Em là con gái trời bắt chảnh



42 năm qua, cô bé vẫn không quên được ngày nhập học ở trường Văn Học, cứ ngỡ là ngày hôm qua. Từ đường Hàm Nghi, cô bé đi băng qua khu Hoà Bình rồi thả dài xuống dốc Duy Tân, trong đầu vẫn nhớ giọng của thầy B, khi xưa giảng bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh " Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này đã quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Năm ấy cô bé lớn rồi, học đệ nhị nên không cần mẹ dắt đi học, cô bé đi một mình đến trường. Cô bé là tráng của hướng đạo Lâm Viên nên lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi tình huống. Mẹ cô bé hay trêu mỗi lần thấy cô ăn 2 tô phở gà vì gái 17 bẻ sừng trâu cũng gẫy, "cô bé lớn thật mau, mai mốt mẹ ăn trầu".

Con đường cô bé đi lại lắm lần

Khi đến trường thì ngay đầu đường Hoàng Diệu, cô bé đã thấy nơi cái quán đối diện trường, một đám nam sinh đứng lố nhố, hút thuốc huýt gió mấy cô nữ sinh khiến chân cô bé như khuỵu lại, lòng run run. Cô bé bất chợt thấy một cặp mắt vô hình, cứ nhìn sau lưng mình khi bước lên cầu thang. Cái cầu thang này sao cao thế mà biết bao nhiêu đôi mắt của bọn con trai từ phía sau, như những viên đạn của những câu chọc ghẹo sẵn sàng bắn vào, chọc thủng tim cô bé. Cô bé nhẹ nhàng kéo vạt áo dài và ống quần lên, kẻo vướng đôi guốc lỡ té trên cầu thang thì khốn.

Cô bé bước lên thang cấp với lòng hồi hộp:

Em lên thang cấp mắt chàng theo sau
Em không dám đi mau sợ té xuống đường
Chàng kêu hấp tấp số lận đận không giàu


Nhưng đôi mắt ấy cứ theo cô bé vào lớp đến cuối ngày khi tiếng chuông báo tan lớp cô bé thở phào nhẹ nhỏm. Ngồi bên cạnh là Nga, học sinh lâu năm của trường, giải thích cho cô bé những thắc mắc về giáo trình, các thầy cô không quên nhắc đến ba roi mây của thầy CBA. Nga dặn cô bé là ráng đừng bị trứng ngỗng vì gái trai đều bị kêu vào văn phòng để được gắn huy hiệu của cái roi mây nhớ đời.

Một hôm, Nga bước vào lớp, cười bảo cô bé là có một tên trồng cây si và nhờ đưa cho cô bé lá thư. Cô bé run run, hồi hộp mở lá thư.

Đà Lạt, một chiều thu 

Kính gửi cô bé vô vàn kính yêu

Từ ngày phát hiện ra cô bé, lòng tôi vô cùng hồ hởi phấn khởi và thương nhớ trường kỳ. Ngồi trong lớp học Toán, tôi chăm chú nhìn cô bé cạnh bên. Cô bé là người mà tôi luôn gọi là BẠN TỐT NHẤT. Tôi chăm chú nhìn mái tóc dài và mượt của cô bé và ước gì cô bé là của tôi. Nhưng cô bé không xem tôi như thế và tôi biết điều đó. Tôi muốn nói với cô bé, tôi muốn cho cô bé biết rằng tôi không muốn chỉ là bạn. Tôi yêu cô bé nhưng tôi quá nhút nhát, khù khờ quá, tôi không hiểu tại sao nên nhờ Nga đưa thư dùm...

Mắt cô bé hoa lên, tay run run ôm chặt lá thư vào người, nghe lòng say say. Cô bé lâng lâng như chiếc máy bay lên thẳng rồi theo tiếng chuông reo, ra về. Mọi lần tan trường, đi lên dốc đường Duy Tân, bụng đói nên thấy con đường này sao cao vời vợi nhưng hôm nay cô bé thấy con đường quá ngắn. Miệng cô bé cứ lâm râm

Trả lại em yêu, khung trời Văn Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt..."


Nhưng khổ thay con đường Duy Tân này không có đến một cọng cỏ, cây dài bóng mát như bài hát, chắc tác giả bựa hay tàng tàng như Bùi Giáng.

Lòng cô bé say say, đôi má nóng nóng ran ran không ngờ có người để ý đến cô bé dù không biết tên khù khờ là ai. Cô bé khẽ hát "em còn bé lắm, anh ơi. Nam mô a di đà!" rồi tủm tỉm, mỉm cười một mình.

Hè năm đó là mùa hè đỏ lửa, lính chết nhiều ở các mặt trận An Lộc, Bình Long Anh Dũng, Quảng Trị với dòng sông Thạch Hãn,... Nhiều nam sinh lo lắng, không biết có bị đôn quân, một không khí ảm đạm phủ lên mái trường nhỏ bé nhưng đông học sinh của phố núi cao. Cô bé muốn đóng góp phần mình trong cuộc chiến, nhằm xoa diệu những đau thương, tàn phá của chiến tranh.

Cô bé muốn tham gia hội Hồng Thập Tự, làm nữ cứu thương, lái xe cứu thương đi khắp chiến trường Cao Nguyên, vùng hai chiến thuật như Agnes Von Kurowsky ngày nào, đã tìm thấy và săn sóc Ernest Hemingway ở chiến trường Ý đại Lợi năm nào nhưng mà không được, cô này vào giờ chót lại từ chối tình yêu để lấy một tên giàu hơn. Cô bé thà bán phở cả đời nhưng không thể phụ gã khù khờ ấy.

Cả buổi chiều hôm đó, cô bé không học bài được cứ ngâm nga "thức trắng đêm nay viết dòng nhật ký của hai đứa mình,.." nhưng mỗi lần lấy cuốn tập mới mua ở nhà sách Liên Thanh, bên cạnh tiệm thì cô bé không biết viết gì cả vì cô bé không biết gã khù khờ ấy là ai, nhưng con Nga không chịu nói, nó lại đòi phải bao nó ăn ở quán cạnh trường Việt Anh.

Con ma đầu này lợi dụng ma cũ bắt nạt ma mới, nhưng cô bé vẫn muốn biết mặt gã khù khờ kia, chắc mai phải xin tiền mẹ, nói mua sách để đãi con mất dạy này. Cô bé chợt ngộ ra ý của câu thơ: Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Hôm sau khi đến trường thì cô bé từ đường Hải Thượng, thay vì đi thẳng đến bên lề trái của đường Hoàng Diệu đến quán Bà Cai, nơi đám nam sinh tụ họp để bầu bình đám con gái không may trời bắt đẹp hay xấu, cô bé băng qua đường đi bên hàng hoa Dã Quỳ đến cầu thang. Cô bé hồi hộp, thấy có gì khác lạ như Thanh Tịnh đã kể vào một buổi mai hôm ấy, trên con đường dài đi lại lắm lần, à cô bé chợt hiểu; hôm nay cô bé có người để ý.

Mọi lần đi ngang cái quán Bà Cai thì cô bé sợ lắm nên cứ cúi đầu, nhìn xuống đường. Hôm nay cô bé biết có người để ý, có gã khù khờ đang nhìn theo những bước chân, nghe tiếng guốc của cô bé vang lên trên lề đường như bản phiên khúc mùa xuân, âm thầm của cô bé, đang tôn vinh cô bé là Thánh Nữ của đời hắn nên cô bé không nhìn xuống đường mà vênh vênh cái mặt lên, nhìn về một cỏi xa xăm vô định vì biết gã khù khờ sẽ bảo bọn con trai câm mồm để xem cô bé diễn hành qua khán đài danh dự. Cô bé mạnh dạn leo lên các thang cấp rồi vào lớp không thèm nhìn đám con gái, đang lấm lét nhìn cô bé như thèm muốn được có người ái mộ.

Con Nga bỗng nhiên hỏi cả bàn đứa nào đánh rấm thế, không một ai trả lời. Một lúc sau nó lại hỏi đứa nào đạp kít chó thế thì mọi người đều tự giác, từ từ đưa chân lên xem guốc, dép của mình có đạp nhầm mìn Claymore ngoài đường. Cô bé như bị đứng tim, ngộp thở, bụng thóp lại vì thấy dấu tích của bãi mìn của con chó Bà Cai. Hồi nảy vì vênh vênh váo váo không nhìn xuống đường như mọi khi.

Cô bé chưa biết làm gì thì có ai lay lay vai cô bé bảo: "Này con khóc, dậy cho nó bú, anh phải đi ngủ mai có họp sớm trong sở. Bộ ngứa chân hay sao mà cứ lấy chân chà chà vào người ta thế". Cô bé choàng tỉnh trong tiếng khóc của con Nân. Hú vía!
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn