Nguyễn Hoàng Sơn
Hôm qua, mình đến lấy nhà thuê lại để giao cho một gia đình khác dọn vào. Gia đình mướn trước đó thì khăn gói về lại xứ của họ Mễ Tây Cơ.
Mình hỏi sao không chịu ở lại để xây dựng giấc mơ Hoa Kỳ thì anh chồng bảo ở xứ này chỉ thấy toàn biên lai và biên lai. Anh ta đi làm hai nhà hàng mà chẳng dư dả gì cả, chỉ tậu được hai chiếc xe, đem về Mễ.
Thế kỷ 21 cho thấy không gian không còn ngăn cách như xưa nhờ các phương tiện di chuyển khá nhanh. Người ta ước đoán 230 triệu người trên thế giới sống xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rún của họ, định cư tại 18 nước giàu có, trong số đó có 46 triệu sinh sống tại Hoa Kỳ. Năm 2013, thống kê Hoa Kỳ cho thấy 13% dân số của Hoa Kỳ sinh tại một quốc gia thứ 2 và 24% của dân số thuộc giới trẻ có cha mẹ là người ngoại quốc di dân.
Theo tờ Foreign Affairs, trước 1914, các đợt di dân đến Hoa Kỳ gồm người Á Rập theo đạo Thiên chúa giáo, Hy Lạp, Hung Gia Lợi, Ý, Do Thái từ Nga Hoàng và Bắc Âu hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh chóng và giúp kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh. Tương tự, sau thế chiến thứ 2 các nước Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại cũng thâu nhận khá thành công các đợt di dân từ nhiều nơi trên thế giới đưa đến tình trạng ngộ nhận về sự hội nhập của các chủng tộc khác nhau trên thế giới khi di cư vào các nước Tây Âu hay Hoa Kỳ.
Người ta nhận thấy ở Anh Quốc, các gia đình có con đi học đại học Oxford hay Cambridge 200 năm về trước thì tỷ lệ hậu duệ của họ có khả năng vào đại học cao hơn gấp 4 lần người dân bình thường. Ngày nay, 3.5/ 1,000 Bác sĩ tại Hoa Kỳ có tên gốc Ái Nhĩ Lan. Ngày nay, người di dân vào Mỹ đa số là những người có bằng cấp, thuộc giai cấp trung lưu ở xứ họ như các người đến từ Phi Châu, TQ, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Ba Tư, Nam Hàn,..., điển hình người Việt di tản năm 75, đa số thuộc thành phần trí thức, thượng lưu của VNCH.
Ngược lại thành phần thuộc Hmong, La Tinh, Mễ không bị ràng buộc bởi chiếu khán thì vẫn giữ giai cấp của họ như tại quê hương họ trong xã hội Hoa Kỳ. Trong giới Châu Mỹ La Tinh thì nhóm di dân từ các nước như Peru, Guatemala, Colombia,...,Á Can Đình, Chí Lợi,.. thì trình độ của họ cao hơn vì họ rời khỏi quê hương vì lý do chính trị. Họ từng giữ chức vụ cao trong chính quyền trước, ngược lại các di dân lậu từ Mễ sang vì không có công ăn việc làm tại các làng quê thì sang Mỹ họ vẫn phải làm những công việc bằng tay chân và con cháu cũng ít có ai ngất đầu lên cao ngoại trừ một thiểu số có khát vọng, ước mơ cao.
Ở Âu Châu, vào những thập niên 60,70 của thế kỷ trước, họ cần nhân công trong các xưởng chế tạo xe hơi, nhà máy nên cho phép chương trình Gúetarbeiter, mướn các công nhân ở các nước nghèo trong vùng.
Các nhân công gốc Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang các xứ như Đan Mạch, Tây Đức, Thuỵ Sĩ hay dân gốc Á Rập, thuộc địa cũ của Pháp tràn ngập các xưởng Renault,...nhưng con cháu của những người di dân này, ngày nay đa số vẫn thuộc thành phần, giai cấp thấp trong các nước Tây Âu.
Họ bị tha hoá nên nổi loạn, có nhóm theo các nhóm hồi giáo quá khích vì họ không tìm thấy tương lai của họ hay con cháu của họ với tỷ lệ thất nghiệp khá cao.
Ở Anh Quốc, người ta nhận thấy các thế hệ sau của các nhóm đi dân từ Phi Châu, Ấn Độ, TQ,.. khá hơn dân da trắng chính gốc. Thế hệ từ 1963-1975 thì dân da trắng chính gốc Anh đã trải qua trung bình là 12.6 năm về giáo dục trong khi con cháu dân Phi Châu thì có đến 15.2 năm, Ấn độ thì trung bình có 14.2 năm còn dân Tầu thì 15.1 năm.
Tại Hoa Kỳ, người gốc Mỹ La Tinh chiếm 22% tổng số dân Mỹ, người ta dự đoán năm 2050 thì tỷ lệ này sẽ lên đến 39% dân số của Hoa Kỳ nhưng trình độ học vấn hay lương bổng vẫn thấp. Năm 2009, 54% dân số gốc La Tinh, chưa học xong hay chỉ tốt nghiệp chương trình trung học, có 15% là tốt nghiệp đại học.
Ngày nay thế giới tranh đua, ai cũng chú ý đến giáo dục và kỷ năng.
Một cặp vợ chồng trẻ như người mướn nhà vừa rời bỏ Hoa Kỳ, trở về quê hương của họ, sau 10 năm hì hục lao động ở Hoa Kỳ. Tiếng Anh của họ rất yếu, vì không có thì giờ đi học thêm cho nên không thể kèm con cái học hành, nhiều người là nông dân nên không biết chữ như một người thợ của mình. Có lần mình viết tiếng Mễ để lại cho hắn, phải làm những việc nhưng hắn không biết đọc. Con cái của họ phải làm thông dịch viên cho họ nên quyền lực trong gia đình khá lộn xộn, con cái không nghe lời cha mẹ vì họ không biết tiếng Anh mà con họ lại không rành tiếng Mễ nên cũng khá mệt. Mình có một gia đình gốc Mễ, có cô con gái 17 tuổi dính cái bầu, tên bồ bỏ trốn nên cô gái phải nuôi con một mình, ăn trợ cấp, bỏ học.
Người mướn nhà của mình được 2 năm mà đẻ 2 đứa con nay thấy cô vợ đang mang bầu, ôm gói về Mễ. Bà mẹ hình như bị dẫn độ về Mễ vì di dân lậu, có mấy đứa em sinh ở Mỹ nhưng cũng theo mẹ về Mễ. Mình có anh chàng Mễ cắt cỏ, rên là bà vợ bị dẫn độ về Mễ với mấy đứa con nên cuối tuần phải chạy về Mễ gần biên giới thăm vợ con rồi tối chủ nhật, lái xe về Mỹ đi cày trong tuần. Anh chàng chịu khó mua nhà ở đây nhưng vợ con không ở được. Mình hỏi anh chàng giấc mơ Mỹ là gì thì anh ta chỉ lắc đầu và kêu chỉ là ảo vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét