Nguyễn Hoàng Sơn
Hôm qua nhận được điện thư của một tên bạn thân khi xưa từ Hoà Lan, nói về thế vận hội mùa đông đang diễn ra tuần này ở Sochi, Liên Bang Nga.
Cứ 2-4 năm là có dịp chém gió với mấy tên bạn xưa ở Âu Châu khi có các cuộc tranh tài thế vận hội hay giải túc cầu Âu châu hay thế giới. Dạo mình sinh sống ở Âu Châu, mỗi lần có mấy giải này thì mình đều cổ vũ cho đội khác thay vì cho đội của quốc gia mà mình đang cư ngụ nên bạn bè thường gọi mình là tên phản động nhưng họ lại thích vì có người để tranh biện, chọc quê. Khi Pháp đoạt vô địch thế giới thì mình hỏi tụi bạn Tây, có lẽ Pháp thắng nhờ mua mấy tên Phi Châu và Á rập vì trong đội tuyển chỉ có hai cầu thủ là gốc Tây chính cống mà Michel Platini là gốc Ý mà bọn mày hay gọi là Les Ritals. Thắng thì bọn mày kêu tụi Á Rập và Phi Châu là Français còn thua thì gọi Les Boughoules làm bọn hắn điên tiết lên. Khi ở Pháp thì cổ vũ cho đội Ý, sang Ý thì hoan hô Đức. Khi ở Đức thì vui mừng khi Hoà Lan đá bại đội tuyển của nước này đến khi sang định cư ở Hoa Kỳ thì mới bắt đầu ủng hộ gà nhà, coi nước Hoa Kỳ là quê hương thứ 2 của mình.
Anh bạn người Hoà Lan nhắc đến giải vô địch túc cầu Âu châu năm 1988 nhưng mình nghĩ là năm 1984 vì dạo đó mình đang ở Thuỵ Sĩ vì năm đó trong trận chung kết cầu thủ Van Basten đá lọt lưới thủ môn Dassev, Liên Xô được coi là thủ môn số một trên thế giới dạo đó. Bàn thắng đó được xem là một trong những bàn thắng đẹp kinh điển nhất của túc cầu. Mình nhớ hè năm đó, tên bạn Hoà Lan rủ sang chơi ở nhà hắn, tỉnh Maaestrich, gần biên giới Bỉ, nay là Trung tâm kinh tế của Châu Âu. Mình lấy xe lửa đến thành phố Liège, vùng nói tiếng Pháp của nước Bỉ rồi hắn chạy xe qua biên giới đến đón ở ga xe lửa chở về xứ hắn. Cách nhau có vài cây số mà vùng Lìege nói tiếng Pháp trong khi bên kia biên giới nói tiếng Hoà Lan, thật ra một phần phía Bắc của xứ Bỉ nói tiếng Hoà Lan. Hôm đội tuyển Hoà Lan đá bại hội tuyển Tây Đức để vào chung kết thì cả nước ăn mừng. Bố tên Henk từng sống trong thời Đức Quốc Xã chiếm đóng, tuyên bố vậy là mãn nguyện cho đời ông ta, nay có chết cũng vui. Ông ta cũng như những dân bản xứ căm thù người Đức vì bị chiếm đóng trong thời đệ nhị thế chiến nên rất căm thù người Đức nhưng họ nói tiếng Đức rất giỏi.
Giống người Hoà Lan được xem là cao to nhất thế giới. Mình nhớ tên bạn và gia đình hắn uống sữa như uống nước lạnh thêm ăn pho mát như mình ăn cơm. Giáo dục của nước này rất hay, ngoài tiếng Hoà Lan thì học sinh phải học thêm hai ngoại ngữ Anh ngữ và Đức ngữ hoặc Pháp ngữ,.. Mà lối dạy của họ rất hay vì học sinh cấp 2 đã nói thông thạo anh ngữ. Mình nhớ có lần coi đài truyền hình Hoà Lan thì họ có phỏng vấn dân chúng nhiều nước đọc tên cầu thủ Johannes Cruijff làm cả nhà cười bể tường còn mình thì trơ mặt như bò đội nón. Thật sự tiếng Hoà Lan rất khó phát âm. Xứ Hoà Lan không có đồi núi nên các môn thể thao mùa Đông rất hạn chế ngoài trượt băng, còn trượt tuyết thì họ hay sang Thụy Sĩ để chơi. Họ mê môn trượt băng 10.000m. Năm nay, có hai anh em sinh đôi có thể đem Huy chương vàng cho quốc gia này nên họ phấn khởi. Hôm qua coi truyền hình thì thấy Hoà Lan đoạt 22 huy chương mà đa số toàn là môn trượt băng.
Về thể thao thì họ mê hai môn là túc cầu và trượt băng. Vào mùa đông thì các con kênh của xứ họ đóng băng nên ai nấy đều đi bằng giày trượt băng, họ đi chuyển bằng xe đạp khá nhiều tương tự khi đến Cambridge của Anh Quốc thấy sinh viên đi xe đạp. Năm họ đoạt giải vô địch túc cầu Âu Châu thì cả thành phố không ngủ mấy ngày mấy đêm, vào các quán bia là thấy thiên hạ la hét, ca vang, …. Khắp nơi chỉ thấy màu cam, áo quần, tóc được nhuộm màu cam. Bố tên bạn mà mình thường gọi Federico vì ông ta giống đạo diễn Ý Federico Fellini, say sưa nói hôm nay là ngày đẹp nhất của đời ông ta.
Kỳ thế vận hội này có một điểm làm mình suy nghĩ; các tuyển thủ của Cộng Hoà Liên Bang Nga như Viktor Ahn, gốc Nam Hàn, Vic Wild của Hoa Kỳ,.. được mua để đoạt huy chương vàng cho nước họ tương tự khi xưa trong thời Liên Xô thì các đấu thủ giỏi của các nước chư hầu được thi đấu cho Liên Xô. Ông Viktor Ahn ( Ahn Hyun-Soo) gốc Nam Hàn, từng đại diện quốc gia này đoạt 3 Huy chương vàng về trượt băng nhưng có lẽ các nhà lãnh đạo bộ môn này của Nam Hàn không thích anh ta nên đã không tuyển thi đấu cho thế vận hội 4 năm trước ở Vancouver nên anh ta gợi ý đua tài cho một quốc gia khác. Nghe nói Mỹ từ chối anh ta vì anh ta đòi hỏi giá tiền lương quá cao nên cuối cùng anh ta nhập quốc tịch Liên bang Nga và trong kỳ tranh tài vừa rồi anh ta đoạt 3 huy chương vàng và một đồng cho Nga Sô trong khi đội tuyển Nam Hàn thì bù trớt. Nghe nói bộ trưởng thể thao Nam Hàn đang cho điều tra nội vụ ra sao. Ông Vic (Vitya) Wild chơi môn Snowboard nhưng không được giúp đỡ nhiều bởi tổ chức của Hoa kỳ. Anh này lấy vợ người Nga cũng chơi Snowboard nên cuối cùng nhập quốc tịch Nga Sô và đoạt hai huy chương vàng cho Nga Sô, thêm bà vợ cũng đoạt huy chương đồng. Ngoài ra có một bà Mỹ từ Texas trượt băng cho Gia Nã Đại, không Cần thay đổi quốc tịch...Gần đây đội tuyển của Mỹ được tăng cường nhiều cầu thủ gốc Đức, Iceland, Mễ,.. vì các tuyển thủ này có cơ hội thi đấu giải túc cầu thế giới hơn là đấu cho đội tuyển của quốc gia nơi họ sinh trưởng.
Những sự kiện này đánh dấu một kỹ nguyên mới của con người, không bị lệ thuộc vào nơi sinh ra, văn hoá của địa phương mà có thể đạt giấc mơ của mình bằng cách thay đổi địa phương, cư ngụ. Khi xưa, con người được dạy dỗ bảo là mình là thuộc về Thiên tử như một tên nô lệ không có chút quyền định đoạt cho đời sống của mình đến khi cách mạng Pháp đánh đổ quyền lực của vua chúa thì khái niệm về quốc gia mới được đưa ra nhưng lại bị các nhà độc tài tiếm quyền bảo rằng L' état c'est moi! như vua Louis 14 từng tuyên bố.
Có lần một giáo sư Mỹ gốc Ý mà mình quên tên, đoạt giải Nobel về Vật Lý cho Hoa Kỳ thì chính phủ Ý kêu gọi ông ta về Ý và hứa sẽ cung cấp cho ông ta những gì ông đòi hỏi để ông ta yên tâm nghiên cứu nhưng ông ta tuyên bố cái mà ông ta cần thì nước Ý không có ; đó là tinh thần tự do, không bị kỳ thị, ép buộc. Nước Mỹ có kỳ thị nhưng có đặc điểm là ai giỏi thì họ xử dụng cho nên ông Obama mới làm tổng thống hai nhiệm kỳ. Vào sở Á Đông, Ấn độ,...nói tiếng Anh không rành nhưng giỏi vẫn được cấp nhất vào vị trí đúng với khả năng của họ. Trong đại học các giáo sư ngoại quốc, nói tiếng Mỹ khó nghe nhưng vẫn được bổ nhiệm. Mình đoán ông Albert Einstein, khi mới tị nạn ở Hoa kỳ chắc tiếng Mỹ cũng không khá nhưng vẫn được đại học Princeton đón chào.
Có lẽ trong tương lai, con người sẽ không bị lệ thuộc vào nơi mình cư ngụ hay sinh trưởng. Các biên giới sẽ được tháo bỏ, Văn hoá thế giới sẽ bớt khác biệt. Ai cũng biết ăn chả giò, phở tái, hamburger, Tom Yum,....Con người sẽ nhìn nhau không qua giọng nói, màu da mà qua tấm lòng. Thế hệ con mình có lối nhìn khác mình, bớt phán đoán, kỳ thị. Mỗi lần mình nói về người da đen là bị con mình la. Mình nói màu đen không được kêu là màu đen là sao. Giới da đen dùng lịch sử của các thế hệ đi trước để bắt chẹt dân chúng Hoa Kỳ tương tự như người Do Thái, dùng Holocaust để chiếm đóng Palestine, vô hình trung sinh ra một dân tộc bị đàn áp bởi chính phủ của họ nhân danh cuộc diệt chúng khi xưa dưới thời Đức Quốc Xã trái ngược với những gì trong kinh thánh giảng dạy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét