Thời sinh viên, mình có nghiên cứu về kiến trúc của Tử Cấm Thành ở Trung Quốc, thì khám phá ra kiến trúc sư, người thiết kế hoàng cung của Trung Quốc là một người Việt, tên Nguyễn An. Ông này xuất hiện thời nhà Minh, chắc có lẻ bị triều cống. Nghe nói, hàng năm triều đình Việt Nam phải triều cống cho Trung Quốc, gái đẹp, nghệ nhân giỏi, vàng bạc châu báu,….
Một người Việt có thể thiết kế Cấm Tử Thành mà sao kiến trúc tại Việt Nam thì không khá lắm, ngoại trừ Chùa Thầy ở quê ông Cụ mình, Đình Bảng,..nhưng chỉ ở cấp nhỏ. Ra Huế, nhìn thành nội thì chán như con dán. Mấy cái lăng thì Chán Mớ Đời không thua gì mấy cái cái mộ của làng ma ở gần cửa Thuận An.
Sau này đọc tài liệu của các ông cố đạo tây phương sang Việt Nam thì mới hiểu. Họ kể là người Việt rất khéo tay, có óc mỹ thuật nhưng không hiểu sao lại nghèo dù họ hay nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh.
Tìm hiểu thêm thì trong xã hội Việt Nam khi xưa có tục lệ rất lạ. Xã hội được phân chia thành 4 giai cấp Sĩ Nông Công Thương, cho thấy thợ thuyền đứng hạng thứ 3 trong xã hội. Ai có tài trong các nghề thủ công như dệt lụa, thuê thùa, xây dựng nhà cửa…..thì bị các giới địa chủ, quan quyền trưng dụng, đối xử như nô lệ.
Khi bị bắt lao động khơi khơi, không được trả lương phù hợp với chức năng, nghệ nhân tự hạn chế mọi tìm tòi, tư duy sáng tạo. Cuộc đời của những người lao công này, mòn mỏi, sống cho qua ngày, mất đi cái năng động, ý chí tiến thủ cho tương lai. Cho thấy với tư duy này thì rất hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngược lại, về Việt Nam dạo này mình thấy đất nước năng động, gặp giới trẻ, ai nấy cũng đòi kinh doanh online, trên Facebook,… lần trước, ngồi uống cà phê với anh chàng quen qua mạng, dưới một chung cư, thấy thiên hạ lên xuống giao hàng hay lấy hàng từ các anh xe ôm, chạy Grab mới hiểu sự năng động của nền kinh tế do giới trẻ dùng công nghệ.
Sau 75, Việt Cộng vào Sàigòn, sử dụng đường lối làm đói giảm giàu, đánh tư bản mại sản vô hình trung họ lại giúp người Việt bỏ cái tính sĩ diện. Đói quá, phải bò ra chợ, đi buôn đi bán. Mụ vợ mình kể là đói quá, phải bò ra chợ, bán khoai lang, tẩm thuốc lá để bán. Một việc mà trước 75, chưa bao giờ nghĩ đến của con cháu dòng Tôn Thất.
Do đó, ra hải ngoai, người Việt bung ra đi làm ăn, buôn bán nếu học không được vì bán bánh mì, bán phở hay làm nail, lại giàu hơn mấy kỹ sư, bác sĩ,… mỗi lần lên miền bắc Cali, thường mình hay ngụ lại nhà bạn của đồng chí gái. Vào khu dân cư này có cổng đủ trò. Mình nói thằng con căn nhà khu này độ 2.5 triệu rồi chỉ thằng con là nhìn lên đồi nữa thì nhà 10 triệu do chủ của tiệm bán bánh mì nổi tiếng ở San Jose. Kỹ sư ở nhà 2.5 triệu, bán bánh mì ở nhà 10 triệu.
Ngược lại, ông Nguyễn An bị đưa qua tàu thì được triều đình nhà Minh, trả lương rất cao và trọng dụng. Sách sử của Trung Quốc có ghi lại, khi ông ta về hưu thì được cấp đất đai. Chỉ có là ông ta bị cung, để được sinh sống và làm việc trong hoàng cung. Ông ta không được xem là một nô lệ như trong xã hội Việt Nam.
Vấn nạn này vẫn tồn tại tại Việt Nam, người giỏi thì không được trọng dụng còn thằng dốt thì lên diễn đàn nói nhiều câu cực ngu hoặc cố ý định hướng nhân dân cười cho vui.
Ông bố vợ mình khi xưa, hay dùng cụm từ “đưa con vô nội”, ám chỉ giao cho ai giữa vật gì hay tiền bạc, giống như đưa con gái vào Thành Nội thì không biết, bao giờ trở lại nhà. Ngày xưa, nghe kể ai sinh ra con gái đẹp thì sợ lắm vì trong làng, cứ lựa để cống cho triều đình lấy điểm, sẽ có cuộc đời trong cung cấm, vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại con. Không được vua chúa đoái hoài đến thì bị giới quý tộc dùng như nô lệ, ô sin,…
Hồi nhỏ học lịch sử Việt Nam, mấy ông thầy kêu người Việt rất thông minh nhưng mình không hiểu tại sao lại nghèo. Rồi lại nghe thiên hạ kêu 1 người Việt thông minh hơn 1 người nhật, nhưng 3 người nhật họp lại thì làm việc năng động, hiệu quả hơn 3 người Việt. Lớn lên thì mình thấy lối diễn tả người Việt này không ổn. Lý do là nếu thông minh thì chắc chắn 3 người thông minh sẽ biết phối hợp để làm việc chung vì sức mạnh tổng hợp “synergy” của 3 người mà người Việt hay kêu 3 cây chụm lại thành hòn núi cao chi đó.
Sống tại Hoa Kỳ, thấy con đi học ở Hoa Kỳ thì mới so sánh cách học tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Xứ người chả có vụ khăn quàng đỏ, ngoại trừ cô bé choàng khăn đỏ, bị con chó sói, giả dạng bà ngoại dụ để ăn thịt. Hình như trong truyện “Le chaperon Rouge thì phải. Con nít ở Hoa Kỳ đi học, thầy cô cho chúng làm bài tập chung theo nhóm từ bé, một nhóm từ 2 rồi lên 3, 4,… con nít được dạy cách làm việc chung từ bé trong khi con nít Việt Nam thì cứ tìm cách được điểm cao hơn bạn, tập được tính ích kỷ, không bao giờ chia sẻ sự hiểu biết của mình cho các bạn học chung.
Xem chương trình nói về giáo dục của Nhật Bản thì được biết con nít ở xứ này ít khi phải thi lắm. Còn nhỏ, chúng được hướng dẫn làm việc chung với nhau như chùi bàn ghế, nhà vệ sinh, ăn chung với nhau,…nên dần dần chúng quen hoạt động với nhau, tôn trọng nơi sinh hoạt tập thể nên lớn lên dễ làm việc chung với nhau.
Lâu lâu thấy người Việt cứ khen người Nhật Bản rồi chửi người Việt mình khiến mình buồn cười vì mình cũng là mẫu số chung bị họ chửi đổng, không có tính cách xây dựng. Mình nhớ năm 12 B, thầy Chử Bá Anh chỉ định mình làm trưởng lớp, chả có bầu bán gì cả nên khi mình nhờ mấy ông thần khác học chung làm chuyện gì là chúng không nghe. Mình đột phá từ duy là đến nhờ mấy cô rồi mấy cô sai lại. Chúng ngoan ngoãn làm theo ý mình muốn. Hóa ra đàn ông Việt Nam sợ vợ từ bé. Việt Nam muốn khá là cứ để mấy bà lo toàn là xong.
Người nhật đi xem đá bóng thì sau trận đá, xúm lại dọn sạch sẻ rác rưới, thậm chí các cầu thủ của họ, đá xong mệt ngất ngư nhưng cũng phải dọn dẹp gọn gàng trong phòng thay đồ và để lại tấm giấy, cảm ơn những công nhân sẽ dọn dẹp,…
Cho thấy cái gì cũng phải qua quá trình giáo dục, phải có học tập. Chơi kiểu Việt Nam là vươn vai, ăn một nồi cơm là thành Phù Đổng hay Lê Văn 8,... trong tíc tắc đồng hồ.
Đi Nhật Bản tháng 4 vừa qua, đường xá sạch sẻ, không thấy mấy tấm biểu ngữ to đùng như ở Việt Nam với những cụm từ nhiệt liệt xây dựng khu phố văn hoá, đời sống văn minh,…đủ trò. Vào nhà ai cũng có bằng khen gia đình văn hoá mà thấy chủ nhà khạt nhổ đủ trò.
Mình nhớ khi xưa, nhà con đông nên mỗi lần mua một bát phở thì mấy anh em xúm lại chia nhau ăn nên sau này lớn lên, có trí khôn thì mình thương mấy đứa em. Phần ăn sáng của mình thường nhượng cho mấy đứa em, để ra chơi chúng có cái gì để nhấm nha nhấm nhi còn mình thì bụng đói đi học.
Sau này có con, mình cũng làm tương tự. Mỗi tháng khi có thông tín bạ. Mình dẫn hai đứa con đi khao, vào tiệm cà rem rồi mua mua một ly kem để hai anh em chia nhau ăn. Chúng tập tìm ra sự đồng thuận để ăn hết cái ly kem. Lớn lên chúng rất thương nhau, thay vì ganh tị nhau như một vài trường hợp gia đình.
Mình đọc đâu đó trong truyện Tấm Cám. Bà mẹ sai hai chị em Tấm Cám đi bắp tép, rồi kêu đứa nào bắt nhiều thì được thưởng. Nếu xét cho kỹ thì cách dạy con của người Việt tương tự cách quản lý lao động một cách khơi khơi, không xem xét khả năng, tài đức gì cả.
Có thể cô em nhỏ tuổi, không đứng hay lội sâu dưới nước thì làm sao có thể bắt tép nhanh bằng cô chị với tay nghề lâu năm. Nếu bà mẹ phân công người làm cái này người làm cái kia để chị em hợp tác, ai nấy đều được thưởng khi hoàn thành công việc. Thay vì suy diễn, kêu mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng, người ta phân công, chỉ đạo mỗi người làm việc tuỳ theo năng suất của mình, để rồi sẽ được thưởng hết.
Vì muốn được thưởng nên cô chị chắc không muốn chỉ cho cô em cách bắt tép hay giúp đỡ. Trong khi cô em cũng muốn được thưởng lại không có khả năng vì còn bé nên đành phải tìm cách ăn gian, xả quyệt, ăn cắp, tìm cách lấy đi tép của chị, dần dần đưa đến mâu thuẩn, thù ghét giữa chị em.
Dần dần chị em thù ghét nhau, hãm hại nhau thêm muốn giàu sang, lấy thằng vua già giàu có và ngu. Cho thấy trong truyện cổ tích Việt Nam, đã nói lên lãnh đạo ngu dốt. Ông vua không biết chi cả, cứ có gái chơi là vui rồi, thay vì xét tội vợ mình hãm hại chị em.
Qua câu chuyện cổ tích Tấm Cám, đã nói lên văn hoá của người Việt, không hiểu gì về tâm lý con nít, bà mẹ hay địa chủ hay ngày nay các ông chủ nhỏ cứ vô tư “ném xương cho chó cắn nhau”, rồi đứa lười ăn hiếp đứa chăm chỉ cũng chả ai để ý. Rồi kêu số phận mình như vậy. Tử vi nói thế này thế kia. Đi xin xăm, xin xiếc.
Đọc báo Việt Nam cứ thấy cán bộ, không có khả năng, làm lỗi thì cứ kêu là ghi nhận rồi sửa sai chi đó nhưng vẫn tiếp tục được giao phó công việc mà họ không có khả năng. Người mỹ hay nói nếu chúng ta cứ tiếp tục làm việc gì đó mà mong rằng kết quả sẽ tốt hơn. Đó là sự điên cuồng.
Ở ngoại quốc, người ta giao ai làm một công việc thì đều giải thích, tiêu chí, phân công tuỳ theo khả năng của từng người.Tình cờ tìm thấy một tấm ảnh, có anh hàng xóm khi xưa, và ông thầy dạy hoá học khi xưa.
Ra khỏi gia đình thì cũng tương tự, các địa chủ mướn các tá điền, các ông chủ nhỏ mướn thợ công nhân thì các quản lý của họ cũng tượng tự mẹ của Tấm Cám. Đưa đến sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến một thói tục: không cần làm việc chăm chỉ, chỉ cần dối trá, lọc lừa, ăn chận của người khác rồi vênh vang tự xem mình là khôn ngoan. Tuần này họ đăng tin lớn các nghệ nhân nổi tiếng ưu tú ở Việt Nam lừa đảo bán thuốc giả này nọ. Tương tự vụ Việt Á. Khi chúng ta xét lại thì giáo dục nào đưa đến kết quả nấy. Mình có kể chuyện ăn cắp buồng chuối của bà làm vườn gần xóm với thằng bạn hồi nhỏ, để nói lên văn hóa thời mình lớn lên. Thấy vui vui là chặt buồng chuối để dú dù mình không thích chuối.
Vụ nâng điểm con cán bộ là một trường hợp điển hình. Các trẻ em thi đua choàng khăn đỏ, học sinh tiên tiến, cháu ngoan của Bác, học trò tốt của thầy cô hay đạt danh hiệu trường tiên tiến chi đó khiến hiệu trưởng, cô giáo, thầy giáo làm đủ cách để được điểm và quên đi cái điểm chính: Đạo đức của nền giáo dục. Đào tạo học sinh trở thành những người tài cho đất nước.
Học sinh hay nhân công cần mẫn chỉ cần sơ ý là bị thiệt. Thiên hạ không đánh giá đúng đắn thành quả lao động của họ, cũng không bảo vệ thành quả của họ. Từ đó họ xoay ra ăn cắp, liều mặt dày như con cán bộ nộp 45,000 đô để được nâng điểm, còn lên báo dạy dỗ con cháu thiên hạ là phải học đạo đức cách mạng năng nổ, đạo đức bác hồ ra sao. xong om. Nhìn lại đời, mình thấy bạn học xưa, học giỏi đúng hơn là học chăm, gạo bài nhưng lớn lên họ không phát huy được tư duy, có cuộc sống bình thường. Nhưng có nhiều tên khi xưa họ đỡ nhưng nay lại rất thành công.
Nghe mấy người nghệ sĩ rên là các nhạc sĩ của dòng nhạc vàng VNCH nghèo khổ tại Việt Nam nhưng họ vẫn hát nhạc của những người này, ra băng video kiếm tiền nhưng không đưa lại một xu.
Về Việt Nam, mình hay nghe thiên hạ kêu cán bộ ngu dốt nhưng nếu xét cho kỹ văn hoá người Việt từ mấy ngàn năm nay thì đó là điều tất yếu phải xẩy ra. Từ bé chúng ta không được huấn luyện dạy dỗ phải làm việc chung vì khi làm việc chung người ta sẽ hiểu và biết người nào tài giỏi, để họ làm lãnh đạo. Trong nền văn hoá bị ảnh hưởng của Nho Giáo, chỉ có trên ra lệnh xuống, còn như dưới không được nói lên. Thằng dốt làm quan thì phải nuôi thằng dốt hơn. Thường là dòng họ dốt được nhờ vì chỉ dùng người trong họ.
Hệ thống giáo dục gia đình hay học đường của Việt Nam, không khuyến khích trẻ em tinh thần làm việc chung như làm bài tập chung, cố gắng với nhau để được điểm tốt chung như ở xứ người. Mình thấy con mình học, làm bài tập đều sử dụng Skype hay FaceTime với đám bạn để hỏi cách giải. Lý giải sự việc ông Elon Musk cho thiên hạ sử dụng các bằng do công ty ông ta sáng chế. Trong khi người Tàu thì dạy đi ăn cắp về làm giả, được xem là khôn ngoan. Người ta khuyến khích sự cạnh tranh từ bé nên con nít không học được cách làm việc chung nên thua xa các nước khác, lại thêm để thằng dốt quản lý, làm lãnh đạo thì đời đời sẽ không bao giờ khá cả nhất là trong cuộc chạy đua công nghệ ngày nay.
Ta thấy ở hải ngoại, có đâu 2 triệu người Việt mà hàng năm họ gửi về Việt Nam giúp gia đình nghe nói đến 12 tỷ đô la. Trung bình họ cũng phải đóng thuế tại nước sở tại nên xem như họ phải làm ra đâu 15 tỷ đô la hay 16% GDP của Việt Nam. 2% Việt kiều làm 16% GDP của Việt Nam năm 2018. Nay chắc hơn.
Họ gửi về Việt Nam cứ xem là 10% lợi tức của họ hay đúng hơn là họ làm 150 tỷ một năm. Nếu người Việt tại Việt Nam mà làm việc năng suất như người Việt tại hải ngoại thì người Việt tại Việt Nam phải sản xuất như sau:
lấy 150 tỷ x 45 lần (90 triệu dân số) = 6,750 tỷ đô la. Theo tài liệu quốc tế thì GDP của Việt Nam năm 2018 là 241 tỷ đô la với 24,000 tiến sỹ. Lại có đến 109 tỷ nợ ngoại quốc.
Viết tới đây, hết muốn viết tiếp.
Chán Mớ Đời
Phù Đổng Thiên Vương ngày nay. Mới 3 tuổi đã đi lính. Ăn bao nhiêu nồi cơm hay cúng bao nhiêu tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét