Nguyễn Hoàng Sơn
Năm nay gia đình mình ăn Tết bình thường, chỉ thấy trống trải khi các anh em, con cháu hội tụ chúc Tết, lắc bầu cua vì thiếu sự hiện diện của bà ngoại, bà nội, bà cố. Đón thằng con đi học xa về được một ngày ăn Tết rồi lại chở đi lại. Cô con gái thì phải trực ở hội chợ Tết vì đoàn hướng đạo lãnh phần giữ trật tự. Cuối tuần thì đi dự hai buổi họp mặt Tân Niên với hội ham Dzui và hội Thân Hữu Đà Lạt.
Từ 2 năm nay, đồng chí gái tìm lại được bạn học xưa ở Trưng Vương nên hay có trò họp mặt. Một trong những người bạn xưa lấy một tên cựu học sinh Marie Curie, là thành viên trong hội Ham Zui, hàng năm họ tổ chức nhảy đầm, mời vũ sư biểu diễn kiếm học trò, bú xua la mua. Như PĐD kể là cái đám trường tây gặp nhau chỉ biết nhảy đầm nhưng họ tự nhận là hội Ham Zui nên không có gì thắc mắc. Trong đời sống hàng ngày, họ bận bịu nên cần những giây phút giải trí. Năm ngoái mình có đi dự thì thấy Trung Hành và ban nhạc Mây Trắng thêm ca sĩ Minh Xuân, chơi toàn những bản nhạc thời mình bắt đầu để ý đến các đối tượng, đưa mình về không gian của một thời tập yêu.
Mình thì không thích nhảy đầm nhưng lâu lâu phải chìu đồng chí gái vô vàn kính yêu đi để cho mụ vợ chụp hình với mấy bà xồn xồn, ẹo qua ẹo lại như tìm lại chút hương xưa, dĩ vãng của thời thanh xuân. Năm nay mụ vợ lại rủ thêm 2 cặp. Ca sĩ Minh Xuân đã già, xin lỗi là bị đau nên giọng hát hơi có vấn đề. Hát mấy bài tiếng Tây nhưng lên không nổi như Les amoureux qui passent,.. Còn Trung Hành thì vẫn chơi guita, mặt vẫn vênh vênh. Có ca sĩ nào khá già, tóc muối tiêu, có bộ râu mép trông giống kép Văn Hường lên hát nhạc ngoại quốc, nhạc của Rolling Stones, cũng không lên nổi I can't get no....
Có màn biểu diễn nhảy đầm của cặp vũ sư người Nga rồi một bà xồn xồn gốc Việt bận đồ như chương trình "dance with the stars" lên biểu diễn với một tên mỹ, bỗng hồi hợp quá, quên bố phải nhảy ra sao nên lui về một góc đứng trong khi tiếng nhạc vẫn chưa dứt nhưng vẫn được khán giả hoan nghênh tinh thần tự giác tự ngưng.
Có hiện tượng là ca sĩ đang hát, khán giả chạy lên san khấu đứng bên cạnh chụp hình, tải lên Phây xờ Búc. Ăn cơm Tàu nghe nhạc Tây, chỉ có ở xứ Mỹ này, lâu lâu thấy lạc vài tên Mỹ làm chồng vợ Việt. Mình thấy hai tên bồ nhí của hai bà xồn xồn. Mình có nghe nói đến Vnese Gigolo nhưng nay mới thấy mặt. Hai cặp này rất tình, hai tên bồ nhí bận đồ thấy rất điếm đực. Khà khà khà. Nghe một bà vợ bác sĩ kể; có ông bạn ly dị vợ nhưng mỗi tháng phải chu cấp cho vợ cũ $10,000.00 để bà ta hàng ngày đi tập thể dục, cuối tuần vác con lại đưa cho ông ta trông rồi cùng bồ nhí đi nhảy đầm. Hè lại phải cong lưng ra đi làm để trả tiền cho mụ vợ cũ đi nghĩ hè với bồ nhí. Vì vậy, bên Mỹ đàn ông rất sợ vợ vì tiền bảo dưỡng cho vợ cũ rất cao. Nói vậy cũng không đúng lắm. Mụ vợ mình có bà bạn ly dị, nhưng vì lương bà ta nhiều hơn chồng nên mỗi tháng phải chu cấp cho tên chồng cũ khiến bà ta rất căm thù chế độ cũ.
Hôm sau lại đi ngày Tết do hội thân hữu Đà Lạt tổ chức. Đây là lần đầu tiên mình tham dự vì có lần bà cụ sang chơi, mình có đưa đi dự picnic của hội thân hữu Đà Lạt, thấy toàn người già mà mình thì chả gặp ai quen. Từ ngày tìm ra lại vài người học chung ở Yersin xưa thì có gọi điện thoại cho hội Thân Hữu Đà Lạt, xin đặt một bàn dành cho bạn bè, có Bích Đào của Yersin, luôn luôn xuất hiện trong những buổi họp mặt thân hữu, gia đình Phan đình Diễm, vợ chồng Tuyết Phượng, cựu học sinh Yersin và Văn Khoa. Anh Ân, một thành viên của hội, chạy xe tới nhà mình để giao vé thay vì gửi qua bưu điện hay để mình đến lấy ở bàn của ban tổ chức. Anh nghe có người Đà Lạt thì mừng lắm, muốn gặp mặt đồng hương vì trong buổi lễ, chắc sẽ không có thì giờ nói chuyện nhiều. Anh ta ở trong ấp Xuân An, là bạn học cũ của ông cậu bà con với mình.
Chủ tịch của hội là chị Ngọc Tịnh, gốc Huế, nghe nói khi xưa là sinh viên của đại học Đà Lạt, khoa Chính Trị Kinh Doanh, từ vùng Đông Bắc mới về Cali mấy năm gần đây. Bích Đào nói người đánh đàn là anh của Hạnh Ù, cựu học sinh Yersin, ở số 7A đường Hai Bà Trưng. Mình có gặp mặt một anh huynh trưởng hướng đạo Đà Lạt khi xưa, cháu của cậu Đằng, hay chạy chiếc xe hai bánh Lambretta, huynh trưởng của hướng đạo Lâm Viên Đà Lạt khi xưa.
Chương trình bắt đầu với lễ chào quốc kỳ của Hoa Kỳ và VNCH, sau đó là những hợp ca các bản nhạc chúc xuân, đến các cháu sinh tại Mỹ, múa Lân, múa hoạt cảnh mùa xuân có hoa anh đào,.. Có ca sĩ Anh Dũng đề nghị tổ chức Hội Ngộ của người Đà Lạt khắp thế giới, có thêm anh Nguyễn Bá Thành, say sưa không cần biết em là ai của Diệu Hương cũng lên tiếng ủng hộ để giúp tổ chức. Có anh Hạnh Cư hát bài ca do chính anh sáng tác về Đà Lạt,\..lấy vạt áo dài che nhau, nghe rất lãng mạn nhưng nghĩ kỹ thì không biết che cái gì, che tay anh ta đang hành quân trên những vùng chiến thuật của người yêu? Chán mớ đời! Đang ngồi thì lù lù đâu tên Nguyễn Tiến Vinh, cựu học sinh Yersin, Văn Học, nhà ở Đào Duy Từ, Dốc Nhà Bò, nghe nói có Bộ cũng cựu học sinh Văn Học nên chạy lại vì hai tên này học chung với nhau ở Văn Học. Mình nhìn mặt tên này thấy quen quen nên hỏi hắn thì có thể hắn là tên chận đánh mình khi đi vào Suối Tía làm vườn khi xưa. Hắn hứng tình nhảy lên sân khấu chơi một bản tiếng Tây " Si l'amour existe encore" của Jean-Francois Michael. Giọng tên này rất cao, hát có hồn nên chị Ngọc Tịnh chạy lại xin số điện thoại để lần sau tổ chức, kêu hắn đóng góp.
Cô con gái mình đi bơi tối thứ 6, bị cảm lạnh nên bắt đầu ho, đồng chí gái chở con bé về trước sau đó vợ chồng Tuyết Phượng đưa mình về. Bộ nói quá rẻ $30, được ăn đủ thứ thêm nghe nhạc, đưa mình về trong vài tiếng đồng hồ về khung trời kỷ niệm của Đà Lạt khi xưa. Mình nói với vợ chồng Tuyết Phượng là năm sau nên rủ nhau đi để ủng hộ ban tổ chức vì chắc chắn là không có lời, thêm được vài tiếng đồng hồ tìm lại ký ức tập thể Đà Lạt của một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét