Giấc mơ Hoa Kỳ

Nguyễn Hoàng Sơn

Sáng nay, tờ báo địa phương có đăng một bài với tựa đề Giấc Mơ Hoa Kỳ vẫn còn hiện hữu: kể câu chuyện của một người gốc Chí Lợi đi cư sang Mỹ cách đây 50 năm, nay về hưu và tuyên bố giấc mơ Hoa Kỳ vẫn còn hiện hữu. Có lần mình coi đài truyền hình phỏng vấn một ông gốc Ấn độ bảo là ở xứ Mỹ này nếu chăm chỉ, siêng năng thì không thể nào thất bại và nói dân chúng khắp thế giới muốn di cư sang Hoa Kỳ vì muốn tạo dựng giấc mơ Hoa Kỳ.

Mình có cô con gái học lớp 10 nên mấy tuần nay đang điều nghiên xem niên học tới phải chọn học môn gì nên hai cha con có bàn về ngành học sau này. Ngày xưa mình đi học thì có mấy ban như A, B và C nên học sinh có thể chọn ban để học môn mình thích như B thì nặng về toán học, C về sinh ngữ và Văn chương,... Ngày nay ở Hoa kỳ thì có đủ thứ môn, học sinh cứ chọn môn học, đủ tín chỉ thì ra trường trung học.
Còn ai muốn vào đại học thì phải thi SAT hay ACT hoặc IB (tú tài quốc tế) để nộp cho đại học. Cách đây vài năm một học sinh gốc Mễ, không được phát chứng chỉ tốt nghiệp Trung học cấp 3 vì không đạt đủ điểm tối thiểu, đã kiện nhà trường, cuối cùng vì không muốn tốn tiền nên nhà trường đã cho cô học sinh tấm chứng chỉ.

Cái khó mà phụ huynh thường gặp phải khi bàn với con cái về ngành học cho tương lai là ở trường, họ dạy con mình phải đeo đuổi giấc mơ của mình như bài diễn văn của ông Steve Jobs ở đại học Harvard. Mình không muốn cản con theo ngành nó thích nhưng 15 tuổi đầu thì có biết gì tương tự mình khi xưa đọc báo nói đến cuộc đời Bác sĩ Albert Schweitzer thì muốn học y khoa, hôm sau nghe ông thầy nói đến vật lý Quantum thì muốn học vật lý chế bom nguyên tử,...

Có lần mình nói chuyện với một ông quen, bảo thằng con mới ra trường nha khoa, nợ gần nửa triệu Đô La tiền mượn đi học mà đi làm thì chủ trả không bao nhiêu. Tiền lời lúc mượn là 8% nay thì tiền lời thấp hơn nhưng vẫn phải trả 8%. Một bà quen làm về tài chánh kể có một luật sư mới ra trường muốn mượn tiền mua nhà nhưng ngân hàng không cho vì nợ tiền mượn đi học đến $200,000. Đồng chí gái có người chị bà con có hai đứa con học đại học UCLA xong thì một đứa đi làm tài xế xe cứu thương còn một đứa thì làm cho một tổ chức vô vụ lợi nên lương bổng không bao nhiêu trong khi bà mẹ trả nợ mệt nghỉ. Bà mẹ than với mình là "mình ngu nên nghe lời bọn hắn". Mấy người con được các trường khác chọn lại có thêm học bổng nhưng người Việt mình ham danh nên chọn UCLA dù phải trả tiền. 5 năm học tính trung bình ăn ở khoảng $30,000/năm vị chi $150,000 mà đi làm khoản $10/giờ nên phải về ở với mẹ.

Sau 4 năm đại học, ra trường với một cái nợ khoảng $120,000 mà không giỏi thì đi làm được trả có $10/giờ trong khi một tên Mễ nhiều khi không giấy tờ đi làm thợ vịn cho nhà thầu lương tối thiểu $20/ giờ. Nếu học thêm để ra nha sĩ thì nợ đến $500,000.00 thì coi như tương lai đen tối.

Đồng Chí gái có thằng cháu học kinh tế ở đại học Berkeley ra, đi làm lương cũng không khá, lo ngại, hỏi ông bố làm sao con có thể thực hiện được giấc mơ Hoa Kỳ, làm sao mua được căn nhà, làm sao lập gia đình, nuôi con. Anh chàng này hồi còn trẻ hăng lắm, tuyên bố không học y khoa vì trong dòng họ có quá nhiều người theo ngành này. Không biết anh chàng này nghĩ sao khi thấy người em bà con, chưa ra trường dược khoa đã có tiệm thuốc Tây CVS mướn trên $100,000/ năm.

Gần đây vì lý do bầu cử tổng thống Obama muốn lương căn bản tối thiểu của nhân công là $10.10/giờ cộng thêm ông Warren Buffet tuyên bố $15.00/giờ. Lý do các công ty Mỹ phải chuyển đơn vị sản xuất của họ ra ngoại quốc vì gia công rẻ thêm không bị các nghiệp đoàn lao động Mỹ làm khó dễ. Có lần ông Obama hỏi một lãnh đạo của công ty Apple, tại sao không sản xuất IPhone tại Mỹ thì được trả lời sẽ trả lời sau vì rất khó để giải thích tường tận. Làm sao giải thích cho người Mỹ hiểu là khi các kỹ sư của Apple vẽ lại cái IPhone thì trong vòng 2 tiếng đồng hồ, 3,000 công nhân TQ được huy động đến xưởng làm lại trong hai ngày cuối tuần.

Gần đây gia công và giá thành tại các nước như TQ bắt đầu cao, công nhân biểu tình đòi tăng lương nên vài hãng Mỹ bắt đầu di chuyển đơn vị sản xuất của họ về Mỹ nhưng không có nghĩa là sẽ mướn công nhân Mỹ mà dùng rô bô, tự động hóa các đơn vị sản xuất. Các chuyên viên theo dõi các bộ máy này cần có một kiến thức khá cao để kiểm soát sự sản xuất.

Cali là tiểu bang được xem có nhiều triệu phú nhất nhưng tỉ lệ dân nghèo ăn trợ cấp cũng cao nhất nước Mỹ. Mình nghe một người làm cho tiểu bang nói đâu là 47%. Mình có biết nhiều trường hợp như một gia đình gốc Mễ: bà mẹ có 4 người con 3 đời chồng nhưng ông chồng cuối cùng trốn mất. Bà ta đi làm ở Disneyland, lương không cao nên được nhà nước trợ cấp, đóng phụ 70% tiền thuê nhà, không biết có nhận tem phiếu hay không. Cô con gái 16 tuổi dính cái bầu, ở nhà nuôi con được nhà nước trả $400.00/tháng để coi sóc con. Hai thằng con đầu thì chả thấy làm gì cả, tới nhà là thấy ngồi coi tivi hay chơi games, chắc là nhờ luật sư lo giấy tờ hưởng tiền tật nguyền, cứ kêu hơi bị chạm thần kinh là được chính phủ nuôi cả đời. Một gia đình khác gốc Việt, sang đây lâu lắm, ăn trợ cấp rồi khi con lấy chồng, sinh con thì khai phải nuôi cháu nên nhận trợ cấp, ăn từ đời cha đến đời cháu theo kiểu ăn đời bố để cũng cố đời con rồi đời con ăn để cũng cố đời cháu.

Mượn tiền đi học khi ra trường thì nợ nần chồng chất không biết đến bao giờ mới trả được hết trong khi không cần học hành thì được nhà nước nuôi hết đời cha đến đời cháu. Có một số người khôn thì cho con học các trường đại học cộng đồng hai năm rồi xin chuyển trường vào các trường nổi tiếng nên chỉ tốn tiền học ít hay xin học trường không nổi tiếng lắm ở xứ khỉ ho cò gáy như tiểu bang Ohio rồi sau này về Cali đi làm.

Giấc mơ Hoa kỳ là được có một đời sống tốt, làm chủ một căn nhà nhưng sau khi học 7-8 năm đại học để có mảnh bằng, ra trường với cái nợ 1/2 triệu đô la với 8% tiền lời, gần $4,000/ tháng mà chính phủ chỉ cho trừ có $3,000/năm về thuế. Muốn trả $4,000/tháng là phải làm khoản $6,000/tháng vì phải trả tiền thuế liên bang và tiểu bang. Cali được xem là tiểu bang đóng thuế lợi tức cá nhân cao nhất nên một số công ty đã dọn đi tiểu bang khác như Texas, Arizona,... Nên mình giải thích cho con bé, bảo nó xem gương các anh chị bà con trong gia đình mà quyết định ngành của mình thì hy vọng sẽ đạt được giấc mơ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét