Sau cơn mưa cỏ lại xanh tại Cựu Kim Sơn

Từ 3 tháng nay, Cali chìm trong những cơn mưa dồn dập mà hạn hán từ 5 năm qua khiến người dân Cali tưởng chừng đã quên những giọt mưa với những năm tháng nắng cháy da, bổng đón nhận những cơn mưa cuồng cuộn đổ ập xuống tiểu bang này như một người tình, giận dữ trở về từ quá khứ.
Mấy tuần nay đồng chí gái cứ ho "nắng mưa là bệnh của trời, ho hen là bệnh của em yêu chàng". Công ty được một hãng khác mua lại và cho 12 người ra đi sau khi tuyên dương công trạng khiến vợ mình bị xì trét nên ít ngủ khiến bệnh cứ kéo dài liên miên như thể trêu chọc cái tính chịu đựng của mình, đang đêm bị đánh thức dậy xoa dầu vì vợ lên cơn ho.
Bổng nhiên đồng chí gái kêu kiếm cái khách sạn ở Santa Barbara để đi chơi cuối tuần thì con gái kêu nghỉ Spring Breakfast nên muốn đi lên San Francisco chơi thế là hai vợ chồng nhất trí đi lên Bắc Bộ Cali chơi vài ngày.
Mình dậy từ sớm ai ngờ cô nàng thức dậy vào lúc 8, nói ngủ được nhờ đêm qua mình phải xoa dầu ná thở. Hai vợ chồng chạy ra Bolsa mua mấy ổ bánh mì ốc nhồi xã để ăn dậm đường. Ai ghé lại Bolsa thì nên ăn món bánh mì này. Ghé lại USC đón con gái rồi thẳng tiến miền Bắc Cali.
Rút kinh nghiệm lần trước, cứ chạy một vài tiếng là ghé vào trạm nghỉ bên đường cho vợ và con gái đi xả xú bắp nếu không lại phải uống của cranberry juice. Xe chạy dọc xa lộ số 5 thì thấy hoa của vườn hạnh nhân rụng làm trắng hồng xoá mặt đất. Mưa nhiều nên khiến hoa đậu trái mau giúp nổi bật các dãy núi màu xanh mà những lần trước đi chỉ thấy màu Siena, cỏ cháy.
Con gái nói cho nó ghé lại đại học Santa Cruz để thăm cô bạn thân thời phổ thông thế là lấy đường 152 hướng Tây, chạy qua xứ tỏi Gilroy, trung tâm sản xuất tỏi Madze in Cali.
Khi xưa chạy qua vùng này mình không để ý nhưng nay làm vườn nên mới hiểu cách họ trồng tỏi với những dàn che mấy cây tỏi. Cách họ dàn dựng rất hay, chỉ tiếc là không dừng lại để hỏi thêm.
Con đường này đẹp với cái đập cao chót vót, hoa dại tím vàng mấy độ phong cảnh xanh như xứ Ái Nhỉ Lan. Xe chạy xung quanh hồ bên cạnh cỏ xanh rì. Màu sắc này lâu lắm rồi chắc cũng 20 năm mới được nhìn thấy lại ở Cali.
Xe dừng ở trung tâm thành phố Santa Cruz để gặp bạn của con gái. Cô này khi xưa hay đến nhà chơi, có bà mẹ gốc Á Căn Đình, học sinh vật học. Cô nàng dẫn gia đình tụi này đi lòng vòng rồi ghé tiệm Thổ Nhỉ Kỳ ăn.
Sau đó đưa cô bé về khuôn viên đại học rộng mênh man rồi trực chỉ về thành phố Fremont nơi cô bạn học của đồng chí gái cư ngụ.
Hôm nay đổi giờ nên bổng nhiên phải ngủ ít lại một tiếng. Vợ con còn ngáy ngủ nhưng phải ra khỏi nhà để đi xe BART lên San Francisco chơi. Có anh bạn ra đón đưa đi chơi.
Đến trạm xe thì chỉ có máy bán vé không người lái, mình thì lơ ngơ chẳng biết đâu mà lần nhưng rồi cũng mò cách mua vé. Khi ở Âu châu hay New York thì đầu óc rất nhậy vụ mua vé nhưng từ khi làm vườn đến nay bổng đâm ngu ra.
Đi qua hàng rào xét vé thì bổng nhiên buồn đi tè, đi vòng vòng xem thì thấy một đám đàn ông đứng đợi trước phòng vệ sinh nên đi thêm một lát thì thấy có phòng vệ sinh có cái bảng hình tam giác lại có hình đàn ông đàn bà, thấy lạ nhưng cũng chui tọt vào. Xong xui thì ra cửa mới khám phá là phòng vệ sinh của phụ nữ vì có cái bảng đề Women nhưng có lẻ vùng này cấp tiến hơn nên họ để tấm bảng hình người đàn bà và đàn ông. Chỉ biết lắc đầu cười khoái chí. Nay mới hiểu đám bạn vùng này ủng hộ bà Clinton.
Xe đến trạm Embarcadero thì xuống, chạy lên thì thấy cái khách sạn Hyatt mà 42 năm trước, khi mới vào trường kiến trúc thì toà nhà này được xem là một kiểu mẩu cho kiến trúc đương đại. Đồng chí gái kiếm chỗ đi tè thì con gái nói vào khách sạn thì thấy con mình khá hơn mình khi nghĩ đến vào khách sạn đi phòng vệ sinh vì tương đối sạch hơn nhất là khách sạn Hyatt.
Anh bạn đem xe lại đón, đưa tụi này đến chân cầu của Cựu Kim Sơn. Lần đầu tiên lên đây mà không bị sương mù nên trông thấy rõ ràng, nào là cầu treo, đảo nhà tù Alcatraz mà mình có xem khi ở Âu châu, một phim do Clint Eastwood đóng vượt ngục ra khỏi đảo này mà cảnh sát không tìm ra xác. Anh bạn giải thích là ở tù họ cho tắm nước rất nóng nên nhảy xuống biển là coi như ngủm vì nước rất lạnh.
Sau đó anh bạn đưa qua bên kia cầu, lên núi đứng xem về phía San Francisco. Quá đẹp. Hôm nay hên đi gặp ngày nắng đẹp, trời xanh veo khiến phong cảnh đẹp chi lạ. Sau đó kéo nhau ra cầu tàu số 39 ăn cơm. 4 người chơi hai con cua 4 cân, mực xào và súp Clam Chowder.
Ngồi ăn thì anh bạn kể chuyện ngày xưa gia đình đi di tản. Bà chị du học ở Hoa Kỳ đánh điện tín về cho biết là Hoa Kỳ đang di tản người Mỹ nên ông bố vào toà đại sứ gặp một nhân viên ngoại giao. Lúc vào thì mới thấy đa số người Mỹ đang chuẩn bị rời khỏi Sàigòn trong khi ngoài Sàigòn thì không ai hay, vũ trường vẫn mở, thiên hạ vẫn cứ chơi. Ông mỹ này trao cho tờ giấy để ghi tên những người nào muốn ra đi. Ông bố ghi tên vợ con thì chị giúp việc nói không muốn đi nên gạch tên.
Ông bố chạy lại hỏi bố vợ của anh bạn, có muốn đi hay không thì bố vợ đang xoa mạc chược nên nói không nên kẹt lại 15 năm sau mới được bảo lãnh sang. Khi máy bay đáp xuống phi trường quân sự Clark của Phi Luật Tân vào ngày 20/4/75 thì đã thấy người Việt đi tản khá đông sau đó đến Guam khiến cô vợ khóc như mưa bất, đòi về vì gia đình có ông bố đánh mạc chược kẹt ở Việt Nam.
Ăn xong ghé lại cái tiệm chính gốc sô cô la Ghirardelli nổi tiếng thì thấy thiên hạ đứng đợi để mua sô cô la nên đi vài chục thước có tiệm cùng hãng nên Cả đám kéo ghế uống nước trong khi hai mẹ con thanh toán hai ly kem trong tiếng nhạc.
Tiệm này được thành lập bởi một người di dân gốc ý tên là Domenico Ghirardelli, học nghề làm bánh từ bé rồi di dân qua Uraguay khi lên 29 tuổi với vợ rồi lại mò qua nước Peru để mở quán sô cô la. Năm 1869, nghe đến phát hiện vàng ở vùng Cựu Kim Sơn nên ông ta và vợ di dân qua Hoa Kỳ và mở một tiệm tạp hoá ở vùng Stockton để bán nhu yếu phẩm cho những người săn vàng. Mấy tháng sau ông ta mở một cửa tiệm ở San Francisco.
Sau khi ông ta qua đời, 3 người con tiếp tục nhưng rồi bán lại cho công ty Golden Rain Macaroni Company, sau này được công ty Lindt và Spruengli của Thuỵ Sĩ mua năm 2008.
Anh bạn chở gia đình tụi này lên Đồi Nga Sô (Russia Hill), đường Lombard cao nhất vùng này để đi bộ xuống chụp hình. Nhớ lần trước tới đây với đồng chí gái khi chưa cưới nhau thì bông hoa đẹp lắm. Độ dốc quá cao nên họ làm con đường ngoằn ngoè để bớt dốc, để xe có thể de vô de ra ga ra của các chung bên đường.
Sau đó anh bạn chở lên Song Đỉnh (Twin Peaks) xem thành phố San Francisco. Phong cảnh quá đẹp. Xe chạy qua khu Castro, nghe kể là nơi khởi đầu cho giới LBGT, thấy treo cờ Lục Sắc còn được gọi là cờ cầu vồng (rainbow flag) tượng trưng cho các giới này. Lúc đầu chỉ được dùng ở Bắc Cali nhưng sau này thì được các giới này trên thế giới sử dụng, tượng trưng cho niềm kiêu hãnh của các giới này. Xe chạy qua cái bar Look Out, thấy trên sân thượng nhiều cặp đàn ông ôm nhau rất lãng mạn. Khá lạ cho mình.
Anh bạn kể có người bà con ở Pháp, có tiệm bán bánh hay chi đó sang chơi, thích quá nên vài tháng sau qua lại. Anh ta ra đón ở phi trường thì ông anh họ nói đưa đến khu Castro này rồi anh ta biến mất. Mấy năm sau mới khám phá anh ta lấy anh mỹ bóng nào.
Nhìn chung thì không thấy bóng dáng con nít, nhà cửa rất mới hay được tân trang lại nhưng chắc đắc tiền. Cô em ở gần chân cầu Cựu Kim Sơn thì nghe nói mấy triệu dù nhỏ xíu xiu. Cô em với ông chồng đi đâu chơi nên không gặp. Lúc xe chạy qua cầu thì mình để ý có một khoảng lan can cuối cầu thì được chắn hàng rào chống B40 còn phần giữa cầu thì không. Mình đoán là lan can bị chắn thuộc khu có đất dân cư để tránh cảnh mấy người nhảy cầu tự tử lọt vào nhà thiên hạ hay ngay đất thì chết ngay còn phần giữa cầu thì lọt xuống nước nên cứ tự nhiên như người San Francisco.
Giữa cầu có làn biên để chia hai giao lộ. Buổi sáng xe bên cầu chạy vào thành phố thì có xe vận tải kéo xê dịch làn biên thành 4 làn xe phía chạy vào và chiều thì ngược lại. Cầu này được khánh thành 80 năm về trước, được hoàn thành sau 4 năm khởi công. Có chiều dài độ 2.7 cây số. Mỗi ngày trung bình có trên 100 ngàn xe cộ chạy qua rồi chiều chạy về. Cứ tính tiền mãi lộ $7.50/ xe thì đổ đồng mỗi ngày cầu này thu vào độ 1.5 triệu đô hay 547 triệu cho một năm. Đi xe điện ngầm qua thì tốn $6.50 về thêm $6.50 coi như $13.00/ ngày, mỗi tháng tốn $260 cho tiền xe điện. Thấy có bán vé hàng tháng nên chắc rẻ hơn.
Ngày nay thì kỹ thuật xây cầu quá tân tiến nhưng nếu so với 80 năm về trước thì quá hiện đại trên thế giới và cây cầu này được xem là biểu tượng của thành phố San Francisco như tháp Eiffel của Paris,… ngoài xe hơi, hai bên hông có đường cho bộ hành đi qua. Nhớ John Travolta sau khi nổi tiếng với phim Saturday Night Life thì có đóng vai một chuyên viên hay kỹ sư âm thanh đi thâu âm thanh trên cây cầu này do đạo diễn Brian De Palma thực hiện trong phim Blow Out.
Phải công nhận hôm nay quá hên, đi chơi trời nắng không có mây mù, được xem phong cảnh thỏa thích vì mọi lần lên đây là mây mù lại được gặp lại bạn xưa, cùng ôn lại một thời ngu dại bên nhau.
Thấy đồng chí gái mệt nên mình nhờ anh bạn đưa lại trạm BART để về lại Fremont. Mai về lại nam Cali sớm vì đồng chí gái muốn ghé viếng lâu đài Hearst mà trong phim Citizen Kane có quay xem hoa. Xong om!
Nhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét