
Hôm qua, giỗ ông cụ, mấy người em và rể đến dọn dẹp bàn ghế từ sớm, bố trí chỗ ngồi cho thân hữu đến thắp hương cho ông cụ. Mấy cô em nấu đồ chay để cúng ông cụ. Mấy người trong ban tụng niệm đến từ sớm rồi có mấy ông đại diện tổ khu phố đến chúc thọ và chụp hình bà cụ, tặng bằng khen, đủ trò. Ai nấy của tổ dân phố đều ôm cái mini ipad vào nhà, tò mò mình hỏi thì mới biết để chụp hình. Họ nói là mừng 85 tuổi nhưng năm ngoái bà cụ đi Mỹ nên đợi. Ông tổ dân phố là một người em họ mà khi xưa hay chơi với nhau, nay anh ta là bợm nhậu nên không biết nói năng gì cả.
Người em trai còn ở Đàlạt, chở mình đi nghĩa trang ở Trại Hầm, thắp hương cho ông cụ. Xe chạy ngang khách sạn Palace thì khám phá ra họ xây thêm một nhánh khách sạn nơi sân quần vợt khi xưa. Mình có xem bản vẽ của khu này thời xưa, nay thì không còn gì của ngày xưa. Nghe nói bà chủ khách sạn này qua đời, con cháu đang dành gia tài đuổi ông bố ra khỏi nhà.
Dạo về với vợ lần đầu tiên, mình có ngụ tại khách sạn này thì thấy quá cũ. Đi trên sàn nhà nghe kot kẹt nhưng cái đẹp nhất là sáng sớm, thức dậy, mở cửa thấy hồ Xuân Hương dưới sương mù và mặt trời từ từ ló dạng. Giây phút ấy đã làm mình hồi tưởng đến những ngày sương mù đi học ở Grand Lycee. Nay không biết còn cảnh này hay không vì thấy họ xây cổng gần như bít bùng.
Có điểm son là họ cho trồng cây thông ở đồi cù nên dạo này, khu vực sân cù rất đẹp với thông bao phủ. Ngược lại đối diện sân cù thì họ xây một trung tâm văn hoá, để thay thế Thao Trường khi xưa, hình tròn tròn, cực xấu. Chủ yếu là có mấy quán cà phê bên cạnh. Mình nghe thiên hạ nói là họ có dự án xây lại đường xe lửa từ Phan Rang lên Đàlạt. Mình chỉ biết cười chua xót.
Mình đi đường dọc từ Cầu Đất lên Đàlạt theo lộ trình của tuyến đường xe lửa mà khi xưa, có thấy xe lửa chạy như trong phim xi nê cao bồi thì thấy rừng thông bị xẻ, được thay thế bởi các nhà lợp giấy nhựa để trồng hoa, rau. Các khu rừng Thông xem như không còn, có vài đồi trồng trà của công ty Hazi mà mấy năm trước có tin bà chủ bị sát hại tại Trung Quốc. Du khách đi xe lửa lên Đàlạt mà thấy quang cảnh như vậy thì ai ngu đần mà trả tiền đi. Chạy xe vòng vòng Đàlạt là thấy toàn đất bị xẻ, nhà trồng cây, ươm cây được che bởi ny lon.
Nghe nói sẽ tốn độ 300 triệu đô trong khi sau 75, họ bán ve chai cho Thụy Sĩ, nghe đâu $600,000 nguyên mấy đầu máy và đường rầy răng cưa. Một số đường rày được tháo gỡ, đem ra Hà Nội để thay thế đường rày hư ở đường Thống Nhất nhưng không phù hợp kích thước. Bên 90 cm chiều ngang và bên 100 cm nên họ bỏ đó sau này bán ve chai. Ở Thuý Sĩ, họ mua ve chai của Việt Nam về, rồi tu bổ, làm đường xe lửa, bán vé $60/ người mà phải đặt trước cả tháng. Lên núi còn phải trả khách sạn $500-$2,000/ đêm. Ở trên thế giới ngày nay, chỉ còn hai tuyến đường xe lửa đường răn cưa, đều ở Thuỵ Sĩ.
Mình thấy thiên hạ quét lá thông rồi đốt. Mình lấy vài cây hương đi thắp cho mấy người quen gia đình, được mai táng gần đó.
Nhìn xung quanh, thấy một gia đình khác cũng đem trái cây vào cúng. Cho thấy người Việt trọng về quá khứ nhiều hơn thay vì tương lai. Chúng ta hối tiếc về quá khứ rất nhiều, như không đối xử với người thân hôm nay đúng nghĩa, vì bận làm ăn để rồi một ngày nào đó, khi nào đã mất thì mới luyến tiếc như Đàlạt luyến tiếc cái đường xe lửa từ Phan rang lên Đàlạt.
Cúng xong hai anh em chạy về khu Hoà Bình, ghé vào trung tâm triển lãm để xem dự án Đàlạt tương lai. Không thấy gì cả ngoài những hình ảnh 44 năm trước, các xe tăng, và bộ đội vào miền nam nên mình đi về.
Xung quanh khu Hoà Bình đều xuống cấp. Hỏi dân tình thì ai nấy đều đồng ý phá bỏ khu Hoà Bình, ngược lại thì muốn giữ dinh thị trưởng khi xưa mà nay họ dự tính xây khách sạn 10 tầng.
Đọc báo thì có đâu 80 kiến trúc sư chống vụ quy hoạch mới của khu Hoà Bình lại có báo thì tâng bốc cho là ý kiến đột phá hay nên chả biết tin ai. Có thể một tên bồi bút nào được lệnh viết rồi kêu các dư luận viên nhảy vào tung hô vạn tuế.
Mình có chạy ngang đường Phan Bội Châu thì thấy cái chợ, đúng hơn là thương xá mấy tầng thì chán như con dán, kiến trúc phạt phẹt mầu nâu. Cho thấy khách sạn 10 tầng và cái chợ mới sẽ thu hút thêm xe thì chứa ở đâu, gây nên kẹt xe.
Ngày nay, người ta mua qua mạng nên chợ hàng ế ẩm. Mấy người em mình để người quen bán hàng ở sập của mình ở ngoài chợ, để trả thuế dùm, xoay qua bán hàng ăn như bánh căn và cà phê. Vật đổi sao dời, khách dùng ngày nay được công nghệ thông tin hoá nên phải thay đổi cách đầu tư buôn bán theo thời. Du khách lên chơi, mua đồ thì họ chỉ cần lên mạng, nhấn nút mua, để họ gửi về nhà thay vì vác lỉnh kỉnh về nhà như mình thấy trên máy bay, thiên hạ đem theo mấy bị nylon rồi bị công ty hàng không, chặt đẹp 330,000 tiền cước cho món hàng độ 10%. Chán Mớ Đời
Họ xây chợ lại không có người mua hay thuê dang hàng thì ngọng. Người mua chỗ để bán thì lại ôm đầu máu như các công ty tại Hoa Kỳ bị phá sản như Sears. Thiên hạ đến xem hàng mẫu rồi mua qua mạng. Nhân viên ngồi ngáp ruồi. Nội Big C ở cạnh hồ Xuân Hương, đã giết khá nhiều tiểu thương ở chợ Đàlạt. Nay họ xây thêm chợ to đùng thì bán cho ai.
Đàlạt ngày nay nóng kinh hoàng do rừng thông bị đốn hết, mất hết vẽ đẹp thiên nhiên do sự phát triển vô tội vạ, không có quy hoạch. Nghe nói nay họ bắt đầu có luật lệ xây dựng cho nhà biệt lập và liên kế. Hơi trễ nhưng có còn hơn không.
Thật ra nhà chức trách Đàlạt cần đi tham quan các khu nghỉ dưỡng trên núi của các xứ Tây phương, Nhật Bản hay Hàn Quốc,… để tìm hiểu cách phát triển ngành du lịch và kinh tế và văn hoá cho Đàlạt. Không nên khoán trắng cho một đại gia địa ốc.
Mình sống xa Đàlạt 45 năm nay nên chỉ trở lại Đàlạt vì gia đình còn du lịch thì chắc chắn không. Mình về 3 ngày lại đi vì chả có gì hấp dẫn cả so với các nơi mình đã đi tham quan trên thế giới. Xứ Kampuchia mà mình lại thích, muốn trở lại vì dân tình rất dễ thương, hiếu khách, dù trong qua khứ, cha ông mình có sát hại, chiếm đất của họ. Tương tự dân Tây phương, mình đoán cũng vậy, nếu họ có đến một lần rồi không trở lại vì ngành du lịch Đàlạt không cho họ một khung cảnh xa lạ, an bình và không khí trong lành.
Nếu không có khả năng thì mướn ngoại quốc loại giỏi như người đài loan mướn công ty S.O.M,… để thiết kế Phú Mỹ Hưng thay vì loại rẻ tiền để muôn đời ân hận.
Mình có thời gian làm việc ở Thụy Sĩ thì công nhận, có dịp mình trở lại. Xem hồ Leman ở Lausanne hay hồ Como ở Ý Đại Lợi. Nếu Đàlạt mà được phát triển theo chiều hướng của những địa danh này thì sẽ thu hút rất nhiều du khách hạng sang, sẽ giúp dân cư sống thoải mái và kinh tế Lâm đồng lên cao. Hay về vùng Grenoble, gia đình mình có ghé trên núi, ở trong một biệt thự kiểu Đàlạt, có thông xung quanh rồi đi dã ngoạn mấy cây số trong rừng rồi picnic. Không gian yên tịch nên thích trở lại còn Đàlạt so sánh với cách phát triển ở xứ người thì không có trật tự, lại phá huỷ sinh thái môi trường, chỉ thu hút Tây ba lô là khá rồi nhưng lợi thu không nhiều.
Có lẻ nên ra luật là Đàlạt là công viên quốc gia, cấm xây thêm nữa rồi từ từ chỉnh sang lại. Dời sự phát triển về Bảo Lộc, Đức Trọng,…
Phải chi Đàlạt có những chương trình văn hoá như ở Siem Reap, mỗi tối du khách được đưa đến để nếm thức ăn của mỗi vùng rồi có chương trình ca vũ nhạc như huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân rồi đêm sau thì nhạc Cò lã, quan họ Bắc Ninh,… rồi miền nam… rồi múa rối nước để giới thiệu văn hoá Việt Nam. Ban ngày người ta đi tham quan thắng cảnh, tối thì đi xem văn hoá, ăn uống làm giàu cho dân địa phương. Dự án phát triển Đàlạt chỉ nghĩ đến ăn xổi còn 20 năm tới thì coi như Đàlạt sẽ chết vì ô nhiểm môi trường, cây cối bị chặt hết. Như anh bạn mình kể là mấy ông chưa vượt qua được văn hoá ao làng thì làm sao đem thế giới về Đàlạt.
Về nhà thì ban tụng niệm đã xong lễ. Mấy người “Catering” được thuê, đã đến chuẩn bị nấu nướng. Thân hữu của gia đình đến cùng vài người bạn học cũ Văn Học. Tổng cộng là 5 bàn, vừa đồ chay vừa đồ mặn. Ông cụ mình mất đúng ngày rằm nên mời ban tụng niệm xơi đồ chay. Mỗi bàn 10 người giá đâu 1.5 triệu.
Họ cho ăn chả giò nhỏ xíu và gõi thịt bò. Sau đó có xôi đậu, tôm kho rồi lẩu cá thái không nhớ hết.
Anh bạn ghé nhà từ 6:00 sáng để đưa mình ra phi trường về quê. Thấy còn sớm nên bà cụ nói đi sang tiệm cà Phê Chez Nous nhưng tiệm chưa mỡ cửa nên ra phi trường. Kỳ này về Đàlạt 3 đêm, mình được anh bạn đến nhà sớm chở đi tham quan Đàlạt cả hai ngày nên hiểu thêm tình hình về Đàlạt sau ngày mình đi Tây.
Hai thằng có vẻ đồng cảm, thương xót cho người Việt. Nạn nhân của cuộc tranh dành giữa các cường quốc. Như tổng bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố “ chúng ra đánh cho tàu cho liên xô” để rồi người Việt muôn đời vẫn thua xa người ngoại quốc. Con thủ tướng Lý Quang Diệu từng được gửi sang Sàigòn học nay thì con cháu người Việt có tiền, lại chạy qua xứ họ du học.
Như ông chú họ mình, thương binh tại chiến trường miền nam kể về sự mất mát của chú trong cuộc chiến rồi thở dài: “không đủ ăn cháu ạ”, các em phải đi lao động quốc tế ở Liên Xô, Đài Loan, Hàn Quốc, bỏ vợ và con từ mấy năm nay chưa về thăm một chuyến.
Vừa ra khỏi nhà thì gặp một tên chạy Honda ngang, hoá ra Anh Tuấn, chồng Nguyễn Thị Đức. Mình kêu ngừng lại, hắn chào NVT rồi mặt đực ra như ngỗng ị khi anh bạn giới thiệu mình là Sơn đen. Hắn chả nhớ gì về mình dù khi xưa, có đi đá banh với nhau trong xóm. Hắn là anh em cô cậu với HKS nên hỏi số điện thoại, hắn kêu là chỉ có facebook rồi ông thần mò mò không ra nên NVT kêu cho điện thoại rồi hắn sẽ liên lạc sau.
Đến phi trường Liên Khương thì bắt đầu nhận ra sự khác biệt ở xứ người và Việt Nam. Đứng xếp hàng để làm thủ tục thì thấy 4 cô gốc Hà Nội chen và cắt đuôi qua mặt mình. Mình không hiểu sao họ phải làm thế vì máy bay chỉ cất cánh khi mọi người được nhận ghế ngồi. Có lẻ đó là hệ quả của thời tem phiếu, sợ không mua được thức ăn hay đồ gia dụng. Du khách tây hay Á đều khó chịu nhưng không ai dám nói gì cả ngoài lắc đầu.
4 cô này xách Vali nhỏ Eo Vi (LV), không biết đồ thật hay đồ giả vì khi quá tải, họ bắt đóng tiền thì thấy họ gửi theo kiện hành lý thay vì mấy gói đồ nylon. Một cái xách giá mấy ngàn mà để nhân viên phi trường quăn lên xuống trầy hết. Thật thì chắc không ai chơi kiểu này.
Đến phiên mình thì chưa chi đã có một bà cụ kéo đồ bên cạnh mình như sợ ai lấy chỗ của bà sau mình. Anh chàng Việtjet kêu nhờ bà đứng sau lằn vàng đến mấy lần mới thấy bà cụ lui lại. Mình gọi bà cụ nhưng có lẻ tuổi có thể nhỏ hơn mình, người Việt tại Việt Nam trông rất khắc khổ, ngoại trừ một thiểu số sung túc.
Ngồi đợi thì họ kêu máy bay đến trễ 15 phút. Khi lên máy bay thì mình mới hiểu lý do trễ nãi của chuyến bay. Họ có hai cửa vào; trước và sau đuôi. Họ không thông báo ai có số ghế từ 1 đến 15 thì vào cửa trước còn ghế từ số 15-30 thì vào cửa sau. Mình đoán họ có làm trước đây nhưng với tư duy người Việt, muốn là người đến trước nên người ngồi cuối đuôi lại lên từ đầu phi cơ còn người ngồi đầu phi cơ thì lại lên từ đuôi vì nghĩ nhanh hơn. Chán Mớ Đời
Lên máy bay thì như chen chợ ngày tết. Như thời xưa đi xe đò Đàlạt-Sàigòn. Có tên ngồi ghế mình thì mình hỏi cô tiếp viên thì cô nói mình ngồi xuống hàng ghế bên cạnh. Vừa ngồi xuống thì có người kêu mình ngồi ghế của họ. Thôi nhập gia tuỳ tục, mình phải xử lý nên kêu tên ngồi ghế của mình đứng dậy.
Chán Mớ Đời
Có chạy xe ngang cái hầm này, rong rêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét