Về quê 2019

Ở Hà Nội, có một gia đình mà con cháu đời sau của họ sẽ nhớ ơn đời đời Bác Obama vô vàn kính yêu là tiệm bún chả Hà Nội Hương Liên, số 24 Lê Văn Hưu. Sáng ra phi trường không ăn gì cả, cô em hỏi đến Hà Nội, đi ăn bún chả Hà Nội Obama. Tiệm này có thêm những chi nhánh khác ở Hà Nội.
Có người em, con ông chú họ ra đón. Anh chàng này đóng tiền đi lao động ở Đài Loan nhưng họ kêu lớn tuổi nên phải về quê, lấy vợ, đổ bê tông sinh sống, mang theo cháu nội đi đón ông bác, bà cô ở Đàlạt ra. Anh chàng này thua mình đâu mười mấy tuổi. Hình như ở quê, họ lấy vợ sớm. Ông cụ mình khi xưa, năm 18 tuổi đã có hai bà. Cứoi vợ cho con từ bé để có người giúp việc. Nghe kể mấy ông chú ruột đều mấy bà. Kinh
Sau này, trong thời gian Cải Cách ruộng đất, ông bà nội bị đôn lên hàng Phú Nông, bị người con nuôi tố bốc lộc sức lao động. Ông nội kêu không có tao thì mày đã chết đói từ lâu.
Anh tài cũng là em họ mình, có xe đưa đón người ở quê nên cô em bao xe chạy như để giúp họ hàng. Cô em nói ra đường Lê Văn Hưu khiến anh chàng mặt xanh như đít nhái. Quê mình nay thuộc về Hà Nội nhưng anh chàng chỉ chạy loanh quanh ở làng, chỉ biết chạy vào phi trường Nội Bài rồi về. Mình dùng từ “phi trường” thì ở quê họ nhìn mình như bò đội nón. Cô em kêu phải nói “sân bay” thì người ta mới hiểu. Mình xin lỗi, kêu thuộc thành phần của chế độ cũ, đi trước 75 nên chưa được học từ ngữ mới sau này.
May là cô em đưa điện thoại chỉ địa chỉ nhà hàng, giúp anh ta bỏ vào điện thoại di động rồi cũng mò ra. Mình đi Nhật Bản, dùng Google map để tìm đường nên cũng dễ, không cần hỏi dân địa phương như xưa. AT&T có dịch vụ Roaming ở ngoại quốc, giá $10 một ngày còn Việt Nam thì không có dịch vụ này nên phải trả AT&T $50/ tháng rồi trả thêm mỗi lần gọi hay nhắn tin.

Xe đậu ở đường Lê Văn Hưu thì thấy du khách Hàn quốc đầy tiệm. Có 4 tầng, thiên hạ cứ leo cầu thang, lên xem có bàn nào trống thì ngồi xuống. Gia đình mình có 4 người, có thêm hai thực khách khác, kéo ghế ăn chung bàn.
Bún chả Hà Nội có hai loại: chấm và canh. Chấm là họ đem một đĩa bún, đĩa rau và tô thịt nướng bỏ trong nước mắm. Người ăn cứ bỏ thêm bún và rau rồi ăn, còn bún chả canh thì họ bỏ sẳn thịt và bún rồi chang canh vào thay vì nước mắm. Mình đói quá, làm hai suất bún chả chấm. No phè. Thích cái là họ băm tỏi để trong hủ, ăn tuyệt vời.
Ăn xong mới lên xe về quê. Trời nóng 40 độ C. Nóng kinh. Gặp mấy người bà con thì ai cũng kêu trời nóng. Đi vòng vòng thăm mấy chú họ và cô ruột, em ông cụ mình. Ai nấy đều rên đau ốm. Mình hỏi sao ai cũng đổi họ Than Quảng Ninh hết vậy rồi phải bồi dưỡng tiền cụ Hồ thì như phép lạ ai nấy đều ngưng than. Mình nói mấy ông chú là kêu mấy em đưa đi Bia ôm hay karaoke ôm nhé thế là họ cười tươi như hoa. Có ghé thăm một bà thím của ông cụ, nay đã trả nhớ về không. Lần trước về thì còn nhớ mình, nay thì nhìn mình như người hành tinh. Chán Mớ Đời
Mình nói mấy ông chú họ là tính về xây nhà thờ lại nhưng thấy nhà trong nam xuống cấp quá nên tính xây trong nam rồi ngoài quê. Mình không hiểu mấy ông chú họ, lo cho nhà thờ Chi của tộc họ. Ai nấy đều muốn xây cho cả họ dùng mà mình phải bỏ tiền nên cũng không hiểu rõ lắm. Khi nào có tiền thì mình xây, chớ xây mà không có ai ở lại phải tốn tiền vô ích. Ông cụ mất nên mình là trưởng Chi ở làng. Oai ra phết, có lẻ vì vậy mấy ông chú họ muốn dùng tuổi để dành quyền lực vớ vẩn trong họ. Mình theo chính sách của Kim Young Uh, iết gì đấy, cứ đem ra bắn làm gương. Nghe mấy ông chú họ nói chuyện, khó chịu lắm, mới hiểu tên Ủn xứ Triều Tiên, đem bắn ông chồng của bà cô.
Đi thăm mộ ông bà và ông chú. Hai năm trước, mình ra Nghĩa trang thì thấy có dãy mộ gia tộc mình mà mình gửi tiền cho bà cụ lo mấy năm trước đây, thu hồi các mộ của dòng họ về đây để con cháu đi viếng cho tiện. Nay ra thì họ chôn đầy hết. Cỏ mọc tùm lum mà mấy ông chú họ kêu chỉ đi Chạp mộ một lần một năm.
Lần trước mình về, ra mộ thắp hương, nghe nói mấy ông chú họ không thích vì chưa xin phép mấy ông. Mình là trưởng chi mà họ lộn xộn, nói phải xin phép, xin phiếc. Chán Mớ Đời. Có ông chú họ kêu bố mày mất thì nay tao thay thế để dạy dỗ mày khiến mình cười. Ông cụ, mình còn chưa nghe nay phải nghe mấy ông chú họ với tư duy ao làng. Chán Mớ Đời
Mình nói nếu có việc gì sẽ nhờ Cái Hoà (con bà cô ruột) thì mấy ông chú họ lại nhảy tưng tưng, kêu làng này có tục lệ là con gái không được lo. Mình hỏi thế khi cô nằm xuống thì khuôn viên họ nhà mình, còn 3 cái mồ chưa chôn thì để cho cô một cái thì lại nghe không được vì cô đi lấy chồng thì theo chồng. Nghe tục lệ của làng thì mới nhớ câu “phép vua thua lệ làng”. Chán Mớ Đời
Mấy ông chú này rất hãnh diện về thành quả sinh được 3, 4 đứa con trai. Mấy người con đều phải đi lao động ở xứ người, ở Liên Xô, Đài Loan đem tiền về xây nhà cho mấy chú. Thay vì hy sinh đời bố củng cố đời con đây mấy ông lại hy sinh đời con để củng cố đời bố. Sinh con để chúng lao động nuôi mình.
Có ra quê mình mới hiểu vì sao Việt Nam chậm tiến với mấy hủ tục. Tối mình được mời ăn cơm nhà cô em cô cậu. Lần đầu tiên được ăn thịt trâu. Dai không thể tả, ngược lại ăn được canh cua đồng lần đầu tiên trong đời mà nghe ông Nguyễn Tuân tả phê lắm và đọt bí luộc. Ngon kể gì.
Sáng ra thì từ 5:15 đến 6:30 giờ sáng là cái loa phường rao rảo nói cái gì mà người dân không màng đến. May mình ngủ lại nhà cô em nên không nghe èo èo vì cái loa nằm ngay cổng nhà như lần trước.
Vợ chồng cô em rũ đi ăn bún chả ở quê. Mình làm một suất bún chả chấm và một suất phở bò. Ăn chán thật. Được cái họ có làm măng tươi dấm, ăn rất đạt. Sau bún chả Obama thì chỉ có Cali mới sánh lại được.
Ăn xong thì mọi người ra ngoài đường, ngồi uống nước vối, xỉa răng. Ít nhất là 56 năm rồi mình mới uống lại nước vối. Chỉ khổ là họ dùng mấy cái ly của những người đã uống trước mà không được rữa lại. Ngày xưa, mình không để ý, nay thấy sợ. Mấy ông mấy bà ngồi xỉa răng, uống nước vối, nói chuyện về gỗ Hà Giang. Kiểm lâm bắt những người đốn cây lậu rồi họ mua lại của kiểm lâm rồi đem về Hà Nội bán, lời to. Cái hay là chủ tiệm không đuổi khách nhưng có một cái bàn ngoài lề đường để ai muốn ngồi lại nói chuyện vớ vẩn thì ngồi để họ dẹp bàn cho thực khách khác. Hay, không cần đuổi khách.
Thấy nhiều nhà ở Việt Nam chơi đồ gỗ, mua mấy bộ bàn ghế bằng gỗ, ngồi đau đít nhưng đối với họ rất đẳng cấp vì đắt tiền như có hình ông quan nhớn nào, ngồi ghế có khắc rồng vàng đủ trò. Nghe nói họ chặt cây ở Hà Giang hết sạch.
Xe chạy ra mộ thì mình thấy hai bên đường lúa xanh rì. Nghe nói ở đây họ trồng lúa hai vụ, tháng 5 này thì gặt nhưng có máy gặt hết nên cũng đỡ. Dân quê mà không biết chủ động xoay sở thì sống khó khăn.
Ra thăm mộ xong thì đi vòng vòng thăm mấy ông chú họ khác. Ông nào cũng rên đau cả khiến mình phải bồi dưỡng tiền cụ Hồ. Có ông bị tai biến gần 8 tháng nay mới nói chuyện lại từ từ. Kể là bị thương ở trong nam, bị quân vnch vây nhưng tối phải lết trốn. Chú than rồi không đủ ăn cháu ạ. Các em cũng phải đi xa kiếm ăn.
Cô mình có chồng hy sinh ở Quảng Trị, nay con trai đầu lại đi lao động ở Lào. Con gái thì đi may vá qua ngày, may có anh chồng khá chủ động nên xoay sở làm được căn nhà 3 tầng.
Có về quê thì mới cảm ơn ông cụ, nhờ du kích muốn giết nên trốn, bỏ quê vào nam nếu không thì ngày nay mình cũng chỉ tư duy không qua ao làng như mấy ông chú họ mình. Gặp mình thì chắc lại đày mấy ông con trai trong tộc mệt thở. Chán Mớ Đời
Thăm họ hàng xong thì hai anh em lên xe ra Hà Nội tham quan. Kêu anh tài đỗ xe tại Quán Ngon ở đường Phan Bội Châu. Mấy anh em vào ăn. Mình làm một suất món ăn Huế và một suất bánh hỏi thịt nướng. Sau đó chơi một ly sương sa hột lựu mà mỗi lần ăn ở quán này. Kỳ này không thấy ngon như xưa, có lẻ lâu nay mình không ăn chè.
Ăn xong mấy anh em đi bộ ra Hồ Gươm, đi một vòng thì thấy mát hơn. Lấy xe ra phi trường, mình chào cô em út rồi cô lấy máy bay về Đàlạt còn mình thì tiếp tục về Sàigòn rồi mốt đi về Cali.
Mình có bàn với mấy em trong nam về xây cất nhà thờ từ đường, thì mọi người đều đồng ý xây trong nam trước, để ai ở ngoại quốc và ngoài quê, có về thì có nơi nghỉ tạm rồi sẽ tính vụ ngoài quê. Mấy ông chú họ muốn xây sớm hơn thì cứ bỏ tiền ra mà làm.
Họ quên là ai làm chủ kinh tế thì người đó làm chủ tất cả.
Chán Mớ Đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét