Nguyễn Hoàng Sơn
Nhớ năm 6ème, giờ Địa Lý, ông thầy tây nói về ngành canh nông ở Hoa Kỳ; các nông trại rất lớn và dùng hệ thống độc canh. Các nông dân trồng lúa mì trên mấy trăm mẫu đất, sau khi gặt chủ để đất vừa được canh tác năm vừa rồi, nghỉ dưỡng sức, đốt rạ làm phân bón, canh tác vùng đất bên cạnh đã được để không năm rồi nên lúa sản xuất rất tốt và nhiều. Ông ta kể bên Mỹ, các nông dân lái máy bay để bỏ phân hay xịt thuốc sâu,... Mình thèm khát được viếng Hoa Kỳ từ dạo đó.
Mỗi lần có dịp lên miền bắc Cali, thấy hai bên quốc lộ, các nông trại chăn bò hay trồng cây ăn trái. Kinh hoàng nhất là chạy qua các nông trại nuôi mấy chục ngàn con bò, hôi không thể tả, nên không dám ngừng lại, vào thăm nông trại để cho mấy đứa con tìm hiểu về nông súc. Nghe nói súc vật xả chất độc, làm ô nhiễm không khí nhiều hơn là khói xe. May là trong xe có nút ấn đóng khoá không cho hơi ở ngoài vào. Mình thật sự cảm nhận được ngành canh nông của Hoa Kỳ khi cả gia đình lái xe đi thăm viếng công viên quốc gia YellowStone.
Chạy qua nhiều tiểu bang mà có những vùng, 2 tiếng đồng hồ mới thấy một bóng người ngoài ra chỉ đồng ruộng, lâu lâu thấy vài con bò. Xe hư mà không có điện thoại cầm tay là ngọng. Gia đình mình có ghé lại nông trại trồng khoai Tây của ông Rich Dad ở Idaho, to không thể tả, nhiều hangar cỡ đậu cất máy bay nhỏ để ủ khoai tây to rộng lớn để bán cả năm. Hệ thống tưới nước của mấy trăm mẫu đất quá vĩ đại, nếu không được cơ giới hoá thì chắc chắn không thể nào lo cho hết.
Những gì ông tây kể trong lớp thì mình khám phá ra là không đúng hẳn, chắc ông ta chỉ đọc sách hoặc dùng sách giáo khoa, có lẽ in trước thời trước đệ nhị thế chiến. Khi xưa trung bình mỗi mẫu đất ở Hoa Kỳ sản xuất được 70 giạ ngô nhưng ngày nay trung bình là 150 giạ mà họ đang tìm cách nâng cao lên đến 200 giạ/ mẫu. Lý do là các nông dân dùng hạt giống GMO (genetic modified organism). Hồi nhỏ nghe nói lúa Thần Nông, nay mới hiểu. Đất đai được trưng dụng hoàn toàn để sản xuất và nông nghiệp Hoa Kỳ được trợ cấp bởi chính phủ nhằm cạnh tranh với thị trường thế giới cho nên các nước ở phi châu khó có thể sống nhờ xuất cảng nông phẩm dù lương nhân công rẻ hơn ở Hoa Kỳ. Nếu mình không lầm thì bên Pháp hay cộng đồng Âu châu cũng có chương trình tương tự.
Việt Nam được xem là quốc gia thứ 2 trên thế giới về xuất cảng gạo, sau Thái Lan là vì Hoa Kỳ không chuyên về sản xuất gạo dù miền Nam như vùng Louisiane ngày này đã cấy loại gạo thơm của Việt Nam và Thái Lan để bán. Mình có thấy để bán trong chợ Việt Nam nên mua vì tin Mỹ, bỏ ít hoá học, chất bảo quản hơn Việt Nam hay Thái Lan. Từ Louisiana lên Cali gần hơn là tàu chở từ Đông Nam Á sang. Hoa Kỳ chuyên về trồng bắp ngô và đậu vì giới chăn nuôi cho heo bò, gà vịt ăn loại này, nhiều chất bổ dưỡng hơn.
Loại thóc giống ngô hay đậu nành này,...được các công ty chế biến để không bị hư hại, tàn phá bởi các sâu bọ và miễn nhiễm bởi thuốc sâu. Người ta gọi những loại này là cây sát trùng và đặt câu hỏi về những hậu quả tác hại đến con người khi ăn những hạt ngô, hạt đậu nành đã được cải biến hay súc vật như bò, heo, gà,..., được nuôi bởi các giống ngô hay đậu này. vì không có chỗ nên gà vịt heo bò đều được nuôi tại chỗ, dẫm lên phân của mình nên bị tọng vào thuốc trụ sinh, đủ loại thuốc.
Hồi nhỏ trong xóm, có lần ong ở đâu bay về làm tổ trên cây ổi của nhà hàng xóm, mình chơi dại lấy đá quăng trúng cái tổ, ong bay xuống cắn đốt mình mấy chỗ sưng mặt, sưng tay phải bôi vôi ăn trầu mệt thở nên cạch đến già, tránh đụng tới ong. Sau này khám phá khi con gái bị muỗi đốt thì bôi kem đánh răng là hết ngứa. Không ngờ từ khi mua cái vườn bơ lại phải gặp ong hàng ngày nên phải đội mũ dài phủ gáy và tai, bận áo dài tay dù trời nóng như tuần vừa rồi 90 độ F.
Ở cuối vườn có một vạc đất bằng dành cho tên Mỹ, đem mấy thùng tổ ong lại để kiếm mật ong, năm ngoái 180 tổ. Khi đến tham quan vườn trước khi mua, mình thấy tên và số điện thoại trên mấy tổ ong nên gọi và mời tên này đi ăn để làm quen. Hắn đem ong đến vườn này nuôi từ 20 năm nay, nay lớn tuổi nên bớt nuôi ong. Hắn kể hồi còn trẻ hắn và tên bạn có trên 1,500 tổ ong trải dài khắp cali từ miền nam lên miền bắc. Các nông trại trồng hạnh nhân, phải trả tiền cho hắn để hắn đem tổ ong đến nếu không, cây sẽ không có trái. Nghe kể các chủ trại phải trả hắn $200.00 cho mỗi tổ ong còn vườn mình thì không phải trả tiền. Có lẽ vì vậy mà hạt hạnh nhân đắt tiền. Hắn kể ngày nay nuôi ong không còn được tiền như xưa vì ong chết nhiều và phải mua ong của Úc đại Lợi nhập cảng vào.
Hồi nhỏ học vạn vật, giải thích là hoa ra trái nhờ phấn hoa được gió thổi bay sang các hoa bên cạnh hay ong bay từ hoa này, đem phấn dính nơi chân hay cánh đến đoá hoa khác, mấy cái nhuỵ hút phấn vào tạo ra trái. Ngày nay, người ta cấy ong chúa để sinh ong con. Trong vườn mình có 3 loại bơ để phấn hoa khác nhau được ong đem đến. Không hiểu tại sao nhưng giống bơ ở vườn rất ngon, ai ăn rồi cũng xin hay mua thêm. Ông nuôi ong đem tổ ong đến vào tháng 11, 12 vì cạnh vườn của mình có mấy cây khuynh diệp có hoa vào mùa này rồi trở lại tháng 2 để lấy đi trong đêm vì ong ngủ.
Mình mua cái vườn năm ngoái vào cuối tháng 3 nên đã thấy có hoa, đọc sách bảo là mỗi cây bơ cho nở cả triệu hoa nhưng trung bình chỉ có độ 500 trái. Vùng này có gió mùa gọi là Santa Ana wind, mỗi năm hay thổi về từ sa mạc, đem sức nóng khô, thổi lá, rác rến bay tùm lum về hướng biển. Thường mình không để ý nhưng năm ngoái, gió sa mạc thổi về làm bay một số khá nhiều hoa, cũng có thể đem theo phấn hoa nên sau đó thì thấy trái đậu. Mỗi lần gió thổi thì làm rụng trái, thường loại bị nắng vì không có lá che nên cái đọt không chắc thêm trái bơ bị nắng làm cháy da, bán không có tiền.
Dạo này, tháng 2 mình bắt đầu thấy các nụ hoa của cây bơ bắt đầu ra mặc dù trái bơ vẫn chưa hái hết nên Có lẽ tên này sẽ đem tổ ong lại tháng này hay tháng tới. Mình gọi mời hắn đi ăn tuần tới để xem chương trình của hắn với mấy tổ ong cho vườn mình. Từ ngày mua cái vườn này mình có mật ong nguyên chất, hắn cho mình mấy thùng mật ong loại đen, loại nâu, rất ngon. Có chanh trong vườn, pha nước chanh uống phê không thể tả. Coi mấy chương trình về mật ong, có những công ty Hoa Kỳ, nhập cảng mật ong từ Trung Quốc, dùng toàn syrup và bột rồi bỏ vào chai bán. Chán mớ đời. Xem mật ong mua ở tiệm Costco và mật ong nguyên chất của ông nuôi ong thấy khác nhau khi thời tiết thay đổi. Dạo này mình còn 4 lít mật ong.
Ông nuôi ong kể là ông mua mỗi thùng ong đâu $78.00 gồm một con ong chúa và 10 con đực. Nói về sinh lý học thì ong chúa thuộc loại nymphomane, một mình chấp hết đám ong đực, all you can do,:) thêm sản xuất nhiều con, cả bầy, sau đó bắt ong đực đi lao động đem nhuỵ về làm mật ong. Ông ta để 3 thùng tổ ong chồng lên nhau. Lâu lâu ghé lại ban đêm để lấy sáp mật ong ở tầng dưới vì lúc đó ong ngủ nên ít quậy phá. Mình cho ông ta chìa khoá mở cổng trại.
Từ mấy năm gần đây người ta khám phá ra một hiện tượng rất đáng quan ngại cho ngành canh nông là giống ong mất tích. Mấy người nuôi ong bị mất 30% số ong của họ. Không những ở Hoa Kỳ mà ngay ở âu châu cũng có hiện tượng này. Cuối cùng thì các khoa học gia khám phá ra là từ ngày các nông trại dùng loại thuốc sâu Gaucho thì vài tháng sau, ong bị chết bởi các loại thuốc sâu này. Coi những đoạn phim, thấy ong bò trên các đoá hoa rồi từ từ ngã lăn ra. Các nhà nuôi ong tìm cách cấm các nông trại dùng loại thuốc sâu vì nếu không có ong thì sẽ không có trái thì kỹ nghệ trồng cây ăn trái của Hoa Kỳ sẽ bị phá huỷ.
Nhưng các công ty sản xuất thuốc sâu quá mạnh, kiểm soát hoàn toàn ngành nông nghiệp Hoa Kỳ. Mấy ông toà của tối cao pháp viện như Clarrence Thomas,..., từng là luật sư cho công ty Monsanto, một trong 3 công ty lớn nhất Hoa Kỳ về nông nghiệp. Họ cấm nông dân dự trữ hạt giống để trồng lại. Mỗi năm họ bắt nông dân phải mua hạt giống mới cho nên lợi tức của nông dân không khá giả. Các nhà chăn nuôi gà, heo,.., bị bắt buộc phải theo chương trình của mấy công ty này, hai ba năm phải thay đổi các dụng cụ cho công ty cung cấp, bán trả góp biến họ thành những nô lệ lao động cho các công ty này. Nhiều nông dân nuôi gà kể, làm hùng hục cả năm từ 5 giờ sáng đến tối, mỗi năm tính tiền trả cho các công ty,...còn đâu $30,000.
Từ ngày làm vườn mình mới bắt đầu hiểu các người mỹ đi chợ mua đồ ăn, trái cây hữu cơ, organic, tìm mua sữa nguyên chất (raw milk), chưa được hấp theo phương pháp của Pasteur ( pasteurized). Mình muốn trồng rau sau vườn nhưng mệt quá, lo 2,000 cây bơ là oải lắm rồi nên từ độ ấy mình coi như không ăn thịt vì thấy người ta nuôi gà, nuôi bò, heo,.., phản thiên nhiên rất đáng sợ, ngay cả cá được nuôi trong hồ hay ngoài biển.
Coi nhiều video nói về hậu quả của sự canh tác nông nghiệp, nuôi súc vật, cá,...đã phá huỷ môi trường quá kinh khủng. Các nông dân Mỹ trồng trọt hay nuôi súc vật theo lối xưa, bị các cơ quan y tế của chính phủ hạch sách như cấm bán sữa tươi không dùng phương pháp Pasteur, có các khoa học gia chứng nghiệm là raw milk tốt cho cơ thể con người, giúp hệ thống miễn nhiễm bằng chứng là ông bà của họ khi xưa, qua bao thế hệ đều uống sữa tươi mới vắt sáng hôm đó. Làm mình nhớ đến lời tiên tri của một nạn nhân của chế độ Cộng Sản vào những năm tháng đầu của cuộc cách mạng đỏ, lật đổ Nga Hoàng; bà Ayn Rand trong cuốn Atlas Shrugged đã báo động nền tư bản chuyên chính sẽ tàn phá thiên nhiên và mua chuộc nền dân chủ để kiểm soát chính trị và làm giàu cho họ.
Các khoa học gia nói là trong quá khứ sâu bọ ăn 30% mùa màng hàng năm thì ngày nay với kỹ thuật cao, hạt giống được thay đổi nhưng vẫn mất 30% cho nên mỗi năm họ bắt nông dân trồng hạt giống mới, thêm thuốc trừ sâu, phân bón hoá học đủ thứ gây tai hại, tàn phá thiên nhiên. Mình thấy nhiều nông trại trồng bơ hay cam,...xịt đủ loại hoá học nên mình nhất quyết không vì tiền mà tham gia cuộc tàn phá thiên nhiên vì thế hệ con cháu mình sẽ lãnh đủ.
Dạo này gia đình mình thay đổi chế độ ăn uống, bớt thịt, rau cải nhiều. Mình thì hoàn toàn không ăn thịt nữa vì đã thấy các hình ảnh họ giết súc vật hay tọng ngô hay đậu cho súc vật thật kinh hoàng. Nhiều con gà nặng quá đi không nổi. Sáng dậy mình lấy rau, trái cây, đậu bỏ chung vào xay cho cả nhà uống. Trưa đón con học về làm một ly cối xay bơ và trái cây khác. Chiều thì cho vợ con ăn xà lách, đậu nhiều protein hơn thịt và làm thịt cá cho cô con gái và mụ vợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét