, thường kêu Nhật lùn đã bắt trói các "ông Tây" khi họ đánh chiếm Đông Dương trong một đêm như nhà Văn Duyên Anh kể trong "thằng Vũ". Khi Pháp thay Anh Quốc đổ bộ lại Đông Dương để giải giới quân đội của Nhật Hoàng thì các phong trào kháng chiến vùng lên, liên quân với đảng cộng sản quốc tế để chống quân đội Pháp.

1947, Anh Quốc rút khỏi Ấn Độ không quên giúp đất nước này chia thành 2 quốc gia: Ấn Độ và Pakistan rồi dần dần trao trả độc lập cho các thuộc địa khác của mình. Pháp thua trận Điện Biên Phủ, phải rút quân ra khỏi Đông Dương rồi Algerie sau những tổn thất quân sự nên dần dần phải trả lại độc lập cho các thuộc địa khác ở Phi Châu và Trung Mỹ.

Các nước Tây phương lo lắng, sợ mất quyền lợi về mua bán nhất là các mỏ than, dầu hỏa, nguyên liệu cần để phục hồi nền kinh tế hậu chiến của họ nhất là Liên Xô đang kêu gào xây dựng một Thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Dạo mình sang Pháp 2025% cử tri là đảng viên cộng sản.

Về đối ngoại, Hoa Kỳ lo sợ Liên Xô sẽ gây ảnh hưởng nhiều ở các nước Tây Âu nên phải thành lập chương trình Marshall, bơm tiền để giúp các nước Tây Âu khôi phục lại nền kinh tế bị phá vỡ trong mấy năm chiến tranh còn về đối nội là lo ngại nhất nếu không có nhiên liệu và nguyên liệu rẽ thì kinh tế của họ sau đệ Nhị thế chiến có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế (great depression) như sau đệ nhất thế chiến.

Những cuộc thay đổi quyền lực chính trị và kinh tế ở Guatemala, Ba Tư và Ai Cập trong thập niên 1950 đã đánh dấu sự chuyển tiếp hay thay đổi thái độ chính trị của các nước Tây Âu. Năm 1951, thủ tướng Ba Tư Mohammad Mossadegh, được bầu theo thể thức dân chủ, quốc hữu hoá các giếng dầu của Anglo-Iranian Oil Company và sau này được đổi tên là British Petroleum. Lý do là 92% tiền lời của sự khai thác dầu hỏa Ba tư đều lọt vào tay của công ty này trong khi dân chúng Ba Tư lại đói, nghèo nàn. Ông ta muốn dùng lợi tức của dầu hỏa để canh tân đất nước.

CIA của Mỹ thực hiện "chương trình Ajax" do Kermit Roosevelt, cháu của dòng họ nổi tiếng Roosevelt, hạ bệ và bắt vị thủ tướng có tinh thần quốc gia này, lập lại chế độ quân chủ mà sau này bị ông Ayattolah Khomeiny lật đổ qua cuộc cách mạng hồi giáo. Công ty British Petroleum đền ơn, chia sẻ dầu hỏa rẻ tiền với Hoa Kỳ.

Khi tổng thống được dân cử đầu tiên Jacobo Arbenz của Guatemala, dựa theo tinh thần của Homestead Act do tổng thống Abraham Lincoln ký năm 1862, quốc hữu hoá các đất đai không sử dụng của địa chủ và công ty United Fruit Company của gia đình Bush. Hai ông John Dulles, ngoại trưởng và Alan Dulles, giám đốc CIA là thành viên của hội đồng giám đốc của công ty UFC, nhờ tổng thống Eisenhower can thiệp, lật đổ tổng thống Arbenz và hơn 15,000 nông dân ủng hộ "người cày có ruộng" bị giết hại. Dạo minh đi viếng thăm nước này thì chiến tranh du kích của nhóm thân cộng sản vẫn còn kéo dài, thấy cầu cống bị xụp do quân du kích phá hủy.

Tương tự tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hoá kinh Suez năm 1956. Ông ta muốn dùng lợi tức của con kênh này nằm trong tay các công ty Tây Âu để xây dựng cái đập, phát triển nền kinh tế hậu thực dân. Không may cho ông ta là Liên Xô đang lo lắng vụ chính phủ cải tổ Imre Nagy của Hung Gia Lợi, đem quân xâm chiếm, trừng phạt Budapest, tương tự Prague năm 1968 để tránh các chư hầu nổi loạn nên làm ngơ để cho các quân đội Anh Quốc và Pháp phong tỏa con kênh này.

Sau khi được trao hồi độc lập, các thuộc địa cũ bắt đầu canh tân đất nước họ và các nhà lãnh đạo dựa theo khuôn mẫu của Tây phương vì họ đều được đào tạo, theo học tại mẫu quốc như ông Léopold Senghor của Sénegal, Jawaharla Nehru của Ấn độ, Kwame Nkrumah của Ghana, hay Ngô Đình Nhu của Việt Nam.... Cái khổ là khi chính quyền thực dân ra đi thì không để lại một tầng lớp có khả năng quản lý, phát triển đất nước vì đa số là được thực dân đào tạo để làm thông ngôn, thư ký thêm không có một giai cấp về buôn bán.

Ở Việt Nam ta thấy khi xưa, ít có người như ông Bạch Thái Bưởi có thể cạnh tranh với nhóm thương gia của Chợ Lớn vì xã hội theo văn hoá "sĩ nông công thương", trọng kẻ có học hơn kẻ làm thương mại. Khi người Pháp ra đi, để lại cái lỗ hổng trong nền hành chính, kinh tế của Việt Nam. Ở miền nam, ta thấy các nội các của Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn An Ninh rất ngu dốt, các tướng cướp như 7 Viễn của Bình Xuyên, 3 Cụt,... trong khi miền Bắc theo kinh tế bao cấp nên đã tiêu diệt hết tầng lớp tư sản và phú hộ qua các cuộc đấu tố trong cuộc cải cách ruộng đất. May thay, ông Ngô Đình Nhu nhờ bạn học làm dân biểu quốc hội Pháp can thiệp với chính phủ De Gaulle, đưa ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng cho Bảo Đại, mua đứt 7 Viễn cho sang Tây sống những ngày cuối đời của con hùm Bình Xuyên.

Trong giai đoạn đầu, các thuộc địa cũ dùng các đồ án lớn như bàn đạp để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Nước Ghana có chương trình xây đập Amosombo, xây cái đập lớn nhất thế giới để xây dựng các nhà máy biến Bô Xít. Nhưng muốn xây dựng các công trình này thì các quốc gia tân lập này cần rất nhiều tiền nên phải vay tiền đầu tư ở các Ngân hàng Tây phương như Ngân Hàng Thế giới (world Bank) hay IMF. Đó là nguyên nhân đưa đến các tệ hại xã hội chính trị của chế độ hậu thực dân tại các nước vừa được trao lai nền độc lập.

Các quốc gia Tây phương phải đương đầu với vấn đề làm sao vẫn mua được nguyên liệu rẻ từ các thuộc địa cũ của mình. Họ ngộ ra rằng: trao trả độc lập cho các thuộc địa cũ thì giúp các quốc gia tây phương này giảm chi tiêu trong việc hành chánh, quân sự để bảo toàn tài sản đầu tư tại các nước sở tại và kiểm soát chính trị tại địa phương và kinh tế bằng cách giúp các tên lãnh đạo vâng lời họ để vẫn được những đặc quyền về kinh tế. Họ mượn những tay sai tại địa phương làm công việc thái thú của họ khi xưa và trả tiền rất hậu qua các cuộc chuyển vay và mượn tiền.

Cái khó là các thuộc địa cũ có thể không nghe lời, tước bỏ các quyền lợi kinh tế như Algerie đã đuổi dân Tây về Pháp. Kaddafi tống cổ các quan thầy Ý đại lợi ra khỏi sa mạc Phi châu. Do đó các nước Tây phương dùng chính sách cho các quốc gia tân lập mượn tiền để đầu tư. Trong cuốn "Confessions of an economic hit man". Ông John Perkins kể là công ty của ông ta đại diện cho những công ty hay chánh phủ Hoa Kỳ nghiên cứu những đồ án phát triển cho các quốc gia đệ tam thế giới rồi chính phủ Hoa Kỳ giúp mượn tiền của Ngân Hàng thế giới với điều khoản là các công ty Hoa Kỳ sẽ được trúng thầu. Các nhà lãnh đạo sẽ ăn cắp bớt tiền rồi nếu thâm hụt thì lại mượn thêm tiền để làm giàu cho tầng lớp lãnh đạo. Miền Nam khi xưa, có rất nhiều đồ án do hãng RMK lãnh thầu của những chương trình USAID.

Các nhà lãnh đạo của các nước đệ tam thế giới nào anh minh, muốn giúp đất nước họ canh tân sẽ bị CIA giúp mất tích trong các chuyến bay như cựu tổng thống của Panama, không chịu ký gia hạn hợp đồng sử dụng con Kênh với tổng thống Carter hay tổng thống Ecuador không muốn cho các công ty Mỹ khai thác mỏ dầu. Những người vâng lời ngoại bang như tổng thống Mobutu Seko của cộng hoà Zaire, một thuộc địa cũ của Bỉ quốc, bỏ túi hơn 59% số tiền vay hay được các nước viện trợ hay Ferdinand Marcos của Phi luật Tân làm giàu trong thời gian quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Những kẻ cứng đầu như Allende, Peron, Ngô Đình Nhu,.., thì bị quân đội được CIA mua chuộc làm đảo chánh và các tướng như Pinochet hay đám quân phiệt thay nhau cầm quyền còn Việt Nam thì chúng ta đã hiểu những gì xẩy ra sau 1/11/63. Các nhà lãnh đạo cứng đầu như Sadam Hussein, Hugo Chavez, Khaddafi thì được tuyên truyền như các tên khủng bố. CIA nhúng tay vào máy bay nổ tung của công ty hàng không Nicaragua hay Cuba như mấy thành viên phục quốc gốc Cuba, bị bắt tại Venezuela, khai khi ra toà được CIA trả trên $200,000.

Sau trận chiến Yom Kippour, các quốc gia dầu hỏa ở Trung Đông tăng giá dầu để trả thù Hoa Kỳ đã giúp Do Thái, tạo ra hiện tượng là tiền bán dầu lửa quá thặng dư, tràn ngập các Ngân hàng Hoa Kỳ. Xin nhắc lại Hoa Kỳ đã bỏ chính sách dùng vàng để bảo chứng Mỹ kim từ thời ông Nixon và có thể in tiền để trả nợ nhập cảng dầu lửa. Mình có coi cuốn phim "Carlos", nói về tên khủng bố gốc người Venezuela, cùng với nhóm khủng bố Đức, bắt cóc các bộ trưởng dầu lửa của OPEC đang họp ở Wien, thủ đô của Áo nên tự hỏi nhóm này có thể bị các chính phủ Tây phương giựt dây, giúp và trả tiền tổ chức của hắn bắt cóc vì sau đó các nước này rất hoà diệu và thân Mỹ.

Tiền thặng dư của dầu hỏa trong các ngân hàng Mỹ, Hoa Kỳ dùng để giúp các nước mới độc lập xây dựng, phát triển nhưng khổ cái là giới lãnh đạo các xứ này tham nhũng và dốt nên không ngóc đầu lên được. Tên nào cầm quyền lâu năm thì đám dưới quyền ganh tị nên lật đổ rồi cũng ăn như người tiền nhiệm hay nhiều hơn tương tự ông Mubarak của Ai Cập thay thế Anour Sadat.

Mình nhớ dạo học cao học về môn phát triển đệ tam thế giới ở Lausanne, Thuỵ Sĩ thì các công ty như Nestle cho học bỗng và gửi các giảng viên đến để nói về hợp tác trong tương lai. Trong lớp có rất nhiều tên thuộc loại con ông cháu cha ở Phi Châu, sau này mình được biết có vài tên làm lớn ở Congo, Mali,... Có lần một tên rủ mình sang Dakar làm việc cho hắn nhưng không thích lấy vợ Phi Châu nên về lại Âu châu. Mình nhớ các giảng viên kể một câu chuyện để các chuyên gia của các nước nghèo phải cẩn trọng với Nhật Bản. Toà đại sứ Nhật nhân danh tình hữu nghị, tặng không nước Congo 300 chiếc xe vận tải Toyota. Dân xứ lấy chạy xài đến khi hư thì phải mua đồ phụ tùng thì công ty này bán giá cắt cổ. Họ gọi con ngựa thành Troy.

Người ta nhận thấy số tiền lời mà các nước nghèo phải trả hàng năm là $375 tỷ, nhiều gấp 20 lần số tiền các nước này nhận giúp đỡ qua các chương trình phi chính phủ hay của cơ quan USAID. Có kinh tế gia đặt tên là chương trình Marshall đảo ngược. Trong cuốn "The mirage of Debt relief", ông James S. Henry cho biết các nước đệ tam nợ $130 tỷ năm 1973, năm 1982 lên đến $612 tỷ và năm 2006 thì tổng số nợ lên đến $3.2 ức. Gần đây, nước TQ sửa đổi số nợ cho Venezuela là $70 tỷ, chắc là bán dầu hỏa giá phải chăng hay Hy Lạp đang thương lượng với Thị trường Âu Châu để trả nợ còn không thì xù và ra khỏi Âu châu. Thí dụ Nhật bản viện trợ VN qua một chương trình hữu nghị $20 triệu cho một chương trình xây dựng nhà máy nào trị giá $30 triệu nhưng thật ra là cả $100 triệu Các kỹ nghệ như canh nông của Hoa Kỳ được chính phủ bảo trợ nên giá bông gòn sản xuất tại Mỹ rẽ hơn ở Phi Châu. IMF bắt buộc xứ Zambia bãi bỏ các thuế nhập cảng về áo quần nên đã làm khánh tận hơn 140 công ty may mặc địa phương của quốc gia này vì hàng đồ may mặc ngoại quốc tràn ngập xứ này. Xứ nghèo Haiti thì nông dân bỏ trồng bông gòn vì giá thành đắt hơn bông gòn nhập cảng từ Hoa Kỳ. Người ta nhận thấy cái trò về bảo vệ tài sản trí tuệ như hảng Rice Tec bắt nông dân Ấn Độ và Pakistan đóng tiền thuế "tai sản trí tuệ" để trồng trọt loại gạo Basmati mà tổ tiên họ đã sử dụng kỹ thuật từ mấy thế kỷ nay mà công ty này tự cho là tài sản trí tuệ của họ qua các tổ chức quốc tế. Tương tự nếu ai muốn giàu bỏ công của ra chế đúng hơn là viết lại công thức làm nước mắm nhỉ rồi cầu toà là giàu cả đời. Ai trên thế giới muốn làm nước mắm phải trả huê hồng.

Mình nhớ hồi nhỏ có nhà hàng xóm mua chiếc xe hơi hiệu Datsu mà người mình chê là đồ dỗm. Các chuyên gia Tây phương khuyên các công ty Nhật dạo đó, cứ tiếp tục sản xuất các đồ chơi rẻ tiền nhưng người Nhật không nghe và cứ tiếp tục nghiên cứu cách sản xuất xe hơi, mà ngày nay ta thấy xe của họ làm bền nhất thế giới, tương tự Nam Hàn với xe Huyndai hay đồ sản xuất của Samsung vào mấy thập niên trước...

Trong thương mại toàn cầu, người ta hay nói đến chiến tranh về thuế nhập cảng. Một chiếc xe ngoại quốc được nhập về Việt Nam sẽ phải đóng thuế 200%, lý do là các nước nghèo muốn có thì giờ để sản xuất xe của họ như Ấn Độ hay TQ thì họ sẽ đầu tư vào, thành lập các nhà máy sản xuất tại các nước sở tại và rút tiền về thoải mái. Cái khổ là người mình thích nổ nên bỏ tiền mua nên ngoại tệ không còn và nền công nghiệp xe hơi sẽ không bao giờ ngóc đầu lên.

Lấy thí dụ ở Hoa Kỳ, một cặp vợ chồng mới cưới được một tay địa ốc dụ mua căn nhà vì có an cư mới lập nghiệp. Mỗi tháng phải làm việc mệt thở hai job để trả nợ nhà Bank. Rồi lại phải mua xe hơi để đi làm rồi máy truyền hình thông minh,...., đủ thứ trò mà phải mượn tiền thẻ tín dụng hay Ngân hàng. Nợ chồng chất như nước Hy Lạp ngày nay không trả nổi. Nếu hai vợ chồng khai phá sản thì coi như tiêu đời vì người ta không cho mượn để thực hiện mộng lớn. Thí dụ này cho thấy một nước nghèo bị dụ dỗ để thực hiện chương trình chưa đúng lúc. Đáng lẽ phải thắt lưng buộc bụng để dành tiền rồi khi thời cơ chín mùi thì thực hiện.

Gần đây ở Việt Nam có sôi nổi vụ quốc hội đề xuất làm đường xe lửa cao tốc và sân bay Long Thành. Mình thấy họ dùng đồ án phi trường Hongkong mà mình có tham dự thiết kế lúc đầu khi làm cho công ty kiến trúc Norman Foster ở London trước khi sang Mỹ. Trước khi trao trả Hongkong cho TQ, chính phủ Thatcher rút hết tiền của Hongkong để xây dựng đủ trò và các công ty Anh quốc trúng thầu. Quốc hội cho là tốn 10 tỷ đô sau có người thắc mắc thì cho xuống 5 tỷ. Họ kêu là Tân Sân Nhất quá gần khu dân cư khiến mình nhớ đến phi trường quốc tế Mirabel ở Montreal được xây dựng hoành tráng cho thế vận Hội 1976, to lớn nhất thế giới thời đó. Ngày nay phi trường này bị bỏ phế, nghe nói sắp bị đập bỏ. Mình đoán là có những tên sát thủ kinh tế tàu dụ dỗ mấy ông lớn để xây dựng mấy chương trình này như Vinashin khi xưa. Năm 2009, mình viếng thăm Bắc Kinh, 1 năm sau thế vận hội được tổ chức hoành tráng thì bao nhiêu công trình te tua, nước mưa dột, bỏ hoang tương tự các hạ tầng cơ sở của Thế Vận Hội Athens, ngày nay tan hoang, một trong những nguyên nhân khiến Hy Lạp ngày nay không trả nợ nổi.

Năm 1992, ông Paul Wolfowitz, thứ trưởng ngoại giao, từng có mặt trong phái đoàn đàm phán của Hoa Kỳ ở hội nghị Paris, đề nghị một chiến lược ngoại giao cho chính phủ George Bush con, được gọi "Defense Planning Guidance 19941999"\. Chiến lược này đưa ra 3 điểm: quyền lực tối cao của Hoa Kỳ trong trật tự mới của thế giới, quyền của Hoa Kỳ được tấn công nhằm bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và quyền đổ bộ vào vùng Trung Đông để bảo vệ các giếng dầu, quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ mà ông Kissinger khi xưa từng tuyên bố là Hoa Kỳ sẵn sàng chiếm đóng các giếng đầu để bảo đảm nền kinh tế Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo cứng đầu của những quốc gia có dầu hỏa như Sadam Hussein, Hugo Chavez, Khaddafi không nghe lời Hoa Kỳ đều bị điêu đứng. Bush cho lính đổ bộ chiếm đóng và dùng chính sách Chia để Trị, làm tan hoang đất nước Iraq. Đám Sunnite đánh đám Shiites rồi đến dân gốc Kurd, nay nổi lên đám Cộng Hoà Hồi Giáo, đánh nhau dành các giếng dầu, bán dầu rẻ, trong tương lai sẽ chia quốc gia này thành mấy nước nhỏ, cần mua súng đạn là Hoa Kỳ hưởng lợi. Á rập Saoudite thì lo sợ cộng hoà hồi giáo xâm nhập nên mướn các công ty Hoa Kỳ xây bức tường ở biên giới. Cần nhắc lại là 19 tên khung bố quyết tử ngay 11/9/2001 đều là công dân của vương quốc này. Giá dầu sẽ giảm.

Hồi nhỏ học lịch sử, nghe mấy ông thầy nói đến chủ nghĩa Tân Thực Dân nhưng không được giảng nghĩa, có lẽ các thầy cũng chỉ nghe rồi nói lại, chưa có chứng kiến sự thật chủ nghĩa này ra sao. Cách đây 25 năm, đi kiếm vợ ở Colorado, tình cờ nói chuyện với một ông bố của một cô quen thì được ông ta tặng cuốn "Chuyên Đề VN", đọc rất hay, không ngờ chế độ đệ I VNCH có một người giỏi đã nhận thức ra vấn đề này. Gần đây mới biết tác giả cuốn sách ấy là ông Ngô Đình Nhu, vì vậy mình hay nói về ông này thay vì Ngô tổng thống.

Nhật Bản, Đức là những quốc gia theo Mỹ nhưng biết dụng tài năng của đất nước họ để biến thành những cường quốc, gần đây là Nam Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba. Nhật Bản vì nạn thiếu nhân mãn nên trong tương lai, không quan trọng tương tự TQ cũng có thể bị tan rã vì sẽ mất 1/3 dân số trong 30 năm tới thêm các môi trường bị ô nhiểm. TQ cũng mang cái bệnh của các nước nghèo khi bắt đầu canh tân, xây cái đập vĩ đại để rồi ngày nay chứng kiến những tai hại gây ra do đồ án này. Rác đổ ra con sông này nhưng không thoát ra biển được, người ta thấy xác chết của heo, bò,..., nổi lềnh bềnh trên sông.

Nếu mình không lầm thì VN có làm nhà máy điện kéo từ Bắc vô nam sau 75 mà không có ai lên tiếng ngăn cản là một chương trình tốn tiền, không hợp lý. Trong bối cảnh chính trị ngày nay là cơ hội cho những quốc gia nào may mắn có một thế hệ lãnh đạo, có tâm huyết để lèo lái đất nước trong cái thiên la địa võng của chủ nghĩa Tân Thực Dân thì sẽ còn hy vọng cho thế hệ sau, nếu không thì con cháu mấy đời sau vẫn làm nô lệ, trả nợ cho sự ngu dại và tham lam của cha ông. Các đại gia TQ hay VN đều tìm cách đem gia đình ra khỏi nước của họ vì họ đã hiểu viễn kính của tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét