Thầy cũ

Nguyễn Hoàng Sơn

Về thăm Việt Nam kỳ này, mình có duyên gặp lại 3 người thầy cũ, dù chỉ có dạy mình năm 11B nhưng vẫn để lại cho mình nhiều dấu ấn, ảnh hưởng về cuộc đời mình trong 41 năm qua.

Gặp lại thầy Nguyên thì khuôn mặt khắc khổ của thầy ngày xưa vẫn còn. Thầy vẫn nhớ mình, nhắc đến lá thư giới thiệu của thầy viết, gửi cho trường đại học bên Pháp khi mình xin ghi danh, đi du học. Thấy thầy bệnh hoạn sau khi đi tù về, bị tai biến rồi thêm bệnh trĩ. Thầy than cả đêm trước không ngủ được nên các học trò cũ, xin phép về để thầy nghỉ. Mình chỉ học thầy về hình học năm 11B, vẫn nhớ đến sự tận tâm của thầy, lo cho từng đứa học trò nhất là những ai không hiểu bài. Khuôn mặt thầy như đau buồn nếu có một ai không hiểu lời thầy giảng. Có lần một anh bạn học giải không ra đáp số nên thầy có hỏi anh ta tại sao không hiểu. Không khí trong lớp khá ngột ngạt nên mình kêu "Nhà nó nghèo", khiến thầy bật cười nên sau đó trong lớp hay nhại lại câu nhà nó nghèo.

Thầy không như các thầy nổi tiếng dạy luyện thi, vào lớp giảng bài xong, hết giờ là chạy sô ở trường khác, không đoái hoài đến học sinh. Ai thắc mắc thì chiều ghé lại nhà thầy chỉ lại. Mình có đến nhà thầy mấy lần với NVT, sau thấy hoàn cảnh kinh tế của gia đình thầy nên có ghi tên với NVT, học thêm hè với thầy được hai tháng. Chính thầy đã khuyên mình tìm đường chuồn ra hải ngoại, ở nhà ra trận chết phí đời. Mình có kể cho thầy, một tên học trò cũ, đã bước theo chân thầy dạy toán ở một đại học thuộc tiểu bang Texas và nhận thấy cặp mắt của thầy sáng lên và nở một nụ cười. Có lẽ đó là nụ cười độc nhất trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi.

Năm 11 B, thầy là giáo sư chủ nhiệm của lớp và đề cử mình ra tranh cử chức trưởng lớp với mấy người khác và cuối cùng thì được đắc cử và năm 12 B thì cũng được đề cử làm trưởng lớp nên mình có tham gia tổ chức văn nghệ, nấu chè, picnic,... Dạo đó thấy mất thì giờ nhưng sau này mới thấy nhờ những kinh nghiệm khi xưa đã giúp mình làm trưởng atelier khi còn sinh viên hay sau này tổ chức trại hè, biểu tình,...., giúp tỵ nạn.

Thầy Thắng thì mình chỉ học đâu vài giờ khi thầy thay thế thầy Hàn đi Saigon họp chi đó. Một chữ cũng là thầy nên có ghé lại thăm thầy cùng các bạn. Mình thấy chữ Tâm treo trên tường ở nhà thầy như nói lên thiên chức của người thầy trong suốt 40 năm sóng gió vừa qua. Nghe nói Đà Lạt sau 40 năm, vẫn chưa có một ông thầy dạy Anh văn nào giỏi hơn thầy nên buồn cho quê hương đất nước.

Thầy An dạy mình môn Việt Văn năm 11B. Mình thích nhất giờ của thầy vì thầy nói oang oang, giảng về những thứ mà tuổi mới lớn như mình thích được nghe; tình yêu trai gái, cuộc xung đột giữa văn hoá dân tộc và văn hoá Tây phương được du nhập trong thời kỳ Tây đô hộ. Thầy có cách giảng khá hài, tếu tếu vui vui khiến học trò chăm chú không làm ồn. Mình thích nhất khi thầy giảng về phiên toà vì thầy có cử nhân luật khoa, khiến mình ghi danh học luật sau 74 nhưng rồi dọt đi Tây.

Mình thắc mắc hoài về hành động của Dũng trong Đoạn Tuyệt; thoát ly ra đi trong mưa gió thay vì đáp lại tình của Loan. Anh chàng này không muốn lấy vợ? Một người đã có một đời chồng hay vì tiếng gọi của đất nước kêu anh chàng lên rừng, chiến đấu dành độc lập? Câu hỏi này cứ theo mình mãi đến 41 năm sau, khi mình lấy can đảm, gọi thầy ở Bảo Lộc để hỏi thì được trả lời là thoát ly ở đây không phải đi theo cách mạng mà vì tác giả không biết câu trả lời nên cứ để đọc giả tự tìm câu trả lời trong thời buổi khá lộn xộn của đất nước.

Mình tính sẽ xuống Bảo Lộc thăm thầy, không ngờ nghe tin mình về thì thầy lấy xe buýt lên Đà Lạt gặp mình và muốn gặp riêng mình. Mục đích của thầy để kiểm nghiệm xem mình mất gốc đến bao nhiêu vì trong cuộc đàm thoại thì thầy cho rằng mình đã mất hết tố chất Việt sau 41 năm ở hải ngoại. Gặp lại nhau, thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi lại thêm được ông thầy tát yêu cho vài cái đau mệt thở.

Nhớ lần đàm thoại, hai thầy trò bất đồng ý kiến về sự xa cách trong không gian. Mình thì cho rằng công nghệ thông tin đã làm không gian trở nên nhỏ bé, khoảng cách không còn là yếu tố cho sự xa cách. Khi xưa khi chưa có điện thoại hay Skype thì mình quay quắt, nhớ nhà thì viết thư thăm hỏi, nay thì chỉ cần nhấc điện thoại là 2 giây sau đã nghe giọng của gia đình, không còn chộn rộn như xưa. Qua mạng mình có thể nói chuyện với gia đình, bạn bè không còn sự cách nhau về mặt không gian hay thời gian trong khi thầy thì cho rằng gặp mặt thì mới nói lên được sự chân tình, gần gủi theo tố chất đông phương.

Hôm "cái bớt một thời" mời cả bọn ăn sáng ở Vườn Bích Câu Kỳ Ngộ thì hai thầy trò có dịp bàn thêm về câu chuyện bỏ dở lần trước. Mình chỉ bàn kế bên, một cặp vợ chồng thì phải, ngồi ăn sáng với hình ảnh ông chồng cầm một tờ báo còn bà vợ cũng say mê theo dõi tin tức của tờ báo. Mình nói với thầy; gần nhau nhưng hai vợ chồng này chưa chắc đã gần nhau trong tâm tưởng, cùng hướng về một phương trời chung, cho nên qua mạng có thể người ta vẫn gần nhau khi nói chuyện với nhau. Chúng ta hiện hữu trong tâm khảm chớ không phải vì không gian. Ngồi chung ở đây nhưng nếu có điện thoại là người ta xa nhau liền vì họ sẽ ở một không gian nào với người đối thoại qua máy.

Mình có hỏi về tâm trạng của ông Nguyễn Du khi làm Kim Vân Kiều, như thố lộ tâm tư của kẻ sĩ ăn cơm nhà Nguyễn nhưng vẫn nhớ về vua Lê. Những nhân vật nam trong Kim Vân Kiều, không có một ai xứng đáng để thanh niên Việt Nam, nói chung hay nói riêng, để mình noi theo nên họ theo các truyện kiếm hiệp của Kim Dung, bắt chước các nhân vật nam trong truyện để hò hét Zô 100%. Nhưng hỏi thì coi như đã trả lời.

Có lẽ nền giáo dục trước 75, đã tạo nên một tình cảm thiêng liêng giữa trò và thầy mà sau 40 năm, các học trò vẫn tìm gặp lại thầy. Thầy nào mà con cháu không khá giả thì các trò tụm nhau lại, đóng góp chút ít để mỗi tháng biếu cho thầy để sinh sống qua ngày. Gặp lại như để cám ơn các thầy, nhưng không biết có duyên để gặp lại trong tương lai. Chỉ tiếc là không gặp được thầy Thạc, nghe nói ở Bảo Lộc nhưng không liên lạc được, thầy Nam thì đang dạy trường cách Đà Lạt khá xa. Hy vọng kỳ sau.

Hồi nhỏ mình có học giáo khoa thư, có kể ông Carnot về làng, ghé qua thăm thầy nhưng ngày nay về Đà Lạt, thấy các bạn học cũ hàng tháng đi thăm các thầy thì cảm phục, có người ở hải ngoại vẫn gửi tiền về giúp các thầy. Nghĩ lại, các thầy khi xưa, dù chỉ dạy mình một năm nhưng đã gieo vào trí óc mình những câu hỏi mà 40 năm qua, mình đã tìm được một số câu trả lời nhưng vẫn còn một số vẫn là ẩn số trong cuộc đời mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét