Bức tường vô hình cản trở sự phát triển

Mình có anh bạn, đầu tư ở Việt Nam. Anh ta kể là xây một cây xăng ở Sàigòn, anh ta tốn độ 1 triệu để xây và hơn nữa triệu đô la, tiền cúng mấy ông thần ở cơ quan nhà nước vì chạy lòng vòng ra Hà Nội, đủ trò,… nếu làm ăn ở Hoa Kỳ mà về Việt Nam là một khám phá mới, nhiêu khê. Ai mà có áp huyết cao thì không nên thử.

Có lần anh ta đến cơ quan tài nguyên môi trường, hỏi giấy tờ đến đâu rồi thì cán bộ kêu mới thấy hôm qua bản vẽ mà nay đâu mất tiêu. Chắc có cán bộ nào cầm nhầm. Đưa phong bì thì như phép lạ, cán bộ bổng hết bệnh Alzheimer, tự nhiên nhớ ai đó, kêu người đưa hồ sơ, bản vẽ liền.

Tương tự một anh quen, có công ty sản xuất xì-dầu tại Nga kể; anh ta nộp hơn 1 triệu đô la, để xin nhà nước gắn cho đường dẫn ga vào nhà máy có 600 nhân công mà 13 năm qua, vẫn chưa được cấp giấy phép.

Nghe anh ta kể khiến mình nhớ đến bức tường vô hình của ông Hernandez de Soto, kinh tế gia người Peru, kể trong cuốn: “The Other Path”. Đọc cuốn này xong thì mình đi Peru, đi viếng đường mòn Inca, đến Machu Picchu, luôn tiện để xem sự thật có như ông De Soto kể.

Ông này sinh ra tại Peru rồi có cuộc đảo chính nên bố mẹ, nhà ngoại giao, bỏ chạy tỵ nạn sang Thuỵ Sĩ. Cả cuộc đời tỵ nạn, từ bé ông ta nghe bố mẹ nói về quê hương như thiên đàng, tương tự người Việt xa quê hương cứ trông về cố quốc, kể cho con cháu thiên đường tuổi thơ. Hồi còn bé, ông cụ hay kể về quê nội, sông Đáy, phủ Quốc Oai, chùa Thầy,… đến khi mình về quê lần đầu thì Chán Mớ Đời hết muốn về. 

Cuối cùng khi lên 38 tuổi, ông ta trở về Peru nơi thiên đàng đánh mất của bố mẹ. Ông ta kể trở về vườn Eden, thiên đàng đánh mất nhưng không thấy thiên đường ở đâu cả, lại khám phá là địa ngục cho người quen làm ăn ở tây phương.

Vẫn biết Peru là một nước nghèo nhưng khi trở về cố quận, mới hiểu thế nào là nghèo. Thuỵ Sĩ thì sạch sẽ, xe lửa, xe buýt chạy đúng giờ, đa số ai cũng sống ấm no. Còn ở Peru thì thấy thiên hạ khuân vác trên lưng, trên vai, trên đầu, đem đồ ra chợ bán. Thiên hạ ngồi ngoài đường bán đủ thứ dưới mưa nắng.

Thấy xứ nơi cha mẹ sinh ra nghèo, ông De Soto tự hỏi lý do nào mà xứ Peru lại nghèo hơn Thuỵ Sĩ. Ông ta không biết cái nghèo đến từ đâu. Ông ta nghiên cứu Marx và Dickens, hai nhân vật nói về giới bần cố nông, muốn thay đổi xã hội công bằng cho mọi giới nhưng chịu, không tìm ra đáp số nên nghĩ chắc có một bức tường vô hình ở đâu đây. Phải ráng tìm ra nó.

Ông ta là thương gia nhưng cứ trăn trở, phải điều nghiên vấn đề nan giải. Tại sao? Cái gì đã cản trở xứ Peru vượt lên, tiến bộ, xoá đói giảm nghèo,… vấn nạn này thường thấy ở các người mình quen, thành đạt tại xứ người, thường đặt câu hỏi khi gặp nhau. Họ không nhậu dô dô mà hỏi làm sao có thể giúp Việt Nam, phát triển, sánh kịp với năm châu. Người Việt, không còn xuất khẩu mỗi năm thêm nữa triệu người, đi lao động cho các nước khác như mình đã gặp tại phi cảng Tân Sân Nhất, khi bay về mỹ tháng vừa qua.

Mình hay theo dõi những chương trình ngoài luồng, như Việt Success, Podcast của người Việt tại Việt Nam, phỏng vấn các nhân vật thành đạt tại Việt Nam, có rất nhiều người rất giỏi, có viễn kiến rất xa, thay vì cứ theo dõi những tin tức tiêu cực, chỉ trích cán bộ hủ hoá… mình nghĩ ở Việt Nam vẫn có một thành phần tốt, tích cực, vẫn còn hy vọng cho tương lai Việt Nam.

Cuối tuần, rảnh ông ta đi tìm đáp án của câu hỏi của ông ta trăn trở. Ông ta nói chuyện với người buôn bán, đến thăm viếng nhà họ,…như một kinh tế gia.

Ông ta khám phá ra các người buôn bán ngoài đường, kiểu chợ trời. Họ không muốn buôn bán tại đó. Họ muốn buôn bán trong các siêu thị, không bị mưa gió, hay bị công an rượt đuổi, tịch thu hàng hóa. Mình nhớ đi vòng vòng chợ, bổng nhiên thấy thiên hạ chụp cái tấm nhựa, lot đường đẻ bầy bán đồ, cuộc hết mọi thứ trong đó rồi bỏ chạy. 1 phút sau thấy 2, 3 công an đi tuần đến. Họ muốn buôn bán trong các tiệm có máy lạnh, an ninh, xa lánh các nhóm du thực,… lý do tại sao họ không làm như vậy?

Điểm lạ khi đi Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Chí Lợi hay Á Căn Đình,… người dân sở tại thích mình trả bằng tiền tươi. Lý do họ không muốn đóng thuế thêm lạm phát của họ mỗi ngày thay vì theo tháng. Đi Á Căn Đình vừa qua, một Đôla trả ở chợ đen lên đến gấp đôi hối đoái của chính phủ. Các người arbolito, đổi tiền đôla đứng đầy đường, kêu gọi du khách đổi tiền, thậm chí mình vào các nơi đổi tiền có giấy phép, cũng gấp đôi giá chính thức.

Ông ta đi viếng nhà cửa của người bán buôn ngoài đường thì khám phá ra nhà của họ cũng sạch sẽ, ngăn nắp, mái nhà bằng, đỗ xi măng. Ông ta xem kỹ hơn thì khám phá có gạch, bao xi măng, cây sắt để làm nhà.

Hoá ra mấy người này có chút đỉnh tiền nhưng họ để dành tiền khác với người giàu. Thay vì bỏ ngân hàng để có tiền lời, hay đầu tư như người giàu có, họ mua gạch, xi măng, sắt để dành để khi nào đủ thì xây tiếp một tầng lầu. Tương tự ở Việt Nam hay mấy xứ như Hy Lạp, hay ở Châu phi mà mình thấy. Hôm trước, ở Quảng Bình hay ở quê mình, nói chuyện với dân địa phương thì họ nói có tiền là họ mua xi măng, sắt, đá,…để dành vì lạm phát.

Nhớ khi xưa, ở Đàlạt mình hay thấy mấy căn nhà một tầng rồi trên mái nhà có mấy cây thép mọc lên độ 1 thước. Vài năm sau, người ta thêm sắt vào đổ bê tông cốt sắt rồi xây tầng hai cho thằng con đầu đi lấy vợ hay để gia đình ở trên còn lầu trệt thì để mở tiệm. Đi tứ xứ mình đều thấy tương tự cách tiết kiệm kiểu này ở các nước nghèo.

Hoá ra người Peru, đa số sống ngoài vòng kinh tế cơ bản thị trường. Họ không có giấy tờ chứng nhận họ là chủ nhân căn nhà họ đang ở, không có giấy phép được buôn bán, kinh doanh, không có tài khoản ngân hàng nên không biết mình có thể mượn tiền ngân hàng để khuếch trương doanh nghiệp… thậm chí không có giấy hôn thú khi lấy nhau vì không muốn đống tiền cho cán bộ để được tờ giấy hôn thú. Khi không có giấy tờ hôn thú, sổ đỏ thì khó mà mượn tiền của ngân hàng để xây cất nhà cửa hay mượn tiền làm ăn, phát triển kinh doanh Như ở các xứ Tây Phương tân tiến.

Ông de Soto đột phá tư duy, muốn thành lập một công ty may mặc để thử nghiệm cách làm ăn, buôn bán tại Peru. Ông ta mướn một nhà máy, mua vài cái máy may,… để thử nghiệm dù không muốn làm hay bán áo quần. Cốt để xem, tìm hiểu vấn đề này ra sao.

Ông ta mướn một luật sư và vài sinh viên, kêu họ tìm cách hợp thức hoá công ty về mặt luật pháp để khởi đầu làm ăn. Đám người này phải xin 11 giấy phép từ 7 bộ của quốc gia Peru. Mình xin nhắc lại 7 bộ. Họ bị bắt lại quả 10 lần, hai lần thay vì một và sau 278 ngày, làm việc 8 tiếng, trong vòng 8, 9 tháng, mới có giấy phép cho họ chính thức mở công ty may mặc.

Mình không biết tình hình ở Việt Nam ra sao, chạy chọt ra sao nhưng anh quen, có nhà máy sản xuất xì dầu có trên 600 nhân công người nga, ở Nga, kể là tốn hơn 1 triệu đôla nộp cho giới chức có quyền nhưng mấy ông bị chuyển công tác nên phải làm lại từ đầu, nộp tiền lại, dù anh ta sẽ trả tiền cho thợ để gắn đường dẫn ga, giúp phát triển năng suất của nhà máy. Còn anh bạn xây cây xăng tại Sàigòn thì kêu tốn hơn nữa triệu lại quả cho các cán bộ từng Hà Nội vào Sàigòn.

Anh ta kể Nga sô vẫn tiếp tục theo hệ thống sản xuất cộng sản của khối Liên Sô. Anh ta cho thí dụ sưởi ấm các căn hộ. Họ chia ra từng vùng được sưởi ấm vì hệ thống đại trà, không phải cá nhân như ở Hoa Kỳ. Hôm nay, họ mở sưởi ấm khu A dù không cần thiết, trời ấm. Người dân phải mở cửa sổ để hơi ấm thoát ra ngoài. Ngược lại khu B không được sưởi ấm dù thời tiết lạnh vì chưa đến ngày được sưởi ấm.

Khi có giấy phép hoạt động xưởng may thì công an không thể nào bước vào, ra lệnh đóng cửa tiệm, làm tiền vì giấy tờ hợp lệ. Sau đó ông ta hỏi vòng vòng thì được biết xin giấy phép mở công ty may mặc rất dễ vì chỉ mất có 278 ngày. Nếu muốn mở một đường xe đò chở khách như Thành Bưởi ở Đà Lạt, phải mất 26 tháng hay một siêu thị mà các người bán ngoài đường muốn dọn vào, mất 13 năm. Xin nhắc lại 13 năm, 156 tháng và không biết bao nhiêu tiền lại quả vì cán bộ về hưu hay bị thuyên chuyển qua cơ quan khác, có cán bộ mới đến, đòi tiền khác.

Lúc đó ông ta mới hiểu lý do loại kinh tế ngoài luồng thay vì hợp pháp hoá như các nước tân tiến. Muốn mở công ty may mặc, người ta không thể đợi 9 tháng để có giấy phép, người ta phải sản xuất ngay vì khách hàng muốn giao hàng ngày hôm qua. Do đó người ta phải mở lậu, và sống ngoài vòng pháp luật, bị công an làm tiền hay bọn đầu gấu ăn chận. Nhà nước mất tiền thu thuế, thất thoát trong tay các côgn an hay bọn đầu gấu, vì không được bảo vệ bởi luật pháp.

Khi đã sống ngoài vòng pháp luật thì khó mà có thể tăng trưởng, phát triển công ty vì công an sẽ làm khó dễ, ăn chận,… không có tài khoản ngân hàng thì khó có thể mượn tiền ngân hàng để khuếch trương công ty. Không có credit tín dụng, không có giấy đóng thuế lợi tức rõ ràng,… khi một thương gia nhỏ, không thể nào khuếch trương thì kinh tế sẽ không bao giờ lớn mạnh dù có dăng đầy khẩu hiệu, khắp nước. Cứ tiếp tục đời này đến đời sau, không bao giờ khá hơn. Quan trọng hơn là người dân không tin vào cán bộ, đại diện cho nhà nước.

Mình có nói chuyện với vài người quen làm ăn nhỏ như làm nail, làm tóc,… tại Hoa Kỳ. Họ cho biết được khách trả tiền tươi nhất là tiền boa nên chỉ khai vừa đủ trả thuế. Khi covid tới, chính phủ cho tiền để giúp các tiểu thương thì họ không có giấy tờ chứng minh để hưởng trợ cấp từ chính phủ. Ngược lại có mấy người làm ăn với kế toán rõ ràng thì nộp hồ sơ thuế hàng năm là được chính phủ tặng tiền, không cần đi làm. Tương tự khi tiệm bị cháy, chỉ được bồi thường trên số thu nhập được khai thuế hàng năm.

Thay vì nhà nước thu thuế, có tiền làm những gì khác để giúp đời sống người dân lên cao, nay mấy ông công an bỏ túi hết vì họ làm việc tại địa phương và biết rõ các tiệm,… mình nghe kể ở Việt Nam, vấn đề này xẩy ra thường xuyên. Công an buồn lâu lâu gọi chủ tiệm đi nhậu, hay ra quán trả tiền, tăng 2 tăng 3 gì đó. Xem xi nê Mỹ thì nghe nói giới xã hội đen làm tiền bảo kê nếu không họ phá như mấy phim Bố Già.

Khi đã tìm ra được bức tường vô hình, ông de Soto thấy khó có thể thay đổi hệ thống hiện tại vì phải thay thế hoàn toàn một hệ thống rối mù, thay đổi các luật lệ, một văn hoá lâu ngày của toàn quốc gia. Đó là vấn đề của các nước muốn phát triển ngang hàng với các quốc gia tân tiến. Lý do họ không thể nào ngang hàng với Nhật Bản, Tân Gia Ba,… phải thay đổi hoàn toàn văn hoá, guồng máy cai trị, quản lý, hành chánh,… những kẻ cầm quyền không bao giờ muốn thay đổi quyền lợi của họ.

Là thương gia nên ông de Soto làm như mọi thương vụ, ông ta lăn xê một chương trình quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình với bản nhạc: “tôi làm gì khi có tiền?”: tôi xin kể một câu chuyện về đất nước tôi rất nghèo vì chỉ có một thiểu số có thể mượn tiền….
Bài hát nói về một thiểu số người có tiền, không muốn thay đổi như cán bộ nhà nước, tham ô vì họ giàu sang, hốt bạc như trường hợp ông de Soto xin phép để mở công ty, bị bắt nộp tiền lại quả 2 lần ở mỗi cơ quan. Còn đám giàu có thì họ quen biết hết các cán bộ lớn, bộ trưởng nên tha hồ làm tiền, không muốn bị cạnh tranh, buôn bán cho dân Peru.

Vấn đề là ông de Soto có thêm một kẻ thù khác: nhóm khủng bố Shining Path (Con đường sáng). Đám kháng chiến theo chủ nghĩa Mao, cộng sản mà mình có kể họ tấn công toà đại sứ Nhật Bản và bắt con tin suốt bao nhiêu ngày. Cuối cùng Escobar, trùm buôn lậu thuốc phiện, đã thủ tiêu hết đám cầm đầu này, chớ không phải quân đội Peru. Họ buôn bán thuốc phiện lậu, dưới danh nghĩa để kiếm tiền làm cách mạng.

Đối với nhóm khủng bố Maoist này, ông de Soto là kẻ thù của phong trào của họ, vì ông ta khuyến khích chủ nghĩa tư bản, ngược với đường lối của nhóm này. Thế là họ tìm cách giết ông này. Lý do ông ta viết cuốn sách có tựa đề “The other path” (con đường khác).
Hình ông ta khi ra tranh cử tổng thống nhưng về thứ 4.
Trong cuốn sách này, ông ta kể về việc xin phép để mở công ty nhiêu khê của ông ta. Những ý tưởng, luật lệ, làm ăn và người nghèo. Ông cho rằng cách thoát nghèo của Peru không phải cách mạng Maoist mà là đưa người nghèo vào luồng chính kinh tế nhà nước, thế giới. Nhóm Maoist không vui vì số người theo họ ít lại và ai cũng mua cuốn sách của ông ta để làm cẩm nang xoá đói giảm nghèo. Báo của con đường sáng, hăm doạ sẽ trừng phạt ông de Soto.

Có chương trình kiểu người cày có ruộng, do ông ta đề xướng giới tổng thống đương nhiệm; cấp phát đất của nông dân trồng coca, khiến nhóm Con Đường Sáng, hết chỗ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Phải bỏ rừng, trước đây được nông dan tin tưởng, che đậy, nay họ báo lính đến bắt. Nhóm làm cách mạng hết vào Bưng, trở lại thành phố để trốn tránh vừa bị bắt gần hết. Nay xem như không còn dấu vết nữa.

Nhóm này tấn công văn phòng của ông ta, giết hại bảo vệ và đặt 200 kí lô chất nổ, khiến 3 nhân viên trong văn phòng chết tại chỗ. Họ tìm cách giết ông ta nhưng may ông ta đi xe bọc sắt.

Cuối cùng nhóm con đường sáng này bị tiêu diệt nhờ công của Pablo Escobar, chúa trùm thuốc phiện Columbia vì họ lộn xộn buôn bán thuốc phiện, dành mối của nhóm Escobar.

Tổng thống Peru nghe lời ông de Soto tìm cách giản đơn hoá tối đa các thủ tục hành chánh để giúp dân nghèo,..có sổ đỏ, và giấy phép làm ăn, buôn bán. Tổng thống Peru lên truyền hình để tuyên bố các sửa đổi hành chánh,…thậm chí cấp phát chứng chỉ hôn nhân mà người dân không bao giờ làm,…ông ta ra thời hạn cho cán bộ, ai không giải quyết vấn đề trong 5 ngày sẽ bị sa thải khiến các cán bộ lo quấn đít. Truyền hình quay ông ta đi xe gắn máy chạy đến văn phòng hành chính để giao công việc phải hoàn tất trong 5 ngày….

Peru vẫn còn nghèo nhưng thủ tục hành chánh đã thay đổi khiến các nước láng giềng, thậm chí ngay tại phi châu để ý đến sự cải tạo hành chánh của xứ này. Họ mời ông de Soto làm cố vấn cho xứ họ như Columbia, Tanzania hay Á châu.

Ngay ngân hàng thế giới ở Hoa Thịnh Đốn cũng theo dõi để áp dụng vào kinh tế trên thế giới. Căn bản là thủ tục hành chánh hay làm sao có điện nước nhanh chóng, ngân hàng thế giới đưa ra những căn bản để các nước mượn tiền cần phải theo. Ngân hàng thế giới sẽ đo độ nhanh chóng hành chánh để cho mượn tiền.

Điển hình là Tân Gia Ba đứng đầu về thủ tục hành chánh nhanh nhất thế giới. Hoa Kỳ đứng thứ 7.
Ở Ai Cập, muốn mở một lò bánh mì, phải mất 548 ngày, hay 18 tháng ngày nay, các nguyên thủ quốc gia tại trung đông cũng mời ông de Soto làm tư vấn.

Nhớ vụ Mùa Xuân Ả Rập, khi một sinh viên tốt nghiệp đại học ở Tunisie, không kiếm được công ăn việc làm nên đi bán hàng rong, bị công an làm khó dễ, bắt phạt tiền khiến anh ta tức quá và tự thiêu.
Mình hay theo dõi tin tức về Việt Nam, tìm các thông tin tích cực để đọc. Có người Việt tại Việt Nam rất giỏi và đang cố gắng xây dựng công ty của họ rất tốt theo trào lưu toàn cầu hoá.

Những vụ ăn cướp ngang xương của cán bộ nhà nước và công an như nước vở bờ, tạo ra bạo loạn. Các chính phủ trên thế giới đều điều nghiên cách hoàn chỉnh hệ thống hành chánh của họ. Người ta có thể biết một chính phủ tốt hay xấu bằng cách nhìn qua các cán bộ thi hành luật pháp tại một quốc gia.

Muốn mở công ty ở California. Điều tiên quyết là lên mạng của bộ ngoại giao của tiểu bang. Vào phần thương mại, xem cái tên của pháp nhân mình muốn gọi. Thí dụ; Chán Mớ Đời Corporation . Mình xem có tên nào đã thành lập công ty Chán Mớ Đời chưa. Nếu có thì sẽ hiện ra Chán Mớ Đời LLC, Chán Mớ Đời Inc., Chán Mớ Đời Incorporated hay Chán Mớ Đời Corporation,..

Nếu không có thì mình đăng ký tên pháp nhân “Chán Mớ Đời Inc”, sau đó thì điền tên của mình, muốn loại corporation thông thường C Corporation hay S Corporation vì đóng thuế khác nhau. Điền tên chủ tịch công ty,…. Đóng tiền thì sẽ có ngay trên mạng và email số công ty của mình để đóng thuế hàng năm liên bang và tiểu bang.

Sau đó chạy qua mạng, trang nhà của anh thuế vụ I.R.S., xin EIN (employer Identity Number) để đóng thuế. Nếu mình không lầm sẽ có cái đơn SS4. Cứ điền rồi họ cho mình ngay. Sau đó, kêu luật sư hay mua trên mạng hay Office Depot hồ sơ lập công ty rồi điền tên các thành phần có cổ phần,… nếu không rành thì kêu luật sư về thương mại, làm dùm. Sau đó cứ dựa vào hồ sơ này để làm công ty khác.

Làm vụ này tốn độ 60 phút về mặt hành chánh với chính phủ còn vụ giấy tờ thì nếu không rành thì nên trả tiền luật sư để họ làm cho chắc ăn.

Mỗi lần người thuê nhà dọn ra hay mình mới mua một căn nhà, cần sửa chửa thì mình gọi công ty điện lực, công ty ga, thành phố để có nước. Có thể lên mạng làm hay qua điện thoại thì 24 tiếng sau thì sẽ có điện nước và ga.

Thật ra cuốn sách này rất hay. Cho những nước nào nghèo, muốn thật sự tìm cách xóa đói giảm nghèo. Phải thay đổi tư duy cách làm ăn. Cuốn sách này được mấy tổng thống Clinton, Bush đều cho là cuốn sách quý. Hôm nào rảnh mình kể rõ hơn.

Mình kể vụ này lâu rồi nhưng Facebook nhắc nên mình sửa đổi, cập nhật hoá thêm tin tức sau khi viếng thăm xứ này. Lúc mình đến Cuzco, đi lòng vòng thì dân tình, đứng trước toà thị chính, biểu tình, hô hào đả đảo ai đó. Tháng giêng vừa qua, mình đi Á Căn Đình, lo sợ vì máy bay ghé lại xứ này trong khi họ đình công bãi thị, chính trị của họ rối như canh hẹ. Tổng thống muốn bãi nhiệm quốc hội thì bị quốc hội bỏ phiếu truất phế nên dân tình biểu tình, đình công bãi thị.

Trong khi ông tổng thống áp dụng phương thức của ông De Soto, Fujimori, một thời thì bị quốc hội, truất phế, truy nã về tội tham những, chạy trốn về Nhật Bản, quê hương của ông ta. Cho thấy muốn thay đổi vận mạng của một quốc gia, chúng ta cần thay đổi văn hoá, thói quen của người dân, của mỗi cán bộ. Không phải vẽ vài biểu ngữ kêu cương quyết thành lập một văn hoá nói không với tham nhũng là sẽ thành công.

Nếu mọi người tự đưa ra một chương trình tự sửa mình vì khi mình thay đổi  tư tưởng với hành động, sẽ tạo thành thói quen. Khi thói quen thay đổi theo chiều hướng tích cực, sẽ thay đổi định mệnh của chúng ta, rồi nhiều người thay đổi thì cả nước sẽ thay đổi, và quốc gia sẽ thay đổi, giàu có thêm, sánh ngang với các nước giàu có trên thee giới.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét