Năm 1989, người ta thấy người dân Đức, vùng lên phá vỡ bức tường Bá Linh, đưa đến sự xụp đổ hoàn toàn khối Liên Xô. Cả thế giới hồ hởi kêu gọi tư bản chủ nghĩa là ngọn đuốc sáng của nhân loại nên khởi sự toàn cầu hoá.
25 năm sau, khi cuộc khủng hoảng tài chánh xẩy đến, người ta mới nhận ra là chủ nghĩa tư bản đã chết từ lúc nào không ai để ý.
Chúng ta khám phá là đang ở thời kỳ chủ nghĩa hậu tư bản (post-capitalism). Những thay đổi về thông tin kỹ thuật, những cách làm việc đã thay đổi và chia xẻ về phương diện kinh tế cũng đã thay đổi.
25 năm qua, kinh tế thị trường đã phá đỗ mọi chương trình của nhóm thiên tả tây phương đưa ra. Dạo mình ở âu châu, đảng cộng sản pháp có đến 25% cử tri pháp, 35% ở Ý Đại Lợi,… tổng thống Mitterand đắc cử, mở cửa cho một kỹ nguyên mới, áp dụng các chương trình theo xã hội chủ nghĩa. Tuần tự các quốc gia khác ở âu châu cũng theo dòng chính trị này mà người ta gọi “Le socialisme au visage humain”.
Thị trường đã phá vỡ những chương trình của đảng xã hội ở âu châu. Chủ nghĩa cá nhân đã thay thế chủ nghĩa tập thể và đoàn kết mà phái tả đề cao. Giới thợ thuyền, được xem là giai cấp vô sản mà khi xưa hay xuống đường tranh đấu, đòi hỏi nguyện vọng của họ, ngày nay không tư duy như trước và dần dần được trưởng giả hoá.
Giới nhân công thợ thuyền dần dần mất đi quyền lực của họ từ 200 năm qua vì sự toàn cầu hoá. Các đại diện công đoàn lao động của công ty Mercedes đòi hỏi được nghỉ có lương 6 tuần và làm việc 30 giờ một tuần. Giới lãnh đạo của tập đoàn Benz cho hay, họ sẽ chuyển khâu sản xuất qua Ba Lan, tiết kiệm thời gian hơn và tiền bạc. Công đoàn lao động chỉ còn cách ký vào hợp đồng, từ bỏ hết mọi yêu sách.
Các công ty Hoa Kỳ mướn các kỹ sư ấn độ, làm việc ngày đêm ở Ấn Độ, rẻ gấp 10 lần kỹ sư tại Hoa Kỳ.
Các công đoàn lao động tại Hoa Kỳ mất rất nhiều hội viên. Con người ngày nay chỉ chú trọng vào cảm xúc của mình (own feeling), họ không màng đến người khác, chủ nghĩa cá nhân được ca tụng lên mây xanh. Trong tiệm ăn hay nơi công cộng, người ta ngồi chung nhưng ai nấy đều cầm cái điện thoại cá nhân để lướt mạng hay nhắn tin thay vì bỏ tâm trí vào người đối diện. Hay tay họ bị cứng vì cứ phải xeo phì, gửi lên mạng để câu like.
Về âu châu thăm bạn bè, gặp lại vài tên học chung khi xưa, thuộc nhóm thiên tả, hay cãi nhau với mình về cuộc chiến quốc cộng thì nay thấy mấy tên bạn này như bị chấn thương tâm lý vì mọi việc, tư duy của họ bị đão lộn hết.
Kỹ thuật đã thay đổi đời sống con người và xã hội. Tương tự trong cuộc cách mạng kỹ nghệ, kỹ thuật đã giảm thiểu công ăn việc làm, giúp con người có thời gian đi chơi, nghỉ hè và sự liên đới giữa công việc và lương bổng.
Chúng ta thấy hiện tượng khác lạ trong một xã hội tư bản, con ngừoi tự nguyện đóng góp trên mạng xã hội về kỹ thuật, kiến thức,…mà trước kia chúng ta phải mua với giá rất đắt.
Điển hình là Wikipedia được thành lập miễn phí do toàn thể người sử dụng Internet đóng góp công sức của họ hay tiền bạc. Mình có mua một bộ bách khoa tự điển nhưng con mình chả bao giờ mở ra xem vì gú Gồ đã thay đổi nhiệm vụ của bách khoa tự điển và đầy đủ chi tiết hơn. Cần làm việc gì, chỉ cần mở Youtube ra, là có hàng ngàn video chỉ chúng ta nấu ăn, băng bó, sửa chửa máy điện toán, xe hơi,… nội Wikipedia không đã khiến thị trường tiếp thị mất đi hơn 3 tỷ đô thu nhập hàng năm.
Mình tình cờ viết kể vài chuyện về ngày xưa ở Đàlạt, rồi bạn bè kêu viết tiếp, rồi có người nhờ mình kể về mấy chuyện lặt vặt nên mình kể tiếp. Sau này khám phá ra một chị học sinh cũ Văn Học, sửa chửa bài vở, chính tả bài của mình rồi tải lên trang nhà Văn Học.
Có anh bạn học xưa, tiến sĩ Chử Nhị Anh, bỏ thì giờ đọc mấy bài viết của mình rồi cho xuất bản cuốn “Mực Tím Sơn Đen”, không lấy lợi nhuận gì cả. Giá trên amazon là giá thành của nhà in cộng với cước phí gửi đi. Trong cuốn này, có nhiều bài mình viết về tuổi thơ ở Đàlạt, có nhiều người Đàlạt hỏi mình làm sao đọc hết những bài mình kể về Đàlạt trước 75, thì mình nói mua Mực Tím Sơn Đen của Chử Nhị Anh xuất bản trên Amazon chấm còm. Chử Nhị Anh và mình chẳng ăn một xu nhưng để thiên hạ, ai còn nhớ hay lưu luyến hình ảnh cũ của Đàlạt thì mua đọc.
Gần đây có mấy người mình không quen, đọc bài mình trên facebook rồi họ hỏi mình để họ làm Bờ lốc Mực Tím Sơn Đen, để ai muốn tìm lại những bài cũ của mình, chả lấy đồng bạc nào cả. Cho thấy chúng ta đang sống thời đại chuyển tiếp hậu tư bản chủ nghĩa. Con người làm những việc không vì lợi nhuận mà vì họ nghĩ có ích cho cộng đồng, xã hội, đóng góp chút gì đó cho xã hội. Như trường hợp Linux, được thành lập để giúp nhân loại sử dụng miễn phí thay vì mua Windows hay IOS,…
Gần đây ở Hương Cảng, người dân xuống đường biểu tình chống đối đạo luật dẫn độ về Trung Cộng. Công an bắt người biểu tình, đánh đập họ nhưng không tìm ra lãnh đạo phong trào. Nguyên do là không có lãnh đạo, người ta đi biểu tình như người ta đóng góp vào Wikipedia bất vụ lợi.
Gần đây người Hương Cảng đi biểu tình để tranh đấu cho tự do, tương lai của họ. Những người theo tư bản từ bao năm nay, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, họp lại nói lên quyền tự do báo chí, ngôn luận,.. Có thể xem đây là một lối chính trị của hậu tư bản chủ nghĩa.
Tư bản là nghĩ đến lợi nhuận, dùng thông tin của họ có để làm ra tiền. Ai có sáng kiến gì là làm Patent để kiếm tiền, ai sử dụng thì phải trả tiền vì vậy Qualcomm đang kiện Apple vì ăn cắp trí tuệ sáng tác của họ,…
Tại sao nhiều người quay video, chỉ cho thiên hạ đóng chuồng gà, rữa xe, trồng cây,… cho thấy tư duy của con người ở thời đại Hậu Tư Bản đã thay đổi với thời Karl Marx viết bản tuyên ngôn Cộng Sản.
Người ta thấy xuất hiện những loại sở hữu mới, những loại cho vay tiền mới, hay đầu tư như “crowd-funding”; một loại thương mại khác mà các nhà xã hội học gọi là “Sharing Economy” (không biết dịch ra răng). Thậm chí tiền tệ như bitcoin được thành lập, không bị lệ thuộc quốc gia nào cả. Một loại kinh tế còn sơ khai, khác với loại kinh tế cộng đồng do phong trào Hippie của thế kỷ 20 mà tuần vừa qua, người ta tổ chức kỷ niệm 50 năm đại nhạc hội nhạc Woodstocks.
Chúng ta thấy các chính phủ như Trung Cộng, tìm cách kiểm soát người dân bằng hệ thống an ninh video ngoài đường trong nhà, thậm chí Hoa Kỳ cũng có hệ thống này như ông Snowden đã cảnh báo nhưng tương lai thuộc về dòng chảy tự do của thông tin. Nước nào tìm cách chận các dòng thông tin sẽ thua thiệt vì thông tin là tài sản quý báu nhất của thời đại hậu tư bản.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã tiêu huỷ 13% sản xuất thế giới và giảm 20% mậu dịch quốc tế. Sự tăng trưởng thế giới đi vào số Âm vì kinh tế gia tăng dứoi 3% là được xem là suy thoái kinh tế. 3% được xem là lạm phát hàng năm. Ngày nay ở âu châu như Đức quốc, người ta bỏ tiền tiết kiệm được trả tiền lời Âm. Anh bỏ vào sổ tiết kiệm $1,000, cuối năm chỉ còn $980. Chả có lời gì cả. Kinh
Các chính phủ đưa ra biện pháp “thắc lưng buộc bụng” nhưng không thành công. Các nước bị khủng hoảng trầm trọng, quỹ hữu trí của họ bị mất gần hết như Hy lạp. Năm ngoái mình sang Hy Lạp chơi, thăm bạn bè thì họ kể những người về già, hưu trí của họ bổng nhiên còn 50%. Từ 65 tuổi nay họ phải phải đi làm đến tuổi 70, thêm 60 tháng. Giáo dục được tư hữu hoá khiến sinh viên tốt nghiệp bị ngập đầu trong biển nợ.
Thắc lưng buộc bụng không có nghĩa là 8 năm, 10 năm cắt giảm như trước, nay hàm ý là lương bổng được cắt giảm đến khi nào xuống bằng lương một người Tàu trung lưu hay ấn độ đang đi lên.
Chúng ta thấy lợi tức, lương bổng của các nước tây phương không gia tăng, có chăng là được lên theo đà lạm phát. Đưa đến sự chênh lệch về lương bổng và vật giá leo thang. Khi xưa, sau đệ nhị thế chiến, một người đàn ông đi làm, có thể mua nhà, lo cho con cái và vợ ở nhà, nay cả hai vợ chồng đi làm cả đời, chưa chắc có khả năng để dành tiền để mua căn nhà. Gần đây, người ta thường nghe đến “giấc mơ Hoa Kỳ” trở thành “ác mộng Hoa Kỳ”.
Khi mình về thăm âu châu, nói chuyện với bạn bè thì họ cho biết, giới trẻ ngày nay không có việc làm, họ sống trong sự vô vọng , không có tương lai. Ở Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi 35% giới trẻ bị thất nghiệp. Chẳng bù lại sang Á châu thì thấy giới trẻ lạc quan, hướng về tương lai. Ngay cả Việt Nam thấy xây cất đầy, giới trẻ nói đến làm thương mại trên mạng, ít vốn,… dần dần các nước nghèo đi lên, bắt kịp các nước tây phương dậm chân tại chỗ, vẫn sống trong quá khứ kiêu hùng của họ mà quên đi vật đỗi sao dời.
Nếu chúng ta xét lịch sử trong cuộc cách mạng kỹ nghệ, từ 200 năm qua, các cuộc đình công, xuống đường đòi yêu sách của họ, đưa đến các công ty, thay vì cắt giảm lương bổng mà các công đoàn lao động tìm cách ngăn chận, sự bành trướng của công ty. Các công ty bắt buộc phải tìm cách khác để phát triển và có lợi nhuận cao. Dần dần đưa đến một chế dộ tư bản khác. Phía dân chủ kêu gọi, tăng lương căn bản lên $15/ giờ thì các tiệm ăn bán thức ăn nhanh như McDoanlds, thành lập các máy đặt hàng, kêu thức ăn uống, bớt mướn người giúp việc.
Đọc báo ở Seattle, thành phố bỏ phiếu tăng lương tối thiểu lên $15/ giờ. Ai nấy hồ hởi thì hôm sau bà chủ đóng cửa, sa thải hết người làm. Bà chủ gốc ấn độ, kêu tôi có 2 tiệm, bao nhiêu thuế khiến tôi không lời , chỉ cầm chừng nay họ tăng tiền lương lên thì tôi đành đóng cửa tiệm. Nhân viên chưa nhận được $15/ giờ đã bị sa thải.
Ngày nay với máy móc, các công ty đã tự động hoá hệ thống sản xuất của họ nên không còn bị áp lực của các công đoàn lao động như xưa. Thông tin và kỹ thuật từ từ nghiền nát giá cả và thời gian làm việc khiến con người có thời gian nhiều, để đi du lịch nếu có tiền hay ăn trợ cấp vì không tìm ra việc làm trong khi chính phủ không có những chương trình cải tạo, huấn nghệ giúp những người thất nghiệp, học một cái nghề mới.
Vào siêu thị, ta thấy các máy tính tiền tự động, Apple cho ra đời các siêu thị tự động tính tiền qua điện thoại di động. Trong tương lai gần đây, người ta sẽ không thấy bóng các thâu ngân viên tại siêu thị. Những người này sẽ ra sao. Họ có khả năng học làm giải trình điện toán để tìm công ăn việc làm mới. Hay sẽ gia nhập vào giai cấp vô dụng, không tạo nên GDP, ăn bám vào xã hội với trợ cấp,…
Đảng Dân Chủ cần duy trì lực lượng thất nghiệp này để bầu cho họ, hốt phiếu. Họ hô hào đánh thuế nhà giàu để nuôi nhà nghèo như ở thế kỷ 20, người ta lên án tư bản, địa chủ cường hào,.. Những tiểu bang theo đảng Dân Chủ như New York, Cali,.. Ra đường thấy người vô gia cư đầy. Thành phố New York trả đâu 300 triệu đô la tiền khách sạn cho người vô gia cư hàng năm. Chưa kể tem phiếu.
Ngày nay họ ra đề nghị lợi tức tối thiểu (universal income) cho mỗi người để giải quyết vấn nạn giai cấp vô dụng, không bằng cấp, không khả năng để lao động sản xuất trong thời đại hậu tư bản chủ nghĩa. Nhiều người cứ bám theo nữ quyền và nam quyền, sau này sẽ đòi hỏi quyền của giới chuyển giới, đồng tính,.... trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh.
Thay vì suy tính về thế giới trong tương lai, họ cứ lệ phệ tranh cãi về lương bổng nam nữ đủ trò để rồi một ngày nào đó lêu bêu như mấy tên bạn học cũ mình ở Pháp.
Mình vào nhà máy của công ty mua bơ của mình. Thấy họ sử dụng máy móc để bỏ bơ vào thùng giấy. Bơ đem về được bỏ vào bể nước để rữa, sau khi ráo nước thì họ cho lên máy tự động lọc bơ; loại nào nhẹ, hay to được chuyển qua một vùng khác rồi tự động lọt vào mấy cái thùng giấy, tự đóng lại luôn. Cuối cùng người lái xe đến chở vào kho. Xong om. Có vài người thợ, được trả lương như bèo, đứng xem có trái nào bị thối hư thì lấy ra.
Ngày nay, các kinh tế gia và kỹ thuật gia cho rằng chúng ta đang giai đoạn thứ 3 của chủ nghĩa tư bản. Giai đoạn 1 là từ thế kỷ 17-18, khi con người sử dụng con người như nô lệ (slave capitalism) để sản xuất rồi đến giai đoạn thứ 2; kỹ nghệ tư bản (industrial capitalism), sử dụng máy móc để thay con người sản xuất và ngày nay là tư bản về thông tin (information capitalism).
Nói chuyện với đám bạn thiên tả ở âu châu thì họ chán nản vì cả tuổi thanh niên,họ đeo đuổi xây dựng một xã hội công bằng, ngày nay thiên đàng của họ đã đánh mất. Khiến mình nhớ đến phim 1900, nói về hai người bạn trẻ, khác chí hướng. Một người đi làm cách mạng xây dựng một xã hội chủ nghĩa còn người kia là con địa chủ, chống lại xã hội chủ nghĩa hoá xứ Ý Đại Lợi. Mấy chục năm sau, hai người bạn ngồi lại, nói không ngờ thời gian đã thay đổi chúng ta.
Con lộ khi xưa đã khép lại nhưng lại nở rộ ra một con đường mới mà sự sản xuất kinh tế dựa vào một hệ thống công nghệ để sản xuất và quản lý và chỉ thực hiện được nếu được chia xẻ và miễn phí. Điển hình là Wikipedia, Google, internet, Youtube,…
Trong cuốn “Post-capitalist Society”, ông Peter Drucker cho rằng Kiến Thức (knowledge) sẽ là cơ bản chính của sự giàu có thay vì tiền bạc, đất đai hay sức lao động. Trong xã hội hậu tư bản, các giai cấp sẽ được chia thành giới nhân công có kiến thức và giới nhân công phục vụ, khác với Karl Marx đã nói trong Tư Bản Luận hai giai cấp đấu tranh, xung đột nhau: giai cấp tư bản và giai cấp vô sản.
Ông cho rằng, cần phải xét lại khái niệm sở hữu trí tuệ, bằng cách tạo nên một hệ thống cấp phép toàn cầu. Người tiêu dùng có thể đăng ký mua và các nhà sản xuất sẽ cho phép mọi người sao chép và phân phối trên mạng xã hội.
Do đó ngày nay chúng ta thấy hiện tượng các đại biểu dân chủ trẻ, muốn thoát khỏi cái vòng kim cô của phái tả từ lâu nay. AOC chỉ trích bà chủ tịch hạ viện Pelosi, xem như thời buổi giao thời, chuyển tiếp hậu chủ nghĩa tư bản.
Thời ở Việt Nam, mình sống trong không gian chống cộng sản, sang Tây thì sống trong không gian, vừa cộng sản, vừa xã hội vừa chống cộng nên có ý nghĩa trung lập. Sang Hoa Kỳ thì mình lao đầu vào làm việc, xây dựng công ty nên không có thì giờ để tâm về chính trị. Nay hơi già, nhìn lại thì thấy mọi việc thay đổi nên thất kinh.
Thôi hơi dài, để hôm nào con gái đi học xa, kể tiếp.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét