Nguyễn Hoàng Sơn
Mấy ngày nay nếu ai thích đá banh và theo dõi những biến chuyển đang xẩy ra tại Thuỵ Sĩ, nơi Hiệp hội tổng cục túc cầu thế giới FIFA đặt trụ sở chính. 14 thành viên cao cấp của tổng cục bị cảnh sát Thuỵ Sĩ bắt giữ và chiếm giữ tài liệu tại trụ sở trung ương của FIFA do thỉnh nguyện của ngành tư pháp của Hoa Kỳ, nhất là công ty Nike, Addidas, Visa,.. lên tiếng sẽ sẵn sàng giúp giới chính quyền về tài liệu,...
Mấy năm vừa qua các ngân hàng như Deutsches Bank của Đức, Paribas của pháp, UBS của Thuỵ Sĩ,.., bị chính phủ mỹ phạt vì những hoạt động trái phép nên mình khá ngạc nhiên. Khi xưa nghe nói bỏ tiền vào ngân hàng Thuỵ Sĩ là không sợ bị chính phủ hay bất cứ ai biết vì ngân hàng của Thuỵ Sĩ nổi tiếng về sự im lặng của họ nhưng mấy năm gần đây thì ngân hàng của Thuỵ Sĩ phải cho chính phủ Mỹ biết danh sách những người Mỹ có trương mục tại ngân hàng của họ. Mình biết một cặp vợ chồng gốc Việt phải về VN sinh sống và đổi quốc tịch vì có gửi tiền trong ngân hàng Thuỵ Sĩ từ mấy chục năm qua và sợ sở thuế Hoa Kỳ truy ra và phạt.
Chuyện ăn hối lộ của các viên chức FIFA nhằm bỏ phiếu cho các cuộc tổ chức giải túc cầu thế giới thì có ăn nhập chi đến nước Mỹ. Bộ tư pháp Hoa Kỳ đang dùng Racketeer Influenced and Corrupt Organization Act (RICO) để truy tố các viên chức của FIFA ăn hối lộ, bắt các công ty về truyền thông của Mỹ, phải trả tiền để được trực tiếp tiếp vận truyền hình các trận đá của các giải hay quảng cáo áo quần, giày áo,...
Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ dùng đạo luật RICO để bắt các nhóm Mafia, công ty ăn gian, rửa tiền và các chính trị gia tại Hoa Kỳ. Nay họ dùng đạo luật này để truy tố các công dân của các nước khác thì hơi ngạc nhiên vì họ không phải dân Mỹ. Các công tố viên Hoa Kỳ muốn dùng đạo luật này với các công dân của xứ khác thì phải chứng minh là các vụ vi phạm này rập theo một khuôn khổ lâu dài và liên quan đến Hoa Kỳ như sử dụng ngân hàng Mỹ,...
Năm 2014, toà án ở Manhattan, New York chấp nhận RICO có thể truy tố các người ngoại quốc, có hành vi rửa tiền, hối lộ có lẽ vì vậy mà công tố viên truy tố các can phạm ngoại quốc tại toà án Brooklyn, New York. Giám đốc FBI tuyên bố là nếu ai làm ăn, hội họp trên đất Mỹ hay sử dụng hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ là bị truy tố. Họ đợi khi các giới chức FIFA đến Thuỵ Sĩ để họp, Thuỵ Sĩ là một quốc gia thân Mỹ, có hiệp ước dẫn độ nên nhờ bắt mấy người này và khi toà án Koa Kỳ đưa bằng chứng rõ ràng thì mấy giới chức này sẽ bị dẫn độ. Có báo nói là giới này tránh đến Hoa Kỳ từ vài năm nay.
FIFA cho biết về tình hình tài chánh của họ. Từ 2006 -2014, số tiền thặng dư của FIFA từ 235 triệu đô lên đến 1.6 tỷ đô la. Lời nhất là các giải túc cầu thế giới, điển hình là giải túc cầu thế giới hè năm ngoái, FIFA lời đến 4.2 tỷ đô la nhờ bán vé, truyền hình, quảng cáo trong khi Ba Tây là nước tổ chức bị lỗ sạt gạch vì phải bỏ tiền xây hay sửa sang các vận đồng trường. Vé bán thì FIFA lãnh hết.
FIFA là một tổ chức có 209 quốc gia thành viên, có quyền bỏ phiếu ngang nhau nên các nước nghèo dễ bị mua chuộc trong các cuộc đầu phiếu. Điển hình là nước Cayman Island, một quốc gia trên một hòn đảo có tổng cộng 58,000 cư dân, có quyền tương đương như Trung Quốc một quốc gia có trên 1.3 tỷ người.
Năm 2008, FIFA cho cư dân của đảo này trên 1.8 triệu đô la để xây hai sân vận động, nhưng đến nay vẫn chưa xong và gần đây cho thêm 1/2 triệu đô để xây một trung tâm thể thao. Số tiền đưa thẳng cho ông Jeffrey Webb, chủ tịch túc cầu của vùng Concacaf gồm Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và 39 quốc gia khác của vùng trung Mỹ và Bắc Mỹ, hay 17% số phiếu của fifa. Ông Webb được xem là người sẽ thay thế ông Blatter sau này và bị bắt tại Thuỵ Sĩ tuần vừa qua về tội ăn hối lộ, rửa tiền. Theo tài liệu ông này bắt công ty Mỹ Traffic Sports USA phải trả 1.1 triệu đô để được quyền bảo trợ các giải trong vùng. Chủ tịch của công ty này vừa bị bắt về tội hối lộ và đang tìm cách được án nhẹ bằng cách cho biết tài liệu của các vụ tham nhũng trong địa hát túc cầu thế giới.
Vì vậy tuần qua dù các viên chức của FIFA bị bắt nhưng chủ tịch FIFA vẫn được đắc cử nhiệm kỳ tới với các nước phi châu, trung mỹ,..., đầu phiếu vì các số tiền được hiệp hội FIFA hứa sẽ trợ cấp. 4 ngày sau, ông chủ tịch mới tái đắc cử lại tuyên bố từ chức do các luật sư của hiệp hội đề nghị vì các tài liệu về các cuộc tham nhũng đã có trong tay của ngành tư pháp Hoa Kỳ nhất là vài viên chức trong cuộc đang điều đình với chính phủ Hoa Kỳ để được nhẹ tội nên đã khai khá nhiều chi tiết.
Sau khi cuộc bỏ phiếu, Nga Sô và Quatar được quyền tổ chức giải túc cầu thế giới 2018 và 2022 thì có nhiều nguồn tin là hai nước này chạy chọt, mua phiếu của các đại diện của hiệp hội. Có người kể là đến khách sạn, thấy trong phong bì $40,000 tiền mặt,..., nhất là ông Chuck Blazer của Hoa Kỳ, bị bắt nên đã khai và thâu băng các cuộc nói chuyện từ mấy năm nay để lãnh án ít hơn. Năm ngoái có một luật sư Mỹ tên Michael Garcia, cựu nhân viên của Interpol, được FIFA mướn để điều tra vụ này thì bản phúc trình không được công bố nên ông ta từ chức.
Gần đây báo chí Đức có đăng tải cuộc phỏng vấn của cựu chủ tịch tổng hội túc cầu của đức quốc, kể phải thương lượng với các nhân viên cao cấp của FIFA để được quyền tổ chức giải túc cầu thế giới và đã thắng suýt xoát 12 phiếu thuận và Nam Phi được 11 phiếu. Họ vừa công bố lá thư của chủ tịch tổng cục túc cầu Nam Phi, trả $10 triệu đô cho ông Webb của Concacaf.
Mấy năm qua ta nhận thấy ngành Tư Pháp của Hoa Kỳ đã truy tố các lực sĩ quốc gia đã dùng thuốc cấm trợ lực như Marion Jones, đã thắng 3 huy chương vàng Thế Vận Hội cho Hoa Kỳ, lực sĩ đua xe đạp Amstrong đã thắng 7 giải Vòng Pháp Quốc và các lực sĩ khác. Trong khi Zidane, Deschamps bị tố cáo đã dùng thuốc cấm nhưng tổng thống Pháp Jacques Chirac đã can thiệp để bỏ qua.... Những vụ án trên cho thấy ngành Tư Pháp Hoa Kỳ khá độc lập, không bị ảnh hưởng nhiều của Hành Pháp hay Quốc Hội.
Biết bao nhiêu thượng nghị sĩ, dân biểu Mỹ bị ra toà về tội tham nhũng, lợi dụng quyền của mình để kiếm tiền nhưng vẫn bị truy tố. Ở Bolsa có một anh chàng gốc Việt, đắc cử nghị viên thành phố nhưng có cái tật uống rượu lái xe. Có lần anh chàng lái xe tông vào tường rào nhà thiên hạ, gọi cho tên bạn là dân biểu tiểu bang vừa là luật sư. Ông thần dân biểu gốc Việt chạy ra kêu cảnh sát đang làm việc ở hiện trường là thả anh chàng nghị viên đi. Cảnh sát nói xê ra chổ khác để họ thi hành nhiệm vụ. Anh dân biểu gốc Việt lên giọng hỏi có biết tôi là ai? Viên cảnh sát trả lời biết và yêu cầu rời khỏi hiện trường để nhân viên ông ta làm việc nếu không thì sẽ bắt giam luôn nên anh dân biểu bỏ về. Qua vụ này, cộng đồng Việt nhất là cử tri Mỹ không bầu cho ông trời con gốc Việt nữa khiến một cô gốc Việt được bầu làm Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Cali.
Việt Nam và các quốc gia khác đang ghi tên tham dự hiệp hội thương mại TTP ở Thái Bình Dương mà trong văn kiện, phải chịu theo luật của đối tác thì chắc các thương gia Việt sẽ không dám ăn hối lộ hay đút lót cho các cán bộ như các thương gia Đại Hàn, Nhật,... Các thương gia Nhật rất tức vì các chương trình viện trợ của chính phủ họ cho VN, họ bị bắt buộc lót tiền, bôi trơn cho cán bộ để được trúng thầu. Các thương gia Mỹ có thể kiện ở toà án New York thì các cán bộ sẽ không đủ tiền để trả luật sư phí ở Mỹ. Biết đâu đây là dịp may để thay đổi Việt Nam? Theo báo chí thì ai cũng nói có tham nhũng trong hiệp hội FIFA nhưng không ai dám lên tiếng. Tổng cục túc cầu Anh quốc có lên tiếng khi thất bại trong vụ xin được tổ chức giải túc cầu thế giới nên có bắn tiếng sơ sơ nhưng phải công nhận Hoa Kỳ dám lên tiếng và bỏ tiền điều tra từ mấy năm qua. Qua vụ này thì có lẽ cả thế giới muốn được đòi công bằng và lẻ phải, sẽ nghe theo và ủng hộ Hoa Kỳ trong những diễn biến địa chính trị và thương mại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét