Sơn đi chùa Hương


Hôm trước PBĐ, ông tu bíp ở phố núi cao kể rằng; hắn đau vì kéo dựng ngược chiếc xe nên cái xương sống bị cái cụp, nằm trên giường cả tuần, nhớ đến mình rồi nhắc đến một vị đồng nghiệp của hắn mà mình có dịp gặp một hay hai lần ở Việt Nam 20 năm về trước tại một hội thảo quốc tế về phát triển Việt Nam cho thế kỷ21.

Vị bác sĩ này lớn tuổi hơn mình thì phải, chỉ nhớ hắn rủ mình đi chùa Hương vì trong một đêm Văn nghệ, có ông Trung Đức, tác giả thứ 2 bài "Em Đi Chùa Hương" phổ từ thơ của Nguyễn Nhược Pháp, hát tặng mọi người. Hắn bảo mình có cô ca sĩ nào 13 tuổi hát bài này hay hơn Ái Vân vì bé bé xinh xinh. Mình tính đi viếng vịnh Hạ Long nhưng ông thần này và một tên khác cũng từ trong Nam ra dự, rủ đi chùa Hương nên đi theo vì họ quen xứ này hơn mình, thêm có công xa đưa đi.
Mình đoán là mấy người này được gài theo mình để đả thông tư tưởng rồi báo cáo lại cho cấp trên. Khi về Sàigòn, gặp anh NTT cũng tham dự cuộc hội thảo, tiến sĩ du học từ Úc về năm 1974, mình có gặp khi anh ta ở New York, khi sang học trường Kennedy, Harvard, Massachussetts. Anh này bảo là báo cáo an ninh tốt. May quá vì có người rủ đi gặp giáo sư Phan Đình Diệu nhưng bận phải về quê ông cụ.

Nhớ có lần, trường Văn Học tổ chức Văn Nghệ, mời đoàn Tiên Rồng ở Sàigòn lên biểu diễn cho học sinh trường thì tên hàng xóm, Trương Việt Tài, cho mình một vé đi xem ở rạp Ngọc Hiệp vì em hắn, Trương Nữ Việt Quân không đi. Dạo đó chưa học Văn Học. Mình mê "Con đường cái quan" của Phạm Duy, nhất là hoạt cảnh "Em đi chùa Hương" nên trong đầu cứ mơ mênh, miên man hình ảnh đó đến khi về Hà Nội lần đầu, được cán bộ dẫn đi. Có lẽ nhờ xem đoàn Tiên Rồng mà mình bắt đầu tìm hiểu về Văn Hoá Việt.

Dạo đó 1994-1995, nên phong cảnh rất còn hoang sơ, chưa bị du lịch hoá như ngày nay. Jean Claude, tên chụp ảnh cho báo National Geographic, ở nhà mình khi viếng thăm New York, cho xem mấy tấm ảnh mà hắn bán cho National Geographic rồi bảo mình ráng về Việt Nam một chuyến trước khi quê hương mày, bị hủy hoại bởi làn sóng du khách như Thái Lan.

Theo ông Nguyễn Vỹ, tác giả cuốn "Tuấn chàng trai nước Việt" thì ông ta và tác giả bài thơ "Cô gái chùa Hương" đi lễ hội chùa Hương với hai cô học sinh Hà Nội. Trên đường đi thì họ gặp một bà cụ nhà quê và một cô gái tuổi dậy thì, vừa đi vừa tụng "nam mô A Đi Đà Phật" làm hai ông ngẩn ngơ và quên khuấy đi hai cô gái Hà Thành đi chung. Vài ngày sau thì ông Nhược Pháp đem bài thơ sang nhà cho đọc. Bài thơ này được hai người phổ nhạc: Trần Văn Khê và Trung Đức. Tiếc là ông thần Nhược Pháp này chết sớm nếu không thì chắc cũng có nhiều bài thơ hay.

Ông cụ mình, gốc người Sơn Tây nên thời chưa lấy vợ, mình hay tìm đọc thơ của các thi sĩ gốc Sơn Tây như Tản Đà, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Nhược Pháp,...mơ những cô hàng xén răng đen bên sông Đuống. Mình nhớ khi lên ghe của một chị lái đò mà mình mường tượng qua bài "Trường ca sông Lô" của Văn Cao là một cô gái đội nón quai thao, bận áo tứ thân,... Trên thực tế thì chán như con gián. Ghe ở ngoài Bắc đóng khác với trong Nam, chị lái đò đứng chèo mệt thở. Bù lại sáng hôm đó trời mưa lất phất, không có ai đi lễ chùa vì chưa tới mùa, chỉ có chiếc thuyền chở mình, vị bác sĩ và một tên cán bộ nào từ miền Nam vào dự hội nghị. Sau này mình mới hiểu 2 ông thần này muốn đi chùa Hương thay vì vịnh Hạ Long là vùng chùa Hương có rừng mơ, rất nổi tiếng mà trong Nam không có, nên họ mong mỏi, được ăn trái mơ như người miền Bắc muốn biết mùi vị của trái sầu riêng qua lời kể của ông Hồ.

Phải công nhận vẽ đẹp khai sơ của vùng này quá đẹp, đẹp hơn là sau này mình đi viếng Ninh Bình, động Hoa Lư. Vẻ đẹp và âm thanh quyện vào với nhau như:

Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Ðào Nguyên
(Thiên Thai -- Văn Cao )


Lâu lắm mình không nhớ, chỉ nhớ có Bến Đục như trong bài thơ. Từ Bến Đục, chị lái đò chèo thuyền, chở tụi này trên suối Yến. Người bé bé mà chèo nhanh như bay. Mình không nhớ là bao lâu, chỉ biết con suối quanh queo, dài độ từ cầu Ông Đạo đến cuối Hồ Xuân Hương, khúc vườn Bích Câu Kỳ Ngộ. Mình nhớ ghe đi qua dưới một chiếc cầu và cầu thang rất đơn sơ, không có dàn dựa, mình có vẽ nhưng không nhớ để đâu hay ai xin. Có lẽ ông Nhược Pháp đã tả chiếc cầu thô sơ qua hai câu: Nhịp cầu xa nho nhỏ. Cảnh đẹp gần như tranh.

Hình ảnh rất đơn sơ, tối giản (minimalist) trong cơn mưa phùn. Chỉ có chiếc ghe của tụi này trong một khung cảnh thiên nhiên. Nhìn lại thì mình may mắn vì nghe nói sau này, họ cho thành lập cáp treo, kiếm thêm tiền làm mất vẻ mỹ quang của thiên nhiên tương tự thác Datanla ở Đà Lạt. Chiếc cầu rất lạ, mỗi bên dòng suối có hai trụ cột rất to, rồi có hai cái Đà bắt ngang, ở hai đầu là hai cái cầu thang. Nhìn rất đơn sơ len lén vào Thiên nhiên, rất đẹp.

Ghe đến Bến Trong gần chùa Thiên Trù thì phải. Mình đi lên viếng thì có mấy đứa bé lấm lét nhìn mình, kêu "ông Trung Quốc" rồi bỏ chạy. Mình thấy chùa chả có gì đẹp lắm so với chùa Thầy ở quê ông cụ mình. Mình nhớ lần đầu tiên về quê ông cụ, ngắm chùa Thầy dưới mưa, mình mới hiểu cái tình cảm quê hương là thế nào. Lần sau về với vợ con thì đi xe ô tô con, tên tài xế hỏi mình, có phải là con của NCK vì ông "Buddha Child" ở cạnh sát làng của ông cụ mình.

Hai ông thần, dân miền Nam cứ mong uống nước trái mơ nên rủ mình lại uống nước trái mơ, ngâm trong thẩu đường. Tưởng trái gì té ra là apricot. Mình sợ đau bụng nên không dám uống rồi cả ba đi bộ lên chùa Hương Tích. Mặt trời lên nên bắt đầu nóng, hai ông thần ghé lại quán bên đường uống thêm nước trái mơ. Đường đi thì không dốc bằng Ngũ Hoành Sơn ở Đà Nẵng nhưng xa hơn. Vào động thì không có gì đặc biệt cả. Có lẽ mình đã viếng thăm nhiều động có nhủ thạch trên thế giới nên không ngạc nhiên, trầm trồ khen như du khách ở Việt Nam.

Vào động Hương Tích thì thấy hương khói, không khí ẩm, tối tối khó thở nên bỏ ra. Sau đó thì đi xuống núi, nhẹ nhàng hơn.

Đến bến đò mình tính mua vài bưu thiếp nhưng phẩm chất xấu quá, thêm họ đòi chém ông "Trung Quốc" nên thôi. Ngồi vẽ thêm vài cái đến khi lên đò. Trên đường về thì tạnh mưa nên trời nắng gắt nên không cảm nhận Thiên nhiên như lúc đi nên chém gió với hai tên cán bộ. Thuyền lướt trên suối thì mình mới hiểu bài Sông Lô, chỉ cần đứng dậy, nhảy xuống nước thì giặc chết chìm hết.

Có lẽ bài thơ "Cô gái chùa Hương", mình thích nhất mấy câu thơ diễn tả cô gái khi đi lên thang cấp tương tự các nữ sinh Văn Học khi xưa, leo lên thang cấp để vào lớp, miệng lăm răm Nam Mô A di Đà, có mấy tên con trai, đi theo sau, nói oang oang cho mấy thị chú ý như siêu sao sửa đường từng kể về tâm trạng của mình khi lên cầu thang mỗi ngày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.


Sau này, đem vợ con về thăm quê cha đất tổ nhưng mình không dám dẫn đi chùa Hương vì sợ những hình ảnh khi xưa bị tan vỡ. Chỉ dám đi vịnh Hạ Long, nghe nói ngày nay rác rến trên tàu thải xuống vịnh khá nhiều, nhiều người không dám nhảy xuống tắm như dạo mình đi. Mình mướn một chiếc thuyền lớn có gia đình mình và gia đình cô em gái nên chuyến đi khá đẹp và thoải mái. Mình có đi viếng Hoa Lưu, Ninh Bình, phong cảnh tương tự như ở vịnh Hạ Long. Hôm đó cũng mưa, thấy dê leo trên núi nhưng sau vào quán ăn món dê thì chán như con cào cào. Thịt dai như cao su.

Chúc Bác PBĐ chóng bình phục. Đau mà nghĩ đến em thì rất hân hạnh, khi nào Bác trúng số, Bác nghĩ đến em thì chắc vui hơn.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét