2035

Nguyễn Hoàng Sơn

Đọc báo thấy nói đến công ty Uber, tạo dựng một hệ thống dùng các người có xe, để chở ai muốn đi tới một địa điểm khác, nhanh và rẻ hơn taxi nhưng không để ý lắm đến khi thấy giới lái taxi bên Đức đình công thì mới đọc thêm về hiện tượng này thì mới ngã ngửa là công ty này với cách thức làm ăn sẽ thay đổi lớn thương mại, kinh tế trong tương lai của các công ty và tạo ra công ăn việc làm cho những ai thích cách làm biz kiểu này.

Công ty Google đã cho ra đời xe tự động không người lái và công ty Tesla cũng đang chế biến các loại xe này. Vì hệ thống xe kiểu Uber này sẽ ra đời nhiều hơn, rẻ nên thiên hạ sẽ dùng nhiều và sẽ không mua xe hay mỗi gia đình chỉ cần có một.

Thêm họ có thể đi chung tương tự kiểu xe lam ba bánh khi xưa để đi làm,...các loại xe sẽ chạy bằng điện, bớt khói xăng. Mọi người có thể đọc sách, làm việc trong xe, xa lộ sẽ bớt nghẹt đường. Các xe V2G (vehicle to grid) sẽ giúp giảm thiểu sự tiêu thụ điện năng. Xe tự động sẽ giảm thiểu số tử vong trên 30,000 và trên 2 triệu người bị thương trong các tai nạn xe cộ hàng năm tại Hoa Kỳ.

Hiện nay các công ty có xe van để chở nhân viên đi làm cho nhanh và đỡ phải lái nhưng khi có cái app để tìm xe kiểu công ty Uber đi chung thì sẽ trả tiền rẻ hơn,..thì người ta sẽ bớt dùng đến xe hay có hãng đã cho mướn xe 1 vài tiếng mà mình thấy trong khuôn viên đại học của UCSD được sinh viên hùn tiền mướn chiếc xe đi đâu vài tiếng. Thêm vào nếu công ty Uber sẽ dùng xe không người lái thì càng rẻ hơn. Tối đi chơi về, uống rượu không dám lái xe, nay đi chơi tha hồ uống rồi gọi xe của hãng Uber đến đón về nhà. Khoẻ re.

Khi các công ty làm ăn kiểu này sẽ dùng xe không người lái thì hết còn cần tài xế, tài xế taxi sẽ bị thất nghiệp sa thải. Công ty chỉ cần mua xe tự động và tuyển số thợ giỏi để sửa chửa các xe khi bị hư nhưng trình độ phải cao để xem các phần mềm,...

Đại loại trong tương lai các robot, các phần mềm sẽ kiểm soát làm hết những việc nặng cho loài người thì tương lai của loài người sẽ đi về đâu? Sẽ dành thì giờ đi chơi du lịch,...nhưng tiền đào đâu ra nếu không đi làm hay có việc làm.

Mình thích xem phim James Bond vì thường có những gadget mới mà vài năm sau sẽ tràn ngập thế giới. Thí dụ như cái điện thoại cầm tay của James Bond có thể làm cho xe nổ, chạy lại gần. Mỗi lần đi đâu ra, mình chỉ bấm cái app kêu xe đến chỗ mình đang đứng, mở cửa cho mình bước lên. Mụ vợ nói nhiều, nhấn cái nút, có cánh tay bịt mồm đồng chí gái vô vàn kính yêu trong suốt thời gian về nhà. Hề hề hề....

Mình hơi lo cho thế hệ con mình và cháu mình sau này nên tìm hiểu thêm về những gì tương lai sẽ xảy ra. Những năm 70 của thế kỷ trước, trung bình công việc cần nhất là thư ký đánh máy nhưng ngày nay máy điện toán đã xoá bỏ hết loại công việc này. Ngay bác sĩ còn có thể là thừa vì máy móc sẽ thay thế chuẩn bệnh.

Người bệnh ở nhà có thể được chẩn bệnh qua internet với healthtab chỉ có khi bị mổ,...thì mới cần vào nhà thương. Instacart cho người đi mua đồ ăn khỏi cần đến chợ, Airbnb khi đi chơi hay ở đâu tạm vài tuần, Upcounsel cho luật sư,...

Vấn đề là không biết thế giới sẽ khai mở, sáng lập ra những nghề mới nào. Công ty Amazon trả lương cho những người viết review 1 xu một bài, Mỹ gọi là mechanical turks, phải viết 100 bài mới được một đô la. Mình thấy lạ là có nhiều người rảnh, viết review về các product trên mạng thì khám phá ra nghề mechanical turk này.

Người ta tiên đoán là năm 2035 là ngân quỹ của an sinh xã hội Hoa Kỳ sẽ cạn và lo ngại vì không biết chính phủ sẽ lấy tiền đâu mà trả cho người hưu trí. Người ta tính đổ đồng ngày nay một người về hưu có chưa đến $25,000.00 trong các trương mục, quỹ tiết kiệm hay hưu trí cho nên họ phải dựa vào tiền an sinh xã hội. Quốc hội Hoa Kỳ đều biết rõ nhưng không ai muốn thất cử nên không ai dám lên tiếng, cải tổ chương trình này.

Ông Obama ký sắc lệnh cho người di dân lậu được quyền khai lý lịch chuẩn bị cho cuộc hợp thức hoá hoàn cảnh của họ. Đảng Cộng Hoà la hét, gào kêu ông Obama là phát xít độc tài nhưng rồi cũng câm mõm vì ai cũng biết là hợp thức hoá dân ở lậu thì họ sẽ phải đóng thuế, đóng tiền an sinh xã hội để nuôi đám Mỹ trắng già và bớt gửi tiền về quê nhà.

Gần đây chính quyền Obama có cho ra chương trình MyIRA, nhằm khuyến khích dân Mỹ mua công khố phiếu cho quỹ hưu trí của mình, bảo đảm không bị mất vốn như mua các cổ phần của công ty. Mình xem tuần rồi công khố phiếu cho 30 năm chỉ có tiền lời 3.2% mà lạm phát từ mấy năm nay là 2.5%/ năm. Lấy thí dụ một người có tiền $10,000.00, bỏ vào MyIRA với lãi xuất của tuần vừa rồi là 3.2% cho 30 năm.

2015: $10,000.00 @ 3.2% cho 30 năm (360 tháng) 2045: $26,083.62 (tiền sẽ có được) Mà lạm phát là 2.5% từ mấy năm qua cho nên phải trừ: 3.2% - 2.5% =.7% Vậy nếu tính thêm lạm phát 2015: $10,000.00 @.7% cho 30 năm 2045: $12,336.03 tương đương với giá tiền ngày nay (purchasing power) Vấn đề là nếu lạm phát thời ông Jimmy Carter được tái phát cỡ 21% thì dân chúng ngọng.

Mấy năm trước, có cuộc khủng hoảng tài chánh ở đảo Chypre. Đảo này bị chia cắt làm hai, một phần thuộc về Hy lạp và một phần thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Dân tình dạo mình đi viếng thằng bạn học chung khi xưa thì đa số là dân làm ruộng, chăn dê,.. Nhưng chính phủ của đảo này quyết định muốn biến đảo nhỏ này thành một Lichtenstein, Luxembourg hay Thuỵ Sĩ nên thành lập ngân hàng kiểu Thuỵ sĩ.

Dân giàu có của Nga đổ xô vào để rửa tiền nên các nông dân hay chăn cừu bỗng nhiên đổi đời, bận áo vét làm cho ngân hàng tương tự như đảo Guersey ở Ái Nhỉ Lan. Khác với Việt Nam là đang làm kỹ sư, bác sĩ thì được đi chăn bò.

Lúc có cuộc khủng hoảng tài chánh thì chính phủ nước này cấm khách hàng rút tiền ra quá 100,000 Euro thì phải. Mình không nhớ rõ chi tiết khi cuộc khủng hoảng tài chánh xẩy ra ở đảo Chypre trong khi trương mục của họ có cả tỷ hay mấy trăm triệu. Ông Putin lợi dụng cơ hội này để kéo đám có tiền của Nga theo ông ta thì hy vọng sẽ rút được tiền ra. Câu hỏi là nếu nay mai chính phủ Hoa Kỳ không có đủ tiền trả nhân viên, có thể ra đạo luật mượn tiền của dân chúng trong ngân hàng hay trong các quỹ hưu trí hay tăng thuế.

Thường thì ngân hàng Mỹ nhận tiền của khách hàng bỏ vào trong quỹ tiết kiệm $100.00 thì ngân hàng có thể cho mượn từ $800-$1,000, thời 2004-2006 thì có ngân hàng cho mượn đến gấp 20 lần. Cho nên khi dân tình đến lấy tiền thì ngân hàng không có tiền để trả dù là có FDIC bảo chứng. Mình có tên quen để $200,000.00 trong ngân hàng Indy Mac những năm 2006. Khi nghe tin ngân hàng này te tua, hắn chạy ra rút hết tiền, kêu thằng anh vợ rút tiền nhưng tên này chần chờ vì CD của hắn còn 2 tuần nữa mới hết hạn, nếu lấy ra trước sẽ bị phạt, 48 tiếng sau thì ngân hàng này bị xụp tiệm, anh hắn chạy ra lấy, chỉ được phép rút $100,000.00 còn số tiền $500,000.00 còn lại thì phải đợi.

Mấy tên làm về tài chánh dụ dỗ khách hàng, cứ kêu là khi về hưu là cần 1 triệu đô là sống thoải mái. Nếu một người có trong quỹ hưu trí $1,000,000.00 rồi về hưu.

Họ tính là sống thêm 20 năm hay là $50,000.00/ năm. Nhưng lúc họ rút tiền $50,000.00/ năm thì sẽ bị đóng thuế khoảng 25% hay là $12,500.00, còn lại $27,500.00. Tiền thuế điền trạch đóng mỗi năm ở Cali độ $5,000.00, xe cộ tính xăng nhớt cộng bảo hiểm coi như còn lại độ $18,000 - $20,000.00 để hai vợ chồng già sống. Nếu đóng thuế cao quá thì không muốn rút ra thì bị phạt vì chính phủ bắt buộc phải lấy ra khi 70.5 tuổi nếu không sẽ bị phạt 10% thêm tiền thuế lợi tức cá nhân.

Hôm trước có tên kể là về hưu ở xứ Ecuador rất rẻ, chỉ tốn $11,000.00/ năm cho 2 vợ chồng. Mình xem lạm phát của xứ này thì được biết từ 1970 đến 2015, lạm phát trung bình của xứ này là 23.23%, năm 2000 lên tới 107.87% trong 1 năm. Nếu ta lấy luật của 72; lấy 72 chia cho 23.23% thì ra 3.1 năm vậy cứ 3 năm là số tiền chi tiêu về hưu ở xứ này sẽ tăng gấp 2 hay là $22,000.00 và ba năm sau lên $44,000.00. Hai vợ chồng cuốn gói chạy về mỹ vì lỡ hứng lên 107.87% cho năm sau là hết thở.

Thành phố San Bernardino ở miền nam Cali bị phá sản vì hành chánh vơ vét, quản trị kém. Năm ngoái mình đóng thuế môn bài vì có nhà cho thuê ở thành phố này $60.00 vào cuối năm. Năm nay mình lo tùm lum trò với cái vườn thêm bà mẹ vợ mất nên quên coi giấy tờ, mình đinh ninh là hạn chót là cuối năm, ai ngờ năm nay thành phố cần tiền nên đòi thiên hạ đóng vào tháng 10 thay vì tháng 12. Mình bị phạt gấp đôi $60.00 thay vì $15.00 như các năm trước. Không ai bảo đảm là đến khi mình cần tiền là thuế đóng rất thấp. Nên nhớ thời tổng thống Eisenhower, người rất giàu bị đóng thuế 91%.

Từ ngày ông Reagan lên làm tổng thống, giảm thuế cho người giàu thì nạn thâm thủng ngân sách quốc gia xẩy ra và cứ mỗi năm bị thâm hụt. Chính phủ in tiền để trả tiền cho công chức, quân đội,.. Chỉ có thời ông Clinton là có thặng dư mấy trăm tỷ mỹ kim đến khi ông Bush con lên, đem quân đi dánh tứ xứ để làm giàu cho những công ty đa quốc gia làm nợ quốc gia chồng chất, ông ta còn chơi màn trả tiền cho mỗi gia đình $600.00 để tiêu xài thay vì dùng tiền đó xây trường học, sửa chữa cầu cống,....

Chính phủ cần tiền có thể mượn tiền của người dân để trả nợ, trả lương cho công chức,...nên có thể bắt chước chính phủ Chypre, cấm người dân rút tiền hay kinh tế có thể te tua như Á căn Đình, Venezuela,... lạm phát chạy nhanh hơn ngựa. Trên mạng tuần qua có nói là một hộp bao cao su, hiện nay ở Caracas được bán giá với giá $735.00 vì khan hiếm. Mình nhớ dạo còn ở Đà Lạt, một bao gạo hay đường mà bà cụ mua, chất kho, 2 tuần sau bán giá gấp đôi vì lạm phát trong thời Thắt lưng buột bụng của thời Kiệm Ước vào những khoảng dầu hoả gia tăng.

Nền sản xuất công nghệ của Hoa Kỳ trong tương lai sẽ được tự động hoá cho nên muốn kiếm việc chắc chắn thì con cháu mình phải học cao để có thể quản lý máy móc,...nhưng học cao đâu phải ai cũng có thể học được mà công việc lao động chân tay thì người di dân lậu thầu hết. Mình cũng không biết con cháu mình sẽ làm nghề gì. Thế hệ mình về hưu nên chắc vô viện dưỡng lão hết nên chắc cần y tá hay xa hơn là nghề làm ma chay vì dân babyboomers chết nhiều. Ngay cả ngày nay đi chợ cũng có quầy tự động trả tiền với iphone thêm siêu thị có dịch vụ giao hàng tận nhà. Vào trang nhà của siêu thị rồi đặt mua, hẹn ngày giờ giao hàng, khỏi phải lái xe đi cho mệt. Chắc lúc đó dân Mỹ to béo hơn ngày nay.

Ở Baton Rouge, tiểu bang Louisiana, có một phong trào chia thành phố ra làm 2, tạo nên thành phố St George. Các nhóm này đa số là dân da trắng, khá giả hơn đang kêu gọi xin chữ kí để trưng cầu dân ý cho mùa bầu cử sắp đến. Mình không biết sẽ được hay không nhưng khắp nước mỹ ngày nay có những phong trào tương tự đòi tự trị, chia cắt tiểu bang. Các người dân kêu là họ đóng tiền thuế nhưng vì chính sách hoà hợp hoà giải của Civil Rights nên các học sinh được sơ tán đi khắp nơi trong thành phố nên học sinh phải dậy sớm, đi xe buýt của học khu, mất thì giờ mà chẳng có dạy dỗ gì cả, họ kêu là thầy cô babysitting chớ không có educating.

Mifnh nhớ dạo sang Virginia thăm tên bạn cũ, hắn kể con hắn mỗi sáng phải dậy sớm lấy xe buýt đi rất lâu mới tới trường, chưa kể là khi bị kẹt xe. Họ nói đóng thuế để trợ cấp cho dân nghèo ở những nơi xa khu của họ sinh sống. Giới đối lập thì kêu làm như vậy sẽ đánh mất đi cuộc cách mạng quyền công dân bình đẳng, Civil Rights mà các nhà lãnh đạo da đen như bà Rosa Park, ông Martin Luther King Jr., đã tranh đấu đổi lấy cái chết để người mỹ được đề huề.

Những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, xã hội Mỹ bị ảnh hưởng của những cuộc cách mạng văn hoá trên thế giới, giới trẻ có cái nhìn về thế giới đại đồng, tìm trong cái tính lãng mạn cách mạng như Che Guevarra, một sinh viên Á Can Đình thuộc giai cấp khá giả, bỏ học để sang Cuba làm cách mạng, đấu tranh cho kẻ bần cùng bị chủ nghĩa tư bản bốc lột. Như một cựu đảng viên Đông Âu tuyên bố: 20 tuổi mà không theo Cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mà còn theo Cộng Sản là không có trí óc. Ngày này con người rút về cái võ của mình, lo cho cá nhân mình hơn là thay đổi xã hội chung quanh. Ngày nay chúng ta có bạn khắp nơi để giao lưu nên tên láng giềng không nhất thiết phải cần giao tiếp.

Ngày nay, các công ty mướn người làm bán thời gian, vài tháng,..nên không phải trả tiền cho bảo hiểm sức khoẻ. Những thập niên sau đệ nhị thế chiến, nghiệp đoàn lao động có đến 35% hội viên, đã tranh đấu giúp nhân công có tiền lương khá cao và có bảo hiểm sức khoẻ, hưu trí,...mà ta thấy Sally Field bất tử trong phim vai Norma Rae nhưng ngày nay nghiệp đoàn chỉ có 6% của số nhân công nên từ từ thế hệ con cháu của mình sẽ sống lại thời của thế kỷ 19, bị chủ bốc lột vì máy móc, robot sẽ thay thế con người trong các hoạt động. Đình công hay biểu tình, chính phủ sẽ cho robot cảnh sát ra dẹp loạn. Chán mớ đời! Nhiều khi tự hỏi: nghĩ chi cho mệt nhưng bản năng kts cũng vẫn còn lưu luyến nên hay hình dung một xã hội, tương lai, môi trường sinh hoạt của xã hội. Thời sinh viên mình rất mê các tư tưởng của ông Marshall McLuhan về một thế giới trong tương lai, ngấu nghiến mấy cuốn sách của ông ta như Gutenberg Galaxy, Global Village,...đã nói về điện toán, Internet dù www được thành lập sau khi ông ta qua đời. Cái khó là kỹ thuật ngày nay đã thay đổi cuộc sống con người quá nhanh chóng cho nên khó tiên đoán về tương lai.

Năm 2035, dân số của Nhật Bản sẽ mất đi khá nhiều vì thế hệ già sẽ ra đi. Ngày nay họ bán tả cho người già nhiều hơn là cho con nít. Dân số Trung Quốc sẽ mất đi 1/3. Hoa Kỳ sẽ cho thêm di dân nhập cư sẽ giúp đóng góp vào quỹ hưu trí của thế hệ babyboomers. Có ông thống đốc ngân hàng liên bang của Kansas, federal Reserve Bank được chia thành 12, cái chính nằm ở vùng D.C., tuyên bố là thế hệ mình đang hi sinh đời con, đời cháu để cũng cố đời bố vì Hoa Kỳ mượn tiền quá nhiều mà chưa có một khái niệm về cuộc sống trong tương lai, làm sao để trả nợ.

Một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ hay đế quốc mỹ sẽ tàn trong thế kỷ này.

Năm nay ông cụ mình được 87 tuổi và bà cụ được 85 tuổi, đều còn minh mẫn. Mỗi sáng bà cụ đi bộ lên trường Đa Nghĩa để tập khí công còn ông cụ thì tản bộ ra hồ Xuân Hương. Năm 2035, mình sẽ được 79 tuổi hay 80 tuổi mụ nên vẫn hi vọng sẽ sống tới năm đó. Vấn đề là sẽ sống ra sao? Có đầy đủ như ông bà cụ. Mình là Obamacare của ông bà cụ. Tết năm nay ông bà cụ về quê nội ăn Tết, khi xưa mỗi lần Tết, mình được ông bà cụ lì xì ngày nay thì mình lì xì lại cho ông bà cụ để ông bà cụ muốn đi chơi với bạn đạo.

Hàng tháng mình đều chu cấp cho ông bà cụ vì ông cụ thuộc thành phần ác ôn, phản động nên không nhận tiền hưu trí gì cả của nhà nước. Mỗi lần như vậy thì dẫn theo mấy đứa con, hi vọgn su này mình về già, không có tiền, tụi nó nhớ khi xưa, sẽ bắt chước cho mình chút tiền để sống qua ngày. Thấy thương cho những thương phế binh hay những người từng phục vụ trong quân đội vnch, ngày nay chả có gì, ai may có con cháu ở hải ngoại thì sống tạm tạm còn không thì nhìn nhiều hình ảnh rất thương tâm. Ơ hải ngoại có bà nào tổ chức hàng năm các cuộc gây quỹ để giúp cho những "kẻ thua cuộc" vì sau 40 năm, con người đã bị bệnh alzheimer làm quên đi quá khứ, nhiều khi cả thực tại.

Chúc các bác một năm mới được nhiều sức khoẻ vì bằng tuổi này, chúng ta chỉ cần sức khoẻ. Em cũng cần sức khoẻ để lao động, làm vườn. Phải thay đồ đi lên giường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét