Nguyễn Hoàng Sơn
Mình vừa bước vào quán An Tiến là đã nghe giọng thầy An kêu lên: "nhận ra rồi". Thầy trò ôm nhau như níu kéo vội vã trong giây khắc một quá khứ của 42 năm trước như trong phim Back to the future. Thầy tát vào mặt mình như thể hiện nỗi mừng gặp lại một người trò cũ, xa vắng từ 42 năm qua. Mấy chị em họ Chử đừng có đưa má cho thầy tát nhé. Đau lắm! Nhưng vui! PMC gọi nói thầy từ Bảo Lộc đã đi xe lên, hỏi có rảnh thì ra quán cho thầy gặp cả chiều thì có bạn đến đông thì không có thì giờ hỏi thăm nhau. Thầy kể có học trò từ 55 năm trước ở Huế, vào tìm đến thăm thầy. Thầy chỉ muốn xem mặt mình để xem mình còn giữ được tố chất Việt trong người hay đã biến thành Tây Tàu.
Mấy thầy trò lại tiếp tục câu chuyện dở dang của mấy tháng trước khi tên N.A. nhờ mình gọi phỏng vấn thầy để các học trò của thầy khi xưa được nghe lại giọng nói của Thầy. Từ Tự Lực Văn Đoàn đến tâm sự của Nguyễn Du qua Truyện Kiều, rồi lại đưa về thực tế là Ác Phụ - Hiền Thê.
Sau đó PMC đưa về thăm nhà luôn tiện xem mấy chậu lan và cái vườn cảnh của ca sĩ Ngân Hàng. Tên này kêu là may mắn được Hiền Thê, chìu chuộng lo cho hắn. Hình như đa số những người đàn ông thành công đều nhận ra sự giúp đỡ âm thầm của người phối ngẫu.
Như lần trước đi ăn bánh căn với 3 người đẹp Văn Học là trời lại đổ mưa. Nhìn những dòng nước chảy xoáy hai bên lề đường như kéo mình về lại những chiều mưa vào mùa hè của thời niên thiếu đã khiến mình muốn thoát ly ra khỏi không gian ảm đạm của quê hương, tìm một phương trời xa lạ nào đó.
PMC đưa Thầy An, Thu và mình đến tiệm ăn "Không Tên" mà năm ngoái, khi HMS về có họp mặt tại đây. Mưa như xối xả như giận hờn, trách cứ mình sao bỏ quê hương ra đi lâu thế. Từ từ thì thấy đệ nhất danh ca Văn Học đến với Kim Thành rồi Hớn, Thuận, Minh, tên lấy bằng rừng của hướng đạo Lâm Viên khi xưa. Đối tượng một thời của mình, ca sĩ mới của đài phát thanh Văn Học với giọng ca rất Đồng, đại gia của Văn Học mà thầy An có nhắc đến mà suốt buổi ăn, không thấy lên tiếng, đã nói lên đẳng cấp đại gia của hắn\. Nguyễn Thành Sơn, vua vựa trái cây ở Phan Đình Phùng cạnh Văn phòng Bác sĩ Lương ngày xưa. Hắn cứ lộn mình với Phạm Trung Sơn, nhắc đến căn nhà của Thánh Nữ Văn Học được dùng làm trụ sở công an khu vực.
Ngô Văn Thuỷ vào nhìn mình thì hắn không nhớ đến Sơn Đen ở Hai Bà Trưng thì mọi người bảo là chính mình thì hắn ngạc nhiên vì giọng Bắc vì mình đang ngồi với thầy An. Hắn kể là bị đau thương Hàn và mình lấy xe ông cụ chở hắn lên nhà thương. Hắn lấy vợ trễ và lại khách hàng của thằng em mình nay là một đại gia chuyên chính.
Sau đó thì Bùi Thanh đến, kể làm nhân viên nhà nước nay về hưu. Vy thị Lương bước vào thì nhớ ngay cô nàng năm xưa, to con nhất đám con gái của 11B, hay bận áo trắng, có hai lọng tóc bím như Pocahontas. Ngồi một hồi rồi cô nàng mới nhớ đến mình và hỏi phục vụ viên là có bia không. Bái phục! Mình thầm hỏi có phải cô nàng mà “Tóc gió thôi bay” đã một thời làm thơ yêu em nhưng quên hỏi.
PMC đem rượu của hắn ngâm ở nhà đến đãi thầy và mọi người còn mình thì chỉ xin nước lọc. Các món ăn rất ngon, khởi đầu bằng xà lách ku rôn mà lâu lắm mới được ăn lại. Thịt heo nướng, tôm rồi đến lẩu cá cuối cùng tráng miệng với bưởi đỏ ngon và dứa.
PMC nhớ câu độc nhất của mình thời đó khi các thầy la học trò: "nhà nó nghèo hay nhà em nghèo". Mọi người xúm lại hội đồng tên Nguyễn Thành Sơn vì hắn không nhận ra bạn học xưa khi ghé vào mua trái cây như sợ phải bán giá hữu nghị. Kêu gọi hắn là bớt 20% khi bạn vào mua và cho không nếu là sản phẩm Trung Quốc. Tên này nhớ Phạm Thành Nguyên vì ngồi chung bàn.
PMC nói là chỉ có hai người là còn trẻ vì tóc vẫn đen tuyền là Cô Thuỷ và Nguyễn Văn Thuận thì ca sĩ mới của đài phát thanh Văn Học Đà Lạt lên tiếng là cô Thuỷ nhờ vẫn giữ được cái ngàn vàng khi đi lấy vợ cho nên năng lực còn. Cô Thuỷ cho hay là phải nhuộm tóc để yêu quái không chọc ghẹo.
Rồi mọi người ra về trong sự tiếc nuối, chúc nhau được nhiều sức khỏe vì không biết có còn gặp lại nhau sau này vì đến 70 tuổi thì sức khỏe sẽ yếu đi. Thu nhờ nhắn với 2 B là ổi vẫn còn, cứ về đây tha hồ mà ăn. Ngô Văn Thuỷ muốn đưa mình về nhưng ngại vì nhà hắn ở Trại Mát nên nhờ PMC đưa thầy An, BT và mình về.
Lần này về mới dám đi kiếm bạn học xưa, gặp lại thầy xưa. Mấy lần trước về thì không biết có nên gặp lại hay cứ để chôn vào dĩ vãng của một thời qua đi. Gặp lại các bạn rất tử tế, đón tiếp mình quá sức mong đợi như Cô Thuỷ kể tác giả bài không tên số 2, sau khi gặp lại đối tượng, đã đổi lại lời của bài hát: "con đường em đi đó, rất đúng em ơi" còn thầy An thì cứ béo má mình bảo là mình vẫn còn hồn Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét