Thiên hạ, bàn tán cứ nói về vụ nâng điểm cho con cán bộ để đậu thủ khoa, rồi mời con cán bộ lên báo chí tuyên bố, dạy bạn học phải năng nổ, học tập đạo đức bác hồ để làm trò ngoan của thầy, cháu ngoan của bác. Thấy họ liệt kê danh sách đàng hoàng bao nhiêu điểm được nâng thì mình tự hỏi, lí do mà họ cho biết, chắc là để định hướng dư luận vì chỉ có Việt Cộng mới có tài liệu này. Hoặc phe phái chơi nhau chớ mình mở mạng lên đài BBC để theo dõi đá banh mà bị tường lửa ngăn, kêu không tìm ra “server”.
Ở Hoa Kỳ thì mới khui ra vụ chạy vào trường đại học con gái mình đang theo học. Không có vụ nâng điểm nhưng đút lót cho mấy tên huấn luyện viên thể thao để được vào trường qua năng khiếu thể thao thay vì học lực. Đang ở Việt Nam thì đọc tin tức cho biết bà tài tử chi đó, thú nhận đã có đút lót, tội này có thể ở tù đến 20 năm.
Vụ nâng điểm, theo mình đâu có khác chi vụ học tài thi lý lịch được áp dụng tại miền nam sau 1975. Miền bắc, lãnh đạo không muốn Đặng Thái Sơn đi du học, sau ông thầy người Nga phải lên tiếng, cảnh báo mới đành cho đi nếu không ngày nay thế giới đã mất đi một thiên tài về âm nhạc. Biết bao nhiêu nhân tài của đất nước đã bị trù dập?
Mình có anh bạn, kể là anh ta và một người bạn khác học giỏi hơn anh ta. Sau 75, đậu thủ khoa miền nam, có tên trong danh sách được tuyển đi du học ở Liên Xô nhưng rồi mấy ông ngoài bắc, đánh rớt để con của họ đi thế. Anh ta vượt biển và nay làm lớn cho một công ty lớn trên thế giới. Anh ta kể anh chàng đậu thủ khoa, nghèo không có tiền vượt biển, sau này học đại học tại Việt Nam rồi chán đời, tự tử chết. Lại một nhân tài ra đi.
Hình ảnh có lẻ bi thảm nhất mà mình chứng kiến khi gặp lại một người bạn học chung khi xưa, không thân lắm. Anh ta kể đang học đại học y khoa Huế thì công an vào lớp, kêu tên, bảo ôm sách vở ra cửa nhà trường rồi không bao giờ trở lại. Ngồi nhìn anh ta với đôi mắt nhìn xa xăm về một quá khứ mông lung, quá thảm thương.
Em mình ở lại Việt Nam, cũng không được vào đại học dù đậu cao, rồi học thợ may, đan len, nay thì bán bánh căn, cà phê sống theo dòng đời con cháu của kẻ thua cuộc.
Xưa hơn, ta đã thấy các triều đình phong kiến đã có màn xét lý lịch như trường hợp ông Đào Duy Từ. Con của một vợ chồng kép hát được ghét vào “phường xướng ca vô loại” nên không được đi thi. Dạo ấy, đi thi phải được phường làng phê chuẩn, đề cử mới được đi thi. Vậy là đã thấy tham nhũng xuất hiện ở thời điểm này.
Mẹ ông Đào Duy Từ, phải hứa với một tên trưởng thôn là sẽ lấy hắn nếu ký cái giấy, nhận ông Đào thị làm con để được đi thi. Ai ngờ nghe con đậu xong thì bà xướng ca vô loại quên lời thề. Thế là ông thôn trưởng đi tố, ông Từ bị lột lon, xé bằng, đành phải trốn xuống miền nam đi chăn trâu.
Sau nhờ ông chủ giới thiệu cho chúa Nguyễn, giúp dòng họ này tạo dựng, trị vị đến 400 năm. Tưởng tượng nếu chúa Trịnh thu nạp ông Đào thì cường thịnh biết bao, vì ông Đào Duy Từ chỉ giúp nhà Nguyễn được 8 năm là đi tây phương, chắc mất chục năm chăn trâu. Trong lịch sử Việt Nam, có bao nhiêu Đào duy Từ bị lãng quên, trù dập. Bao nhiêu thủ khoa của Việt Nam tự tử, bao nhiêu nhân tài ra đi không trở lại.
Tương lai Việt Nam thì chắc chắn mù tối, nô lệ cho thế giới. Về quê thì được biết, mấy người em họ mình đi lao động quốc tế, bỏ vợ con ở nhà, không biết bao giờ trở lại hay khi thân tàn ma dại, trở về để vợ con chăm sóc. Nếu tính ra, cả làng đi lao động mà họ hay dùng từ “cửu vạn” quốc tế đông. Được giải thích là trong mấy quân bài mà người bắc thường chơi Đánh Chắn, có một con bài tên Cửu Vạn, có hình một người gánh vác.
Có anh bạn kể là đọc gia phả thì nói dòng họ, có hai người đậu tiến sĩ nhưng không nói tên. Ra Hà Nội thì khám phá ra đó là Ngô Thời Sĩ và Ngô Thời Nhậm. Sau này con cháu lấy chữ lót là “Văn” cho nó lành tương tự bà cụ mình, con cháu lấy họ “Nguyễn Đăng” để nhớ mình là hậu duệ của Mạc Đăng Dung. Trong gia phả có dặn con cháu là bằng mọi cách, dù không được làm quan, nhưng phải cho con cháu ăn học.
Nguy hiểm của Việt Nam ngày nay là học sinh thi đua vào trường đào tạo công an thay vì khoa học như con cán bộ được nâng điểm. Tuổi trẻ ngày nay tại Việt Nam, hay đúng hơn là cha mẹ không xem hành trang nhân văn, kiến thức là quan trọng cho con cháu vào đời, mà họ cố tìm cho con cháu một con đường ấm no, quyền lực theo đuổi ngành công an mà người ta ước tính là tỉ lệ 15 người dân và một công an. Xem như 4 hộ nuôi một người công an hay 1 gia đình công an. 4 người tại Việt Nam, đi làm để nuôi một người hay gia đình của công an, chưa kể quân đội và đảng viên.
Hồi nhỏ, mình mê làm cao bồi trừ gian hay các anh hùng cứu nước. Chạy xe lòng vòng thì thấy người ta bán áo quần công an màu vàng, màu xanh cho con nít. Kinh! Con nít ngày này mơ làm anh hùng công an mà người dân chửi bới thậm tệ.
Nước Ấn Độ, mỗi năm đào tạo 1.5 triệu kỹ sư trong khi Việt Nam đào tạo nữa triệu tiến sĩ công an thì làm sao chúng ta có thể đem thế giới đến Việt Nam với cách mạng 5 Gờ.
Đọc đâu đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu chủ tịch HĐND TP Sài Gòn “Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc” khiến mình càng lo cho tương lai. Bà này có cái tên rất hay vì quyết tâm ngu lâu dốt sớm. Ông quan nhớn nào kêu là không có vụ nâng điểm, các giám thị chấm bài dốt toán nên cộng nhầm.
Đời Cha đem bán lạc xoong đường rầy xe lửa Đàlạt với giá $600,000 rồi 40 năm sau, đời con cháu lãnh đạo, thay thế cha ông dự tính làm lại con đường rầy này với giá $300,000,000 mà không nghiên cứu có thu về lợi nhuận hay không, hay chỉ nghĩ đến số tiền bỏ túi 50%, rồi chạy qua mỹ. Chán Mớ Đời
Cách đây 25 năm, mình được mời về Hà Nội, dự hội thảo về phát triển Việt Nam khi họ bắt đầu Đổi Mới. Mình thất kinh khi nghe một bà bộ trưởng, được xem là anh hùng tải đạn trong thời kỳ chiến tranh, phát biểu. Trình độ hiểu biết rất cực kỳ khiêm tốn, mở miệng ra là như cái loa phường ra rã đảng ta, đảng tây quang vinh,… những quan nhớn mình được tiếp xúc, chỉ có ông Lê Mai, thứ trưởng ngoại giao là có trình độ, còn ngoài ra thì rất kém. Cũng phải thông cảm cho họ là vì chiến tranh, đi làm cách mạng từ bé nên không có điều kiện đi học. Ở ngoại quốc, người ít học nhưng thành công vì họ biết sử dụng người tài giỏi để giúp họ trong khi ở Việt Nam thì mặc cảm nên chỉ sử dụng thằng nào dốt hơn mình.
Có thể họ giỏi chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh nhưng thời bình thì phải nhường chỗ cho ai hiểu biết về kinh tế, kỹ thuật,… Họ muốn người Mỹ giúp đỡ, bỏ cấm vận mà thành lập chương trình tham quan viện bảo tàng tội ác đế quốc mỹ. Tư bản là cho họ thấy tiềm năng làm ra tiền còn tuyên truyền thì họ không màng đến.
Mình thấy họ bố trí vài tiến sĩ tốt nghiệp hải ngoại về như ông Trần Ngọc Trân, Nguyễn Thiện Tống như làm kiểng, lại thấy họ khúm núm trước mấy cán bộ nhớn ít hiểu biết, cho thấy câu tuyên bố của Mao thị: “trí thức không bằng cục phân” và chính sách “hồng hơn chuyên” vẫn tồn tại rất sâu trong xã hội.
Sau này tình cờ, đọc báo Việt Nam thì thấy họ gọi bà bộ trưởng là tiến sĩ. Nghe nói bà viết được 6 bài tiểu luận, được đăng báo. Kinh. Bố mẹ mua bằng giả thì họ chạy nâng điểm cho con cháu là chuyện đương nhiên. Cái đáng buồn là những người con lãnh đạo, chiếm chỗ của người có tài để tiếp thu kiến thức còn học công an thì chỉ cần có trái tim bằng thép, lấy xe cán lên các gánh hàng rong,…
Mình vừa xuống phi trường, quên sân bay thì anh bạn cho biết tin trên mạng cho biết là nguyên thủ quốc gia bị tai biến, không biết có thật hay không. Ở hải ngoại, dù không thích một cá nhân hay chính trị gia nào đó nhưng khi họ gặp nạn thì người ta đều lo buồn cho gia đình, thắp nến cầu nguyện cho nạn nhân. Ở xứ mình thì nhân dân vui vẻ, hân hoan đón mừng tin chưa chính thức hay giả. Quái thật.
Lại thấy ông cựu quan nhớn qua đời, người con trai đánh lên mạng thì số người chia buồn thương tiếc thì rất ít còn số người vui mừng hả hê ha ha ha lên trên số ngàn, khiến ông ta phải xoá mệt thở.
Nhớ câu chuyện về cặp vợ chồng cán bộ nhớn. Bà vợ kêu là bà ta lo cho tương lai thằng con đầu. Nó cứ đi phá phách làng xóm, đánh người ta, không chịu học hành, không biết sau này làm gì để sinh sống. Ông chồng kêu bà khéo lo. Cơ cấu cả rồi. Tôi cho nó vào làm công an.
Bà vợ mừng rồi hỏi thế thằng thứ nhì. Thằng này lạ lắm, không nói không cười. Người ta đến nhà nhờ vả ông, cho nó quà, nó nhận, không cảm ơn, chả nói năng gì cả, mặt cứ đơ ra. Ông chồng lại kêu bà khéo lo. Tôi đã cơ cấu cả rồi. Tôi cho nó vào làm hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Bà vợ hỏi thế thằng thứ 3. Thằng này thì ngu dốt, không lanh lẹ như hai thằng anh. Ai nói gì nó cũng gật đầu, thậm chí con gà bảo con vịt nó cũng gật đầu. Trắng bảo đen thì nó cũng nói được. Ông chồng lại kêu: bà lại khéo lo, cơ cấu cả rồi. Tôi cho nó làm đại biểu quốc hội.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét