Nguyễn Hoàng Sơn
Hôm trước vào trang nhà Văn Học, thấy hình mấy người bạn học cũ Văn Học, rủ nhau đi thăm thầy nhân ngày Thầy Giáo. Nhìn những người học trò cũ, xấp xỉ 60 tuổi, tóc muối nhiều hơn tiêu, có người đã về hưu đứng bên cạnh thầy Lưu Văn Nguyên, chống gậy khiến mình rất cảm động. Việt Nam ngày nay có ngày dành cho Thầy Cô, để nhớ ơn các thầy cô. Ngày xưa, mỗi lần Tết đến thì học trò có đi Tết cho thầy cô trong lớp.
Trong cuốn "Coeur" (Trái tim) của Edmondo De Amicis mà mình có dịp đọc khi đi làm ở Ý, hồi nhỏ có đọc bản việt ngữ do ông Hà Mai Anh đã dịch với tựa đề Những Tâm Hồn Cao Thượng, có kể câu chuyện về ông bố của Enrico Bottini, đọc báo thấy tin tức của người thầy cũ, đã đem ông ta theo về quê cũ, thăm người thầy khi xưa sau 40 năm. Cuốn sách này có rất nhiều ảnh hưởng cho sự thành lập của đảng Xã Hội Ý Đại Lợi và giúp hình thành các phong trào đấu tranh giai cấp của thanh niên trên thế giới của thế kỷ trước. Hôm trước nói chuyện với anh bạn học cũ, cũng học Yersin rồi Văn Học cùng năm nhưng khác lớp. Anh kể là khi ra trường Việt thì đi học ở một tư thục, chơi toàn bạn xấu, hoang đàng rủ nhau cúp cua đi chơi rồi sau này qua Văn Học, vẫn tiếp tục trốn học đi câu cá bắt chước Trương Lương khi xưa đợi thời, đi đánh bi da thì bị thầy CBA, lái xe đi tuần, bắt về trường, đánh cho 3 roi mây nhớ đời.
Sau này anh chàng học khá lên và đỗ tú tài IBM có hạng, có ai mượn tên và bằng của anh chàng để nộp đơn du học. Anh chàng nhận thấy môi trường của trường Văn Học rất khác các trường khác; thầy cô chú tâm dạy, quan tâm đến tất cả học sinh dù dốt hay giỏi, thấy người hiệu trưởng đã bỏ công, thì giờ, lái xe đi khắp Đà Lạt để tìm các học sinh trốn học đã khuyến khích và giúp anh ta từ từ thấy tấn tới nên thích học và đậu cao. Anh chàng quên nói là nhờ đi chơi với Sơn đen nên đã giúp anh ta sáng dạ ra. Gần mực thì đen gần Sơn đen thì sáng. Khà khà khà.
Qua câu chuyện của anh bạn học cũ làm mình suy nghĩ về chức năng người thầy, lương tâm nhà giáo. Dạo đó có nạn đôn quân, nam sinh thi rớt tú tài thì phải nhập ngũ đi trung tâm huấn luyện Đồng Đế, tốt nghiệp mang lon trung sĩ còn rớt đại học thì đi trung tâm huấn luyện Thủ Đức, ra trường mang lon sĩ quan chuẩn uý còn trường đại học sĩ quan Võ Bị là những người đậu tú tài, tình nguyện đi lính. Có bài hát "giờ này anh ở đâu, Quang Trung,..Đồng Đế nắng mưa chan hoà..".
Hồi nhỏ thì không để ý nhưng lên 15, 16 tuổi phải làm giấy hoãn dịch, ra đường phải có thẻ học sinh và giấy hoãn dịch thêm thẻ nhân dân tự vệ nếu không cảnh sát sẽ tóm cổ thêm chiến dịch Phụng Hoàng của CIA, lâu lâu bắt thanh thiếu niên đem ra Thao Trường để thanh lọc giấy tờ vì vấn nạn giấy tờ giả của dân nằm vùng và các nam sinh học lại. Mỗi lần có chiến dịch này thì thanh thiếu niên Đà Lạt bớt ra ngoài đường, đi học về là ở nhà đợi cơn bão qua vì cảnh sát bắt vô thao trường, cắt tóc dài, xẻo quần ống loa.
Đà Lạt dạo ấy có nhiều trung tâm luyện thi, dạy lấy căn bản. Mình nhớ thầy Tạ Tất Thắng, trong lớp hay mĩa mai nói về các trung tâm luyện thi: "có căn bản đâu mà mất, nếu có mới gọi là mất, lại rao kêu dạy lấy lại căn bản". Hồi nhỏ nghe câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", ba chớp ba nhoáng mình cứ hiểu là một chùa là thầy, bán chùa là thầy" vì hay đọc Linh sơn Tự trước cổng chùa Linh Sơn, sau này mới hiểu ai dạy mình một chữ được xem là thầy, hơn một tí (nữa chữ) cũng là thầy. Ngày nay cập nhật hoá thì người Tàu có thể nói "nhất tự vi sư, Google đại sư". Như anh bạn kể thầy Lưu Văn Nguyên, không như những thầy khác mà anh theo học ở tư thục khác, cố giúp các học sinh chậm hiểu. Hắn không biết Đại Số là gì nhưng rồi từ từ hắn giác ngộ đại số và thích học, không trốn học đi chơi nữa vì người thầy tận tâm, giúp tất cả các học trò.
Người ta định nghĩa hai loại thầy: Tiên Sư là người thầy vì học trò dạy cách làm người và Tục Sư là người thầy vì tiền mà dạy cách làm tiền, "Tiên học phí hậu học văn", mở các trung tâm luyện thi, lấy căn bản mà dạo đó thấy các biểu ngữ quảng cáo treo đầy đường. Hạng Tiên Sư, lôi kiến thức đã sẵn có trong bụng của học trò ra còn Tục Sư thì nhét kiến thức từ ngoài vào vì vậy học Tiên Sư thì tin mình là vũ trụ nhỏ, còn học Tục Sư thì trở thành thùng chứa sách. Tiên Sư chỉ cho học trò cái thiếu của mình còn Tục Sư thì chỉ cho học trò cái giỏi của mình. Khi học trò thấy cái khiếm khuyết của mình thì lo lắng, chịu khó học hỏi thêm vì vậy mà anh bạn bắt đầu thích học còn khi học trò thấy cái giỏi của mình thì đâm ra tự kiêu nên kiến thức dừng lại.
Lần trước về thăm gia đình ở Paris, gặp lại vài người bạn Tây mà lúc trước mình thấy họ rất giỏi, nhiều kiến thức hơn mình thì cảm thấy họ như dậm chân tại chổ như thời còn đi học. Lối nhìn của họ quá chủ quan, vội vã phán đoán. Một Think Tank thường nói lên quan điểm của người hay nhóm trả tiền để họ nghiên cứu. Một bài báo có thể do một đại công ty trả tiền để viết về một đề tài để quảng bá hàng hoá của họ. Như Thomas Jefferson từng nói: “The man who reads nothing at all is better educated than the man who reads nothing but newspapers.” Mình chỉ học ở Văn Học có hai năm nhưng lại hai năm quan trọng nhất của thời mới lớn. Mình được các thầy như Phạm Văn An, Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Quang Tuyến, Lưu Văn Nguyên, Nguyễn Thạc, Hồ Thanh Tâm, Hà Mai Phương, Đan đình Soạn..., đã khai phá ra cái tâm của mình và từ đó tiếp tục học lên đại học. Ở đại học, cũng may mắn gặp những người thầy Pháp đã lôi cái mình đã có sẵn, óc quan sát, tìm tòi, tự học hỏi nhất là giúp mình bơi lội trong vùng sáng tạo vô biên.
Sau này mình có đi học các Tục Sư về kiến thức làm tiền, đầu tư mua nhà nhưng tình cảm của mình dành cho họ không trân trọng như đối với các thầy xưa ở Đà Lạt hay Paris. Họ dạy mình cách thương lượng, cách kết thúc những cái deal nhanh chóng nhưng không khai phá cái Tâm của mình. Mình nhớ mãi trên bàn thờ của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim, chỉ thờ chữ Tâm, như Nguyễn Du đã nói mấy trăm năm về trước; cái Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Hè này mình đem gia đình về Đà Lạt, hi vọng sẽ gặp lại những người bạn học cũ nhất là có cơ hội gặp lại những vị ân sư của trường Văn Học khi xưa. Hôm trước có liên lạc với một anh bạn xưa, kể là có nhiều người vẫn còn nhớ đến mình dù chỉ học Văn Học có 2 năm. 40 năm trước mình không để ý nhưng với thời gian, nhìn lại thì phải công nhận các Tiên Sư kể trên đã có rất nhiều ảnh hưởng đến quãng đường đời mình vừa đi qua. Mình nhớ có một linh mục kể mình câu chuyện; một hôm, Phật nói với các đệ tử hãy nhìn mặt trăng và các đệ tử đều nhìn ngón tay của ngài đang chỉ mặt trăng. Đó là câu chuyện hay nhất của một người thiên chúa giáo giảng cho mình và đã đi suốt cuộc đời mình từ dạo đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét