Nguyễn Hoàng Sơn
Tuần trước có đám cưới con trai của một người quen đi vượt biên chung tàu với đồng chí gái nên tụi này có dịp gặp lại vài người đi cùng chuyến tàu định mệnh 30 năm về trước. Khi ông Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân cán chính của VNCH, đầu hàng thì đồng chí gái đang học Trưng Vương, cấp 3 rồi đậu tú tài, thi vào đại học tổng hợp, học ban Anh Văn. Dạo đó có phong trào vượt biên, ông cậu ruột đi tập kết, sĩ quan tuỳ viên cho tướng họ Võ về thăm bảo đi được thì đi nên cả dòng họ của gia đình đồng chí gái đi gần hết. Trong nhà có hai ông anh và một bà chị được thầy bói mù phán là có ligne de mer nên vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ, còn ông anh kế vì sợ đi nghĩa vụ quốc tế ở Kampuchia nên cũng tìm cách vượt biên mấy lần nhưng bị bắt hoài. Dạo ấy đồng chí gái đi học nhưng cũng theo bà chị dâu ra chợ bán hàng. Đi mua khoai để bán lại thì gặp cô bạn nói để cô ta đem về xóm cô ta bán dùm cho rồi không trả tiền nên chỉ ngồi ngáp ruồi vì nhà cô bạn nghèo, cha mẹ đông, em út nhiều. Đồng chí gái thuộc dòng Các Mệ nên không quen xoay sở ngoài chợ nên sang Mỹ thì ôm đầu đi học rồi đi làm công cho người ta.
Một hôm có một chị quen bán hàng gần đó hỏi có muốn đi chui? Đồng chí gái bảo là không có vàng thì cô này bảo sẽ cho mượn, sang bên kia đi làm rồi trả sau. Đồng chí gái bảo là nhà cần cho ông anh kế đi hơn là mình thì chị bạn hàng nói vậy là thêm 4 cây nữa, đủ 8 cây. Trời xui đất khiến sao thì lần đó đi thì lọt đến Nam Dương. Đồng chí gái chỉ nhớ là vừa xuống thuyền thì bà chị dâu của ông anh, ói lên đầu rồi ngồi vật vờ lênh đênh trên biển mấy ngày, các bà các cô trên Tàu rủ nhau có kinh khiến tài công vái tứ phương để tắt kinh. Lúc được tàu ngoại quốc kéo vào bờ thì ông anh kế nhảy xuống nước làm mất chiếc nhẫn mà bà cụ cho đem theo để bán để tiêu khi đến bờ. Mấy ngày đói khát trên biển nên tay chân gầy lại nên chiếc nhẫn tuột mất. Ông anh này tuổi khỉ như mình cho nên sau này khi quản lý đời mình thì đồng chí gái biết tẩy của mình như Tề Thiên nằm trong bàn tay của Phật nên không biết đâu là bến bờ. Hồi nhỏ mình hay đọc truyện tàu cho mệ ngoại vì bà không biết đọc. Mình mê Tây Du Ký kể cuộc hành trình của ông tăng nhà Đường đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, có 3 tên đệ tử đi theo phò mà sau này mình cảm nhận trong lòng mình có tính tham lam, mê gái như nhân vật Trư Bát Giới còn Tôn Ngộ Không như lý trí, lương tâm của mình, tìm cách diệt trừ các tham lam, mấy con quỷ đội lốt đàn bà con gái được quỷ thần phái đến phá hoại dụ dỗ mình. Con trâu Sa Tăng như ý chí con người, không sợ khó nhọc, khiêng gánh đồ đạc dọc đường cho 4 thầy trò. Con ngựa như thân thể con người phải cần được chăm sóc để có thể đi suốt hành trình còn Trần Huyền Tăng thì như tâm con người luôn luôn yếu đuối, dễ tin người nên hay bị đàn bà lừa.
Mình nhớ dạo đó có lần nhận thư nhà bảo thằng em kế đã lấy vợ nên viết thư về hỏi mới có 19 tuổi đầu mà đòi lấy vợ sau mới hiểu là nhà nói bóng nói gió là đã cho thằng em đi vượt biển. Dạo đó cứ mở truyền hình là thấy tàu vượt biên, nếu mình không lầm thì có con tàu đảo ánh sáng (île de lumière) do ông bác sĩ Bernard Kouchner làm trưởng đoàn, thuộc nhóm "Bác sĩ không biên giới", người Pháp quyên tiền để đi vớt tị nạn, có Đinh Quốc Anh Tuấn, học y khoa ở Paris, thành viên của tổng hội sinh viên Paris, viết nhạc rất hay, đi theo để làm thông dịch viên sau này sang Mỹ tu nghiệp nay mất liên lạc. Cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ, đồng chí gái là con út nên không tính đi vuợt biển, ở lại chăm non ông bà cụ nhưng có người không biết có nợ nần chi kiếp trước đến hỏi đi chui không vì gia đình cô ta đang chuẩn bị tàu để đi, không có tiền thì họ cho mượn. Có người thì đi biết bao nhiêu lần nhưng không thoát được, bị lừa mất hết của cải. Đồng chí gái vẫn nhớ ơn người cho mượn tiền nên năm nào dù ở Colorado vẫn gửi quà cuối năm. Lâu lâu mấy người đi cùng tàu gặp lại thì kể chuyện thời vượt biên rồi ở trại tị nạn rồi Palawan,... Mình thì không biết mùi vị vượt biên nên chỉ ngồi nghe, lâu lâu kêu ngáp ngáp u chầu, u chầu, rứa hỉ. Cùng sinh ra tại một quê hương hay trong cùng một gia đình nhưng mỗi người vác một thập tự khác nhau đi lên đồi Calvary.
Sau khi lấy nhau thì mình muốn đem vợ con về VN thăm gia đình một chuyến nhưng đồng chí gái nhất định không chịu vì những gian khổ sau 75 vẫn còn ám ảnh nhất là đại gia đình bên ngoại đã sang đoàn tụ bên Mỹ hết nên tụi này mời ông bà cụ sang chơi một năm. Bỗng một hôm, mình nhận được cú điện thoại từ VN, một giọng Quảng hỏi cho gặp đồng chí gái thì khám phá ra một người bạn xưa ở Hội An, khi đi học, có chân trong ban Tuổi Thơ do anh Thái Tú Hạp hướng dẫn. Hai người nói chuyện say sưa rồi mấy người bạn xưa ở Hội An rủ về thăm chùm khế ngọt nên cô nàng mới chịu về ra mắt mấy bà cô bên nhà chồng. Năm ngoái về thì liên lạc được với nhóm bạn học tổng hợp thời sinh viên nên ca bài Châu về hợp phố. Mình nhớ đêm ghé lại Hội An, quê hương của người Minh hương, khi nhà Thanh đánh đổ nhà Minh, khiến một số người vượt biển sang lánh nạn tại vùng này. Gia đình mình ghé lại đây thì đúng lúc đêm đó cả phố tắt đèn điện, xe cộ không được vào phố Cổ, đi khắp nơi thắp lồng đèn rất lạ, tưởng tượng 60-70 năm về trước, chưa có điện hoá ở thành thị hay thời Tây Sơn cho quân lính đốt phá khủng bố thành phố này khiến các thương thuyền ngoại quốc không dám trở lại. Mình nhớ phim "Áo Lụa Hà Đông" được quay ở đây. Có ghé thăm căn nhà mà gia đình đồng chí gái sinh sống tại đây trong thời gian ông cụ làm Phó tỉnh trưởng. Đồng chí gái kể khi ở Saigon thì có cô bạn hồi nhỏ ở Hội An vào chơi. Sau 75 thì bỏ học, đi học thợ may, nhà buôn bán nên có tiền, một hôm đi ngang một tiệm bánh thơm lừng lựng thì cô bạn này rủ vô ăn, nói tao bao. Trong thời bao cấp, ăn được cái bánh nhỏ xíu nhưng sao mà nó ngon vô ngần, hương vị ngày ấy vẫn theo đồng chí gái đến giờ. Sau này vượt biên thì mất tin tức đến mấy năm sau có người nhắn là cô bạn năm xưa bị đau thận, cần phải mổ xin đồng chí gái giúp đỡ. Mới ra trường, đang đi thực tập nên không có tiền nhiều nhưng cũng gửi về giúp bạn cũ đã cho ăn bánh thời bao cấp, mấy trăm đô vào thời điểm ấy rất to ở VN. Cô bạn kể là nhận số tiền ấy quá to nên đau thêm nhưng nhờ số tiền ấy mà được giải phẫu ghép một lá thận nên sống sót rồi lập gia đình có con. Sau này Hội An, Taifo được du khách Âu Châu ghé thăm nên nghề may áo quần 24 tiếng đồng hồ đã giúp cô ta làm ăn phát đạt, sở hữu hai tiệm may, nhà cửa lên giá như chim cút ngày xưa nên sống thoải mái cho con đi du học. Nghe tin người chị của đồng chí gái về thăm Hội An nên nhờ người tìm kiếm xin số điện thoại. Nhờ mua cho bạn miếng bánh Tây mà sau này được cứu trong cơn ngặt nghèo, cho nên có lẽ chúng ta không nên nhỏ nhặt trong cuộc đời như đồng chí mẹ vợ hay khuyên con cháu, ở rộng thì trời cho, ở sởi lởi trời lấy lại. Cô bạn này có con đi du học với chồng, bây giờ muốn ở lại nên trả tiền cho người chịu làm hôn thú để ở lại, hai người phải đóng mấy chục ngàn. Nhìn bề ngoài thì ở VN họ sống khá sung túc nhưng vẫn muốn ra đi như 30-40 năm về trước như lớp người vượt biển, nghe nói mỗi năm có đến trên trăm ngàn cô gái Việt lấy chồng ngoại mà không phải Việt Kiều.
Năm ngoái, báo Wall Street Journal có nói các đại gia ở TQ, di dân khá nhiều qua Gia Nã Đại hay Mỹ. Ngay VN cũng có nhiều đại gia di dân sang Mỹ. Mình mới nhận điện thư của người bạn xuất thân ở MIT, về VN 17 năm trước nay trở lại với vợ con. Hôm trước đọc báo có ông nào tên Dũng Vôi, xây khu vườn Đại Nam ở Bình Dương tuyên bố là có người muốn ám hại để đoạt gia sản nên mới hiểu lý do các đại gia ra hải ngoại. Ngày xưa xã hội được chia thành 4 thành phần Sĩ Nông Công Thương, giới cầm quyền biết kinh tế là quyền lực như Khả Bất Di khi xưa nên tìm cách dìm giới Phi Thương Bất Phú. Ngày nay chỉ cần đổi "Sĩ" thì truyền thống, văn hoá được trùng tu. Năm ngoái đồng chí gái có tham dự hội ngộ Trưng Vương thì gặp lại nhiều bạn học cũ ngày xưa. Như cơn gió nào lùa về khiến mấy cô này liên lạc với nhau như chạy đua với thời gian, tìm lại những tình cảm, không gian thân hữu khi còn ở tuổi ô mai. Có một cô bạn khi xưa không thân lắm, con của lãnh sự VNCH ở Úc đại Lợi về Saigon trong khi đợi được bổ nhiệm công tác khác. Cô này thì sinh đẻ ở hải ngoại, học trường tiếng Anh nên khi vào học Trưng Vương thì tiếng Việt không rành, nói ngọng ngọng như đám con mình ngày nay nhưng được xem là cành vàng là ngọc, công chúa ở rừng xanh. Bố cô này là Tây lai nên cũng có nét đầm, cao ráo. Dạo đó ông Bố được bổ nhiệm sang làm việc cho toà đại sứ VNCH ở Pháp nên gia đình còn ở Saigon, đợi ông bố thu xếp nhà cửa rồi sẽ rước sang sinh sống tại Pháp.
Không ngờ 30/4 xẩy đến quá đột ngột, bà mẹ đem con ra phi trường Tân Sơn Nhất nhưng máy bay chỉ còn 3 chỗ nên bà quyết định đem thằng con trai theo, để hai chị em cô này ở lại với bà vú rồi sẽ tìm cách mang qua Pháp sau. Nghe đồng chí gái kể làm mình nhớ đến phim "The Joy luck Club" viết bởi Amy Tan mà Kiều Chinh đóng vai người mẹ, bỏ hai đứa con gái ở gốc cây vì tưởng mình sắp chết. Cô bạn này vẫn còn bị ám ảnh bởi người mẹ quyết định bỏ rơi để cứu người em trai. Cô này mỗi tuần đều gọi điện thoại với đồng chí gái nói chuyện liên tu bất tận. Bên Âu châu nghe nói gọi điện thoại ra ngoại quốc không tốn tiền. Người vú ôm hết tiền do bà mẹ để lại trốn mất biệt. Từ một người con gái của đại sứ ở lại Saigon,, cô này phải bươn chải ra chợ trời mua bán, tiếng Việt thì cà chớp cà chám, tối về phải đi họp tổ khu phố trong khi cô em đi học về hát "Thằng Mỹ Thằng Tây,.." nhưng cũng may là có quốc tịch Tây qua ông bố nên không bị đuổi đi kinh tế mới. Cô kể có bạn của bố đến thăm nói sẽ cho tiền, giúp đỡ nếu cô ta ngủ với họ nên chửi họ như tát nước vào mặt. Cuối cùng thì toà đại sứ Pháp can thiệp để được đoàn tụ với gia đình ở Paris. Mình nhớ mãi Giáng Sinh đầu tiên ở hải ngọai, được một gia đình Pháp mà ông bố có thời đi lính ở Đông Dương, mời đến nhà ngày 25 ăn cơm vì dạo đó Saigon mới mất, mất tin tức gia đình, sống một mình trong căn phòng ô sin (chambre de bonne). Hôm đó ăn được một bữa cơm ngon, tắm mình trong khung cảnh ấm cúng của một gia đình sống hạnh phúc không biết chiến tranh là gì. Đó lần đầu tiên mà mình không nghe đến ngưng bắn trong dịp Giáng Sinh để mọi người có thể chào mừng chúa Giê su ra đời vì ở VN cứ nghe nói đến ngưng bắn rồi VC vi phạm ngưng bắn. Từ dạo lập gia đình mình hay mời các cụ già có con cái ở xa hay sinh viên xa nhà đến nhà ăn bữa cơm gia đình để lấp đi khoảng trống trong lòng của kẻ xa nhà như bài "Đêm Đông".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét