Rượu Tây rượu Mỹ

Nhớ dạo sinh viên mình có làm việc cho một văn phòng kiến trúc tại Paris. Một trong 3 người chủ là kts Lê Văn Kim, sau khi ra trường Beaux Arts, sang mỹ thực tập ở Chicago với công ty kiến trúc nổi tiếng S. O. M. Sau đó ông lấy một bà vợ mỹ rồi sợ lạnh nên vác bà vợ mỹ về Pháp.
Một hôm bà vợ đi mỹ thăm gia đình về, đem tới sở vài chai rượu mỹ, cuối ngày ông đem rượu ra mời cả bọn uống rượu mỹ. Lúc đó mình mới biết bên mỹ có trồng nho để làm rượu. Mình thuộc loại ngu lâu, cứ tưởng chỉ có Âu châu mới làm rượu còn Hoa Kỳ làm CoCa cola.
Năm 1976, có một thương gia rượu người Anh, tổ chức một cuộc nếm rượu tại Paris. Cuộc nếm rượu này đã làm kinh ngạc cả thế giới vì rượu Mỹ thắng thay vì rượu tây như thường lệ. 57% dân Tây uống rượu trong khi dân mỹ đa số uống bia, có độ 14% uống rượu, không nhiều như dân tây. Nhớ dạo ấy, khi được tin ấy dân Tây chửi Mẹc Sà Lù mệt thở.
Nước Mỹ là nước xuất cảng rượu đứng hạng thứ 4 trên thế giới mặc dù ngành làm rượu khởi sự rất gần đây không như Tây đã làm từ bao nhiêu thế kỷ qua.
Hoa Kỳ vào thời lập quốc, có làm rượu với loại nho địa phương nhưng không ngon nên sau này các giáo sỹ Tây Ban Nha thuộc dòng Franciscain, đem giống từ Tây Ban Nha sang trồng ở các vùng như Cali tại các Mission, tu viện.
Học sinh tiểu học ở miền nam Cali bắt buộc phải học nghiên cứu về các tu viện này do các dòng tên của Tây Ban Nha tạo dựng từ San Diego lên miền Bắc. Theo tài liệu thì họ bắt dân bản xứ, da đỏ làm việc như nô lệ, đánh đập nếu bỏ trốn.

Nhưng đạo luật cấm rượu (Prohibition Act) ra đời nên trong một thời gian dài nghề trong nho làm rượu ở Hoa Kỳ bị bỏ dở đến khi đạo luật này được phế bỏ vào cuối năm 1933.
Rượu mỹ được nổi tiếng và tăng trưởng như hôm nay là nhờ ông Robert Mondavi, sáng lập viên hãng rượu Mondavi tại Napa, Cali vào năm 1966. Cha mẹ ông này di cư sang từ Ý. Ông này có giấc mơ làm rượu ngon nhất thế giới. Ông ta đi nhiều nơi trên thế giới, nghiên cứu cách trồng và các giống nho.
Khác với rượu tây được trồng, làm theo kiểu cha truyền con nối từ mấy trăm năm nay trong khi ở Hoa Kỳ thì kỹ nghệ này tuy còn mới và sử dụng các kỹ thuật mới để làm rượu. Có lẻ vì lẻ đó tây bán vườn rượu cho người tầu rồi đem tiền qua Hoa Kỳ trồng nho làm rượu vì có thể sử dụng các kỹ thuật hiện đại sẽ có nhiều lợi nhuận và kiểm soát chất lượng. Ở Tây phải làm rượu theo phương pháp cổ truyền nên ít nho hơn, lại xịt thuốc trừ sâu mệt thở. Có một tên tây trồng nho kêu là không nên uống rựou tây vì ngày nay họ dùng thuốc trừ sâu rất nhiều. Nên nhớ là khi họ kêu thực phẩm hữu cơ, không có nghĩa là không dùng thuốc trừ sâu hay phân hoá học. Chỉ ngưng mấy trò này 15 ngày tước khi hái là xong ngay.
Những thập niên 70, 80 của thế kỷ vừa qua, rượu mỹ thắng nhiều giải thưởng khiến các nhà làm rượu ở Âu châu đầu tư tại Hoa Kỳ. Họ đem giống sang và sử dụng kỹ thuật mới do đó rượu mỹ mang tên Tây khá quen thuộc.
Nhóm làm rượu thuê người viết các khảo cứu như là dân tây không béo như dân mỹ vì nhờ uống rượu để bán mà quên nói là dân Tây ăn ít hơn dân Mỹ và ăn đủ loại rau cỏ. Họ nói trong rượu có chất Resveratrol giúp làm giảm cholesterol trong người. Thật ra có thể mua mấy viên Resveratrol và hạt nho ngoài tiệm thuốc hay Costco thay vì uống cả mấy trăm chai rượu. Trong khi đó FDA của Hoa Kỳ lại liệt kê rượu là chất độc đem lại ung thư.
Người á châu uống rượu hay bị đỏ mặt, dễ bị ung thư gan nên họ bỏ hoá chất giúp không bị đỏ mặt. Coi truyền hình hay phim ảnh thì thấy các diễn viên uống rượu nhiều thay vì hút thuốc như xưa để quảng cáo rượu.
Tiểu bang Cali sản xuất 89% số lượng rượu hàng năm của Hoa Kỳ, là nơi xuất cảng thứ 4 rượu trên thế giới sau Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Có lẻ thập niên tới Cali sẽ chiếm hạng thứ nhất vì ngày nay do tiểu bảng Cali bị hạn hán nên chính quyền hạn chế sử dụng nước tưới khiến các nông dân chuyển sang trồng nho làm rượu để tiết kiệm nước. Vùng Temecula, miền nam Cali chuyên trồng bơ, nay thiếu nước nên người ta chặt bỏ cây bơ để trồng nho. Đi đến vùng này thì có nhiều nơi để ghé lại thử rượu như vùng Napa ở miền bắc.
Nhiều khi thấy các nhãn hiệu rượu của mỹ đề tên rượu của Tây, Ý và Tây Ban Nha như Cabernet, Chablis, Chianti,.... Họ mua giống từ các vùng này và phải dán nhãn hiệu để khách hàng biết nguồn từ đâu. Trong tương lai chắc sẽ có những loại rượu làm bởi những giống nho được ghép. Có người xúi mình trồng nho thêm có người đang mớm giá để mua đất.
Ngày nay Hoa Kỳ có đến trên 7,000 nhà sản xuất rượu vang trong khi năm 1970 chỉ có 440 chủ rượu. Vùng phía nam của San Jose, được nhiều tỷ phú, triệu phú High Tech mua đất làm nhà cho cuối tuần, weekend và trồng nho để làm rượu nên giá đất vùng này lên kinh hồn.
Trong khi bên Tây thì lại bán các terroir cho tầu rồi chạy sang Hoa Kỳ trồng nho làm rượu. Cuộc đời quái thật. Vùng Temecula gần vườn mình chuyên trồng bơ mà nay đã chặt bơ để trồng nho do đó mình tin vài thập niên nữa rượu mỹ sẽ tràn ngập cả thế giới.
Cách đây vài năm, người ta có bắt một ông gốc Nam Dương, bán rượu giả ngay cả những người tỷ phú như hai anh em Koch cũng bị lừa. Tên này dùng rượu của Cali để pha với rượu của vùng Bordeaux, có khí hậu tương tự miền biển. Nghe nói bị ở tù 10 năm. Hắn làm giả rượu nổi tiếng của tây như château Margaux, château Lafite, Pétrus,... Có nên mua rượu đắc tiền nhất là mấy anh ba tầu chuyên trị làm đồ giả. Mua vin de table của Trader Joe là chắc ăn, khỏi phải ngửi ngửi làm như dân chơi cầu ông Lãnh.
He he he
Nhs