Tương lai thế hệ 9x

Nguyễn Hoàng Sơn

Đồng chí gái có mấy thằng cháu, thuộc thế hệ 8X, học các trường lớn của Cali, tốn tiền nhiều mà ra trường thì không kiếm việc được như mong muốn, nên đi làm việc tạm để kiếm sống, lương thấp, không có quỹ hưu trí, bảo hiểm y tế, coi như tương lai không khá. Mình đâm lo cho mấy đứa con nên tìm hiểu thêm về tương lai để có thể hướng dẫn chúng.

Tuần trước mình kể năm mình lập gia đình 1992 thì lương đồng chí gái mới ra trường được $28,000.00 trong khi thằng cháu vợ, tốt nghiệp Berkeley ra, kiếm việc không được nên đi làm manager cho GameStop được $20,000.00/ năm. Một thằng cháu khác học UCLA ra, kiếm việc không được làm tài xế xe cứu thương, ở với mẹ, khỏi tốn tiền lương đâu cũng xấp xỉ $20,000.00.

Câu hỏi dặt ra là sau 22 năm,
lý do nào mà lương bổng của sinh viên mới ra trường lại thấp hơn xưa dù tỷ lệ lạm phát hàng năm từ 22 năm qua là 3.5% nên mình kiếm tài liệu đọc về vấn đề này thì được biết năm 1970, lương của một người bán thịt là $40,589.00 nhưng năm 2010 thì cũng công việc đó, người bán thịt được trả có $27,376.00. Mình đọc một tài liệu của 2 sinh viên từ Pháp sang học tiến sĩ, họ dùng data của sở thuế IRS, và được biết là dân Mỹ chỉ bị đóng thuế từ năm 1913, mới hơn 101 năm nay.

Một gia đình Mỹ được xem là trung lưu khi có lợi tức từ $50,000.00 trở lên. Giới bác sĩ, luật sư thì lương trung bình trên $380,000.00 còn các chủ công ty hay tổng giám đốc thì lương trên 11 triệu. Người ta tính tài sản của 400 người giàu nhất ở Hoa Kỳ nhiều hơn 1/2 tổng số tài sản của Hoa Kỳ. Số tỷ phú đông như kiến. Người ta xét năm 1928 và năm 2007 có một điểm giống nhau là tỉ lệ của sự bất bình đẳng về lợi tức của người dân Hoa Kỳ rất giống nhau và sau đó thì kinh tế suy thoái. Điểm oái ăm là sau cuộc suy thoái thì người giàu càng giàu thêm còn dân trung lưu bị mất nhà, mất việc,...

Người ta đổ lỗi cho tổng thống Reagan đã làm giảm đời sống vật chất của người Mỹ trung lưu. Lý do là khi nghiệp đoàn kiểm soát không lưu đình công, đòi tăng lương thì bị ông ta sa thải và từ đó các nghiệp đoàn lao động xuống dốc, mất hội viên rất nhiều. Có nhiều công ty cấm nhân viên không được thành lập nghiệp đoàn lao động như Wal-Mart,... Có người bảo là vì nghiệp đoàn lao động yếu nên chủ hãng hay nói đúng hơn Shareholders trả lương rất ít để nhân viên không nghỉ việc hay họ mua, sát nhập mấy công ty với nhau rồi sa thải, các nhân viên còn lại phải làm việc gấp đôi nhưng lương vẫn như xưa trong khi các shareholders giàu có thêm. Mình nhớ có lần đọc nghiệp đoàn lao động của hãng Benz đòi hỏi chỉ muốn làm đâu 30 tiếng mỗi tuần thì ban giám đốc nói phải làm thêm nếu không thì họ sẽ chuyển nhà máy sang Ba Lan hay Hung Gia Lợi vì nhân công rẻ hơn. Cuối cùng thì nhân viên Đức phải cong lưng đi làm thêm, hết thời vàng son của những năm 1970, 1980,..

Có người bảo là vì sự toàn cầu hoá, nên các công ty đã đưa cho các công ty ngoại quốc làm rẻ hơn. Mình hơi ngạc nhiên khi thấy cái iphone được sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại giá rất là đắt thì mới khám phá ra là các phần tử của iphone được cấu tạo tại nhiều các quốc gia khác nhau như Nhật Bản 34%, Đức 17%, Nam Hàn 13%, Hoa Kỳ 6%, Trung Quốc 3.8% và các nước khác 27%. Lí do hãng Apple trả tiền cao cho các công ty Nhật Bản, Đức, Nam Hàn vì trình độ kỹ thuật của họ rất cao. Lúc đó mình mới hiểu tại sao ông Steve Jobs nói với tổng thống Obama là phải đào tạo 30,000 kỹ sư thì tất cả sẽ được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Gần đây chính phủ Obama có chương trình khuyến khích các công ty Hoa Kỳ sản xuất tại Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế. Thật ra các công ty này thấy sản xuất ở Trung Quốc,...không còn lời như xưa nên trở lại Hoa Kỳ để đỡ tốn kém vì họ sử dụng máy móc, điện toán hay người robot trong công việc sản xuất. Gần đây kỹ thuật in 3D bắt đầu phát triển thì có lẽ trong tương lai người ta chỉ sản xuất nếu cần như sách báo ngày nay chỉ in khi có đặt hàng. Nếu sản xuất ở Trung Quốc thì tốn tiền di chuyển thêm phải sản xuất số lượng khá cao, cần chỗ để tồn kho. Có thể trong tương lai, nếu ai muốn mua cái iphone, lên mạng của Apple, đặt hàng, thêm màu mè mình thích, khắc chữ, đủ trò. Sau khi nhận được tiền thì có chỗ in 3D ra cái vỏ rồi robot gắn vào rồi bỏ hộp, cho Drone gửi đến tận nhà trong vòng 2-4 tiếng. Cho nên ai nghĩ là sẽ có nhiều công ăn việc làm là mơ chuyện thời xưa. Các công ty này cho tiền để các đại biểu quốc hội tranh cử hay tổng thống nên làm ra luật để giúp các công ty hay đúng hơn các chủ tịch làm giàu thêm.

Lợi tức của các giám đốc được gia tăng kinh khủng vì dưới thời tổng thống Bill Clinton, ông ta muốn đánh thuế các giám đốc của ban quản trị có lương cao hơn 1 triệu nhưng sẽ không đóng thuế nếu lợi tức của hãng được gia tăng. Cái luật này đã khiến chương trình Stock Option ra đời nên lương của các tổng giám đốc lên cao tận trời mây. Nếu họ rút tiền của stock option ra thì chỉ đóng thuế theo capital gains 15% thay 50% hoặc cao hơn,... Các người thuộc giai cấp nhà giàu, họ dùng tiền để lobby các luật thuế để họ trả nợ thấp nhất. Thời tổng thống Eisenhower, đảng viên Cộng Hoà thì chính phủ đánh thuế lợi tức cao đến 91% nhưng trừ tùm lum thì trung bình họ đóng độ 50%.

Khi xưa, các công ty nhỏ nên chủ hãng làm ra tiền nên trả lương cho công nhân cao hơn nhưng ngày nay, ban quản trị chỉ lo cho các shareholders nên họ chỉ biết về con số, lợi nhuận vì thế mà mấy công ty mới được thành lập thường đuổi các người đã sáng lập như Steve Jobs bị đuổi ngay về đường lối của ông ta không phù hợp với các người đầu tư. Sau này quá te tua nên mới kêu gọi ông ta về để cứu con tàu sắp chìm. Mình nhớ có lần, lúc mới ra nghề đi thầu, thấy thợ làm nhanh nên mình tặng thêm tiền cho chúng, nghĩ là chúng sẽ hăng say làm việc năng nổ hơn. Ai ngờ sáng thứ 2 tới công trường không thấy thằng nào cả, gọi điện thoại thì chúng bảo trả thêm tiền thì chúng mới làm nên sau này mình khôn, không mướn nữa, cứ khoán cho chúng là khoẻ. Lúc đó mới hiểu ai nói, mình đưa cái tay thì chúng sẽ ăn luôn cánh tay.

Ông Warren Buffett, tỷ phú tuyên bố là mỗi năm ông ta chỉ đóng có 17.7% thuế trong khi trung bình nhân viên của ông đóng 33% hay ông Mitt Romney đóng có 13.3%. Ông tỷ phú Ross Perot từng đóng có 2.3%. Nếu mở đài truyền hình Foxnews thì các chương trình chửi bới ông Obama, đòi đóng thuế người giàu thêm, kêu là cộng sản, xã hội,... Mình hi vọng chương trình đem tiền cuả các đại công ty về lại mỹ, chỉ đóng có 14% mà ông Obama mới đề cập sẽ dùng tiền đó để xây đường xá, xe lửa, cải tổ đại học,..

Ai trong chúng ta cũng muốn con cháu sau này có cuộc sống bớt vất vã hơn mình nên bắt chước cha mẹ mình khuyên con cháu đi học cho giỏi. Khác cái là ở Việt Nam học giỏi để sau này làm quan, cán bộ vì một người làm quan, cả họ được nhờ. Chúng ta thấy cán bộ ở Việt Nam rất giàu có nhưng ở Hoa Kỳ thì muốn làm quan thì phải có tiền để tranh cử.

Công ty Amazon mới được thành lập gần 20 năm nay, hàng năm chi thu trên 70 tỷ mỹ kim nhưng chỉ có độ 60,000 nhân viên. Nếu bình thường các tiệm sách nhỏ bán đồ như Amazon,.. Thì phải cần đến 800,000 hay 1,000,000 nhân viên. Công ty này có chương trình dùng Drones để giao hàng, thì UPS hay bưu điện chỉ có cách đóng cửa. Bưu điện Hoa Kỳ lỗ từ ngày có email, người ta ít viết thư, gửi thư như xưa. Nghe kể lúc email mới ra đời thì quốc hội Hoa Kỳ tính đánh thuế mỗi lần gửi email nhưng ông xếp sòng của bưu điện kêu không cần. Ngày nay các bưu điện đóng cửa mệt nghỉ.

Từ năm 1949 đến 1979, Hoa Kỳ có 30 năm thịnh vượng, sản xuất đồ tốt, xuất cảng khắp thế giới. Người ta gọi thế hệ này là thế hệ babyboomers, lính giải ngũ trở về được đi học rất rẻ, giáo dục Hoa Kỳ được xem là số một trên thế giới, lương bổng thợ thuyền khá cao nhưng bắt đầu thập niên 70 thì lương bổng đình hẳn lại nhưng kinh tế vẫn tiếp tục gia tăng. Lý do là phụ nữ Hoa Kỳ đi làm. Lúc trước một anh thợ bán thịt lương trên 40 ngàn một năm nhưng nay chỉ còn 27 ngàn một năm thì người vợ bắt buộc bỏ con ở các trung tâm giữ trẻ để đi làm mới đủ tiêu chuẩn, mua sắm. Có lẽ vì vậy mà số ly dị ở Hoa Kỳ lên rất cao.

Một người mẹ ly dị phải đi làm 3 job để nuôi con nên đa số phụ nữ ly dị, lập gia đình lại trong vòng 1 năm vì lương bổng không đủ trang trải các chi tiêu trong gia đình. Mình có bà mướn nhà, có 4-5 đứa con mà mỗi đứa có một họ khác, cuối cùng bà ta hơi phì ra nên chả có thằng nào dám nhảy vào ôm 5 đứa con dùm bà ta nên ăn tiền trợ cấp.

Tình hình như giới trẻ hay một số đông đi làm, chủ mướn bán thời gian để khỏi phải trả bảo hiểm y tế, quỹ hưu trí,...nên năm vừa rồi chính phủ Obama đã thi hành luật y tế, thêm đại học cộng đồng miễn phí 2 năm,... Chỉ hy vọng là kỳ bầu cử tổng thống tới, ứng cử viên đảng Dân Chủ sẽ thắng nếu không thì sẽ mệt. Nên nhớ các tài phiệt như George Sorros, Koch,...đã bỏ tiền, chi các cuộc tranh cử để các đại biểu, tổng thống giúp họ làm giàu thêm như Ông chủ casino Venitian,..cho 70 triệu. Công ty Solyndra ở cali, đã cúng vào quỹ tranh cử của ông Obama $513,000.00, sau đó nhân viên của ông Obama đã giúp cho công ty này mượn 500 triệu tiền của chính phủ để xây cất, phát triển thêm thì 14 tháng sau, công ty này khai phá sản. Tên tổng giám đốc bợ mấy chục triệu tiền lương dọt, vui vẻ còn nhân viên bị sa thải te tua.

Bên Mỹ đi học con nít được dạy là follow the dream nhưng mấy đứa con mình chả biết học cái gì tương tự mình khi xưa nên mình khuyên thằng con học Nano Engineering, phân khoa mới mở ở UCSD còn cô con gái thì mình giải thích các công ty Hoa Kỳ sẽ rút về Mỹ để sản xuất vì rẻ hơn ở Trung Quốc,...nên học về Robotics. Hy vọng sang năm nó sẽ ghi tên học môn này hay nghành nào ra trường kiếm được việc. Đồng chí gái có thằng cháu ra trường, lơ bơ 7-8 năm chả có việc làm, nay đi học bằng hành nghề địa ốc rồi đến con em nó cũng vậy, không kiếm được việc nhảy vào địa ốc ngáp ruồi. Tại sao bỏ 4-5 đại học để rồi thất nghiệp lại nai thêm cái nợ mấy trăm ngàn, vay để đi học. Chán Mớ Đời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét