Những bài ca của một thời

Nguyễn Hoàng Sơn

Ngồi viết lại những kỷ niệm của những tháng năm từ ngày mình rời Đà Lạt đi Tây thì vang vảng bên tai những lời ca của những bài hát, một thời đã nói hộ, những cảm xúc, bồi hồi của tuổi thanh xuân của mình. Có lẽ nhờ những bài hát đó để mình hát đàn, giúp bao uất ức trong người được thoát ra để hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Mình nhớ sang Pháp ngày 14/1/75 thì hai tuần sau nhận được thư nhà lần đầu tiên và cũng là lần cuối. Rồi nghe tin Đà Lạt bỏ ngỏ, dân tình di tản về Phan Rang, rồi ông tổng thống cuối cùng của VNCH đầu hàng, kêu gọi binh lính buông súng. Một mình bơ vơ tại Pháp, không biết tương lai đi về đâu, bao nhiêu toan tính từ VN đều bị xoá bỏ vì VNCH đã không còn.

Tết Bính Thìn 1976, mình ăn Tết lần thứ hai ở hải ngoại dưới danh vị "người vô tổ quốc" vì thông hành VNCH không còn được thế giới chấp nhận nên phải xin vào tị nạn để được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc bao che. Mình đi theo gia đình một người bạn gốc Việt, sinh tại Pháp, dự hội chợ Tết do tổng hội sinh viên VN tại Paris tổ chức. Đêm Văn nghệ đó đã giúp mình vượt lên những thử thách, quyết tâm học ra trường.

Mình nhớ Phan Văn Hưng, Đinh Tuấn, Khúc Lan, Khúc Minh,... hát những bài hát chưa bao giờ nghe, mới được viết sau 30/4. Có bài mình chỉ nhớ điệp khúc mà mấy năm trước về lại Paris khi đi Métro, tình cờ nghe một anh gốc Việt hát: " vì ta là những người không biết quay lui...". Có lẽ bài hát đầu tiên mà mình nghe nhiều nhất là "người di tản buồn" của Nguyễn đình Toàn và Nam Lộc, do ca sĩ Khánh Ly hát tại Palais Des Congrès, gần Porte de Maillot. Hôm trước, có anh bạn học Văn Học khi xưa, ghé chơi, dẫn theo một người cháu bảo là con trai của Nguyễn Đình Toàn, mượn đàn đánh nhạc cho bà con hát hò.

Chiều nay có một người đôi mắt buồn Nhìn xa xăm về quê hương rất xa Chợt nghe tên VN ôi thiết tha Và rưng rưng lệ vươn mắt nhạt nhoà Bạn ơi! Đó là người di tản buồn Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau Và đêm khuya về trong đôi mắt sâu Đời như chôn vào con phố u sầu....

Nói chung thì mình thích nhạc do các người Việt tị nạn tại Âu Châu làm hơn là tại Hoa Kỳ. Không hiểu lý do! Dạo đó ở Pháp có Văn Đoàn Lam Sơn do các sinh viên và cựu sinh viên của tổng hội sinh viên Paris tại Pháp thành lập. Mình có mua một tập nhạc của nhóm này và những cuốn băng cassette. Mỗi lần nghe thì thấy nhớ nhà, nhớ quê hương.

Có bài hát "Debrousse" khiến mình hay nằm mơ về Đà Lạt trong giấc ngủ, thấy bị công an bao vây nhà để bắt mình. Sau này về thăm nhà thì những cơn ác mộng này mới chấm dứt. Có lẽ bị nhập tâm khi nghe kể về cuộc lùng bắt ông cụ sau 75.

Hôm nay ở Debrousse, có một chàng thanh niên
Đưa mắt nhìn xa xa, chàng ấy nhớ VN
Ba anh đi lao tù, Mẹ anh đi lao động
Lấy rễ cây để ăn, lấy nước mắt để uống.....

Những mặt trời trên cao, soi sáng lối anh đi
Mặt trời như Tự Do, mặt trời như Tự Do
Tự Do như con đường, soi sáng lối anh đi,
Tự Do như hy vọng, Tự do như niềm tin....

Khi nghe hai người em, vượt biển sang định cư ở Pháp, kể chuyện trại cải tạo thì mình hay hát bài "Tiễn Em Rời K18". Mình không rõ xuất xứ của bài này nên nghĩ K18 là một trại giam khiến mình liên tưởng đến ông cụ khi gặp bà cụ được 30 phút mỗi lần đi thăm nuôi. Mình nghe Phan Văn Hưng hát bản này khiến ai cũng khóc trong rạp Maubert de Mutualité đêm đó.

Em về đi, thôi đừng lên thăm trại K18
Anh ngồi đây như chết thật rồi
Đừng khóc thương đời người tù K18
Nhắn Mẹ già anh vẫn nhớ đến Me
Về đi em, đừng lên thăm nữa em ơi
Còn thương nhau thì xin sống nuôi con
Đừng đến nữa, van em đừng đến em ơi
Đời gian lao hồi mặt đất tha ma
Anh ở lại giam đời mình trong trại K18
Trong lồ ô liệm kín đời mình
Nhà cách ly, chờ chôn người tù K18
Chết vội vàng manh áo rách vá thây

Về đi em! Đừng lên nữa em ơi
Gặp nhau thêm càng đau đớn cho nhau
Đừng đến nữa, van em đừng đến nữa em ơi
Tình đôi ta, đành hẹn lại kiếp sau

......

Khi Phan Văn Hưng hát bài "Ai trở về xứ Việt", thơ Minh Đức Hoài Trinh thì rất bi ai,

Ai trở về xứ Việt nhắn giùm ta, người ấy ở trong tù
Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết
Dài lắm không đằng đẵng mấy mùa thu

Ai đi về xứ Việt thăm giùm ta, người ấy ở trong tù
Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc
Thay dùm ai, màu trời ngục âm u Các bạn ta ơi, bao giờ được thả
Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi
Được lắng nghe, tiếng chim cười
Đến bao giờ đến bao giờ

Người bạn tù ơi, ta không quên đâu
Nhớ hôm xưa, nhìn đôi tay cùm xích
Hàng song thưa chia cách vạn tình
Ngâu Ai tra tấn nghe lòng ai kim chích

Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
tự do tự do và nhiều lắm nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo

Ai trở về xứ Việt

nhắn giùm ta người ấy ở trong tù
Ta sẽ về đón ở cửa âm u
Đời sẽ đẹp mùa Xuân hồng biết mấy
Dầu ngoài kia mây có trĩu mùa Thu...

Bài mình thích hát nhất là "hát trong ngày về";

Tôi sẽ hát xuyên qua đỉnh núi
Xin mặt trời soi lại ngục tôi
Tôi sẽ hát xuyên qua biển xanh
Ngọn sóng ơi thôi reo bảo bùng
Tôi sẽ hát cho người vùng dậy
Tôi sẽ hát mòn bao xích xiềng
Xin lời hát cho ai đời sống
Cho em thơ nối lại tuổi xanh
Xin lời hát đi trong niềm tin
Non nước tôi qua cơn khốn cùng...

Sau này sang Mỹ, mình có nghe bài "Khóc một dòng sông" của Đức Huy

Tôi hay nhớ vê quê nhà vào buổi chiều,
nhất là những buổi chiều mưa rơi
Cũng may Cali trời mưa ít không như Đà Lạt
Nếu không tôi đã khóc một dòng sông..
Khóc một dòng sông Tôi đã khóc một dòng sông dài
Nhớ cha nhớ mẹ
Nhớ anh nhớ chị
Khóc một dòng sông...

Vào mùa lễ Vu Lan thì mình hay được kêu lên hát bài "Sẽ Về Với Mẹ", không nhớ tên tác giả, thuộc nhóm Lam Sơn. Có lần hát xong thì ca sĩ Hà Thanh chạy lại chào và kêu hôm nay chị phải phục em.

.... Đây là đâu trên con đường đất khổ
Trĩu trên vai tấm áo gầy rách mục
Đoàn người đi còn nhớ chăng đường về
Mỗi bước đi bước hao mòn thêm xác xơ
Và mỗi khúc đường làm quặn đói từng cơn
Họ hải hùng không dám mơ đến ngày mai
Nằm chết phơi thây ngoài sương gió lạnh lùng

Buồn nào hơn trông con nằm bé nhỏ
Thỏi thóp xanh xao khóc than đòi trở về
Tìm lại cha được sống dưới căn nhà
Mẹ xót xa vổ nhè nhẹ đừng khóc con
Còn mấy khúc đường mình gần đến rồi đây
Nhưng đường vẫn dài trên đá đen nắng vàng hoe
Mẹ vấp chân ôi vì sức yếu hao mòn....

Ngày nay, lâu lâu nghe lại những bài hát này nhưng không hiểu tại sao, mình không còn cảm xúc, rung động như ngày xưa. Có lẽ tim mình đã chai đá vì đời sống thường nhật đã cuốn trôi đi những ước mơ của tuổi trẻ, cánh buồm của mình đã bị gió bảo chôn vùi trên dòng sông của tuổi thơ. Từ ngày lập gia đình, mụ vợ bảo giọng ca mình rất tồi nên từ đó bỏ đàn không hát hò gì nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét