Nguyễn Hoàng Sơn
Trong 18 năm sinh sống ở Đà Lạt, mình chỉ sống với Mệ ngoại gần được 2 năm nhưng Mệ lại có nhiều ảnh hưởng về cuộc đời mình sau này. Mệ rất khó tánh, bắt con cháu, phải tắt đèn khi đi ra khỏi phòng, chùi dọn phòng, quét nhà, quét cửa đủ trò. Sau này học Kim Vân Kiều trong giờ Việt Văn, mới thương Mệ, một nạn nhân của chế độ gia trưởng, phong kiến. Một nàng Kiều, lấy chồng để trả nợ cho người cha đánh bài.
Mệ sinh tại làng An Lưu, tỉnh Thừa Thiên. Nghe kể khi xưa, gia đình của Mệ giàu, có ruộng nương nhiều nhưng ông cố ngoại mình, đánh bài nên bán hết để trả nợ như câu tục ngữ "ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Ông cố, gả Mệ cho một ông lái buôn, gốc Xiêm La để được tặng cho một số tiền. Mệ dạo ấy rất đẹp có tiếng ở Huế, theo chồng về quê hương chồng, sinh ra dì Xiêm nhưng có lẽ không hợp hay sao, Mệ đem dì Xiêm về lại VN và một bức tượng.
Sau này bố của ông Thầy Chiêm mượn, dùng để coi bói cho người ta. Mình có về thăm quê ngoại và có gửi tiền cho bà cụ để sửa sang lại nhà thờ tự.
Mệ gặp Ôn ngoại của mình, có mang bà cụ mình sau đó thì thất lạc trong chiến tranh. Ôn ngoại, dạo ấy làm đội thất của lính khố đỏ nên sau khi Nhật đảo chánh, phải đi chiến khu ở ngoài Vinh, mệ ngoại đem các dì và các cậu đi thăm. Dạo ấy, kháng chiến rút về thôn quê, gọi là Sơ tán khi lính Pháp, thay quân đội Hoàng gia Anh Quốc, đổ bộ lại Đông Dương để giải giới quân đội Nhật, đầu hàng sau hai quả bom nguyên tử. Khi gặp lại nhau tại chiến khu ở Vinh, ôn Ngoại la Mệ Ngoại vì sao đem con, lặn lội ra đây khiến Mệ giận ôn Ngoại từ đó, không nhìn mặt lại. Trong chuyến đi này, có mấy người cậu bị đau dọc đường và qua đời. Mệ sinh ra tất cả là 9 người con nhưng chỉ còn 5. Mệ bán gạo ở chợ Bến Ngự và Vỹ Dạ, sau này nghỉ bán vào Saigon sống.
Mình nhớ có lần đi xem phim Ấn độ với Mệ về cuộc đời của Phật Thích Ca ở rạp Ngọc Hiệp. Lần đầu tiên được ngồi trên lầu, sang nhức nhối, ngồi tựa ghế nệm phê không thể tả nhưng mình phải đọc phụ đề Việt ngữ cho Mệ. Nghe Mệ kể; khi Ngô tổng thống lên thì có ban hành chương trình "Bình dân học vụ", xoá nạn mù chữ, ai muốn qua sông hay đi chợ đều bị hỏi, đọc chữ trên bảng. Ai đọc không được thì không cho qua trạm gác hay phải đi cổng phụ. Tương tự khi xưa, khi họ cấm phụ nữ bận váy nên có những câu ca dao, "i, t (tờ), có móc cả hai.
i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang;
e, ê, l (lờ) cũng một loài.
ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn;
o tròn như quả trứng gà.
ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu".
Không hiểu tại sao Mệ vẫn không biết đọc, dù có chương trình Bình Dân Học Vụ để xoá nạn mù chữ, chắc Mệ phải đi theo "cổng mù" cho những ai không biết đọc còn cổng chính dành cho người biết đọc. Mình hay đọc báo hay truyện Tàu cho Mệ nghe vào lúc tối. Tuy không biết đọc nhưng Mệ tính tiền rất nhanh hay chơi Bài Tới hay cực, cứ hô Tới, đi chợ hoài. Hồi nhỏ mình biết chơi bài này vào dịp Tết, với Mệ và mấy người hàng xóm gốc Huế. Mệ hay kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa; ông chồng đi đánh trận, vợ chết nên vác theo hai đứa con ra trận và Thoại Khanh Châu Tuấn. Còn mình thì đọc cho Mệ nghe Tây Du ký có Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và con trâu đi hầu ông Đường Tăng, đi thỉnh kinh ở Tây Tạng. Sau này lớn lên, đọc sách thì khám phá ra thời đó đâu có kinh mà thỉnh. Xứ Ấn Độ có biết bao nhiêu bộ tộc, ngôn ngữ nên thời đó, trao đổi bằng cách ra dấu, gục hay lắc đầu.
Khi nhận thư của mấy dì cậu ở Saigon, thăm hỏi Mệ thì mình được lãnh trách nhiệm viết thư hồi âm hay đọc thư cho Mệ nghe. Có lẽ Mệ thèm được đánh vần, viết hay đọc chữ. Dạo ấy mình không biết nếu không thì đã chỉ Mệ cách đọc và viết chữ quốc ngữ. Được cái là Mệ làm tính nhẩm rất tài, cộng trừ nhân chia Mệ làm nhanh hơn mình dạo đó. Bà cụ mình cũng không bao giờ được đi học nhưng thừa hưởng từ Mệ, được cái tính làm toán nhẩm khá nhanh để buôn bán, ngay cả ngày nay 82 tuổi vẫn làm tính nhanh như máy tính.
Khi Mệ lên Đà Lạt, sống chung với gia đình mình, để tránh mặt Ôn Ngoại từ Huế vào Saigon, sống với bà Dì, em của Mẹ mình. Mình chỉ nhớ khi đi ra khỏi phòng mà không tắt đèn là bị rầy. Nhiều khi cái tính chắt chiu của mình được hình thành từ những năm tháng sống với Mệ Ngoại. Có lần đang nấu cơm, cái lò dầu hôi bổng cháy lan ra khiến Mệ kêu cứu. May có bà Tước, hàng xóm nhanh trí, chụp cái thảm của hàng xóm, bỏ ngoài trời mưa ướt, kéo vào dập tắt.
Mình nhớ có lần đi học, bà cô dẫn cả lớp ra đường Hùng Vương, đứng dọc bên đường, dưới hàng cây thông. Mỗi đứa được phát cho cái cờ VNCH, rồi quơ tay quơ chân, la hét Ngô tổng thống muôn năm khi mấy chiếc xe của cảnh sát công lộ, hụ còi rồi hai chiếc mô tô, một chiếc do ông cò Giao, sau này vẫn hay đậu xe mô tô ở khu Hoà Bình, để chận xe Honda lại, hỏi giấy tờ. Mình chỉ nhớ thấy một ông bận áo vét màu trắng, ngồi cạnh một ông Tây trong chiếc xe màu đen, phía trước mui, có cắm cờ vàng ba sọc đỏ bên phải, chỗ lớp mình đứng còn cờ kia thì không nhớ của xứ nào.
Xe hộ tống chiếc xe, chạy từ phi trường Cam Ly ra, theo đường Hùng Vương rồi hướng về phía toà Thị Chính. Hôm đó chả học hành gì cả, đứng đợi Ngô tổng thống, nắng chết bỏ, may là hai bên đường Hùng Vương có mấy cây thông khá to, để che nắng.
Trưa về, mình khoe đi đón Ngô tổng thống thì bị Mệ la. Ăn cơm xong, mình thấy Mệ và chị người làm, khiêng cái bàn thờ xuống đường Hai Bà Trưng. Nếu mình không lầm thì nhà bà Duy, bà Ngự, bà Tân cũng có đem bàn thờ Phật ra để ngoài đường. Không khí khá khẩn trương vì mình thấy dọc đường Hai Bà Trưng, có nhiều nhà đem bàn thờ ra đường. Đám con nít ở xóm Địa Dư, rình rình, chôm trái cây trên bàn thờ nên mình phải đứng canh.
Sau này lớn lên thì mới hiểu; dạo ấy có ông đại sứ Mỹ đi theo Ngô tổng thống lên kinh lý ở Đà Lạt. Máy bay đáp xuống phi trường Cam Ly. Các công chức, trường học,...đều được điều động, ra xếp hàng dọc đường từ phi trường Cam Ly lên tới toà Thị Chính, hô Ngô tổng thống muôn năm như mỗi lần đi xem xi nê là phải đứng dậy chào Quốc kỳ, có hình Ngô tổng thống, bận áo dài khăn đóng bên cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ. Hình như có bài hát: " toàn dân vn nhớ ơn Ngô tổng thống, Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm".
Trong xe có đại sứ Mỹ, để cho thấy là toàn dân vẫn nhớ ơn Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm. Trong khi Mệ ngoại là Phật tử, lại theo ông Thích Trí Quang, nên đem bàn thờ Phật xuống đường, để đại sứ Mỹ thấy là dân An nam ta, theo đạo phật nhiều hơn công giáo.
Sau đó lại thấy Mệ đem tấm ảnh trái tim của ông thượng toạ Thích Quảng Đức, tự thiêu tại Saigon về thờ. Nghe nói trái tim ông ta không bị cháy tương tự như trái tim Trương Chi nên mọi người, thỉnh hình về thờ.
Sau này mình đọc tài liệu của VC thì được biết những biến cố này đều do người nằm vùng thực hiện theo chính sách Tuyên truyền. Mình nghe kể sau khi đảo chánh thì có bức tượng của một cô học sinh dám lấy guốc cao gót, đánh lũng đầu một ông cảnh sát dã chiến, chống biểu tình ở công trường Quách thị Trang. Mỗi lần thấy vợ mang giày cao gót là mình nghĩ đến cô học sinh họ Quách nên không dám chọc giận đồng chí gái.
Dạo đó, cứ rằm hay mồng một là Mệ dắt mình đi chùa. Thật ra để mình xách cái giỏ trái cây, bông hoa để cúng Phật mà đâu phải chỉ đi một chùa. Thường là đi chùa Linh Quang, trên số 4 xong thì đi chùa Linh Sơn. Có lẽ mình thích khuôn viên của chùa Linh Quang hơn. Tới cúng Phật xong, phải đợi Mệ vào thọ an thầy trù trì, đưa bì thư cho thầy. Cuốc bộ mệt thở. Ngày rằm thường thấy mấy con rùa, không biết từ đâu, bò về chùa. Mình hay bắt chước tụi con nít, lật ngược con rùa trên cái mai, để xem nó quơ chân. Hỏi người lớn thì họ nói mấy con rùa này tu lâu năm, sống đâu trong vườn chè khi nghe tiếng chuông thì bò về chùa.
Sau này bà cụ mình cũng nối gót Mệ, đi lễ, cúng chùa, có bao nhiêu tiền là cúng như thể cầu xin trời Phật, phù hộ cho con cháu, học hành, làm ăn khá. Dạo ấy mình không hiểu, thấy tiếc tiền, ước chi Mệ đừng cho thầy chùa mà cho mình đi ăn kem Việt Hưng là hạnh phúc một đời. Khi con người không biết chữ, họ không có tri thức để giúp họ, có tầm nhìn của vấn đề nên chỉ cầu mong, phó mạc cho trời đất, thánh thần nên chỉ biết lại quả để thánh thần,...ban phép, phù hộ cho gia đình họ tai qua nạn khỏi.
Dạo chùa Linh Sơn, quyên tiền, vàng vòng để đúc cái chuông, đặt bên tay trái, góc trường Bồ Đề đi vào. Mình thấy Mệ tháo sợi dây chuyền, quăng vào cái thùng. Mệ kể dạo kháng chiến chống Pháp, lính ông Hồ, cũng đi quyên tiền, vàng vòng,.., để giao cho tướng Lữ Hán để ông này rút quân về Tàu. Nghĩ lại cũng may, vì nếu đám lính Tàu phù, vì đói, còn ở VN thì năm 1949, khi Tưởng Giới Thạch bỏ chạy khi quân của Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh, thì chắc sẽ chạy sang VN thay vì Đài Loan.
Dạo đó vui như Tết, tối nào cũng chạy qua chùa. Ở trong chùa thì người lớn tụng kinh, chuông mỏ inh ỏi, còn bên ngoài thì họ chiếu xi nê các phim Charlot, Laurel & Hardy, Fernandel khiến con nít hò reo, vỗ tay. Mình không nhớ rõ, chỉ nhớ mại mại có một cái dàn để đúc cái chuông, củi được bá tánh mang lại để đúc chuông. Lửa cháy mấy ngày mấy đêm. Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc, vui nhất của thời niên thiếu của mình tại Đà Lạt vì sau đó là biến cố Mậu Thân, bắt mình chứng kiến sự đổ vỡ, tàn phá của chiến tranh. Tuổi thơ mình như bị bắt buộc lớn nhanh như Phù Đổng, sau khi chứng kiến những khu trục Skyraider bỏ bom napalm, các trực thăng bắn hỏa tiến xuống số 4, người chết vì vỏ đạn rơi từ trên trời xuống mà 60 giây trước còn đứng cạnh mình. Rồi những tên quen trong xóm, lớn tuổi hơn mình lần lượt đi lính, rồi trở về trong cái hòm, phủ lá cờ VNCH.
Sau vụ đấu tranh Phật Giáo, thì đến các cuộc bạo động miền Trung. Các cuộc chính lý, các tướng lãnh thay nhau lên ngôi kéo theo các cuộc biểu tình ở chùa Linh Sơn. Mình thấy sinh viên học sinh, bắc loa ở chùa Linh Sơn, kêu gọi đem Nguyễn Cao Kỳ lên đoạn lầu đài rồi cảnh sát bắn lựu đạn cay mịt mù, kéo vào chùa, hốt đám sinh viên, học sinh trong đó có thằng V ở xóm Thi Sách, học đệ tứ Trần Hưng Đạo. Sau này sang Mỹ thì mình có gặp vài nhân vật nổi tiếng thời đó như ông Nguyễn Trọng Nho, sinh viên Phật tử. Một bà mẹ vợ hụt của mình kể dạo đó, bà ta cũng tham gia, ông Nho nhát như thỏ chạy trốn ở nhà bà ta,... Mình có duyên, gặp những nhân vật này nên nghe kể lại những mẫu chuyện vui vui của một thời.
Mệ ngoại dắt mình đi hành hương ở núi Bà, vì nghe nói Phật Bà hiện về. Ai cũng đi lên đó, đem chai, thùng nước để lấy nước thánh về uống trị bá bệnh. Ngoài chợ, mình thấy các kiosque bán những tấm hình Phật Bà đứng trên mây, ai cũng mua về treo lên bàn thờ. Sau này mới hiểu là VC nằm vùng tung tin này để ngăn chận chương trình thành lập căn cứ của quân đội Mỹ trên núi này. Họ thành lập một dàn radar cho cả vùng Đông Nam Á. Rồi một sáng, mình thức dậy, ra sân thì thấy ai vẽ chữ Phạn, trên cửa nhà mình bằng sơn để trừ "ma quỷ" hay đúng hơn là trừ "Mỹ qua". Lính Mỹ đổ bộ lên biển Đà Nẵng mà các phim thời sự, chiếu các cô gái bận áo dài đeo vòng hoa cho lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ.
Mình nhớ đi xe đò Chi Lăng với mấy bà Phật tử khác lên đến chân núi rồi mình cầm cái giỏ, đựng hoa quả đi lên núi. Mình, khí thế lên cao vì muốn gặp mặt Phật Bà trên núi, nên đi nhanh, lâu lâu không thấy ai thì hú lên thì những người đi trước hú lại để mình biết hướng mà đi theo.
Lên tới đỉnh thì không thấy gì cả ngoài sương mù. Mình thấy hai ông, người Huế, trạc tuổi ông cụ mình, bận áo đai đen, đang thắp hương nơi bàn thờ. Ai đó chôn khúc cây rồi đóng cái trang, có tượng Phật Bà trên.
Lúc đó mới hiểu, thợ chụp hình chụp cái tượng Phật Bà trong sương mù nên có cảm tưởng Phật Quán Thế Âm đăng vân, in ra bán. Tội nghiệp cho dân mình, ít học nên tin đủ thứ, bị lừa bịp.
Lên núi có một mình, lại vác theo cái giỏ toàn đồ cúng, nên phải đợi Mệ ngoại và mấy bà đi chung xe, lên để có bánh mì. Hôm đó mình nếm mùi cái đói đầu đời. Mình lên trên núi đâu lúc 9:00 giờ sáng mà Mệ ngoại lên đâu gần trưa. Cúng xong thì ăn ổ bánh mì mua ở lò bánh mì ở gần Ngã Ba Chùa với mấy miếng chả lụa. Bánh mì để chung với mấy bó bông thọ nên hơi bị đắng nhưng cũng phải nuốt. Cúng xong, mọi người đi xuống núi, ghé lại cái suối, múc mấy chai nước đem về cúng bàn thờ Phật, gọi là nước Cam Lồ. Sau này học võ mới biết nước miếng là nước cam lồ.
Mình có xin Mệ Ngoại uống một ly vì nghe nói uống vào thì sáng dạ.
Mình chỉ biết càng ngày mình càng học ngu thêm.
Sau này Mệ về sống ở Sàigòn thì ôn ngoại mình lại lên Đà Lạt sống với gia đình mình. Dạo ấy, bà cụ mình mua 4 mẫu đất ở Suối Tía nên hai ông cháu dắt nhau đi bộ, đi làm rẫy. Ông dạy mình cách dùng rựa, cuốc đất, mình có trồng một cây bơ ở sau nhà, nghe nói sau này sai trái lắm, hàng xóm đến hái trộm nên cuối cùng nhà chặt bỏ vì nghe đồn có vong linh ai, ở trên cây. Sinh Nhật thứ 18 mình, Mệ ngoại dạo ấy ở Sàigòn, làm cho mình chả giò tôm ăn nhớ cả đời. Dạo ấy mình đang ở Sàigòn, lo giấy tờ đi Tây.
Ra hải ngoại, với tuổi đời mình bắt đầu hiểu về cuộc đời của Mệ, định sau này về Việt Nam sẽ chỉ cho Mệ đánh vần. Mình mê đọc sách như để đọc dùm cho Mệ. Lần chót mình gặp lại Mệ ngoại, khi về thăm VN lần đầu. Dạo ấy Mệ ở Saigon, với ông cậu, sĩ quan, mới đi học tập về. Mắt Mệ đã loà, không còn thấy mặt mình được. Mệ đưa bàn tay xương xẩu, rờ mặt của mình, hỏi mi nay có tra khôn, nghe nói mi là kiến trúc sư, Mệ mừng lắm, ráng học nghe con, chớ ngu, cả đời không biết chữ như Mệ khổ lắm rồi Mệ chảy nước mắt. Mình đưa tiền cho Mệ tiêu thì nhanh như chớp, Mệ bỏ vào túi vì sợ con cháu trong nhà thấy. Mỗi năm, ngày rằm tháng Ba, mình đều thắp hương cho Mệ. Lần sau về VN, mình sẽ đến chùa Già Lam ở Saigon, nơi Mệ hay đi lễ Phật. Bà cụ mình rước vong linh Mệ và của Ôn ngoại về đó để được nghe tiếng kinh kệ hàng ngày. Hi vọng ở trong chùa, Mệ sẽ tha thứ cho Ôn. Mỗi lần về Đà Lạt, mình hay đi bộ lên chùa Linh Quang, ở số 4 để tìm lại không gian của tuổi thơ, nơi Mệ hay dẫn mình lên đó vào ngày rằm.
Nhờ Mệ mà mình biết tụng kinh, gần gũi với Phật giáo và nhận thức "sự hiểu biết là quyền lực". Mệ không biết đọc cho nên không thể thu thập thêm thông tin nên tin tưởng vào các ông sư vì họ là những người khai sáng Mệ qua các buổi thuyết pháp. Mệ tin có Phật Bà hiện về khi thấy ảnh người ta bán ngoài chợ trong khi mình dạo ấy, còn nhỏ tuổi nhưng thấy sương mù và cái tượng Phật trên đỉnh núi Lâm Viên thì hình dung ngay ra bức hình. Mình không thể tin trái tim của ông Thích Quảng Đức vẫn còn nguyên sau vụ tự thiêu, tương tự anh hùng Lê Văn 8, tẩm xăng làm cây đuốc sống chạy mấy trăm thước để tiêu diệt quân thù.
Tuy không nói ra nhưng mình đoán Mệ rất hãnh diện có thằng cháu ngoại đầu, đậu Tú Tài và tốt nghiệp đại học. Mình thấy nụ cười của Mệ khi ôm mình lần cuối trước khi trở về Mỹ, bao năm qua mình vẫn nhớ nụ cười mãn nguyện ấy của Mệ. Không hiểu tại sao mà mỗi khi đọc thơ của Hồ Dzếnh thì lại mình nhớ đến Mệ ngoại, một đời không biết chữ, một nàng Kiều, bán mình trả nợ cho cha.
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét