Mình vào học trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật, Paris năm 1975 và ra trường năm 1982. Trường này tọa lạc tại khu Saint Germain des-prés, quận 6 (6ème arrondissement), cổng vào trường trên đường Bonaparte, góc Quai Malaquais, cạnh sông Seine. Quận 6, thường được gọi là khu La Tinh (quartier Latin) vì đa số các trường đại học cỗ của Pháp nằm tại đây.
Sinh viên dạo ấy, nói tiếng La Tinh với nhau nên dân chúng thủ đô đặt tên khu La Tinh để ám chỉ nơi chỉ nghe toàn tiếng la tinh. Dạo đó dân Tây nói thổ ngữ, Patois của vùng họ. Dân đi học thì học bằng tiếng La Tinh, sau này trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ, dân Tây mới được đi học nhiều nên mới nói tiếng Pháp. Chung quanh có đại học Y Khoa, Sorbonne,...
Trường nằm ở số 14 Rue de Bonaparte, có cái cổng đi vào, nơi đầu hai cái trụ cổng là cái tượng chân dung của ông Nicolas Poussin và Pierre Paul Puget, hai hoạ sĩ nổi tiếng của trường khi xưa. Đi vào cổng thì thấy một toà nhà khá lớn trước mặt, được gọi là Palais des Etudes, còn bên phải là cái nhà nguyện nhỏ mà mình chả bao giờ thấy thằng Tây con đầm nào vào cầu nguyện Chúa cả. Bên trái là Batiment des Loges, nơi dùng để thi tuyển hay dạy các môn lịch sử,... Nói chung thì kiến trúc của trường không có gì đặc sắc cả. Loại kiến trúc cổ điển của Pháp mà ở VN gần đây, hay xây nhà mới, nhái lại kiểu này.
Trường Cao đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật (école nationale supérieure des beaux-arts), gọi tắc là ENSBA, có bốn phân khoa chính: Hội Hoạ, Điêu Khắc, Khắc và Kiến trúc. Mổi phân khoa được chia theo nhiều Atelier, tạm gọi là Lò. Mỗi atelier có một ông thầy giảng dạy về hội hoạ, điêu khắc hay kiến trúc. Khi xưa, thì một người có thể kiêm 3 nghề như hội họa, điêu khắc và kiến trúc như Michelangelo, Leonardo Di Vinci,... Nhưng đến thời cách mạng 1789, chính quyền cách mạng dẹp bỏ mấy môn xa xĩ dành cho giới vua chúa và chuyễn ngành Kiến Trúc vào trường Bách Khoa (école polytechnique).
Sau này khi Napoleon thành lập đế quốc Pháp thì cho mở lại trường này để đào tạo những nghệ nhân cho đế quốc. Trường này được xem là một trong những trường cỗ và danh tiếng nhất thế giới về mỹ thuật. Hàng năm có thi tuyển Prix de Rome. Khôi nguyên của giải này sẽ được chính phủ bao ăn bao ở tại Villa Medici, ở La Mã trong vòng 3-5 năm. Trong thời gian ở nội trú tại Villa Medici, thì các khôi nguyên phải nghiên cứu về nghệ thuật cỗ như La Mã, Hy Lạp,...
Chính phủ Pháp có thi tuyển Prix D' Indochine, các khôi nguyên được gửi sang Đông Dương để nghiên cứu về Văn hoá của các nước sở tại. Mình có một bộ sưu tầm, các đình làng cổ khi xưa của VN như Đình Bảng,.. Do ông Bezacier nghiên cứu.
Sau cách mạng văn hoá 1968, Bộ trưởng Andre Malraux cho trường được tự trị, không lệ thuộc vào sự hướng dẫn của chính phủ. Giới kiến trúc sư thiên tả thì cho vẽ, điêu khắc là một loại xa xĩ của giới tư bản, thượng lưu. Họ muốn đào tạo các kiến trúc sư, làm đầy tớ của nhân dân hơn là cho giới tư bản nên không cho dạy vẽ, điêu khắc. Những tư tưởng này khiến trường bị chia năm sẻ bảy, kêu là unité pédagogique d' architecture (UPA). UPA mà mình theo học là UPA 2, do các ông kiến trúc sư thiên hửu, gom lại giảng dạy theo kiểu xưa nay. KTS phải biết vẽ, điêu khắc,...
Sinh viên của UPA mà mình theo học, phải học 3 môn hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc là chính. Học một thứ là đã ỏi nay thêm hai thứ nữa nên khá mệt. Sinh viên vào học năm đầu rồi bỏ chạy sang các UPA khác, chỉ dạy kiến trúc không thôi. Năm mình vào học có 22 tên trong atelier, khi ra trường thì chỉ còn 2 tên.
Atelier của mình do Ông Xavier Arsène Henry, đứng đầu, thường gọi là Chef d' atelier, học trò kêu Patron. Ông này là kiến trúc sư trưởng của vùng Dordogne, chuyên lo về kiến thiết đô thị sau đệ nhị thế chiến cho nên mình học khá nhiều về kiến thiết đô thị, các thành phố mới. Ông ta là khôi nguyên của Prix De Rome, năm năm trước dượng mình, ông Ngô Viết Thụ.
Một hoạ sĩ nổi tiếng, làm chef d' atelier được một ông vua hay thương gia đặt vẽ một bức tranh. Ông này thường có những đệ tử, học nghề nên ông ta chỉ phát hoạ sơ rồi kêu những tên đệ tử này vẽ, tô màu theo cách ông ta dạy. Cuối cùng ông ta chỉ tô sửa vài chỗ rồi kí tên, lãnh tiền, trả cho đệ tử hay nègre, rẽ mạt. Tương tự như kiến trúc sư nổi tiếng thì các sinh viên kiến trúc muốn học tập, được trả ít lương hay không lương. Mấy ông thần này lựa sinh viên hay kiến trúc sư giỏi, mới ra trường làm cho họ, trả lương như bèo. Sau này, mình được ông Chef d' atelier, thuê vẽ cho ông ta, ít tiền nhưng bù lại đươc học hỏi cách xây cất, đi công trường.. .
Ở Pháp, sau đệ nhị thế chiến thì có những thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh nên khi chương trình Marshall của Hoa Kỳ, tung tiền vào Tây Âu để xây dựng lại thì họ giữ nguyên thành phố chính và xây những thành phố mới, vệ tinh xung quanh các thành phố lớn như Paris, Lyon, Bordeaux,...để khỏi phá huỷ các thành phố cũ với những di tích Văn hoá cũ. Thời Napoleon, ông bá tước Haussman, phá nát các khu cỗ của Paris, để xây các đại lộ lớn, nhằm chống biểu tình, phản động như thời cách mạng 1789.
Các nhà kiến trúc Thiên tả, họ muốn trải nghiệm các chương trình như ở các nước cộng sản, Liên Xô nên cho xây các thành phố mới với những chung cư cao ngất cho nhân dân, thợ thuyền, ngợi ca những anh hùng lao động mà dân Tây gọi là những thành phố ngũ đêm (villes dortoires). Dân vào thành phố làm việc, tối về ngũ vì xung quanh chả có chợ búa chi cả. Sau này, mình xem mấy tấm ảnh của các chung cư ở Đông Đức, Liên Xô thi y chang những HLM của đám xã hội xây dựng ở Pháp.
Ngày nay, chính phủ phải đập phá vì là những nơi tụ tập, buôn bán sì ke,.. Tương tự mình thấy những nhà xây cất hay chung cư mới ở VN, không có trường học, chợ búa chi cả. Nhất là họ chỉ xây sơ sơ để bán nên từ phi trường Nội Bài, đi ra mình thấy dọc hai bên đường nhiều khu xây cất nữa chừng rồi bỏ, không trường, không chợ thì làm sao làm những chổ này sống còn.
Atelier của mình ở ngoài khung viên của trường nên chỉ vào đây học lịch sử hội hoạ và lịch sử kiến trúc thôi. Atelier của mình, ở đường Jacques Callot, nằm giữa Rue de Seine và Rue Mazarine. Ngay góc Mazarine và Jacques Callot, có cái Bistro tên Balto mà sinh viên hay ghé vào uống cà phê, sau khi ăn cơm trưa ở Resto U. Mình không có tiền uống cà phê nên đi vòng vòng cho tiêu cơm.
Phố này khá vui vì sinh viên và giới nghệ sĩ hay tụ nhau ở các quán cà phê, bistro,.. Để uống cà phê, đấu láo. Có một quán cà phê khá nổi tiếng từ ngày ông Ernest Heminway, ghé lại đây tìm cảm hứng để viết, Les Deux Magots, ở ngay đại lộ Saint Germain des-pres. Ngày nay, tiệm cà phê này sống về du khách, các du khách ghé lại đây để tưởng tượng mình là Simone De Beauvoir đang đấu láo với Jean Paul Sartre,... Mình có ghé lại đây một vài lần khi có bạn bè xa đến thăm, vì khá đắc thêm toàn du khách.
Xung quanh trường toàn là những tiệm bán tranh, triển lãm tranh, tượng,... Thường sau khi ăn trưa, mình hay ghé vào mấy tiệm này xem tranh để bồi dưỡng tư duy sáng tạo. Sau này, mình ra bờ sông Seine, ngồi vẽ thay vì ngồi đấu láo ở atelier. Sinh viên hay rũ nhau đánh bài hay tập thổi kèn cho ban nhạc kèn đồng (fanfare) để chuẩn bị cho những "pince-fesse", béo mông, hậu thân của bal de Quat'z'Arts (sẽ kể sau). Các buổi dạ vũ của trường thường được gọi là Pince-fesse vì khi vào trong thì các cô thường hay bị béo mông, chứng tỏ mình thuộc đẳng cấp được người ta để ý.
Có lần mình mới đi vẽ về, thò đầu vào atelier thì tên đại diện của atelier sai đi mua bịch nilon. Hớt ha hớt hải chạy về thì hắn bắt mình và đám sinh viên năm thứ nhất lấy sơn pha với nước rồi bỏ vào bịch, đóng kín lại, đem lại để dọc theo các cửa sổ. Sau đó thì đám sinh viên đàn anh, mở cửa sổ, lấy bịt nước sơn quăn thiên hạ qua đường làm kẹt xe.
Cảnh sát không có quyền vào trường đại học nên chả ai đến phá rầy tụi sinh viên, phá làng phá xóm này cả. Mình thấy có một bà bận đồ sang trọng bị một bịch sơn đỏ bắn lên áo quần, đứng chửi mút mùa lệ thuỷ. Mấy cái xe vô phước đi ngang đúng giờ linh bị ăn sơn đầy mui, kẹt cứng không đi đâu được nên chiếc xe như một bức tranh của Michael Pollock.
Một hôm mình đang ngồi vẽ trong atelier, thì có đâu một đám sinh viên của atelier Lamache ùa vào, quăn bịch sơn te tua lên bàn vẽ của mình. Lâu lâu, buồn buồn thì đám sinh viên rũ nhau đi tấn công atelier cho vui làng vui xóm. Ngày mai nộp mà mấy tên này chơi kiểu này làm mình điên tiết lên, chụp một tên bợt tai rồi đá một cái như Lý Tiểu Long trong Đường Sơn đại Huynh, làm thằng Tây té lộn xuống cầu thang. Đến bây giờ mình vẫn không hiểu lúc đó sao mình khỏe kinh hồn, bây giờ có bảo làm lại cũng không được. Từ dạo đó, mình nổi tiếng trong trường nên ít thằng nào dởn mặt.
Mỗi atelier là Giang Sơn riêng, nên có hôm một tên sinh viên của atelier Lamache, bò vào tìm cô nào trong atelier của mình, bị đám sinh viên của lò mình khoá cửa lại, rồi đè xuống, lột quần áo, sơn chim vẽ phượng trên người hắn, nên đám sinh viên của lò tên này bò đến phục thù. Mình từ một tên "mọi" ở Đà Lạt, được thảy vô chuồng cọp ở trường mỹ thuật nên mấy năm đầu bị culture shock.
Về kiến trúc thì được chia làm 3 cycles; 1er cycle gồm năm thứ 1 và năm thứ 2. Hai năm này là châm nhất vì nếu rớt là bị đuổi.
Rồi lên 2nd cycle gồm năm thứ 3 và 4, xong thì đến 3ème cycle gồm năm thứ 5 và 6. Đủ tín chỉ thì làm luận án ra trường là tổng cộng 7 năm.
Năm thứ 1, có đồ án riêng, năm thứ 2 cũng vậy còn năm thứ 3,4 thì làm chung đồ án tương tự năm thứ 5,6.
Rồi lên 2nd cycle gồm năm thứ 3 và 4, xong thì đến 3ème cycle gồm năm thứ 5 và 6. Đủ tín chỉ thì làm luận án ra trường là tổng cộng 7 năm.
Năm thứ 1, có đồ án riêng, năm thứ 2 cũng vậy còn năm thứ 3,4 thì làm chung đồ án tương tự năm thứ 5,6.
Hai năm đầu thì phải học vẽ ngoại cảnh, động vật, khoả thân và điêu khắc, ôi thôi bú xua la mua, thêm toán, hình học, vật lý, lịch sử, đủ trò.
Hai năm 3,4 thì chuyên về kiến trúc còn 2 năm 5,6 thì có thêm phần kiến thiết đô thị. Năm thứ 7, dùng để nghiên cứu làm đồ án ra trường với mảnh bằng Architecte diplômé par le gouvernement hay DPLG.
Hai năm 3,4 thì chuyên về kiến trúc còn 2 năm 5,6 thì có thêm phần kiến thiết đô thị. Năm thứ 7, dùng để nghiên cứu làm đồ án ra trường với mảnh bằng Architecte diplômé par le gouvernement hay DPLG.
Mình chả bao giờ dùng mảnh bằng này để kí một đồ án vì đi làm khắp thế giới sau khi tốt nghiệp. Có lần, hội kiến trúc sư ở Saigon, mời mình thuyết trình về những đồ án của mình thì họ có mời mình vào hội nhưng không nghĩ về VN làm việc nên không gửi đơn.
Học 7 năm ở trường này để lại cho mình nhiều kỷ niệm khó quên nhưng có lẻ tổ chức những buổi dạ vũ hoá trang của atelier mình, nổi tiếng nhất trường thường được gọi là "Pince-fesse", để lại cho mình nhiều dấu ấn nhất (sẽ kể sau). Có lần thằng con nhận xét rằng mình không giống những tên VN khác như bố của bạn nó trong đoàn hướng đạo. Mình trả lời, vì họ không được đào tạo bởi trường Beaux Arts của Pháp.
Sơn Ngu khu đen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét