Hôm trước đi ăn cơm với anh bạn. Sau khi rít xong điếu thuốc, phê lên, anh ta kêu mày, kiến trúc sư mà đến nhà mày, không có đến một cái gì chứng tỏ là mày đã tốt nghiệp trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật của Pháp khiến mình ngẫn tò te.
Câu phán của anh bạn làm mình nhớ đến cuốn phim “dòng sông không trở lại” (River of no return), do Robert Mitchum, Marilyn Monroe đóng vai chính. Phim này được quay trước khi mình ra đời. Câu chuyện chỉ nhớ là cô đào khét tiếng này, đóng vai cô gái ăn sương, hát hò cho dân đi tìm vàng, trong mấy quán rượu kiếm tiền, bồ với một anh chàng chuyên đánh bài gian lận. Robert Mitchum đóng vai một tên mới ra tù vì tội giết người để cứu một người bạn. Ra tù, ông Mitchum đến quán rượu để nhận lại thằng con được cô Monroe nuôi trong thời gian ở tù, không nhớ bà vợ ở đâu, chắc chết hay đi lấy chồng khác. Lấy lại con rồi ông ta về nông trại để làm ăn.
Cô Monroe và ông bồ, đóng ghe để đi đến một tỉnh lân cận để lấy mảnh đất, đã thắng khi đánh bài nhưng không rành chèo ghe nên đi không xa, gặp bố con ông Mitchum, kêu bán cho họ con ngựa và khẩu súng nhưng không được nên đánh ông này bất tỉnh rồi cướp súng và ngựa rồi anh bồ bỏ trốn, để lại cô bồ cho 2 cha con ông Mitchum. Họ phải chống trả lại mọi da đỏ, thảo khấu,… cuối cùng đến thành phố kia thì cô đào lại đi xin việc làm trong quán rượu. Kết cuộc ông Mitchum đi vào quán rượu và cõng cô này về nông trại. Quá khứ quên hết để làm lại cuộc đời.
Lúc đầu cuốn phim thì ông Mitchum có lẻ không bao giờ nghĩ đến lấy một cô gái ăn sương làm vợ, cô Monroe không bao giờ nghĩ lấy một tên giết người, ở tù mới ra. Sau chuyến hành trình đầy gian khổ, vượt qua bao nhiêu thử thách, họ đã tới đích và tình cảm nảy nở, họ quên hết định kiến của quá khứ để lấy nhau, xây dựng tương lai. Nếu họ cứ bám vào quá khứ thì cuộc đời họ sẽ không bao giờ thay đổi.
Cuộc đời như một dòng sông không trở lại, con thuyền của chúng ta sẽ ghé nhiều bến, có người chỉ ghé một bến nhưng có người thì cứ mãi mãi ra khơi. Nhiều người Việt sang Hoa Kỳ, cứ nhớ đến thời vàng son của họ tại Việt Nam khi xưa, trở thành yếm thế, cứ bám víu, ăn mày quá khứ.
Năm kia mình về âu châu, đến nhà bạn bè ăn cơm thì thấy mấy tấm tranh của mình được họ treo lên tường một cách trịnh trọng khiến mình cảm động. Những tấm tranh ấy, dấu tích của một thời ở quá khứ của mình. Nhìn những bức tranh giúp mình nhớ lại không gian ngày ấy nhưng nhìn kỹ thuật thì có lẻ ngày nay mình chắc sẽ không vẽ như vậy. Kiến thức của mình được bồi dưỡng thêm, sự hiểu biết của mình về hội hoạ có thể đạt hơn.
Ngày xưa, học kiến trúc mình cũng có ước mơ, xây một cái nhà riêng tư, diễn đạt tâm thức của mình nhưng khi ra nghề thì không muốn ở cái nhà do mình vẽ và xây. Lý do là người ta không thể trụ lại một chỗ, có thể hôm nay mình nghĩ như thế này nhưng ngày mai lại thích thứ khác. Ở nhà do chính mình thiết kế, ngày nào cứ nhìn thấy cái ngu của mình, dấu tích của tuổi trẻ thì làm mình càng đau khổ thêm nên tốt nhất là sống nhà thiên hạ thiết kế, có gì thì đổ lỗi cho kiến trúc sư khác.
Mình có đến nhà bạn bè, người quen, thấy họ tốn tiền, mua tranh ảnh, trang trí nội thất rất đắt tiền như người phụ nữ, mua nữ trang nhưng đa số không phân biệt được hay biết lịch sử văn hoá về những phong trào nghệ thuật. Họ chỉ mua để khoe khoang, dùng những tác phẩm nghệ thuật để khẳng định với khách, họ thuộc vào giai cấp giàu có, am hiểu nghệ thuật.
Chân ướt chân ráo đến xứ người thì cố tâm tìm kiếm công ăn việc làm, sau quen nước quen cái thì phú quý sinh lễ nghĩa. Từ những bức tranh sơn mài, gợi lại cho họ những gì để lại sau lưng khi ra đi tìm tự do, được treo trên tường của những căn hộ mướn, họ thay vào đó những bức tranh, điêu khắc của người sở tại để khẳng định mình là người Mỹ. Khác với người Mỹ, họ vẫn đứng ở cái gạch nối của cụm từ Vietnamese-American, là miếng thịt Ba Chỉ, nữa nạc nữa mỡ.
Ngày nay, mình không chỉ sống cho mình nhưng cần hài hoà với vợ con, do đó mình không thể khẳng định hay áp đặt cái “tôi” của mình trên vợ con. Vợ con muốn trang trí ra sao thì vô tư còn mình thì cứ như dòng nước bám theo vợ con. Đồng chí gái hay nói: “anh là kiến trúc sư mà sao chả có nghệ thuật gì cả”.
Khi xưa mình vẽ nhà xây cho thiên hạ. Khách hàng trả tiền nên tha hồ mà bay bổng lên trời, bơi lội trong vùng sáng tác vô biên còn nay ở nhà mình thì chán mớ đời, không muốn tiêu phí tiền. Số tiền bỏ ra để trang trí nhà cửa, có thể dùng số tiền ấy để đầu tư thêm lợi nhuận. Tâm thức của mình ngày nay khác với ngày xưa, không còn là một kiến trúc sư đơn thuần mà đã bị điều kiện hoá bởi đầu tư, lợi nhuận….. Năm ngoái vợ thúc lắm mới làm cái vườn cho vợ vì được nhà nước cho $6,000, để bớt tưới cỏ vì hạn hán.
Khi xưa đọc truyện về Trương Tam Phong, ông ta hỏi Trương Vô Kỵ là đã quên chưa sau khi ông ta chỉ dạy Thái Cực Quyền thì mình thấy làm lạ vì ở trường thầy cô bắt mình học thuộc lòng mà đây ông thầy này lại bắt học trò, quên những gì đã học. Sau này tập Thái Cực Quyền từ 12 năm nay thì mới bắt đầu ngộ sơ sơ là tại sao phải quên.
Nếu ta không buông bỏ những gì đã biết thì sẽ không tiến xa được. Đi seminar về quản trị, người ta hay kêu mình đứng trên bục rồi thảy mấy trái banh đến để mình chụp. Chụp nhiều trái banh quá thì không còn tay để ôm banh cứ tiếp tục được thảy đến nên rớt lỏng cỏng hết. Muốn chục quả banh mới thì bỏ bớt những trái banh đang cầm trên tay. Trong đời sống thường nhật cũng vậy, mình đừng có ôm đồm. Quẳng bớt việc,…để đời sống thanh nhàn hơn. Tại sao phải muốn cho người khác biết mình là kiến trúc sư, là ông này bà nọ. Nếu mình cứ ôm lấy cái bằng Kiến trúc sư thì có lẻ ngày nay cuộc đời mình có một kết cục khác.
Mình nhớ khi mới tập Trạm Trang Công, mình bị ảnh hưởng của bài viết, của một sư huynh tập trước do đó mình cứ loay hoay tìm mò những gì anh ta kể, cứ bám víu vào những chi tiếc của bài viết về hành trình tập Trạm Trang Công của anh ta. Một hôm bổng nhiên bớt ngu, mình ngộ ra như nhân vật trong cuốn Siddhartha của nhà văn Hermann Hesse là mỗi cơ thể, mỗi người đều khác nhau, đều có riêng một định mệnh cho nên nếu ta bám víu vào ai đấy thì sẽ không đi xa được. Từ dạo ấy, mình từ bỏ hết những gì đã đọc, nghe để tự tìm lại chính mình trên dòng sông không trở lại. Có thể sẽ mất thời gian nhưng sẽ như chiếc ghe trên dòng sông không trở lại, để rồi một ngày nào đó chiếc ghe có thể bị ghềnh đá đánh vỡ, cũng có thể sẽ đến một bến đò thân thương nào đó.
Chúng ta tự nạn nhân hoá cá nhân mình, để biện minh cho hành động của mình hay phóng đại thêm về những thành tựu nhỏ nhoi của mình. Lý do là chúng ta hay bám víu vào một cái gì đó, đại diện cho cái tôi. Con gà trống thì thích gáy, gà mái đẻ xong thì tục tác thì loài người cũng tương tự theo lệ tự nhiên của trời đất. Để rồi cuối đời, chúng ta cứ kêu tất cả là vô thường như những người tu ở Tây Tạng, vẽ Sa-hoạ (sand Painting, mình chế chữ). Họ dùng những cái chak-pủr để đổ cát màu hình ảnh màu mè với cát hay bông hoa rồi xoá đi như để nhắc nhở chính họ là có hợp rồi có tan, tất cả chỉ phù du nhưng sống trong những giây khắc ấy một cách thành thực thì đã toại nguyện về cuộc sống.
Người tây phương rất phục ông Phật Thích Ca vì ông ta sinh ra trong sự giàu có, là một hoàng tử nhưng ông ta đã từ bỏ hết để điều nghiên về kiếp ba sinh, tạo hoá, cuộc đời trong khi ông Khổng Khâu dù được Trung Quốc lăng xê qua các Viện Khổng Tử trên thế giới nhưng không được nhiều người để ý như ông Phật nên phải đóng cửa.
Hình ảnh ông Phật, một khất sĩ đi đây đi đó để tìm ra sự thật về cuộc đời khác hẳn với mấy ông sư trong chùa, bận áo cà sa, đội mão, cầm gậy,…. Hồi nhỏ thấy mấy ông sư đi xin ăn thì lấy làm lạ vì vào mấy chùa Linh Sơn hay Linh Quang thì thấy mấy thầy bận quần áo sang trọng, ăn uống linh đình. Ra hải ngoại thì thấy mấy thầy bận đồ như ông sư Tam Tạng, đi thỉnh kinh ở Tây Tạng. Sau này mới biết là có những giáo phái khác nhau.
Qua Tây mới hiểu được hình ảnh người khất sĩ. Sinh viên nghèo nên mình đi xin quần áo cũ của nhà thờ hay hội đoàn phát chẩn để bận vì áo quần mùa đông rất đắt, đi làm chui thì đâu có bao nhiêu tiền. Xin đồ phát chẩn giúp mình bớt cao ngạo, coi trời bằng vung như khi còn ở Đàlạt. Mỗi ngày người khất sĩ đi ăn xin rồi mới về chùa tu đạo, tu tâm. Đi xin ăn sẽ làm cho họ bớt cao ngạo, may ra mới hiểu được những lời dạy của Phật khi xưa.
Chúng ta bị mù quáng bởi lòng tham vọng. Hồi nhỏ có một ông cha, giảng cho mình là ông Phật kêu: lòng tham, cái dục là khởi đầu cho sự đau khổ của chúng ta. Chúng ta muốn thiên hạ biết mình là kiến trúc sư, là người hiểu biết về nghệ thuật, phải cố làm tiền, để mua tranh, xây nhà, theo kiểu không giống ai để khẳng định tri thức, tài hoa của mình?
Mấy ai hiểu được ý tưởng, tâm thức của mình? Khi xưa đi vẽ bán tranh cho du khách,… mình ngồi vẽ, nghe người bàng quang bu lại, hỏi nhau tên này vẽ theo trường phái Lập Thể, Ấn Tượng,… khiến mình buồn cười. Mình vẽ để bán kiếm tiền đi du lịch, trả tiền ăn, tiền khách sạn,… thuộc “trường phái kiếm ăn”.
Mấy tháng trước, cúng 49 ngày cho một ông anh vợ ở chùa. Mình hỏi chuyện ông thầy trù trì, lâu quá không gặp thầy thì được biết là thầy về Việt Nam, xây chùa để dạy chúng sinh. Mình hỏi chùa ở trên núi thì ông thầy kêu: Bậy nào. Chùa ngày nay xây trên núi thì ai đến. Con người trong cuộc sống vội vã nên phải xây trong trung tâm thành phố. Ai xây chùa xa xa thành phố là coi như phá sản. Không có thí chủ đến cúng dường thì đói à.
Tập ở Đông Phương Hội từ 12 năm nay thì mình bắt đầu hiểu lý do tập Thái Cực Quyền, Trạm Trang Công, và nội công,… nếu chúng ta không hiểu sức lực của chính mình thì khó mà chiến thắng được đối phương. Ngay chính mình còn không tự thắng được thì nói chuyện trên trời là vô vọng. Tập luyện ý chí của mình để vượt qua những thử thách gặp phải hay có đau ốm thì cố gắng để chữa trị.
Có nhiều người nói với mình là muốn làm cái này cái nọ, sẽ trở thành triệu phú hay tỷ phú …, nhưng họ không bỏ được hút thuốc lá, uống rượu hay thậm chí kiên trì đến Đông Phương Hội tập hay võ đường nào khác. Cứ viện cớ này cớ nọ để rồi một ngày đẹp trời, nhận ra mình đã già và gửi cho mình những email của ai đó kêu đời là vô thường.
Vẫn biết đời là vô thường, tạo dựng xong lại phá đổ nhưng các vị tu sĩ Tây Tạng vẫn bỏ công sức ngày đêm để tạo dựng bức tranh hoa sắc. Mình thấy nhiều người đến tập ở Đông Phương Hội từ 12 năm qua nhưng số người còn ở lại để tập rất ít. Lý do, mỗi ngày cứ kéo nội công, không có gì mới lạ nên họ chán, đi tìm thứ khác để tập. Họ đi tìm ảo tưởng như câu chuyện mà ông Napoleon Hill kể về ông nào ở Anh quốc, bỏ xứ đi qua Phi châu tìm vàng hay chi đó. Sau bao năm, chán nản bỏ về quê thì người ta khám phá sau vườn của ông ta có hầm mỏ. Hạnh phúc trước mắt nhưng con người hay chạy theo những gì xa xăm.
Lúc đầu mình cũng nản nhưng sau 6 tháng tập thì thấy sức khoẻ tốt hơn, chân tay không đau nữa, cholesterol xuống dưới mức trung bình nên tiếp tục tập đến ngày nay. Mình thắc mắc là K bỏ tiền và công sức để trả tiền thuê võ đường mà ít học viên mà cứ tiếp tục từ 12 năm nay, rồi còn bị người khác chỉ trích, phê phán này nọ. Gần đây, Thư Viện Việt Nam có mở lớp dạy người Việt lớn tuổi, tập cho có sức khoẻ. Mình trốn vợ sai vặt, bò ra để tập ké, lâu lâu K bận công việc thì có nhờ mình hay ai khác đứng lớp. Thấy người lớn tuổi về già đau ốm tùm lum, sau mấy tháng tập đều đặn thì họ kêu bớt đau nhiều thì mới hiểu lý do K bỏ thì giờ, tiền bạc hướng dẫn mọi người. Niềm hạnh phúc nho nhỏ như vậy làm ấm con tim.
Có người lười tập nên lại dùng đến chữ nghĩa để diễn giải lối tập, sử dụng những cụm từ trong truyện kiếm hiệp để giải thích cách tập làm mê hoạt người đọc vô hình trung đưa họ đến một bến bờ khác. Mình đến nhà người bạn, khoe có phòng riêng để thiền, đề chữ Thiền to tướng trước cửa phòng, nơi họ sử dụng để thiền, có nhạc mưa róc rách hay sóng biển vỗ ầm ầm nhưng không thấy phòng nào để sinh lý để hai vợ chồng hò giã gạo,…nên hỏi thì anh ta kêu chim mỏi cánh từ lâu. Mình chỉ anh ta tập Hấp Tinh Đại Pháp nhưng không biết anh ta có chịu tập hay không hay mua Viagra cho mau.
Đồng chí gái có cái bệnh khó ngủ, nghe ai mua nhạc sóng vỗ, chim kêu vượn hú chi đó nhưng cũng không ngủ được vì cô nàng không buông bỏ được. Mỗi lần khách đến chơi hay được mời đi ăn tiệc, khi ăn no là mình đi ngủ. Tới nhà ai thì mình ngồi tại chỗ ngủ đến khi đồng chí gái kêu dậy đi về.
Bạn học xưa kêu mình nhớ nhiều chuyện ngày xưa nhưng thật ra mình nhờ sau 12 năm tập ở Đông Phương Hội, mình học cách tìm lại chính mình, không tựa vào chỗ nào nên khi nhìn lại bức tranh ngày xưa thì mình thấy được bức tranh tổng thể và khi nhìn kỷ góc độ nào, thời gian nào thì trí nhớ của mình hướng về mảnh nhỏ của bức tranh ấy nên kể rành rọt hơn, trái với những người bạn đồng môn xưa, họ chỉ cố chú ý vào những cái gì quan trọng nhất về Đàlạt ngày xưa của họ. Khi đã bám vào những điểm ấy thì họ không thể nào thấy được bức tranh toàn vẹn của thời niên thiếu.
Mình thích nhất hình ảnh những tu sĩ Tây Tạng vẽ hoa trên cái mâm để rồi phá hết nhưng dù biết vậy họ vẫn quyết tâm làm bức tranh sau đẹp hơn bức tranh trước dù cũng sẽ đem đến kết cuộc là xoá bỏ như chiếc ghe trên dòng sông không trở lại.
Xong Om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét