Xây, sửa nhà

Nguyễn Hoàng Sơn

Năm ngoái, một anh bạn có thời học sinh THĐ, mời ăn nhà mới tân trang và lên lầu. Anh ta ngồi ăn mà cứ lắc đầu, kêu có phước đức Ôn Mệ để lại anh ơi. Nhà thầu ước tính $350,000.00 nhưng cuối cùng tốn tổng cộng $450,000.00 và trễ 6 tháng. Anh chàng rên, lạy thợ như cúng sao giải hạn.

Hồi anh ta có hỏi mình nhưng mình không nhận vì quen, thêm mình nghĩ anh ta không nên lên lầu vì giá nhà cuối cùng sẽ quá cao so với khu nhà của anh ta. Mình đề nghị, dùng $250,000.00, đặt cọc mua một cái nhà nơi sang hơn, rồi bỏ $100,000.00 ra sửa tạm tạm lại ở cho vui nhưng vợ chồng anh ta thích ở khu đó. Cách đây 23 năm, có cô bạn nhờ mình vẽ và xây căn nhà ở khu không sang lắm. Mình can nhưng cô nàng không nghe nên mình đành phải xây cho cô nàng. 20 năm sau cô nàng bán căn nhà, coi như lỗ.

Chuyện nhà thầu xây nhà, bỏ dỡ khiến chủ nhà khóc, van lạy thợ, nhà thầu để họ làm cho xong. Mình nhớ, có lần ông anh vợ hỏi mình ước lượng dùm cho ông ta, sửa chữa lại cái phòng mạch ở trên Los Angeles. Mình nói khoảng $15,000.00 để anh ta thương lượng với thầu khoán. Một hôm anh ta kêu là tìm ai nhận thầu $10,000.00 rồi thay vì 1 tuần, tên thầu khoán kéo dài 3 tháng, tốn đâu $35,000.00 thêm thợ của tên này ghé lại làm dữ ở văn phòng vì nhà thầu không trả tiền thợ nên phải chi thêm đâu $5,000.00. Sau này ông ta mua một căn nhà với bà vợ mới hỏi mình ước tính bao nhiêu để sửa chữa, mình tính đâu $35,000.00 rồi ông ta kêu nhà thầu nào, vớt ông ta $125,000.00.

Người xưa có câu "làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn" nên thông thường, nhà thầu họ lấy giá tình nghĩa vì họ biết là sẽ dụ chủ nhà làm thêm thì lúc đó sẽ chém không nương tay. Ai ham rẻ nhảy vào là chết không có đất chôn.

Mình vào nghề thầu vì bất đắc dĩ. Dạo mới lấy vợ, đi làm nghề kiến trúc sư thì một hôm, vợ chồng em của bà chị dâu đến nhà nhờ mình xem thợ để làm cho xong căn nhà nới thêm hai phòng và một phòng tắm. Cặp vợ chồng mướn một nhà thầu, lấy tiền rồi làm sơ sơ rồi ôm tiền chạy về Việt Nam. Cứ trưa và chiều là mình chạy ra công trường để xem thợ, do họ mướn làm công nhật, đâu 3 tuần sau thì xong.

Một ông anh vợ, đi đoàn tụ, học để thi lấy bằng thầu khoán vì nghe nói hồi ở Việt Nam, có làm nghề này. Ông ta nhờ mình chỉ, giải thích bài vở nên luôn tiện mình ghi tên đi thi luôn. Ai ngờ mình đậu còn ông ta thì rớt, rồi thiên hạ kêu mình vẽ nhà rồi xây cho họ. Cứ trưa thì chạy ra xem thợ làm rồi từ từ bỏ luôn nghề kiến trúc sư.

Mỗi lần đi gặp khách hàng lần đầu, mình đều hỏi hai vợ chồng là trước khi lấy nhau, họ có đả thông tư tưởng hay là mới quen nhau rồi hôm sau ra toà làm hôn thú. Mọi người đều kể chuyện tình đẹp đẽ ôi thủa ban đầu, bây giờ thì khác. Sau đó mình mới nói là họ không biết mình là ai, ai giới thiệu nhưng mới gặp cho nên họ cần thời gian để tìm hiểu về mình cũng như mình cần tìm hiểu họ để xem có thể làm việc với nhau. Xây cất nhà cửa như một cuộc hôn nhân, khi đã ký giấy tờ là phải đi tới cùng vì ly dị tốn kém.

Họ gọi mình thêm vài nhà thầu khác để xem giá cả. Tên nhà thầu nào lanh lẹ thì sẽ lấy rẻ, muốn một kts như mình vẽ. Nhiều khi thành phố bắt phải sửa đổi phần nào, cập nhật hoá cho đúng luật lệ ngày nay thì nhà thầu sẽ bảo, không có trong giao kèo nên họ tính thêm và chém thẳng tay vì đã leo lên lưng cọp.

Mình đề nghị là chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1: vẽ đồ án, những ý tưởng của họ muốn về căn nhà để đả thông tư tưởng, tìm hiểu nhau, để mình có đủ thời gian hiểu họ muốn cái gì rõ ràng. Giai đoạn 2: sau khi được thành phố chấp thuận đồ án thì mình sẽ cho họ một cái giá để xây, và trừ bớt tiền công vẽ. Chủ nhà có thể dùng bản vẽ của mình, kêu các nhà thầu khác cho giá và họ có thể so sánh giá cả vì lúc đó, có bản vẽ nên không ai có thể bựa được. Họ có thể mướn nhà thầu khác để xây cất theo bản vẽ căn nhà của họ. Mình cũng dùng thời gian vẽ này để thanh lọc khách hàng vì trong giai đoạn vẽ đồ án mà thấy họ thay đổi ý nhiều thì khi xây cất họ cũng hay thay đổi mà lúc đó thì tốn tiền. Cho nên sau khi vẽ nếu mình không thích đồ án hay khách hàng thay đổi ý kiến hoài thì mình bảo họ, mình bận nên không xây cho họ được, nếu họ muốn thì phải đợi 6 tháng một cách từ chối khéo.

Có lần một bà khách gọi mình sau 6 tháng nên hơi ngạc nhiên nhưng lúc đó mình bận nên nói gọi lại 6 tháng sau thì không ngờ bà ta gọi mình lại nên phải xây cho bà ta. Có lần một khách hàng nghe mình nói bận nên ông ta kêu người khác thì tình cờ gần 2 năm sau mình gặp ông ta trong câu lạc bộ thể thao thì ông ta rên, bảo là biết vậy ông ta đợi mình vì tên thầu khoán mà ông ta mướn đến giờ mà vẫn chưa xây xong. Mình chỉ cám ơn và chúc mọi thứ tốt lành.

Khi gặp khách hàng thì đa số họ hay hỏi mình, xây bao nhiêu tiền cho một sq.ft. Mình hỏi họ nếu xây hai căn phòng, 1 là 11ft x 11 ft và 1 là 12 ft x 12ft thì theo họ xây cái nào rẻ hơn. Đa số trả lời 11 ft x 11ft vì diện tích nhỏ hơn lâu lâu thì có người nói Có lẽ 12 ft x 12 ft nhưng không biết lý do. Mình trả lời là gỗ ở Hoa Kỳ được cắt theo chiều dài 8 ft, 10 ft, 12 ft, 14 ft,... Cho nên nếu xây một căn phòng 11 ft x 11 ft thì mình phải mua gỗ dài 12 ft rồi mướn thợ cắt bớt đi rồi phải đem quăng gỗ vụn nên nhân công đắt hơn nên không thể nào tính giá tiền xây theo chiều dài hay chu vi mà phải tính kiểu vẽ, xây có khó khăn, tốn nhân công,...

Những thầu khoán mà lấy tiền theo diện tích thường là dân lơ tơ mơ, cứ lấy đại rẻ trước vì họ biết "làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn" mà nếu không móc thêm được tìm gia chủ thì họ trốn, bỏ dở công trình. Gia chủ chỉ có biết năn nỉ, lạy lục thợ thôi. Có người bỏ công thưa kiện thì đa số nhà thầu lơ tơ mơ không có tài sản thì có kiện cũng chả được gì thêm tốn tiền luật sư. Cho nên kiếm nhà thầu thì phải kiếm dân lâu năm thì họ đàng hoàng tuy lấy đắt.

Trong kỹ nghệ xây cất thì tiền bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp rất đắt. Nếu mình trả lương người thợ mộc $25.00/ giờ thì phải trả cho công ty bảo hiểm $10.00 coi như $35.00/ giờ chưa kể chi phí linh tinh còn thợ lợp mái nhà thì $15.00 coi như $40.00 / giờ. Khi xin phép xây cất thì thành phố bắt nhà thầu phải nộp giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn vì sợ bị thưa kiện. Do đó, một số nhà thầu kêu chủ nhà xin giấy phép thì lở có tai nạn là chủ nhà lãnh nợ.

Dân Mỹ họ quen từ nhỏ nên khi đi thầu, họ đều hỏi bảo hiểm tai nạn, người Việt mình thì ham rẻ nên hay mướn thợ không có mấy cái này. Nghe kể có lần, ai mướn thợ ống nước, đang hàn ống đồng thì cháy nhà. Thợ không có bảo hiểm gia sản nên bù trớt mà hình như hãng bảo hiểm nhà cửa cũng đổ lỗi là không xin phép nên bù trớt.

Mình biết nhiều người Việt, mua nhà làm lậu, sửa chữa không xin phép. Lý do là họ sợ lôi thôi với chính quyền hay mướn nhà thầu không có bằng hành nghề. Đa số có bằng nhờ trả tiền thuê người thi dùm, tiếng Anh tiếng u không rành nên họ cứ lấy rẻ và khuyên chủ nhà không nên xin phép. Ở Cali, nếu làm gì, sửa chửa mà giá trị trên $600.00 thì bắt buộc phải xin phép. Nhà thầu mà khôn thì xin phép để lỡ có chuyện gì sau nay thì đổ lỗi cho thanh tra thành phố vì làm theo luật của thành phố.

Mình biết một cặp chồng quen từ ĐàLạt, sang đây làm nghề xây dựng khá thành công, tậu được mấy căn nhà cho thuê nhưng dạo đó chưa có màn thi dùm. Một hôm chủ nhà kiện tụng ra toà, vì không có bằng hành nghề nên bay hết mấy căn nhà. Nay chỉ đi làm thợ thay cửa sổ và cũng có con biết tiếng Anh thi đậu bằng hành nghề.

Nói chung xây, sửa nhà cửa ở Mỹ rất dễ vì làm bằng gỗ, cái khó là xin phép và hành chánh. Có những cái phức tạp mà nếu không cẩn thận, lúc vận xui đến thì ôm đầu máu. Có lần mình mua căn nhà cháy rẻ, chạy vô thành phố vẽ sơ sơ hai căn hộ thì họ đồng ý nhưng khi mua rồi thì khám phá ra là thành phố có ý định nới rộng con đường nên chỉ xây được một căn. Mình mất 7 tháng trời để xin phép trong khi chỉ mất có 6 tuần lễ để xây 4 phòng ngủ, 3 phòng tắm và ga ra 2 xe.

Điều tiên quyết khi chọn một nhà thầu ở Cali là lên mạng của tiểu bang Cali để xem xét cái bằng nhà thầu có hiệu lực hay không và ai là chủ vì có nhiều người sử dụng bằng của người khác. Xem nhà thầu có bảo hiểm hay không sau đó thì hỏi cho đi xem công trình của họ để hỏi khách hàng có vừa ý hay không.

Kiếm một nhà thầu như mình là không tự làm các công việc trên công trường. Lý do là mình không phải làm nên có thể kiếm thợ dễ dàng. Nếu nhóm thợ này bận thì mình gọi đám khác nên công việc không bị đình trễ. Ngược lại nhà thầu vừa làm chủ vừa làm thợ thì họ sợ mất việc nên cứ ký đại hợp đồng rồi lâu lâu chạy làm vài tiếng cho chủ nhà bớt sót ruột hay vớt thêm chút tiền, cho nên công trình sẽ bị trễ nải.

Điều quan trọng là trả tiền. Đặt cọc là 10%, tối đa, nhà thầu chỉ được lấy là $1,000.00 dù công trình trị giá $1,000,000.00. Đừng bao giờ đưa nhiều, cứ đưa từ từ, làm đến đâu đưa đến đó. Điều quan trọng là đừng để bị Mechanic Lien. Khi nhà thầu thi công công trình, nếu chủ nhà không trả tiền thì họ có thể dùng Mechanic lien để bắt chủ nhà trả nếu không thì họ nhờ toà cho phép bán đấu giá để lấy tiền chủ nhà thiếu họ.

Các subcontractor (nhà thầu được nhà thầu chính khoán lại) cần phải gửi một lá thư bảo đảm cho chủ nhà để thông báo sẽ thi công nếu không thì họ không có quyền sử dùng Mechanic lien. Mình lúc nào cũng dành trả tiền các công ty bán vật vật liệu cho thầu khoán và chỉ trả tiền còn lại cho nhà thầu để tránh nạn bị Mechanic Lien và bắt các nàh thầu ký tên tờ giấy gọi Lien Waiver khi nhận các ngân phiếu cuối cùng để khỏi sợ bị thưa kiện sau này.

Nói chung tiền nào của nấy, trả cao thì được chất lượng cao và đỡ nhức đầu. Kinh nghiệm của mình là mướn tụi subcontractor giỏi, có bằng cấp, có bảo hiểm, mình trả tiền chúng đàng hoàng nên khi cần là chúng bỏ mấy việc khác để làm cho mình nhanh chóng. Mình lúc nào cũng nói với chủ nhà là cần dự trù thêm 10% tiền hợp đồng vì lúc thi công nhiều khi cần làm thêm những việc không lường trước được nên khách hàng cứ giới thiệu mệt thở. Mình ít khi làm cho khách hàng Việt vì họ hay nhờ làm thêm không thêm tiền.