Cánh buồm tuổi thơ

Nguyễn Hoàng Sơn

Lâu lâu mình lên facebook để biết thêm tin tức của gia đình ở Việt Nam. Thấy mấy đứa cháu 10 tuổi trở lên lướt sóng mỗi ngày làm mình nghĩ đến thời tuổi học trò của mình, chả biết làm gì khi trời mưa thối đất, ở cái xứ quanh năm chỉ có mưa, mưa, mưa và mưa.

Dạo đó xi nê là cánh cửa sổ giúp mình nhìn ra thế giới bên ngoài Đà Lạt và Việt Nam. Hể có tiền là mình đi xem xi nê, sau này sang tây cũng mê xi nê nhưng dạo đó mê vì văn hoá, lịch sử nghệ thuật chớ không phải muốn thoát khỏi vòm trời nhỏ bé Đà Lạt. Khi ở Pháp thì cuối tuần là đi cinémathèque ở Trocadero để coi phim cũ, sau này ở Centre Pompidou. Sang Ý thì cũng bò đi coi các phim Ý cuối tuần.


Dạo đó không hiểu sao mê xem xi nê, có lần mình tính đi học thêm về điện ảnh,
trường điện ảnh cũng gần trường kiến trúc nhưng có ông thầy kêu đi vẽ cho văn phòng kiến trúc của ông nên có tiền thì hết thích học thêm.

Coi Le Cid ở rạp Hoà Bình thì mình hiểu thêm chút chút Pierre Corneille học ở trường, La colère d' Achille cũng ở rạp Hoà Bình thì hiểu thêm về Andromaque của Jean Racine. Hôm trước ở vườn, đang làm việc nghe con chim chép chép trên cây làm mình bực mình mới nhớ đến trong Les femmes savantes, Molière có nói Les femmes jacassent làm mình cười. Nói chung thì các phim tây phương để lại dấu ấn, giúp mình mơ mộng. Mỗi lần coi được một cuốn phim, mình như thả hồn trên cánh buồm chạy ra biển như thể tên Marius của Marcel Pagnol, mỗi ngày nhìn những con tàu ra khơi ở hải cảng Marseille đã nun đúc giấc mơ hải hành của anh ta dù đã có người yêu là Fanny.

Coi phim thì mình thấy những kỳ quan, góc đường khu phố của mỗi nước mà sau này mình phải đi du lịch để đi lại dấu chân của các tài tử khi xưa đứng ở đó trong những phim đã xem. Ơ La Mã mình đã đi lại những chốn mà Gregory Peck và Audrey Hepburn đi qua trong "Roman Holidays", mình đến vẽ Fontana di Trevi, nơi Anita Eckberg đóng cảnh xuất thần trong La Dolce Vita của Federico Fellini, nữ tài tử này sau này nghèo sống và mới qua đời ở La Mã. Đi vẽ Villa d' Este mà Lý Tiểu Long và Miêu Khả Tú đi thăm viếng trong Mãnh Long Quá Giang,...

Mình nhớ ở Văn Học có một ông thầy dạy thế, rất mê xi nê nên mỗi lần dạy là ông ta để dành 10 phút chót để kể phim xi nê. Mình nhớ nhất phim The Kid của Charlie Chaplin và những người ăn cắp xe đạp ( ladri di biciclette) của Vittorio De Sica.

Ông thầy kể rất là hấp dẩn nên khi qua Ý làm việc, mình tìm coi cho được phim này rồi mê nên mỗi tối đi coi mấy phim cũ của Ý của thời hậu thế chiến được xem là thời vàng son của xi nê của Ý Đại Lợi.

5 năm trước về thăm gia đình ở Đà Lạt thì có gặp lại một anh bạn học cũ, trước khi chia tay thì mình có hỏi địa chỉ điện thư i meo để liên lạc của anh chàng thì anh ta ngơ ngác, nói có nghe nói đến nhưng chưa có cơ hội điều nghiên vấn đề này. Gần đây mình có điện thư với một anh bạn học cũ thì có xin địa chỉ điện thư của một người thì anh ta giải thích là ở Việt Nam cũng còn một số đông bạn ở tuổi mình chưa sử dụng điện thư.

Những gì mình thấy bình thường ở hải ngoại thì ở Việt Nam hay Đà Lạt có thể là một điều khó khăn, phải vượt tường lửa. Mỗi lần có ai gửi bài hay hình ảnh lên diễn đàn Văn Học thì ông thần Nhị Anh phải bỏ công đổi hình ảnh ra dạng nhỏ hơn, ít memory hơn để các bạn ở Việt Nam có thể mở vì nghe nói bên đó họ chỉ có DSL hay điện thoại cầm tay khá yếu để mở những tấm ảnh mà bên này mình chỉ cần 1-2 giây để hình ảnh hiện lên. Hắn nói hè này về Đà Lạt, sẽ rũ đối tượng của mình đến họp mặt rồi cười Hi Hi. Mình may hơn tên Hòn Sỏi vì đối tượng của mình ngày nay vẫn còn nét đẹp khi xưa.

Tồn tại song song trong lòng tôi tình bạn
Trái tim em là một hàm số khả vi
Xác định tìm tôi trên một đoạn bất kỳ
Và tuần hoàn như một hàm số Sin yểu điệu

Hồi nhỏ xem xi nê, lớn lên may mắn được đi Tây, giang hồ khắp những nơi mà mình có dịp xem qua các phim ngày xưa nhưng các người bạn học chung, nay vẫn sinh sống ở Việt Nam, chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam, không biết sử dụng internet, điện thư,..., vẫn có thể hạnh phúc, quanh quẩn trong cuộc sống tại Đà Lạt.

Hôm nói chuyện với thầy An, nói đến Tú Uyên nhìn tranh Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ, sau này anh chàng lấy được Giáng Kiều thì đã xé bức tranh của Giáng Kiều. Khi xưa ở Đà Lạt mình mơ thoát khỏi khung trời Đà Lạt và Việt Nam như nhìn tấm tranh Giáng Kiều. Minh đã xé bức tranh Giáng Kiều nhưng không hiểu tại sao vẫn muốn còn cái khung của bức tranh Giáng Kiều khi xưa để ở bên khung của bức tranh nhìn lại một thời đã yêu, một thời thơ dại.

Mấy hôm nay, vợ mình đi công tác bên Pháp nên chỉ còn hai cha con. Con gái tính hè sang năm, xong trung học, đi chơi bên Pháp và Âu châu với thằng anh. Mình kể cho nó những chuyến giang hồ của mình ở Âu châu và khuyến khích hai anh em đi cho biết đó biết đây, ở nhà với bố biết bao giờ khôn. Mình còn em út, bạn bè ở Pháp nên không sợ, ở Ý, Hoà Lan, Đức thì còn bạn khi xưa nên cũng tính sang năm đi một vòng thăm lại các bạn xưa. Mình nói cô con gái và thằng con mua vé xe lửa EuroRail từ bên Mỹ, rẽ hơn rồi đi xe lửa ban đêm để khỏi trả tiền khách sạn.

Ngày nay nhìn lại thì thấy con mình cũng có những dự tính giang hồ, căng cánh buồm tuổi thơ để ra khơi như Kha Luân Bố khi xưa, mơ ra khơi tìm một con đường gần hơn để đến xứ Ấn Độ. Những chuyến đi này sẽ giúp hai đứa con vững chải hơn khi ra đời. Có những kỷ niệm nhớ đời, hiểu rõ cuộc đời, so sánh các văn hoá khác nhau nhất là hiểu thêm về lịch sử thế giới đã học trong trường. Sau này lăn xả vào cuộc sống tranh đua sẽ không còn nuối tiếc về một thời đã qua, đã thỏa chí tang bồng, đã căng chiếc buồm tuổi thơ, ra khơi về phương trời của Hi vọng và mơ mộng.