Võ Hoàng Đa

Nguyễn Hoàng Sơn

Đa là một trong hai tên mình quen ở Dalat mà mình rất phục. Nhắc đến tên thì ai cũng nhớ, không phải vì học giỏi hay học dốt mà vì hay phá, chọc con gái.

Nhà Đa ở Phan đình Phùng, chợ nhỏ, gần cái hẻm băng qua đường Hai Bà Trưng. Nói rõ hơn là nhà bảo sanh Hiền Chi và mẹ mình là thân chủ suốt 20 năm.

Dạo còn bé ông cụ mình còn trong quân đội nên cứ 2 năm thì mẹ mình nhập viện này một lần sau này giải ngũ về làm công chức thì mỗi năm sản xuất làm giàu cho mấy cô mụ. Mẹ của Đa là cô mụ tên Mai nên thường được gọi cô Mai, nói với mình: -“Má mày nói có làm gì nhiều đâu, ba mày cứ đi phép về, chích cho một cái là sưng bầu.” Dạo trong quân ngũ, ông cụ mình là y tá, sau này giải ngũ có thời làm y tá đi chích dạo. Nhà bảo sanh Hiền Chi có thêm một cô mụ nữa tên cô Tuý. Ba của Đa tên Chín, có vợ làm cô mụ nên thiên hạ hay gọi Chú Chín, làm thợ chụp hình ở ngoài bờ hồ, gần sân cù, chỗ cho thuê mấy con ngựa cạnh lữ quán hướng đạo bên Hồ Xuân Hương. Hình như có cái xe VW van đưa đón học sinh đi học.

Đa học dưới mình một lớp ở Yersin nhưng qua Văn học thì học chung. Anh này thương thầy Thắng lắm nên học lớp 12 hội Việt Mỹ 6 năm liên tiếp nhưng không chịu đậu tốt nghiệp, cứ ba tháng lại ghi tên học thầy Thắng lại nên anh chàng hay nhắc đến thầy Thắng khi thầy bình luận về các biểu ngữ quảng cáo của các trung tâm luyện thi, dạy lấy lại căn bản. Thầy Thắng bảo: -“Có căn bản đâu mà mất, nếu có mới gọi là mất.” Nghĩ lại dạo đó thương cho thế hệ con trai bọn mình, mục đích đi học là để khỏi đi quân dịch, trì hoãn ngày nào được thì tốt ngày đấy. Đậu Tú Tài thì lên đại học, xong đại học thì cũng vào quân đội, tương lai vẫn là tổ quốc ghi ơn. Học nhảy không thì sao có căn bản? Trở lại ông thần Đa, nhà gần chợ nhỏ Phan đình Phùng, ngay sát phía sau nhà bảo sanh nên lớn lên nghe tiếng khóc chào đời của con nít Dalat rất nhiều nên ra đường là anh chàng nhớ tên thằng này, họ con kia đẻ khó hay dễ, cô nào chưa chồng mà có con đều có trong từ điển nhân dân Dalat của anh ta.

Có lẽ nhờ thấy sinh hoạt chợ búa hàng ngày mà anh chàng này rất là lanh lẹ cho nên bố mình hay lấy ông thần này làm đối tượng, chửi mình: -“Mày ngu như con bò, xem thằng Đa kìa.” Mình quan sát nó để học cách ăn nói linh hoạt của nó nhưng cha mẹ sinh con trời sinh tánh, làm sao mà cãi số trời được. Trời muốn mình cục mịch như anh Vọi thì phải chấp nhận. Nó cũng tuổi con khỉ nhưng lại thuộc khỉ khôn còn mình thuộc dạng đười ươi. Anh chàng này xem Mãnh Hổ Quá Giang thấy Lý Tiểu Long có thân hình đẹp nên mỗi ngày tập tạ nên lúc nào cũng bận áo bó lấy thân để cho con gái thấy thân hình “Anh Vọi” của mình.

Dạo đó mình biết Đa thích hai cô Ngọc Hiền và Mai Thanh. Ngọc Hiền vì anh chàng hay chê cô này trước mặt bạn bè khi ai nhắc đến. Còn thì hay tỉ tê về Mai Thanh với mình. Trong lớp thì chỉ có anh này gợi chuyện với đám con gái chớ đám con trai không có thằng nào dám hó hé đám sư tử Hà Đông tương lai.

Có dạo có một cô học Nguyễn Bá Tòng, Saigon lên học, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, đối diện nhà chị em Phi Nga. Quanh năm suốt tháng bận áo dài trắng và cái áo len màu rượu đỏ, vào lớp thì ngồi sát tường. Mặc cho anh chàng khè khè gợi chuyện nhưng cô này thì vẫn một lòng một dạ không đếm xỉa đến đám con trai nhà quê tỉnh lẻ. Dạo đó bản nhạc “Em Hiền như ma soeur” rất được ưa chuộng nên mình gán cho cô này cái tên Ma Soeur. Nói theo tướng số thì cô này tuy đẹp nhưng rất dữ.

Đa rất lì nên vẫn trường kỳ kháng chiến cuối cùng cô này chịu mở miệng thì lúc đó vái Phật tứ phương không chịu ngừng, cứ như Nguyễn Văn Bé kêu gào hàng ngày trên radio Saigon: -“Tôi là Nguyễn Văn Bé hiện còn sống đây...” Số là dạo ấy có một hồi chánh viên tên là Nguyễn Văn Bé nhưng đài Hà Nội kêu là đã hy sinh nên đài Saigon thâu băng ông này bỏ lên đài như khuyến mãi cả ngày. Dạo đó chiều thì nghe đài Saigon nói là giết 120 tên địch bên ta vô sự, đến tối thì nghe lén đài Hà Nội kêu là giết 250 lính ngụy bên ta vô sự, nên mình cũng không hiểu bên nào đúng, chỉ biết đi đám ma bạn bè khá nhiều, có hai tên học sinh cũ của Văn Học.

Nghe đài Hà Nội thì nghe giọng đại tá Nguyễn Đình Bảo mà đài Saigon kêu là hy sinh tại Hạ Lào hay Phạm Phú Quốc vẫn còn sống trong khi Khánh Ly cứ rao rảo “Anh Nằm Xuống…” trên đài Saigon. Sau 75, mấy người này ra khỏi tù lại trở về Nam.

Nhớ lại thì công nhận ông cụ mình đúng khi chửi mình là ngu như bò. Nói đến ông Lào thì mình mới nhớ là có dạo ông ta thầu đóng thùng gỗ để đựng rau cải cho các nhà thầu bán rau cải cho quân đội Mỹ. Cuối tuần mình hay xuống nhà ông ta đóng kiếm tiền đi ăn xắp xắp và đậu đỏ bán lọt ở rạp Ngọc Hiệp có ông Tàu cụt ngón tay bán thịt bò viên. Nghe nói sau 75 ông ta đi ăn cướp nên bị xử tử. Sau này nhà của chị Kim Hiền nhận khoán của ông Lào như đa số trong xóm lấy gỗ về đóng thùng nên mình có qua nhà chị này đóng. Sau đó mình nghĩ đi đóng nhà khác vì có mấy cô con gái cực xinh. Nghĩ lại dạo đó tối ngày nghe thiên hạ đóng thùng gỗ trong xóm, nhờ vậy sau này mình đi thầu xây nhà cũng đóng đinh hay ra phết.

Trở lại ông thần Đa.

Có lần Tết, Anh chàng này rủ cả đám đến chúc Tết hai chị em Phi Nga. Mình thì ngại vì dân mà ở Trần Hưng đạo là thuộc giai cấp ưu tú mình không dám nghĩ đến nhưng anh này thuyết phục Dương Quang Trí lấy trộm xe ông già chở cả đám đến nhà Phi Nga. Đến nơi mình ngồi câm như hến chỉ có anh chàng này hoạt bát nói chuyện với bà cụ Phi Nga. Ông cụ với mặt hình sự nhìn soi mói hết thằng này đến thằng khác. Mình chỉ muốn làm Tôn Ngộ Không biến khỏi cái không gian khó thở ấy.

Trong giờ sinh ngữ thì học chung với ban C nên Đa xem như đại diện nhóm con trai đối đầu với đám con gái như chị Sui, chị Hai, chị Đào. Chị Kim Chi nhà đường trong Hoàng Diệu. Ở đâu mình không rõ lắm vì dạo đó con trai Dalat ít dám mò vào đường Hoàng Diệu. Đó là vì có lần có một tên Phi Khanh, học Văn Học trước mình vài lớp nổi tiếng du côn dựa hơi lính Đại Đội 302 “bảo vệ” khu này. (Có lẽ vì vậy con gái ở đường Hoàng Diệu không có ai đẹp!) Chở gạo giao cho thiên hạ trong đường Hoàng Diệu là mình phải vẫy ta chào Lê Việt Quốc, Lê Việt Cường để chứng tỏ mình cũng là thân hữu của Hoàng Diệu. Lê Việt Quốc viết chữ rất đẹp nên bị thầy CBA bắt viết hết mấy bản yết thị bằng chữ hippie thịnh hành dạo đó. Nếu còn sống thì tên này đi về Mỹ Thuật.

Dạo đi làm ở New York mình vào thư viện xem mấy cuốn niên giám tìm người quen thì thấy tên ông thần Võ Hoàng Đa này nên gọi thử thì đúng ngay chóc nên sau này sang Cali có ở nhà ông thần một tuần trong khi kiếm nhà ở Los Angeles. Dạo đó Đa đi bán xe cũ sau cuộc thất bại ê chề làm ăn ở VN. Ông thần kể là sau 75 đi học Saigon thì có “liên hệ” gì với H. nhưng tương lai mù mịt nên không dám đăng ký vui duyên mới không quên nhiệm vụ.

Sau này đóng tàu để vượt biển ở Long Xuyên, sai Nguyễn Trung Thiện, con nhà gara Trung Tín ở cuối đường Duy Tân góc Hải Thượng, lên Dalat dọa là mày không đem con Liên xuống là tao không cho mày lên tàu. Thiện kể lên Dalat dạo đó thời bao cấp Liên đi học ở nội trú, phải nhờ bà chị vô xin cho ra để nói chuyện. Thấy cô này là kéo lên xe đò chạy về Long Xuyên, không đem theo áo quần hay một đồng bạc. Gia đình tưởng anh này bắt cóc con gái họ nên qua nhà chửi bới um xùm. Bố mẹ của Liên trước 75 có vườn trồng hoa hồng ở đèo Prenn, bán cho Saigon. Bố của Liên làm ty Công Chánh với ông cụ mình nhưng mình thì không biết cô này học Couvent des Oiseaux, ở xóm bà Thứ, cư xá công chánh gần đường Cường Để. Nghe kể là dạo sau 75, nhạc sĩ ĐH mê cô nàng lắm gọi là quận chúa. Nguyễn Trung Thiện kể vì Liên đẹp nên đi xe đò phải che mặt, về dưới quê thì sợ nhận diện vì má hồng của con gái Dalat. Xóm bà Thứ có nhiều gái đẹp nổi tiếng Dalat.

Sang Mỹ thì Đa kiếm được một anh bạn người Mỹ chỉ nghề đi mua đấu giá xe phế thải vì đụng xe, đem về sửa lại và bán nên sống khá sung túc. Sau này về VN nhập khẩu xe hơi cũ làm ăn khấm khá sau bị đánh thuế nặng quá nên của đi thay người. Sau này đổi sang bán cửa sổ, thầu xây nhà nhưng lâu lắm rồi không gặp vì làm ăn với VN nên hay đi đi về về. Lần chót gặp thì anh chàng bảo là đang làm về cung cấp đồ trang trí nội thất cho các khách sạn. Nhập cảng đồ từ VN sang rẻ hơn. Mình có thằng bạn Mỹ xây khách sạn Mariott mà gọi hắn hoài không thấy trả lời. Đúng là con người Đa Tài, Đa khẩu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét