Mình không bao giờ quên lần đầu tiên, tham dự cái Pince-fesse (dạ vũ hoá trang của trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật) mà dân Paris gọi là “le Bal des Beaux-Arts”. Từ một tên ngơ ngơ ngáo ngáo của một tỉnh nhỏ như Đà Lạt, được đi xuất ngoại, sống ở kinh thành ánh sáng, thủ đô của nước đã từng cai trị ông bà mình gần 100 năm. Lạ nước, lạ cái thêm vào học trường cao đẳng Mỹ thuật với một nếp sinh hoạt khá dị biệt đối với người dân bình thường ở Pháp. Mình bị "culture shock", cú sốc Văn hoá nên chơi vơi để tìm định vị, tìm phương hướng .
Trường cao đẳng Mỹ thuật quốc gia ở Paris có 4 phân khoa chính nên có lần trường tổ chức dạ vũ hoá trang, mang tên là bal de Quat'z'Arts , viết tắt của 4 nghệ thuật. Để đề cao các người mẫu, làm mẫu cho các sinh viên vẽ, điêu khắc nên họ tổ chức diễn hành trên đường phố của Paris, các cô gái khoả thân khiến báo chí tranh cãi.
Phe bảo thủ thì chửi bới kêu là văn hoá đồi truỵ còn phe cấp tiến thì hoan nghênh khiến dạ vũ của trường này trở nên nổi tiếng. Hàng năm, ai cũng phải đi dự cho bằng được, tiền thâu vào cửa dùng để giúp các sinh viên nghèo,....
Ai muốn tham dự đều phải hoá trang, có thi tuyển ai là người hoá trang đẹp nhất nhưng dần dần về đêm thì áo quần, tuột mất hết, không cánh mà bay.
Năm 1966, dạ vũ này đươc tổ chức lần chót vì năm sau không thuê được chỗ sau đó thì có cách mạng Văn hoá 68 nên không được tổ chức lại vì nền giáo dục được cải tổ. Phân khoa Kiến trúc được chia ra nhiều tổ, được gọi là unité pédagogique d' architecture hay UPA. UPA của mình theo học, thuộc thành phần bảo thủ truyền thống nên hàng năm vẫn tổ chức dạ vũ hoá trang thường được gọi là Pince-fesse , có đề tài riêng của mỗi năm.
Mỗi khi gặp một con đầm nào mới, nghe mình học Beaux-Arts là vị chi nó bắt mình phải mời nó đi dự Pince-fesse khiến mình lên mặt, ra điều kiện đủ trò. Dạ vũ hoá trang của trường Mỹ Thuật đã trở thành huyền thoại dù sau này những dạ vũ được tổ chức không to lớn, qui mô như xưa nhưng Thiên Hạ vẫn muốn chui đầu vào tham dự.
Năm đầu tiên, mình chứng kiến cái dạ vũ này rất quái. Thường thường sau khi thi, mình không nhớ lúc nào, chắc tháng 11, 12 trước giáng sinh. Họ cho đề tài rồi mọi người thi nhau vẽ tấm bích chương. Thắng sẽ được một tín chỉ (unité de valeur). Năm đó đề tài là "Xứ ngàn lẻ một đêm". Mình phải cần tụi đàn anh chỉ và giải thích mới hiểu bích chương thắng giải nhất. Tên thắng giải, vẽ toàn là bướm và buồi thêm rắn riết. Nếu mình không lầm có một tên Ấn độ thổi trumpet, vài con rắn và các vũ nữ che mặt, múa với cái đầu dương vật, lớn dần theo điệu nhạc.
Trong atelier, mỗi năm phải bầu ban chấp hành, thằng đại diện cho sinh viên được gọi là Le Massier, hắn chọn vài đứa giúp hắn điều hành trong năm. Sinh viên phải đóng niên liễm để tổ chức dạ vũ hoá trang, được gọi "Pince-fesse" và mấy cái lặt vặt khác. Năm thứ 4, mình được bầu làm Massier, để lo tổ chức cái dạ vũ.
Hai năm đầu, sinh viên bị đàn anh đì mệt thở. Bọn chúng hứng thì kêu đám đàn em trực, đi mua đồ, quét lớp hoặc điên điên thì bảo cởi trần chạy ngoài phố còn bọn chúng chạy theo đánh trống, thổi kèn trên Boul Miche. Hai năm này là thời gian huấn nhục, có dịp mình sẽ kể những điều phải trãi qua mà đau đớn lòng.
Mấy ngày trước dạ vũ thì xe chở mấy thùng tonneau rượu đến. Đám ma mới đàn em "nouveaux" (sinh viên thứ 1,2), phải làm culi, không học hành gì cả tuần lễ. Lo hoá trang, tạo dựng khán đài, không khí ghê rợn lắm. Đặc điểm là dạ vũ không có thức ăn, chỉ có rượu đỏ. Vào cửa phải hoá trang mới được cho vào. Đói mà chỉ uống rượu nên tối tối là mình thấy Thiên hạ ói nôn tùm lum. Năm thứ nhất, mình phải đi dọn với đám cùng năm, tởn tới già.
Chỗ cổng đi vào được làm thành một đường hầm cong queo rùng rợn, được giăng lưới trên trần, không đèn đuốc gì cả, phải mò mẩm đi vào, mấy cô đi vào là bị béo mông (Pince-fesse) mệt thở. Mấy tên thừa đêm tối thò tay, béo mông mấy cô, hình như mấy cô đầm cũng khoái chí khi được bóp nên la ói ói nhưng lòng ngất ngây. Trong đêm tối chỉ nghe ái, ối khá vui tai. Ban nhạc thì toàn "fanfare", ban nhạc kèn đồng. Thông thường thì mỗi atelier có một ban nhạc, thi nhau chơi cho Thiên Hạ nhảy đầm, sau đó thì được chấm điểm xem ban nhạc của atelier nào được giải nhất, một thùng rượu lại uống đến bò càng.
Mình nhớ lúc đầu thì mọi người đều hoá trang nhưng sau một tiếng nhảy nhót và uống rượu cho bớt khát thì đồ hoá trang mất hết rồi từ từ có vài cặp ôm nhau làm tình dưới đất như một bức tranh Tân Tiền Vệ (Neoavanguardia), hay cảnh trong phim của Pier Paolo Pasolini hay Inferno của Dante.
Cuối cùng mấy thùng tonneau rượu đã cạn thì mọi người bắt đầu ra về, kẻ thì ói nôn đầy nhà, rác rưỡi,... Có lần mình thấy có tên ụp mặt vào cái bồn cầu ngũ ngáy. Tên Massier bảo đám sinh viên năm thứ nhất và hai, sáng hôm sau phải có mặt lúc 10 giờ để lau dọn. Đứa nào mà không có mặt thì bị đè xuống, tuột quần rồi một tên đàn anh dùng cái tông đơ cắt tóc, xẻn lông chim nên đúng 10 giờ thì thằng nào cũng có mặt để quét dọn. Thứ hai đi học thì trong Atelier vẫn có phảng phất mùi thối của rượu,....
Năm thứ 4 thì mình được bầu làm Massier của Atelier, có nhiệm vụ tổ chức Pince-fesse năm đó, có đề tài về La Mã dưới thời Caligula nên cũng khá điên điên. Sau này ra trường, đi làm ở Thuỵ Sĩ và London nên không có dịp về trường tham dự những dạ vũ hoá trang truyền thống của trường. Mỗi lần về là đám đàn em đón rước khá xôm tụ.
Trường Beaux Arts để lại cho mình nhiều kỷ niệm của thời mới lớn, chân ướt chân ráo từ một thành phố nhỏ bé Đà Lạt, được đưa vào một môi trường có một không hai ở Pháp. Mình may mắn tốt nghiệp chớ có nhiều sinh viên học chung từ các vùng, tỉnh lẻ của Pháp như Bretagne, Dordogne,.., vào học trường rồi đâm mê, gia nhập ban nhạc, đi nhảy đầm hàng đêm hay chơi nhạc ngoài đường cho bộ hành nghe, nhảy đầm, được cho tiền rồi rũ nhau đi ăn uống, dần dần bỏ học hay bị đuổi. Mình chỉ nhớ là sau hai năm làm đàn em thì mình thoát khỏi vụ lao cải, không phải bị đám đàn anh hành hạ nên yên tâm học hành cho đến ngày ra trường.
NHS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét