Mẹ tôi

Nguyễn Hoàng Sơn

Vầng trăng chẳng chút phai mờ
Theo con đi suốt giấc mơ làm người
Con đi đâu, con về đâu
Cuộc đời của Mẹ là câu trả lời


Mấy câu thơ "Mẹ Trùng Khơi"* trên đã ấp ủ mình từ ngày xa Mẹ, rời Đà Lạt đi Tây. Mình nhớ những ngày cuối cùng ở Đà Lạt, Mẹ nấu các món ăn mình ưa thích, dẫn đi chào các bạn hàng của Mẹ, trong khi người quay đi để che dấu những giọt nước mắt.

Mùa Xuân, trước mặt mùa Xuân
Là đôi mắt Mẹ trong lần tiễn đưa


Ngày rời Đà Lạt, Mẹ có mang cô út được 8 tháng nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày, ra chợ buôn bán để kiếm tiền nuôi đàn con. Không hiểu có phải Mẹ tuổi Dậu nên đẻ như gà. Sinh ra và lớn lên 18 năm tại Đà Lạt, mình thấy Mẹ có mang 13 lần và sinh được 10 đứa em. Hai tuần sau khi đến Paris thì nhận được thư Bố cho biết; Mẹ đã sinh non cô út nhưng cận Tết nên không ở cữ như thường lệ, phải ra chợ bán mỗi ngày để khỏi mất mối, khách hàng quen. Không ngờ đó là lá thư cuối cùng nhận được của ông cụ đến gần 20 năm sau mới đọc lại dòng chữ của Bố.

Mình rời Đà Lạt năm lên 18, tuổi đời lấp lánh bình minh của tương lai nên không một lần, hỏi về cuộc đời của Mẹ. Mình chỉ nghe người quen kể về Mẹ. Mẹ sinh ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên. Nhà nghèo không được đi học, phải phụ giúp Mệ ngoại buôn bán ở chợ Bến Ngự và chăm sóc mấy dì và cậu. Năm 15 tuổi, có một người bà con về quê, đem Mẹ vào Đà Lạt để giúp việc trong nhà. Tiền lương thì gửi thẳng về Huế cho Mệ Ngoại, coi như đi làm Ô Sin không lương. Ông cậu, em trai của Mẹ kể ngày Mẹ rời Huế; thấy người bà con đến gặp Mệ ngoại, rồi dẫn Mẹ đi luôn, không một lời từ giã em út.

Dạo đó từ Huế vào Đà Lạt, phải đi xe lửa vào Tourane (Đà Nẵng), lấy tàu thuỷ đến Phan Thiết rồi đi xe đò lên Đà Lạt, mất mấy ngày đường.

Ngoài giúp việc trong nhà, Mẹ còn phải trông hàng, giúp cậu mợ buôn bán, dần dần quen ăn, quen nói nên được khách hàng mến. Họ thích mua khi có Mẹ vì biết người Mợ sẽ thưởng Mẹ. Mẹ chắt chiu tiền thưởng, làm vốn để sau này ra riêng.

7 năm sau, Mẹ xin cậu mợ ra riêng, đi buôn, chở rau cải xuống Nha Trang để bỏ mối rồi mua mía,... đem về Đà Lạt bán. Cuối cùng bà Mợ khuyên ra buôn bán ngoài chợ. Mẹ lấy hàng hoá của tiệm cậu mợ và các tiệm khác, đem ra ngồi ngay lề đường ở chợ cũ để bán, mượn đầu heo nấu cháo kiếm tiền, giúp Mệ ngoại nuôi mấy ông cậu ăn học ở Huế. Mấy người dì vào Saigon, học thợ may với Ôn Tư, anh của Mệ ngoại. Mẹ có tất cả 1 người chị và 8 người em. Mệ ngoại dẫn các cậu dì đi kiếm Ôn ngoại, đang ở chiến khu nên các cậu dì bị đau khi đi qua các vùng thiêng nước độc, cuối cùng chỉ còn 5 người con.

Mệ ngoại muốn cho người con trai sống sót sau cuộc kháng chiến, nghỉ học chữ, để học may nhưng Mẹ cản, nói cứ để em học, Mẹ sẽ gửi tiền nuôi em, ăn học đến tú tài. Hy sinh đời chị, củng cố đời em như người anh của hoạ sĩ Albrecht Durer, đã hy sinh mộng ước trở thành hoạ sĩ, lao lực trong hầm mỏ, để nuôi người em ăn học thành nghệ nhân. Khi tốt nghiệp thì Albrecht nói với anh, đến phiên em, đi làm để nuôi anh ăn học thì khám phá ra đôi tay của người anh đã bị tàn phá bởi những năm tháng, cuốc than, đào mỏ nên đã vẽ lên bức tranh "đôi bàn tay cầu nguyện" xuất thần lưu danh hậu thế.

Ngoài việc buôn bán, Mẹ còn tham gia hội kín, kháng chiến chống Tây.

Ông cậu, bà mợ biết nên cấm không cho đi, tối khoá cửa nhà lại và cất chìa khoá. Mẹ leo lên gác, trổ nóc nhà, nhảy xuống đường, đi rải truyền đơn, kêu gọi kháng chiến, chống thực dân sau bị bắt. Vào tù, được các người tù khác dạy cho đọc và viết chữ quốc ngữ. Có lẽ hạnh phúc nhất đời của Mẹ là biết đọc và viết.

Dạo còn sinh viên, mỗi lần nhận thư Mẹ, nhìn những dòng chữ thô sơ, không quen cầm viết "như con nước chảy theo dòng, gió mơn man sóng, nhớ mong đôi bờ". Những nét chữ ngày ấy đã giúp mình phấn đấu, vượt qua những sợ hãi, cô đơn trên đất người.

Con đi đâu, con về đâu
Cuộc đời của Mẹ là câu trả lời

Ngồi ngoài chợ, buôn bán nhưng lúc nào cũng có tờ báo bên cạnh. Khi không có khách hàng, Mẹ đọc báo thay vì ngồi lê đôi mách như các bạn hàng khác. Để tiết kiệm tiền, Mẹ mướn nhật báo, tuần báo để đọc. Dạo đó, mua tuần báo, phải lấy dao rọc các trang, được in trên khổ giấy lớn, rồi được xếp thành tư rồi đóng bìa. Vì mướn nên Mẹ phải mở tờ báo theo hình ống để đọc rồi trả lại cho chủ sập báo. Tuy chưa bao giờ đến trường nhưng Mẹ có trí nhớ dai, làm tính nhẩm, cộng trừ nhân chia nhanh như máy tính. Hàng hoá về, nhận bao nhiêu chén, bao nhiêu tô, đĩa hay bán cho ai Mẹ đều nhớ. Nay đã 82 tuổi vẫn làm tính nhanh như xưa. Mình chỉ tiếc là không thừa hưởng được tài ăn nói và sự tính toán làm ăn, tầm nhìn xa của Mẹ.

Sau này phát hiện ra mối tình hữu nghị của ông cụ mình, khi ấy đi lính Ngự Lâm Quân cho vua Bảo Đại, hay đóng quân ở Đà Lạt, mỗi khi ông vua đi săn. Đám cưới của Bố Mẹ, tương tự như bài thơ "Đồi tím Hoa sim" của Hữu Loan. Ăn cưới tại nhà hàng Mekong, ngay khu Hoà Bình.

Sau đêm Tân Hôn, thì sáng hôm sau Ông cụ phải trở về đơn vị. Mẹ xin cậu mợ ra riêng, mướn nhà ở ấp Ánh Sáng và mình được sinh ra tại nhà thương của Bác sĩ Phán ở đường Phan Đình Phùng.

Theo Hiệp Định Genève, sẽ có tổng tuyển cử năm 1956 nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm, mới được thành lập nên chưa cũng cố được lực lượng nên không thể tham gia tổng tuyển cử. Các người ở miền Nam, theo chế độ Cộng Sản thì ra bắc, còn gọi "đi tập kết " còn ai sống ngoài Bắc muốn vào Nam thì bị chận lại vì năm 1954, hơn 1 triệu người bỏ quê cha đất tổ, di cư vào Nam. Đa số là người Thiên Chúa Giáo do linh mục Nguyễn Văn Bình dẫn dắt. Mẹ bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt khi mới sinh mình nên nghe nói mình cũng đi tù với Mẹ. Các người thuộc tổ chức của Mẹ đều đi tập kết, chỉ có Mẹ ở lại cho nên chính quyền miền Nam nghi ngờ. Ông cụ mình, lúc đó trong quân đội, xin về phép để bảo lãnh hai mẹ con ra tù.

Mẹ không được đi học nhưng con nuôi của ông ngoại được ăn học làm đến thanh tra giáo dục của chính quyền VNCH. Trong gia phả bên ngoại, nói ông ngoại thuộc dòng Nguyễn Đăng, hậu duệ của nhà Mạc Đĩnh Chi, Mạc Đăng Dung. Sau nhà Mạc bị lật, con cháu chạy vào Nam, đổi họ thành Nguyễn Đăng để con cháu nhớ. Trong thời gian chiến tranh, thất lạc nhau, ông ngoại vào Bảo Lộc (Blao), canh tác đồn điền trà Nguyễn Đăng. Mình nhớ có thấy đầu cọp và bộ da cọp treo trên tường.

Ôn ngoại có vợ sau nhưng không có con, nuôi hai người cháu cho ăn học thành tài. Sau này bà vợ sau và cô con gái nuôi, đánh bài thua nên cầm thế hết nhà cửa, đồn điền. Sau 75, thì ông ngoại mất tích, không ai biết ở đâu. Có người nói, chắc bị kẻ thù khi xưa trở về hãm hại.

Mẹ như bao nhiêu người phụ nữ Việt khác, luôn luôn hy sinh cho gia đình. Cái gì Mẹ cũng tò mò, muốn học hỏi, tìm hiểu. Gần Tết, ban ngày Mẹ đi bán, tối về làm mứt để bỏ mối cho thiên hạ, kiếm thêm tiền cho con ăn Tết. Mình hay nói với mấy đứa em: Mẹ, cái gì cũng biết ngoại trừ "hạnh phúc". Cả đời chỉ biết hy sinh cho gia đình, cho người thân. Có lẽ đó là định nghĩa của Mẹ về "hạnh phúc". Hồi nhỏ, đi làm ô sin từ 15 tuổi để nuôi em ăn học, khi lập gia đình thì lo cho chồng con. Lấy chồng thì làm người chinh phụ. Sau chồng đi tù thì mỗi tháng phải chắt chiu, gánh gạo và lương khô đi thăm nuôi chồng. Có lần bị gãy cái xương chậu nhưng vẫn tiếp tục đi tiếp tế cho chồng dù đi lại khó khăn.

Sau 75, ngoài lo thăm nuôi ông cụ trong trại cải tạo, Mẹ còn thay thế chồng, lo tròn bổn phận, chu cấp cho ông bà Nội ở quê. Bao nhiêu giỗ bên chồng Mẹ đều nhớ. Mẹ về quê nội để gặp cha mẹ chồng, sửa sang nhà từ đường nên sau này bên nội rất phục Mẹ. Sinh nhật mấy đứa con Mẹ đều nhớ ngày giờ, tháng năm. Nhiều khi mình tự hỏi: một người chưa bao giờ được đi học, lại nhớ nhiều như vậy. Nếu Mẹ may mắn sinh ra trong một gia đình trung lưu, được đi học thì Mẹ có thể kinh bang tế thế. Nếu không có 30/4 thì Mẹ chắc giầu to. Từ ngày Mẹ về hưu, không buôn bán nữa thì mình mới thấy Mẹ thanh thản, đi chơi nhiều trong tuổi già. Mỗi năm, mình đều gửi tiền cho Mẹ đi chơi, hành hương tại các nước Á Châu, Pháp hay Mỹ để bù lại những năm tháng "hy sinh đời Mẹ, cũng cố đời con."
Mình nhớ lần đầu về thăm nhà, thấy Mẹ, từ xa chạy đến nhưng chân khập khểnh, hỏi ra mới biết dạo đi thăm nuôi ông cụ. Trời mưa, từ chỗ xe đổ, phải gánh đồ thăm nuôi, đi mấy cây số mới vào đến trại cải tạo và bị té nên chân mang tật từ đó. Những ngày gió bão ở Đà Lạt thì chân đau tê buốt, chỉ biết ngồi khóc\. Có lần ông cụ vượt ngục bị quản giáo bắt lại, nhốt biệt giam, không được tiếp tế, mẹ phải gồng gánh đem về nhiều lần như vậy. Sau này mẹ chạy chọt các quản giáo để ông cụ bớt lao động và được thả về sớm trước kỳ hạn thay vì 18 năm.

Dạo đó chưa có bang giao với Mỹ nên mình bàn với cô em bên Pháp, mời Mẹ sang Pháp chơi để mổ chân, mình sẽ gửi tiền sang. Sau này có bang giao, Mẹ và ông cụ có sang Mỹ chơi thì mình thấy Mẹ đi đứng bình thường, kêu như uống thuốc tiên. Đó là một niềm hạnh phúc nhất khi thấy Mẹ đi đứng lại không bị tật. Có lần mới sang Mỹ chơi, chưa đến một ngày, Mẹ kêu sao con mắt không thấy đường, phải đi bác sĩ mổ hai con mắt bị cườm. Trước 75, mình chưa bao giờ thấy Mẹ bận đồ bà ba ra đường. Đi buôn, đi bán vẫn vận áo dài như tất cả phụ nữ Huế thế mà lần đầu trở lại VN, mình thấy Mẹ bận đồ bà ba, chạy ngoài phi trường Tân Sân Nhất. Hình ảnh của sự giải phóng con người khỏi đế quốc Phong Kiến khiến mình không khỏi bùi ngùi.

Mình nghe Mẹ kể những hệ lụy, gian truân của thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ mà rùng mình. Những hình ảnh của phim "Chúng tôi muốn sống" hiện ra trước mặt. Trước 75, ông cụ mình là đoàn trưởng Nhân Dân Tự Vệ của ty công quản nước ở gần bờ Hồ, gần lữ quán hướng đạo Lâm Viên. Khi 20/3/75, Đà Lạt bị bỏ ngỏ thì ông cụ mình chôn hết súng, rồi di tản về Phan Rang, Bình Tuy, Long Thành rồi về Saigon. Sau khi về lại Đà Lạt thì VC có chương trình càn quét hết tàn dư của chế độ cũ nên tung ra những lực lượng kháng chiến giả, rêu rao các tướng NCK, NQT,...đang đóng quân ở vùng 3,...khiến một nhóm cựu công chức cũ mắc bẩy nên bị tóm hết. Ông cụ mình bị lên án 18 năm cải tạo.

Lúc di tản về Phan Rang, Mẹ nhờ người em gái mà có thời Mẹ đi làm Ô Sin nuôi, coi hộ nhà và gian hàng ngoài chợ. Khi hồi cư thì đồ đạc trong nhà được người dì lấy đi hết. Hàng hoá ngoài chợ đều được bán nôn, bán tháo hết sạch, không đưa lại một xu. May có bà bạn hàng, gốc Phúc Kiến bên cạnh, thương tình cho mượn tiền để làm vốn, buôn bán lại.

Đúng như định nghĩa của cụm từ "Giải Phóng" khỏi phồn vinh giả tạo, Mẹ chỉ còn lại hai bàn tay không, như lần đầu tiên đến Đà Lạt, năm lên 15 tuổi. Chỉ khác là nay, ngoài Ôn Mệ ngoại, cậu dì, Mẹ phải nuôi thêm thêm 10 đứa con và người bạn đời trong tù.

Trong thời gian đó, dân CM30 thi nhau tố Mẹ, họ viết thư nặc danh hay thư phản động bỏ trong nhà rồi báo cáo với công an khu vực, tìm đủ mọi cách để đuổi gia đình mình đi kinh tế mới. Mình có cô em đi "kinh tế mới" ở Tà In, kể ở cái chòi, mùa khô hay bị cháy, sau này vượt biên sang Pháp. May là dạo đó có vài người quen khi xưa hoạt động chống Pháp, đi tập kết nay trở lại Đà Lạt, cứu giúp nhất là cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi ở dưới chợ. Cô này không có chồng con, nằm vùng, làm kinh tài cho VC trước 75 nên sau 30/4, làm lớn ở Đà Lạt nên bao nhiêu thư nặc danh tố cáo Mẹ, đều được cô ta đọc trước, nên chỉ cách báo cáo trước các buổi họp dân phố.

Ngày thì Mẹ đi buôn ngoài chợ, tối về phải đi họp dân phố, xung phong tham gia vào các công tác khu phố như quét đường,...để con cái được tiếp tục đi học. Phải bám vào thành thị để sống cả đi kinh tế mới là tương lai mù mịt. Trong thời gian đó, gia đình bị cô lập hoá, người quen không dám qua lại thăm hỏi, sợ lụy vào thân. Đối với dân CM30, Mẹ là miếng mồi để cho họ lập công với cách mạng. Chỉ có ông Bửu Ngự, hàng xóm dám ghé lại nhà hai phút, khuyên Mẹ ráng bảo vệ sức khoẻ để nuôi con đợi ngày Cách Mạng khoan hồng người chồng phản động. Mẹ kể cũng may là dạo đó trời Phật giúp Mẹ buôn bán được. Có lẽ người Đà Lạt biết hoàn cảnh của Mẹ, nên ghé lại mua hàng để giúp đỡ Mẹ. Ai có đồ đạc trong nhà, muốn bán thì đem ra nhờ Mẹ bán, lấy lời để nuôi con và đi thăm nuôi chồng.

Mỗi lần đi thăm nuôi ông cụ là một vấn đề. Muốn ra khỏi thành phố Đà Lạt thì phải có giấy phép đi đường nên phải lạy lục, mớm tiền cho công an khu vực để được ký giấy đi đường. Dạo ấy có chính sách Ngăn Sông Cách Chợ, mỗi địa phương tự sản xuất, không được buôn bán với địa phương khác. Nha Trang phải tự sản xuất rau cải cũng như Đà Lạt phải tự sản xuất cá, tôm, muối để tiêu dùng. Do đó khi bới đồ ăn cho người thân ở trại cải tạo thì có thể bị phạt như bài "thầy ơi" của thầy Tuyến kể.

Mẹ phải tìm người làm giấy tờ, nói đem đồ theo để đi lao động nông trường kiểu thanh niên xung phong mới không bị công an kinh tế bắt phạt.

Ngoài ra, dạo đó các xe đò đều thuộc hợp tác xã nên mua vé cũng khó.

Mẹ phải tụ họp các người vợ hay mẹ, có chồng hay con ở trại cải tạo, đưa giấy tờ cho Mẹ để đi bao xe đò. 2 giờ sáng đã phải dậy, đi lo bao xe cho mọi người. Đường dốc, có lần trời mưa xe bị lọt xuống đồi, các người ngồi đợi qua đêm trong mưa gió của những trận bão. Có lần gặp người thượng, họ kêu vào Buôn của họ ngủ qua đêm. Họ xúm nhau lại khiêng chiếc xe đò lên dốc. Ngồi kể những đoạn trường ngày đó, Mẹ vẫn khóc như dòng suối của tủi hờn, uất hận vẫn chưa được thời gian làm khô. Sau này, nhớ ơn người thượng, mình giúp đỡ hàng năm con cháu họ, xe đạp và học bổng để đi học.

Mình có thằng em kế, rất thông minh, học rất giỏi. Học bài hắn chỉ cần đọc một lần là thuộc lòng. Hắn đậu tốt nghiệp phổ thông và đại học với điểm cao nhưng ông cụ mình ở trại cải tạo, nên không được đi học đại học, phải đi học nghề thợ rèn để được ăn cơm trưa, không lương bổng gì cả. Một em kế khác đậu vào trường đại học kiến trúc Saigon nhưng vì lý lịch phải ở nhà đi đan chui vì con của phản động. Mình thấy cô em thức khuya, đan áo cả tuần được trả công một Đô La. Một cậu em khác, đi học thợ may rồi cũng không có việc làm, ngồi nhà ngáp ruồi. Có một cô em nay ở Mỹ kể, một hôm trúng mánh, Mẹ mua được một lạng thịt heo đem về, tính mai làm đồ ăn cho 8 đứa con ăn vì bận đi họp dân phố. Tối đó con mèo hàng xóm vớt mất, khiến Mẹ khóc như mưa bấc. Khóc không phải vì mất miếng thịt mà khóc vì con mình không được ăn thịt từ mấy tháng nay, cứ bo bo, ăn sắn để tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa.

May là trong thời gian đó mình ở hải ngoại, tuy sinh viên không có tiền nhưng mình cũng cố gắng tiếp tế về cho nhà. Khi đi tây, ngoài 500 đô la, Mẹ còn làm cho mình một cái lắc tay, bằng vàng nên mình nhờ ông cậu bà con, con của ông Võ Quang Tiềm đem về, để giúp hai đứa em vượt biên. Mỗi lần nghe Việt Dũng hát " Một chút quà cho quê hương" thì mình chỉ biết ngồi khóc, ăn không vào. Mỗi lần ăn một món ngon nào là nhớ đến cha trong tù, Mẹ và các em đói khát. Mình có mấy tên bạn học y khoa, dược khoa bên Tây và bên Ý, lâu lâu chúng kêu lại nhà đưa cho một hai thùng thuốc Tây để gửi về VN. Nghe kể dạo ấy ông đưa thư rất thương gia đình mình vì mỗi lần có quà hải ngọai là ông ta có tiền boa.

Trong đời sống thường nhật, mình cũng có những thử thách, thất bại cần phải vượt qua. Mỗi lần như vậy thì lại nghĩ đến Mẹ, cuộc đời của Mẹ đã giúp mình phấn đấu, cố gắng không nản chí, tin tưởng một ngày mai tươi sáng hơn. Nghĩ mẹ mình không bao giờ đi học mà năm 40 tuổi với 10 đứa con đã trở thành triệu phú ngầm. Mẹ ăn bận rất đơn sơ so với các vợ công chức hàng xóm nhưng lại làm tiền nhiều nhất, biết tính toán, lo xa. Người mợ khi xưa, về quê đem Mẹ vào Đà Lạt làm ô sin, trước 75 phải mượn tiền của Mẹ, nửa triệu đồng, rất lớn vào thời đó, để mở nhà thuốc Tây cho cô con gái mới ra trường. Không bao giờ được đi học nhưng thi phú biết khá nhiều nhờ đọc sách khi rảnh trong ngày. Biết bao nhiêu người mượn tiền, chơi hụi rồi dọn về Saigon, trốn nợ nhưng Mẹ vẫn bình thản, coi như làm ăn bị thất bại, thua keo này bày keo khác, lúc nào cũng lạc quan cho tương lai.

Ngày nay, 5:00 giờ sáng là Mẹ vác gậy đi mấy cây số lên trường Đa Nghĩa để tập khí công, về nhà đọc báo, nấu cơm. Mình có mời ông bà cụ sang đây chơi hè này nhưng ông cụ sợ ngồi máy bay lâu nên Mẹ cũng không đi dù muốn gặp mấy đứa cháu Nội ngoại ở hải ngoại. Mình dự tính sang năm về Đà Lạt tổ chức kỷ niệm 60 năm đám cưới của ông bà cụ. Không biết tiệm Mekong còn hay không. Nếu còn thì sẽ tổ chức tại đó để nhớ lại cuộc hành trình 60 năm của bố mẹ, đầy nước mắt và hy vọng lúc ấy Mẹ sẽ biết "Hạnh Phúc" là gì.

Mẹ ơi! Nói mấy sao vừa
Qua rồi bao nỗi nắng mưa giữa đời
Con xin hôn cả đất trời
Xin hôn tóc mẹ, sáng ngời lòng con


* Bài thơ Mẹ Trùng Khơi, tác giả vô danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét