Cung nô bộc

Mấy tháng nay, bà cụ sống với gia đình mình ở Cali nên có dịp hỏi về thế hệ của bà cụ và trước đó thì khám phá ra khi xưa, bà cụ vào Đàlạt giúp việc cho gia đình bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, bà con với Mệ ngoại. Thông thường, người sinh sống tại Đàlạt mượn người từ quê, trả trước 3 năm cho gia đình ở quê, xem như hai bên ký hợp đồng 3 năm. Sau 3 năm thì người giúp việc được tự do, muốn làm tiếp hay đi làm chỗ khác hay lấy chồng,… mẹ mình vào giúp việc nhưng lương thì Mệ Ngoại đã lấy nên bù trớt, phải xoay sở kiếm thêm tiền tiêu, được bà Phúng thưởng tiền khi buôn may bán đắt,…
Bà cụ mình làm cho tiệm Hiệp Thạnh được 6 năm. Tiền lương thì vẫn gửi cho Mệ Ngoại ở Huế để nuôi ông cậu ăn học. Mẹ có 1 người chị và hai người em đã vô Sàigòn từ bé. Một người khi xưa có vào Đàlạt khi bà cụ sinh ra mình. Dì hay kể là khi trông mình, dì bỏ đi đâu có mấy phút, quay lại thì thấy mình té dưới đất, bên cạnh lò than mà đến giờ dì cũng không hiểu làm sao mình có thể ngã xuống đất mà không trúng vào lò than. Chắc nhờ bà cụ bán mình ở am bà cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, cây số 6.
Ông bà Phúng xem bà cụ như con nên cũng đở khổ, được phép bán giúp hàng hoá của mấy tiệm khác như Vĩnh Phát, Hiệp Pháp,..kiếm thêm tiền, mua kiềng, mua vàng để làm của riêng. Mấy tiệm này có hàng muốn tống khứ đi hay khó bán thì đến nói bà Phúng, nhờ bà cụ bán dùm. Bà cụ mình có khiếu buôn bán. Mình chưa bao giờ nghe bà cụ cãi nhau với bạn hàng cả, biết cách ăn nói. Mình mà thừa hưởng được cái khiếu ăn nói của bà cụ thì có lẻ đời mình có lẻ khá hơn không bị vợ chửi.
Sau 6 năm làm công, mẹ mình về Huế để xem tình hình, thấy quê hương xứ gà ăn đá rồi vô lại Đàlạt xin cậu mợ Phúng ra riêng, bán ở Chợ Cũ, khu Hoà Bình ngày nay, ngay góc tiệm Anh Lân, Tiến Đạt rồi lấy chồng, mướn nhà dọn về Ấp Ánh Sáng. Sau này ông cụ giải ngủ, làm cho ty Công Chánh thì dọn về cư xá công chánh ở đường Hai Bà Trưng đến nay.
Sau khi đăng ký quản lý đời nhau, ông bà cụ mình thi đua chương trình “Thêm người thêm của” tăng gia sản xuất được 10 hay 11 đứa con không nhớ nữa. Em út nhiều quá không nhớ bao nhiêu. Chán Mớ Đời. Mẹ mình đi bán nên phải mượn người ở quê vào giúp như khi xưa mẹ mình vào Đàlạt, giúp việc cho ông bà Phúng.
Có nhiều người lắm nhưng có lẻ mình nhớ nhất chị Hoa, người cuối cùng phụ bà cụ vì sau 75 thì không còn cảnh người bốc lột người nữa. Chị Hoa về quê lại. Chị này thù Việt Cộng lắm vì năm Mậu Thân có mấy người thân ở Huế bị Việt Cộng chôn sống. Mình nghe chị kể Mậu Thân ở Huế mà rợn người, không hiểu tại sao ngươi Việt thù nhau như vậy trong khi ở trường lại học “người chung một nước phải thương cho cùng”.
Dạo ấy có một chị tên Tiên, bé bé, gốc Quảng, phụ bà cụ dọn hàng ở chợ. Một hôm chị ta biến mất, quần áo đi đâu hết. Hỏi ra thì chị Hoa nói là nằm vùng vì có dụ chị Hoa tham gia.
Dạo còn bé mình hay vô nhà bà Võ Quang Tiềm với mệ ngoại. Ông nội bà Tiềm và bà nội Mệ Ngoại là anh em ruột ở làng An Lưu, Phú Vang, Thừa Thiên. Ông Tiềm là người làng Ngọc Anh, cạnh Lại Khê rồi đến làng Dưỡng Mong của ông ngoại mình rồi đến An Lưu. Lần trước mình đem Mạ về quê nên được giải thích, khi xe chạy về quê ngoại. Bà Tiềm có một người chị là bà Dụ, mẹ của dì Tân ở gần nhà mình và hai người em trai là ông Phúng (Hiệp Thạnh) và ông Đàng (Long Hưng) ở đường Duy tân.
Mình không biết ông Tiềm vào Đàlạt năm nào nhưng nghe kể lúc đầu bỏ quê vào Đàlạt lập nghiệp với hai bàn tay trắng, với tính chịu khó của người Huế nên sau này được xem là giàu nhất Đàlạt. Lúc đầu làm thợ may, may quần đùi, bới cơm đi bộ mấy ngày với em rễ là ông Phúng, gánh xuống nơi người ta làm đường rày xe lửa, bán quần áo cho nhân công đường rày xe lửa. Bán hết rồi lại lội bộ về Đàlạt, may tiếp rồi lại cuốc bộ đi bán tiếp.
Sau này học lịch sử Hoa Kỳ, khi người Mỹ chạy sang tiểu bang Cali tìm vàng thì người giàu to là ông Levi, may quần bò bán cho dân đi đào vàng. Ở Đàlạt, phu đi làm đường rày Phan rang Đàlạt, chỉ cần bận quần đùi. Để hôm nào mình xem lại mấy tấm ảnh thời đó khi họ làm đường rầy để xem có ai bận quần đùi do ông Tiềm, ông Phúng may. Nội đi bộ 3 ngày, 3 đêm rồi dạo ấy cọp khá nhiều, mới thấy cái chí của mấy người xưa kinh khủng thật. Gặp mình chắc nằm nhà ăn cám heo quá.
Sau này chuyển sang bán rượu và thuốc Cẩm Lệ rồi mua nhà cho thuê nên sau này được xem là người giàu nhất Đàlạt, nghe nói có đến 56 căn nhà ở Đàlạt đến 1975. Ngoài ra có mua nhà bên Pháp cho mấy người con ăn học bên Tây. Ông có căn nhà to đùng ở đường Hàm Nghi, để làm kho chứa mấy lu rượu. Mua rượu cồn gốc rồi về pha với nước, rồi nhà Đoan đến khám xét có đúng độ cồn hay không.
Khi mẹ mình lấy chồng thì ông Tiềm có đề nghị mẹ mình dọn về Di Ring, làm đại lý cho Ôn nhưng mẹ mình muốn buôn bán ở Đàlạt. Ông ngoại ruột của mình dạo ấy có đồn điền trà ở Bảo Lộc, cũng kêu về làm ăn ở đây. Bà cụ mình vì sĩ diện nên không chịu nhận nhà cửa của ông ngoại ở Bảo Lộc. Gặp mình là vớt hết. Sau này bà ngoại ghẻ và cô con gái nuôi, thua bài, bán hết gia tài rồi năm 75, ông ngoại mất tích. Người ta đoán là mấy người tập kết về thủ tiêu.
Tiệm ông bà Tiềm ở khu Hoà Bình, trước bãi đậu xe Taxi, dãy tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An là nơi gia đình ông Tiềm ở. Nghe kể khi ông Phạm Quỳnh, bố của bà Nguyễn Văn An bị Việt Minh cho đi mò tôm, gia đình ông ta ra Bắc gặp ông Hồ, thì ông này khóc rốn như mưa, kêu trễ rồi trễ rồi, sau khi giết người ta tương tự bà Nguyễn Thị năm, ở Hà Nội. Mình thấy mấy lu to đùng đựng rượu, thiên hạ hay vào đưa cái chai ve 1 lít để mua rượu. Ngoài ra còn bán thuốc rê mà người ta hay gọi thuốc Cẩm Lệ, địa danh của một tiệm bán thuốc rê nổi tiếng ở Huế của bà Cửu Ối. Ông Tiềm xem như là đại lý độc quyền về hai món này ở Đàlạt nên rất giàu. Thuốc lá và rựou là những thứ mà người ta thèm, nghiện nên không bao giờ thất nghiệp.
Thời tây hai món này là chính, chỉ có người được cấp môn bài, đóng thuế cho tây mới được bán. Ai mà nấu rượu lậu hay làm thuốc lậu thì bị bắt. Mình nghe dượng Ba Ca trên số 4 kể vì khi xưa dượng làm nghề têm thuốc phiện trong mấy ổ tiên nâu. Dân bán cà phê hay cho tiền dượng để cạo mấy cái mủ thuốc phiện, dính nơi cái tẩu để bỏ vào cà phê khiến dân tình nghiện cà phê họ mà trở lại. Xin dấu tên tiệm cà phê này ở Đàlạt.
Thuốc rê được trồng ở mấy xứ Quảng, hình như Quảng Ngãi thì phải, có vài nơi trồng thuốc ngon nổi tiếng như Thạch An, Bình Minh (Bình Sơn), Cà Đó (Mộ Đức), Thọ Lộc, Đồng Ké (Sơn Tịnh). Có câu ca dao nhắc đến thuốc ngon, giấy quyến, đặc sệt Quảng Ngãi: "Thuốc ngon chợ Huyện/ Giấy quyến Sa Huỳnh/ Nẫu nói sao mược nẫu, đôi đứa mình đửng xa". Mình nghe thì kể lại chớ chưa bao giờ viếng thăm Quảng Ngãi.
Dạo còn bé nên không rõ nhưng mình đoán là ông Tiềm mua thuốc ở xứ Quảng rồi cho người làm tẩm thuốc, rồi lăn lăn, cuộn thành tròn tròn như ruột tượng bán kính độ 2 cm, rồi cuốn lại khoanh tròn. Khi nào khách mua thì lấy dao có hai tay cầm để cắt rồi cân ký bán lẻ cho họ.
Mình thấy nhà ông Tiềm có nhiều người làm, cho thấy khi làm ăn, may mắn sẽ có những người giúp mình làm giàu còn nếu gặp dân cà chớn thì mất của, mất bạc. Cậu Liễu, kêu mệ ngoại mình bằng O, Dì Tân, con bà Dụ, chị bà Tiềm, nay ở đường Hai Bà Trưng, gần nhà mình. Một cậu nào quên tên rồi, làm tài xế cũng từ quê vào học nghề của ông Tiềm, hay lái xe chở rượu đi đưa cho đại lý.
Sau này, cậu Liễu mở xập bán thuốc rê ở ngoài chợ, ngay khu gian hàng bán giày dép. Mình đã kể đâu đó về thuốc rê Cẩm Lệ ở Huế rồi nên khỏi nhắc lại đây. Hồi nhỏ thấy mấy người lớn, đàn bà hay đàn ông Huế hút thuốc Cẩm Lệ còn bắc kỳ như ông cụ mình thì bắn thuốc Lào nghe phành phạch. Ôn ngoại và mệ ngoại cũng hút thuốc rê nên mình quen thấy phụ nữ hút thuốc nên không ngạc nhiên khi sang tây thấy đầm hút thuốc như ống khói xe lửa. Hồi nhỏ, cứ hết thuốc thì ôn ngoại hay mệ ngoại kêu mình chạy ra chợ, đến hàng cậu Liễu, lấy thuốc và giấy quyến.
Ăn trầu xong thì Mệ Ngoại và bà Tước hàng xóm hay mấy người đến thăm mệ ngoại, lấy giấy quyến ra rồi ngắt một ít thuốc Cẩm Lệ rồi vấn điều thuốc theo hình đầu to đít nhỏ rồi lấy cái hộp quẹt bằng nhôm, dẹp dẹp, độ 2 cm chiều ngang, 6 cm chiều dài còn độ dày thì không nhớ. Kéo cái nắp lên, rồi lấy ngón tay cái bật, bật rồi đốt điếu thuốc nghe xèo xèo rồi hút. Nếu mình không lầm cái hột quẹt dạo ấy, cần phải bỏ thêm đá diêm và đỗ đầu hôi thì phải hay một loại xăng đặc biệt. Khi hết đá diêm thì tháo cái đuôi hộp quẹt rồi mở cái nắp nhỏ, có cái lò xo rồi nhét một viên đá diêm vào rồi đóng lại. Đỗ dầu hôi vào cái khe có đựng bông gòn bên cạnh rồi đóng nắp lại. Mắt Mệ ngoại mình bị lão thị nên mình có nhiệm vụ thay diêm,… bác nào nhớ thì kể dùm đừng có phang này nọ. 55 năm rồi, chỉ nhớ mại mại. Có ai kể tiếp thì em sẽ bổ túc thêm cho chuẩn.
Sau này quân đội mỹ qua thì thiên hạ xài hột quẹt Zippo của mỹ và hộp diêm, hộp quẹt để mồi ngo để đốt lò than hay dầu hôi. Còn nay thì xài hộp quẹt ga, trong xe thì có loại bằng điện. Ai có cái hình hộp quẹt ngày xưa cho em xin. Xài hộp quẹt Zippo thì mình hay thấy mấy tên hút thuốc, cứ tập bật cái nắp để lửa cháy để mồi điếu thuốc như xi nê.
Mệ ngoại có cái hộp sắt đựng thuốc rê, hình như hộp kẹo ho tên gì quên rồi, hình như Poll Moll và giấy quyến và cái hộp quẹt mà người ta gọi là bít kê (bricquet) bỏ trong cái bọc nylon, để trong túi áo bên trái. Hút không hết thì họ dáng lên tường, hay chân giường để dành cho lần sau, lấy mấy tàn thuốc rồi gom lại vấn thành điếu khác để hút. Sau này có lẻ thuốc điếu rẻ hơn, được đại chúng hoá nên ít ai hút thuốc rê, Cẩm Lệ nữa ngoại trừ mấy người lớn tuổi. Đám bạn mình hút thuốc Captan, Bastos Quân Tiếp Vụ còn ông cụ hút Pall Mall.
Đi cùng chuyến máy bay vào Đàlạt với chị Hoa có chị Nét, cùng làng nhưng không nhớ tên làng do bà Phúng nhờ người làng hỏi dùm. Tiền lương thì bà cụ mình trả cho gia đình chị Hoa trước cho 3 năm. Lúc đầu tính mượn cả hai nhưng chị Nét kêu muốn làm cho ông bà Tiềm vì nhà giàu có Đàlạt nên chạy ra ngoài phố. Sau 3 năm làm ô sin cho nhà giàu, hoảng quá, xin làm ô sin cho gia đình chú Mãn, hàng xóm mà mình có kể rồi.
Chị Hoa chịu ở nhà mình. Chị muốn ăn chi thì ăn, ăn cùng mâm với gia đình mình, không có trò chủ tớ chi cả nên có lẻ vì vậy chị thương bà cụ mình nên làm việc như trâu. Mình thấy ngày nào cũng giặt quần áo cho 10 anh em, nấu cơm cho 12 mạng, dọn nhà là oải. Mình chỉ giúp buổi sáng khi dậy sớm, nấu nước sôi trước khi đi tập võ ở Ngã Ba Chùa. Chị Hoa dậy sau, pha trà, sữa cho ông bà cụ và mấy đứa nhỏ.
Chị này ở quê mà thân to, ăn cũng khỏe lắm. Mình cứ thấy chị ăn cơm với nước mắm với ớt bột, nhờ tinh bột nên béo ra. Tuy đã trả tiền cho gia đình chị Hoa rồi, nhưng bà cụ vẫn sắm vàng cho chị ta làm của để sau này ra riêng, có vốn làm ăn như bà cụ mình khi xưa thay vì đi làm ô sin hoài. Chị rất khoẻ, vác gạo giỏi hơn mình. Chị hỏi bà cụ, bà Tước hàng xóm là ai, có bà con gì không vì thấy bà này cứ chạy qua nhà mình lấy nước mắm, dầu ớt… nói không có bà con chi cả nên từ đó không thấy bà Tước đến nhà mình lấy đồ ăn, nấu nướng nữa.
Lúc đó mới nhớ là dì Nhơn, bà con chi bên ông ngoại ghẻ của mình, lên Đàlạt phụ bà cụ mình một thời gian, cứ đem đồ cho hàng xóm, sữa Guigoz cho bà con của dì, cứ xem như đồ của nhân dân. Khi dì về Sàigòn thì hàng xóm quen thói chạy qua nhà mình chôm chỉa nên căm thù kêu con ni giữ của cho mụ Thuận để xây thêm nhà lầu.
Dạo chị Hoa ở nhà mình, ngoài bán chén đĩa bà cụ còn bán thêm gạo. Có sổ gia đình mới được mua gạo vì chính quyền sợ tiếp tế cho Việt Cộng và mấy người có môn bài mới được bán. Mình biết Cô 3 Chỉ của tiệm Bình Lợi ở dưới chợ, bà Sơn Hà ở đường Phan Đình Phùng, Dì Liên Thành ở dưới Chi Lăng, bà con chi với Mẹ mình,…là những người mình được giao phó đi chở lấy gạo của tiệm họ. Ngoài ra có mấy ông đại đội trưởng Địa Phương Quân, ăn cắp gạo của lính để bán cho bà cụ mình để đánh bài. Có tên đại uý lấy tiền bà cụ mình đánh bài thua rồi không giao gạo, bà cụ đi thưa rồi sao đó cũng bỏ qua.
Dân buôn gạo có cái mánh là họ lấy cái xăm để xăm mấy bao gạo để lấy bớt 1, 2 ký gạo mà dân trong nghề gọi là ỉa chảy re re. Một bao gạo 50 ký, lấy bớt 2 ký, cứ 25 bao là lời một bao giá 1,200 đồng. Dì Liên Thành ở dưới Chi Lăng là tổ sư vụ này. Khi mình đến lấy gạo là phải nhất hết mấy bao trước khi cho người khiên ra. Bao nào nặng thì đồng ý còn nhẹ nhẹ là không lấy. Nói mạ con không cho lấy bao nào bị re re. Dì hay chửi mình thằng ni nghĩ oan cho Dì. Từ đó mình rất đề phòng những người quen biết nhất là bà con.
Mình có thằng học chung tên Thịnh, nhà ở đường Hàm Nghi, bố mẹ nó quen, buôn bán với bà cụ mình nên hai thằng khá thân khi học chung ở trường Thanh Ngọc gần ấp Du Sinh. Một hôm được tin bố nó dạy mẹ nó lái xe hơi. Từ trên đường Nguyễn Thái Học, chạy xuống hồ Xuân Hương, có cái bùng binh nhỏ gần lữ quán Hướng Đạo Lâm Viên. Không biết sao, có lẻ mẹ nó mới xem xong phim Bullit có Steve Mcqueen đóng, lái xe như bay nên bắt chước lái bay xuống hồ chết chìm cả 3. Mẹ mình kêu là sáng hôm đó cho người chở vào nhà nó 5 tấn gạo, xem như 50 bao, chưa lấy tiền, 60,000 đồng, 4 tháng lương ông cụ, nay biết ai mà đòi. Tiếc hùi hụi, 55 năm sau vẫn còn nhớ. Mình thì nhớ đến nhà nó thì được mẹ nó cho ăn xôi đậu xanh và đen, ứng trước cho 5 tấn gạo.
18 năm ở Đàlạt thì nhà mình có mượn đâu 5, 6 người giúp việc, gốc quảng, gốc Huế có, như chị Tình tóc dài chấm đất, chị Hoa, chị Gấm,… nói đến chị Gấm thì mình nghĩ lại thật đáng thương. Có anh thợ thiết ở ngoài chợ mê chị nên hay đến nhà mình chơi, có cho người dạm hỏi rồi bổng nhiên một hôm, đi học về mình thấy vợ con ông chi quên tên, à Tư Thân, bán thuốc tây ở tiệm Duy Quang, đường Minh mạng, cạnh phòng mạch bác sĩ Sohier, có người mách mình là sau này là phòng mạch bác sĩ Đinh Đại Kha. Mình chỉ nhớ ông Sohier vì hồi bé đau hay được đưa đi khám ông Sohier, nhất là ông ta là bác sĩ cho học sinh Yersin, hàng năm khám tổng quát cho nên ký ức mình chỉ hạn chế những gì mình đã kinh qua còn hỏi mình mấy chỗ nào khác thì chịu. Đàlạt mình chỉ nhớ bác sĩ Đính vì bà cụ sinh em mình tại đây, ông Trần Văn Thọ khi thằng em bị đau, ông Lương ở đường Phan Đình Phùng, ông Giản vì mẹ sinh mình tại trạm y tế của ông.
Mẹ con bà Tư Thân chửi bới chi chị Gấm khiến mình điên lên, bênh chị Gấm chửi lại đám đàn bà này. Khi xưa mình thích cãi lộn với mấy bà gốc Huế. Cứ nhái lại mấy cái gì họ nói là yên chuyện. Cãi với mình không biết tiếng Việt nên bù trớt, mình cứ nhái lại kiểu cãi nhái. Từ này mình chế. He he he.
Sau này mới khám phá ra ông Tư Thân làm chị Gấm có bầu. Sau đó mua vé máy bay đưa chị về quê ở cử. Chị sinh ra con trai thì bà Tư Thân lại bò ra Huế, xin con đem vào Đàlạt nuôi vì bà này chỉ đẻ toàn là con gái. Bà này to con nên mấy cô con gái cũng thuộc dạng bự con, không đẹp. Chán Mớ Đời. Người con trai nay ở đâu trên Số 4.
Cuộc đời buôn bán bà cụ đều có những người giúp việc, giúp đỡ buôn bán hay lo nấu ăn ở nhà vì có đến một tiểu đội con ở nhà. Mình đi tây thì 75 ụp đến nên từ đó không còn ai giúp việc nữa. Cung nô bộc của bà cụ bổng nhiên biến mất, chắc không có mình, mất cung nô bộc. Chán Mớ Đời
Sau này mình hỏi bà cụ xem tin tức chị Hoa nhưng chịu, không ai biết tông tích chị vì sau 75, chị Hoa vẫn ở nhà mình, chăm sóc mấy đứa em đến khi dân CM30 làm khó dễ nên phải về Huế. Mình vẫn nhớ ơn chị đã giúp gia đình những ngày tháng sau 75, không lương.
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét