Tết thời con nít



Mỗi lần Tết đến, gọi điện thoại chúc Tết ở Việt Nam thì mình không khỏi nhớ đến những cái Tết của thời còn bé, dạo còn học Petit Lycée vì sau cuộc tổng công kích Mậu Thân, mình như đã bị cướp đi tính hồn nhiên của tuổi thơ. Hai lần VC đánh vào thành phố, chứng kiến không lực Hoa Kỳ dội bom trên số 4, có người mới đứng cạnh mình 2 phút trước, bị vỏ đạn rớt trúng bể đầu chết,\..., những hình ảnh ấy đã để lại dấu ấn mà đến ngày nay mình vẫn không quên.

Nhà mình có 10 anh em, 3 trai 7 gái cho nên mỗi đứa chỉ được bà cụ mua mỗi năm cho 2 bộ đồ và 1 đôi giày. Sau 1 năm thì theo truyền thống gia đình, quần áo cũ được tái sinh, truyền lại cho đứa kế bận. Mình là con đầu nên luôn luôn được bận áo quần mới đến khi lên trung học thì bận đồ tái sinh của ông cụ. Lúc đầu thì phải sắn lai quần lên thêm cái lưng quần rộng quá thì lấy sợi dây dừa bằng nhựa buộc lại, bận cái áo len ở ngoài quanh năm nên chả ai thấy.

Cái truyền thống khi xưa vẫn đeo theo mình tới ngày nay, áo quần cũ của mấy đứa cháu bên vợ, truyền lại cho mấy đứa con mình khi còn bé vì chúng lớn mau. Sau này quần áo của mấy đứa con, lại truyền cho mấy đứa cháu nhỏ hơn. Mình thì vẫn còn bận những đồ mua từ khi mới sang Mỹ năm 1987. Đồng chí gái vô vàn kính yêu có mua thì bận mà cũng lười bận vì sợ mòn nên bị vợ la hoài. Quanh năm chỉ bận mấy cái áo người ta cho để quảng cáo công ty của họ.

Thi tam cá nguyệt xong, trường nghỉ lễ Giáng Sinh bắt cầu qua Tết Tây, đâu 2 tuần lễ. Vừa đi học lại được vài tuần lại nghỉ Tết. Sau Tết Tây thì bà cụ thường dặn mình, cuối tuần dắt mấy đứa em ra chợ để bà cụ dẫn lên lầu của chợ Đà Lạt, dãy hàng bán quần áo may sẵn để mua quần áo cho Tết, rẻ hơn là cận Tết. Sau này, có mấy bà sơ ở domaine de Marie, đem quần áo phát chẩn của nhà thờ Mỹ cho, ra bán mà sau này người ta gọi là đồ SIDA (AIDS). Cũ người mới mình, lâu lâu bà cụ mua được một cái blouson về bận mấy năm không hư. Dẫn một đàn con đi mua sắm mà thấy thương cho bà cụ. Ngày nay mình chỉ có 2 đứa mà nuôi bở hơi tai.

Mua áo quần thì bà cụ lựa đồ có số rộng hơn để trừ hao khi giặt, nước sẽ bị rút, lại tính thêm mỗi đứa mỗi ngày mỗi lớn chớ không như mấy đứa con của mình ngày nay, mụ vợ cứ đi chợ thấy hạ giá là cứ mua tá lả, nhiều thứ mấy đứa con chả bao giờ bận vì không đúng thời trang của chúng. Đồ cũ của thằng con nay mình lại lấy bận đi làm vườn. Có lần trong xe, nghe con gái nói chuyện với bạn nó, chê đồng chí gái vô vàn kính yêu không biết thời trang bị mình quạt cho mệt thở.

Mua quần áo mới về thì đâu có được bận ngay, phải bỏ vào tủ cất, đợi mồng 1 Tết mới được lên đồ. Mỗi ngày mình đều mở tủ xem hai bộ quần áo và đôi giày, xem chúng còn hay mất. Không dám vuốt cái áo, rờ đôi giày vì sợ tay làm dơ đồ nên chỉ đứng ngắm hoài không biết chán, thò mũi vào tủ, hít hít mùi áo quần mới thêm mấy viên long não, cứ tưởng tượng bận vào thì chắc mình ngon cơ lắm thêm bà cụ đe doạ là nếu học dở, không chăm sóc em út thì sẽ bị cấm không được bận đồ mới trong 3 ngày Tết.

Dạo đó, cứ 23 Tết, mình có nhiệm vụ đem bộ lư và cặp chân đèn đồng trên bàn thờ ra sân chùi dầu sáng tưng để tối bà cụ về cúng tiễn Ông Táo về trời. Nghe nói ông Táo cởi cá chép về trời, lại không có quần dài. Trên Thiên đình theo chế độ bao cấp, bà Táo là gái chính chuyên, lấy hai ông Táo nên vải được phát cho mỗi cặp vợ chồng đủ may một cái quần dài, nay bà Táo phải cắt làm 2, may cho 2 ông chồng cái 2 quần xà lỏn. Ông cụ kêu chú Nghĩa, làm lao công trên ty Công Chánh về quét vôi tường nhà, rồi trả tiền chú. Mình nhớ hoài khi vào nhà chú ở số 6, vách đất mái tranh, nền đất thêm mấy đứa con bò lúc nhúc như đàn chó con. Lúc đó mới hiểu nghèo là gì, mái lều tranh với hai quả tim vàng và đàn con lúc nhúc.

Việt Nam mình dạo đó sơn của công ty Bạch Tuyết còn đắt nên người ta dùng vôi để quét tường nên thông thường cứ 2 năm là phải quét vôi lại, mình nghe nói quét vôi thì đỡ bị muỗi đến, mùi vôi làm muỗi sợ tương tự mùa hè mình xịt Listering khi ăn ngoài trời thì thần muỗi di tản chỗ khác. Ông cụ ra chợ, lựa mua một cành đào đem về cắm trong cái bình hoa cao cổ lớn, kêu mình bỏ vài viên Aspirine vào nước để lâu tàn. Chắc thuốc này làm loãng máu nên cành đào không bị tai biến mạch máu sống lâu. Người tây phương thì có cây thông, còn dân mình thì phải có cành đào hay cành mai.

Những năm có bà ngoại thì mình đi với Mệ lên chùa Linh Sơn nghe thầy thuyết pháp nhân lễ Giao Thừa rồi khi ra về thì hái lộc, mấy phật tử leo cây, viếu cành để bẻ trụi mấy cái cây dọc thang cấp lên chùa, có mấy con rồng. Cúng giao thừa xong là ông cụ đem một bánh pháo Điện Quang dài một thước, có gắn pháo tống ra ngoài hiên, gắn lên cái đà rồi châm lửa đốt với cây hương. Có năm ông cụ xin đâu được cây tre đem về làm cây nêu, treo pháo tòn ten. Khói bay mịt mù, tạch tạch tạch đùng,..., trong khi mình bịt tai, mũi thì ngửi mùi thuốc pháo, phê không thể tả. Mình chả hiểu lý do đốt pháo, nghe kể là để làm mấy con ma, con quỷ núp trong sân sợ mà bỏ trốn sang nhà hàng xóm ngụ. Sau vụ đốt pháo thì đi ngủ, không quên mở tủ coi lại hai bộ quần áo, xem còn hay mất, rồi kêu gút nai.

Sáng ra, mình lượm mấy viên pháo bị xì rồi tháo cái vỏ giấy đỏ, đổ thuốc xuống sàn xi măng đốt lửa nghe cái xèo, thơm mùi thuốc pháo. Sau Mậu Thân thì lượm mấy viên đạn, lấy kềm bẻ đầu đạn, lấy ra rồi đổ thuốc súng ra đốt. Thằng Đắc, con anh Bình trong xóm suýt chết vì lấy cái đinh đóng ngay trung tâm cái chuôi đạn cho nổ. Có người lấy đạn pháo binh 122 mm, lấy đầu đạn ra để lấy cái vỏ đạn bằng đồng làm bình hoa hay bán cho ve chai. Nhớ có ông hàng xóm đi lính pháo binh, đem về mấy viên pháo tống, cho nổ nghe kinh hồn. Có lần quân cảnh nghe tiếng pháo tống nên bò lên hỏi ai đốt vì nghe nói là pháo này dùng cho khi đi hành quân.

Sáng hôm sau mình dậy rất sớm, hỏi bà cụ bận đồ mới được chưa, bà cụ như tiếc nuối, như sợ "hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều" nên bảo đợi ăn xong mới được bận vì sợ mình làm dơ áo khi ăn. Thế là mình ngốn nghiến chả thủ, bánh tét, thịt đông của bà cụ làm mấy ngày trước rồi chạy ra hỏi bà cụ, vẫn phải làm đủ trò đến khi khách đến thăm thì mới được phép bận rồi ra chào khách để được lì xì. Áo quần rộng nên mình cứ xúm xính, phải xăn lai quần, xăn áo sơ mi, giày thì rộng đi muốn rớt ra ngoài nên phải lết lết đôi giày nhưng lòng hồ hỡi, hạnh phúc cực, chạy qua hàng xóm khoe áo mới, dặn em út ở nhà có khách đến là chạy qua kêu mình về để có lì xì lắc bầu cua.

Khách xông đất nhà mình thường đã được ông bà cụ nhờ mấy ngày trước vì tin dị đoan, phải là người có đức, có tiền nên thường thường là những người ngoài phố. Thấy khách đến thăm thì mình đứng tòn ten nơi cửa bếp, tai cứ ngóng đợi ông bà cụ kêu ra để lãnh lì xì. Khách quý thì bà cụ đem chả thủ ra mời nếu là người Huế, thịt đông, giả cầy nếu là người bắc, không có màn thịt heo kho vì có lẽ ít quen người nam. Thêm bà cụ mời mứt dâu và uống rượu dâu do chính tay bà cụ làm. Mình không nhớ rõ cách làm của bà cụ, chỉ nhớ là khi làm mứt dâu thì có mấy trái bị gãy cọng hay bị nát, bà cụ gom lại nấu dâu cho nát rồi lọc với cái phễu, bỏ cặn đi rồi pha với rượu đế rồi bỏ vào cái bình pha lê để đựng rượu Tây.

Mình nhớ có lần cúng đầy tháng một đứa em, ai cho một chai Champagne, khách khứa mỗi người được một ly nhỏ, ai nấy đều uống chậm chậm từng giọt để tận hưởng hương vị của rươu Tây. Nghĩ lại thì họ uống không đúng cách của người Tây vì rượu này phải uống lạnh chớ không uống với nhiệt độ của phòng như rượu đỏ nhưng ông chú, em bà con của ông cụ, cứ gục gặc cái đầu như con gà mái mổ đất tìm thức ăn, khen ngon ngon, Tây có khác.

Bà cụ mình có cái tài làm mứt, bà luộc gừng, bí,...trước khi rim để chất dầu trong gừng, bí,.., chảy thoát ra cho nên mứt của bà cụ luôn luôn khô ran khô rốc nên mấy tiệm bánh như Thanh Nhàn dành nhau để lấy ra chợ bán cho dân thị xã. Từ ngày rời Đà Lạt mình chưa bao giờ ăn lại mứt ngon như của bà cụ làm. Bà cụ còn làm món mứt đặc sản của Đà Lạt: mứt dâu Đà Lạt, rim dâu còn nguyên cái cuống xong thì lấy giấy bóng vàng, đỏ, cắt ra nhỏ rồi đợi khô cuốn lại để lòi cái cuống ra. Mình có nhiệm vụ cắt ba cái giấy bóng này.

Ai cũng khen bà cụ khéo tay còn mình thì chỏ mõm như chó đói, đợi họ lì xì. Nhưng người lớn, họ thích tra tấn con nít nên nói chuyện từ năm Canh Dần sang năm Ất mùi khiến mình phải ở nhà, không dám đi chơi, sợ mất lì xì. Tính ra thì không lợi, phải đãi khách đủ trò, bia, nước cam, giò thủ, rượu dâu,..bánh tét bánh chưng để họ lì xì cho mấy anh em mình rồi mình phải đi rửa ly tách, chén đĩa để còn đón khách khác. Tốt nhất là ông bà cụ chả mua sắm gì cho mất công, cứ cho anh em mình tiền rồi khách đến nhà thì mình cứ bảo là bố mẹ cháu đi vắng là lời to.

Sau Mậu Thân thì trước Tết, sau khi đi chợ về bà cụ lại tranh thủ làm thêm mứt, bỏ mối cho mấy tiệm bánh ngoài chợ như Thanh Nhàn nên ăn mấy miếng mứt vụng mệt thở, kiểu nhà vườn ăn lá sâu. Còn gừng bào ra bị nát hay lát nhỏ quá thì thái nhỏ ra làm mứt dẽo có đậu phụng. Giáng sinh trời lạnh ăn món này uống trà thì tuyệt.

Bà cụ dặn mình là không được qua nhà hàng xóm ngày mồng một vì sợ mang lại xui xẻo cho gia đình họ cho nên mồng 2 mới dám lò mò sang hàng xóm chơi để khoe giày mới, áo quần mới. Sau này lớn lên mới hiểu, mình da đen như cột nhà cháy, đầu năm xông đất nhà thiên hạ thì gia đình họ chỉ có nước đi ăn mày cả năm. 3 ngày Tết mình không thích ăn đồ ăn ở nhà, cứ có tiền lì xì là chạy ra phố, ăn mỳ Cẩm Đô, phở Bằng hay mua bánh mì Gala hoặc chen lấn để mua vé xem xi nê.

Sau này quân đội Mỹ đổ bộ sang thì bà cụ mua mấy két bia lon Mỹ, RC Cola về để mời khách trong những ngày Tết. Khi xưa thì ai cũng uống bia của hãng Larue B.G.I., hình con cọp màu vàng hay chai nhỏ 33 export, nước cam vàng, xá xị nhưng từ ngày Mỹ sang thì thức uống được mỹ hoá khá nhiều như uống coca cola, Fanta, Dr. Pepper,.. trong mấy cái chai rồi để dành đợi bà mua ve chai đến bán. Mình không nhớ tên ông bạn quen với ông cụ mình, ở xóm Địa Dư gần trường Grand Lycée, làm hãng Mỹ, tới nhà ông ta thấy cái tủ lạnh, chứa đủ đồ ăn thức uống của Mỹ. Ông ta cho mình uống một cốc sữa tươi lần đầu tiên trong đời, thơm không thể tả.

Thường mồng một thì cả gia đình khởi hành vào giờ hoành đạo, thuê xe Lam đi viếng am Mệ Cai, nơi mà bà cụ bán cái vía của mình vì nghe nói khi xưa mình hay đau ốm hoài, khó nuôi, ở đường Nguyễn Công Trứ, hái lộc, cúng dường xong thì thăm chúc Tết mấy người bà con vai vế cậu mợ của bà cụ như ông bà Võ Quang Tiềm, Nguyễn Văn Phúng, Nguyễn Văn Đàng,... Mình không thích mấy người bà con này nhiều lắm vì họ giàu nhưng lại chúa trùm sò, lì xì rất hạn chế nên không muốn đi nhưng ông bà cụ bảo phải đi. Nói tới giờ Hoành đạo làm mình nhớ có lần, tên thầy bói nào mách nên ông bà cụ kêu xe Lam đi, thay vì chạy lên hướng Số 4 từ Hai bà Trưng, ông bà cụ kêu ông tài xế chạy về hướng Cẩm Đô rồi rẽ sang Phan Đinh Phùng chạy về Mả Thánh tốn thêm tiền là thấy tiền ra trước cái đã.

Có năm ông bà cụ lấy xe đò xuống Blao chúc Tết ông Ngoại của mình thì bà ngoại ghẻ la lối đuổi ra không cho vào. Mình thấy ông cụ cứ thúc bà cụ đi về còn bà cụ thì khóc như mưa bấc. Dạo đó còn nhỏ nên chả hiểu mô tê chi cả, sau này lớn lên thì mới biết là ông ngoại đi kháng chiến, dinh tê qua Lào rồi định cư ở Blao, trồng trà, khá giả nhưng không có con với bà sau này. Bà này thì sợ bà cụ mình về chia gia tài do đó, tìm cách không cho ông ngoại gặp bà cụ mình. Sau này bà ngoại ghẻ đánh bài, cầm bán hết gia tài của ông ngoại. Sau 75 thì ông ngoại mất tích, con cháu không biết tin tức nên không biết ngày giỗ.

Mồng 2 thì mình theo bà cụ đi đổ xăm hường hay chơi bài tới ở ngoài phố tại nhà bà con hay ở nhà dì Tân, kêu Mệ ngoại mình bằng dì ruột ở đường Hai Bà Trưng. Hồi đó mình biết chơi bài tới, đi chợ, ù tùm lum tá lả nay quên hết. Người Huế có cái trò đổ Xăm Hường, dùng 6 hột xí ngầu, đổ vào cái tô bằng sành to, nghe mấy hột xí ngầu kêu leng keng rất đã tai, ai đi ngoài đường cũng phải nghe. Hình như đàn bà thích chơi trò này vì không đấu trí như xập xám chướng, xì dách chỉ may rủi. Lâu quá mình không nhớ cách chơi, chỉ nhớ là đỗ mà có con số 4 thì được 1 hường thì lấy một thẻ nhỏ, rồi nhị hường, tam hường nếu có 3 hột xí ngầu có số 4, màu đỏ rồi Trạng em, Trạng Anh thêm trò giật Trạng khá vui, có mấy cái thẻ bằng ngà viết chữ tàu màu đỏ chả hiểu gì cả.

Sau 3 ngày Tết thì tiền lì xì cũng hết vì ăn hàng, mua vé xi nê hay đánh bài xì lác nên mới bắt đầu thấy bánh tét, bánh chưng là ngon, nhất là chiên. Có cái đám người nam hay ăn bánh tét với đường, hơi lạ lạ nên mình có thử, không thấy ngon. Quần áo mới thì cố gắng giữ gìn trong ngày đầu năm sau đó thì cũng quên, nhiều khi đập lộn với tụi trong xóm làm dơ hay rách cả áo quần.

Sau này thì thích nhất là canh nấu bánh tét của nhà ông Tước và ông Hoà, hàng xóm. Tối ngồi quanh hai cái nồi của hai nhà, nghe mấy người lớn tuổi kể chuyện ma khiến mình hơi ớn ớn, tối về trước khi đi ngủ phải thắp hương ở bàn thờ mệt nghỉ. Dạo có Mệ ngoại ở với gia đình mình thì có vụ đánh bài tới với mấy quân bài như Nọc đượng, Gà, Ầm,... Mình có xem người ta chơi bài chòi trên số 4, toàn là dân gốc Huế nhưng không hiểu gì cả. Hy vọng có ngày sẽ về Huế để xem người ta chơi môn này lại. Hôm trước ăn Tết ở bên vợ, mình thấy mấy đứa cháu chơi cái gì mà mỗi đứa cầm cái điện thoại cầm tay rồi la hét om xòm. Chắc là bài tới năm 2015.

Mình nhớ Tết Mậu Thân thì không hiểu vì sao pháo năm đó rẻ nên thiên hạ mua nhiều. Ngay ông cụ mình chơi 2 bánh pháo dài 2 mét, năm đó vui không thể tả nhưng sau đó thì mình chứng kiến cảnh chết chóc, sự tàn phá của chiến tranh. Tết năm đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong mình. Mình bắt đầu nghĩ đâu đâu, mất đi tuổi hồn nhiên của một thời. Nhiều người hỏi mình tại sao nhớ nhiều chuyện ngày xưa trong khi họ thì chả nhớ. Mình chỉ biết trả lời nhiều khi, quên là một cái may mắn của đời người vì nhớ chỉ làm mình thập thò về quá khứ thay vì hướng về tương lai.

Chúc các bác một năm mới vui vẻ và được nhiều sức khỏe.
Nhs

2/27/15