Tết Ta, Tết Tây, Tết Mỹ


Tính ra mình ăn 16 cái tết ta ở Đà Lạt, 14 cái tết ta ở Tây, 37 cái tết ta ở Mỹ còn tết Tây thì ăn tứ xứ. Hàng năm cứ hết lễ Tạ Ơn là mình gửi thiệp chúc mừng năm mới bằng anh ngữ cho khách hàng, bạn bè và thân quyến rồi lại nhận được những lời chúc tụng của họ với những sáo ngữ. Viết thiệp cho bạn bè ngoại quốc, khách hàng,..là viết theo phép xã giao trong nền văn hoá của bản địa. Nay chỉ viết tay cho những người quen ở Pháp, đã giúp đỡ mình khi xưa. Lý do là đa số thân hữu đều theo dõi mình qua các mạng xã hội nên không cần tóm tắc các hoạt động trong năm của gia đình.

Tại Cali, hết mùa lễ Tạ Ơn là thấy tiệm, quán bắt đầu treo đèn, chuẩn bị mừng Giáng Sinh, thiên hạ đi sắm đồ, mua quà cho thân nhân, bằng hữu khiến xe cộ nghẹt đường rồi đến Tết dương lịch, bắn pháo bông khắp nơi, người ta đón năm mới, khởi đầu cho một chu kỳ mới, bao nhiêu điều ước, dự tính muốn thực hiện trong năm mới, đều bị quên lãng ngay tuần lễ đầu. Mình cũng lê lết theo vợ con, tiệc tùng với các thân hữu nhưng lòng vẫn không rộn ràng như khi Tết Ta về.
Nhớ dạo còn ở Âu châu, dù đi làm ở Thuỵ sĩ, Ý, Anh quốc, Đức,..ngày Tết ta, mình đều lấy xe lửa hay máy bay về Paris ăn Tết với hai người em trong 2 ngày cuối tuần. Cũng không gì đặc biệt ngoài cúng giao thừa, ăn bánh chưng, mứt,.., kể chuyện xưa khi còn ở nhà. Thời sinh viên sau Tết Tây, mình ra khu Maubert Mutualité xem mấy bích chương để biết ngày nào tổng hội sinh viên tổ chức hội chợ Tết. Nói hội chợ Tết cho oai, thật ra chỉ có văn nghệ và nhảy đầm, có vài gian hàng bán bánh, mứt,.., được tổ chức trong rạp vì ngoài trời gió lạnh nhiều năm có tuyết. Dạo đó có 2 hội Tết: một thân cộng và một chống cộng đều được tổ chức tại rạp Maubert, chỉ cách nhau một tuần. Có màn đánh nhau, phá đám, không khí Tết tha phương có thêm tí chính trị máu lửa vào giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc.

Tuần này, thấy trên diễn đàn, bạn bè chúc tụng năm mới khiến lòng mình vui hẳn lên, không như dạo Tết tây, cũng những người ấy chúc Happy New Year mút mùa lệ thuỷ. Tại sao lại có sự nghịch lý như vậy? Mình sống ở hải ngoại lâu năm hơn Việt Nam, đáng lý mình phải hồ hởi khi Tết Tây, Tết Mỹ về nhưng không, đằng này ngày 23 ta, mình làm cơm, mua trái cây, cúng ông Táo về trời, rồi đêm 30, sửa soạn, làm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết rồi dẫn con đi chùa, xem 3 mẹ con xin xăm, lạy mệt thở. Không quên khấn thổ thần đất đai bằng tiếng Mễ và cúng rượu Tequila.

Nếu những ngày Tết ta trùng ngày trong tuần thì mình vẫn đi làm, một ngày như mọi ngày, đi làm đóng thuế nhưng không hiểu lý do Tết ta, tết Việt Nam vẫn làm mình chộn rộn, háo hức vì trong nhà có mùi hương khói, đèn cầy, bánh mức, bánh trái? Cũng những người bạn gửi imeo hay gọi điện thoại chúc Tết Tây tháng vừa rồi, không làm mình cảm động nhưng hôm nay 4 chữ chúc mừng năm mới đã làm mình xúc động.

Có lẽ Tết ta đối với mình là Tết của ký ức, không phải là một sự kiện như năm mới của người Mỹ mà là không gian của vùng trời ký ức vì chúng ta có thể tránh sự kiện nhưng không thể tránh không gian của Tết, không gian của hoài niệm. Không gian khó tả ấy bao trùm lấy mình, chuyển hoá mọi sinh hoạt hàng ngày thành Tết. Tết là bản thể, Tết là những gì kí ức còn lại trong cuộc sống lưu vong.

Có lần cô em út ở Việt Nam nói chuyện với mình qua điện thoại, nói ông bà cụ mình muốn về Bắc ăn Tết nên mình gửi tiền để cô em mua vé máy bay và đưa thêm cho bà cụ chuẩn bị về quê, quà cáp theo phong tục. Mọi lần ông bà cụ ăn Tết ở Đà Lạt xong mới ra Bắc nhưng năm nay lại đi trước Tết và ở lại đâu 6 tuần. Cô em xin đi theo ông bà cụ vì chưa bao giờ về quê nên mình đồng ý vì có người lo thuốc thang cho ông bà cụ cũng đỡ lo. Hôm kia, cô em nhắn tin, kể là đang canh bánh chưng ở quê, có không khí Tết hơn thành thị. Lúc đó mình mới hiểu lý do mà ông cụ thích về quê ăn Tết.

Việt Nam là một xứ nông nghiệp, dân chúng sinh sống xung quanh làng xóm, theo những tập tục, lệ làng đời này truyền sang đời sau. Con người bé nhỏ trước thiên nhiên, trước những thiên tai,..tàn phá mùa màn, lẻ sống của họ nên vua khi xưa, hàng năm phải đến đàn Nam Giao để tế lễ, lạy trời đất, cầu cho mưa thuận gió hoà để nông dân làm ăn. Nền văn minh lúa đã tạo nên những lễ hội tuỳ địa phương. Khi nói đến lễ là nói đến việc cúng tế, còn nói đến hội là chơi vui, xả hơi sau năm tháng quần quật trong công việc đồng áng.

Tháng Giêng là tháng ăn hơi Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà Tháng Ba thì đậu đã già Ta đi ta hái về nhà phơi khô ...... Bài này học đâu hồi lớp 5ème, giờ cô Ngô thị Liên. Cái phần lễ trong những ngày hội Tết đã biến không gian Tết trở nên thiêng liêng, có một sắc thái riêng biệt về tín ngưỡng, tạo nên một kích thước siêu hình, có chức năng tạo sự liên kết giữa người trong làng, giữa người trần tục và người đã chết. Trong làng tổ chức những nghi lễ, mời các Thần Hoàn về trù trì các buổi lễ cầu an, các gia đình thì làm cơm mời tổ tiên về ăn tết trong 3 ngày tết. Ông cụ mình thích về quê ăn Tết, tìm lại những tập tục của làng xã. Năm nay, gia đình mình cúng mời bà ngoại về ăn Tết với con cháu, vẫn tổ chức họp mặt thường niên giữa các anh em, con cháu để vui chơi trong vài tiếng đồng hồ rồi mai lại trở về cảnh làm người Mỹ.

Hồi nhỏ Tết đối với mình là sự liên thông giữa gia đình, bà con hay người trong làng của bà cụ. Cuối năm, các người cùng làng của bà cụ, di cư vào Đà Lạt, rủ nhau sáng đi chạp mộ ở Mả Thánh, trưa thì tụ họp lại cúng Thần làng rồi ăn ở nhà Bác Thành chạy xe lam ở số 4. Đầu năm, nói lên tình thầy trò khi bạn học rủ nhau đi chúc Tết thầy cô. Ngày nay, ở hải ngoại thì Tết là một sự kiện hàng năm, nhắc nhở đến chúng ta về ý niệm nguồn gốc, bản thể nên có tính chất rộng lớn của phạm vi dân tộc, quốc gia mình đã bỏ lại trên con đường tìm tự do.

Ngoài Bôn Sa có chợ Tết nhưng nghe nói ế vì đắt đỏ, sẽ có hội chợ sinh viên thường niên. Khi xưa, có chợ Tết của cộng người Việt nhưng nay chắc thế hệ thứ 1 đã già nên hết thấy tổ chức, chỉ còn chợ tết do tổng hội sinh viên nhưng lại rất xa khu người Việt sinh sống. Không biết trong tương lai có còn thực hiện hay không.
Với chức năng ấy, lễ hội của những ngày Tết đã tạo ra một mẫu số chung cho những người cùng làng, trong tỉnh dù bôn ba hải ngoại vẫn nhận ra nhau. Những hội thân hữu ở hải ngoại mọc lên đầy như hội thân hữu Đà Lạt, Thừa Thiên, Bạc Liêu, Cần Thơ,.... Lúc mới ra hải ngoại, người việt lưu vong nhìn nhau qua mẫu số chung là người Việt nhưng dần dần cái mẫu số chung đó bị nhạt dần, cuốn xoắn trong nền văn hoá sở tại. Người lưu vong tìm về không gian của ký ức, nơi mình sinh ra như Đà Lạt, Huế, Hà Tỉnh,... Một người sinh trưởng ở Đà Lạt và một người sinh trưởng ở Cà Mau, ngoài tố chất Việt thì hoàn toàn không có chung những lệ làng, tập tục,... Ông cụ mình vào Nam gần 70 năm, bạn hữu quen trong Nam dần dần đã ra đi, ông cụ đơn độc còn 1 người bạn khi xưa cùng sinh tử trong quân đội và ở cùng trại cải tạo, cho nên ông cụ thích về quê ăn Tết là muốn tìm về kí ức, của làng xóm, những người có cùng một mẫu số chung, để hoà nhịp lại trong không gian của ký ức tập thể, của thời thơ ấu.

Lúc mới rời Việt Nam, ra đường gặp ai là Á châu là chạy lại hỏi chuyện nhưng sau 50 năm người việt lưu vong gặp một người việt thì không còn thấy gần gũi như 50 năm trước vì bản thể của chúng ta đã được hoà tan trong nền văn hoá Mỹ hay của nước sở tại. Chúng ta đã an cư lập nghiệp tại đây, quen đường biết lối, không còn bỡ ngỡ như 50 năm về trước, cho nên khi chúng ta chọn bạn để chơi, không nhất thiết mẫu số chung là người Việt Nam nữa.

Hôm trước, mình có người mướn nhà mới, gốc Guatemala nên gọi ông thợ cũng gốc Guatemala, hỏi có muốn làm quen gia đình Guatemala nầy không. Ông ta kêu không. Chán Mớ Đời 

Trên diễn đàn, đọc bài của nhiều tên, nhiều ả mà mình không biết, chưa bao giờ gặp mặt nhưng vẫn cảm nhận, có cái gì thân quen, vì họ có cùng một mẫu số chung là cựu học sinh của Văn Học hay Yersin Đà Lạt, có cùng kỷ niệm về ông thầy bà cô tương tự như ông cụ mình về quê, gặp một thằng cháu của một người quen trong làng vẫn không thấy xa lạ vì hắn có cùng mẫu số chung, sinh trưởng tại làng ông cụ. Năm nay mình rủ vài người bạn học xưa và gia đình đi ăn Tết do nhóm thân hữu Đà Lạt tổ chức hàng năm mà mình chưa bao giờ tham dự. Từ khi bắt gặp lại nhóm học chung khi xưa ở Văn Học hay Yersin, bỗng nhiên mình hay nhớ về Đà Lạt, những kỷ niệm buồn vui của một thời, hí hoáy viết lại những kỷ niệm, những thao thức của một thời đã kinh qua.

Ở hải ngoại, nói rõ hơn ở Cali nơi mình đang trú ngụ, người Việt lưu vong có thể không cần biết nói tiếng anh. Muốn ăn phở thì ra tiệm phở, có rau húng quế, giá sống giá trụng, có bún bò mụ Diễm, có mì quảng. Đi bác sĩ thì có bác sĩ gốc việt, nha sĩ gốc việt, nhảy đầm có ca sĩ hát tiếng Việt, xem truyền hình, nghe radio tiếng Việt,.... 

Trên xa lộ có cái bảng chỉ đường to lớn Little Sàigòn, thủ đô của người Việt tị nan. Hôm qua đọc tin tức, thành phố Santa Ana mới cho dựng lại một bức tường Little Sàigòn mà cách đây mấy năm có tên nào lái xe đâm vào làm bể. Thành phố phải đợi mấy năm mới có ngân quỹ $84,000 để làm lại. Cho thấy phòng thương mại người Việt tại Quận Cam, chả làm gì cả khi bức tường bị vỡ. Kiếm công ty bảo hiểm của tên lái xe ẩu để đền. Mình nghĩ không tới $84,000 nhưng vì thành phố nên phải chi đủ trò. 

Nói như vậy không có nghĩa họ sống theo văn hoá Việt, họ vẫn sinh hoạt theo luật lệ, đời sống thường nhật của xã hội Mỹ. Cuộc sống họ đã được biến dịch, Mỹ hoá, làm việc quần quật, trả bills hàng tháng, ngôn ngữ của họ cũng được pha các từ anh ngữ, cô động hơn là họ sống như một người Mỹ gốc việt. Người việt lưu vong quên dần cái bản thể Việt tính của mình và chỉ có những lễ hội Tết mới kéo họ về nguồn gốc của họ, tìm lại căn cước của nguồn gốc Việt, giúp họ tìm lại chút gì để nhớ trong kí ức.

Cách đây hai tuần thằng con gọi điện thoại hỏi khi nào Tết vì nó muốn về ăn Tết ở nhà. Mình không biết nó về vì được lì xì như mọi năm hay gặp lại các anh em bạn dì, cô cậu của nó hay muốn tìm lại chút dư âm của thời thơ ấu. Hồi còn bé, mình hay dẫn nó đi xem múa lân, cõng trên vai lắc lư tùng xèng tắc tắc, đi hội chợ Tết do tổng hội sinh viên tổ chức. Sau này cộng động người Việt thấy lời nên nhảy ra làm tiền, cãi nhau, tranh tụng không còn để ý đến văn hoá nên mình chán không đi nữa.

Năm nay, con gái đang làm việc tại Nữu Ước nhưng cũng bay về như mọi năm để ăn Tết với gia đình. Thậm chí khi học ở Hương Cảng, cũng bay về. Kêu có lần học ở Ý Đại Lợi, nên ghé Paris hai tuần. Nó cảm thấy buồn vì vắng bóng người thân, anh chị em họ hàng. Năm nay vui lắm được bận áo dài, đi chùa xin xăm đầu năm.

Hàng năm gia đình bên vợ đều tụ họp lại ăn Tết, chúc tết nhau, con nít được lì xì để đánh bầu cua cá cọp, còn người lớn thì chơi bài Xì lác. Có đứa kêu đồng chí gái bằng Bà, chúc bà đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái làm ai cũng nhìn mình như thách thức một chuyện khó mà thực hiện được. Cửa khẩu của đồng chí gái nay như khô mực. Chán mớ đời! 

Những ngày tết, lắc bầu cua, chơi bài, lì xì,..., do người lớn thế hệ thứ nhất tạo lại không gian của ký ức, đi chùa lễ Phật, hái lộc, xin xăm vô hình trung đã tạo dựng nên một bản thể, truyền thống cho thế hệ con cháu mình, mặc dù chúng không rành tiếng việt nhưng có cái gì làm mẫu số chung để chúng nhận ra bản thể của mình khác với những bạn học.
con Gái và đồng chí gái 
Người Mỹ gốc Do Thái có những Yom Kippour, người gốc Miên có tết riêng của họ hay người Thái, Lào tương tự cũng có những lễ hội, trong mấy ngày họ tạm đình, gác lại công dân Mỹ, tìm lại những phần tử có cùng mẫu số chung, cũng bản thể, có cùng truyền thống để củng cố lại bản thể, gốc tích của họ. Có lẽ vì vậy mà lòng mình cảm thấy nao nao khi không gian của Tết bao trùm, quyện lấy tâm thức vì trong vài ngày của một năm, mình tìm lại cái phạm trù việt tính, chất Việt trong ký ức của một kẻ lưu vong vì Tết đã đẩy mình về với cội nguồn, là người Việt trong tận cùng của xương tuỷ, nhận lại căn cước Việt dù chỉ vài ngày.

Chúc mọi người được nhiều sức khoẻ trong năm mới.

Nhs