Mơ thành người Quang Trung

Nguyễn Hoàng Sơn

Trong những truyện tuổi thơ của Duyên Anh, có lẽ cuốn "Mơ thành người Quang Trung" gây nhiều ảnh hưởng về tinh thần dân tộc cho mình. Nhớ Chương Còm và đám bạn nhỏ bé, tìm cách đánh thắng bọn con nít Mỹ, giúp mình thích học lịch sử của quê hương nhất là rất hãnh diện làm người Việt Nam. Mỗi lần học Việt Văn hay lịch sử Việt Nam là mình chăm chú nhất.

Những câu nói "thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương nước Bắc" của Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tuấn bóp trái cam nát dù ngoài Bắc hình như không trồng được cây cam, khi tham dự Hội Nghị Diên Hồng, Ngô Quyền với trận đánh Bạch Đằng Giang với Yết Kiêu, kình ngư của nước Việt...., đã theo đuổi mình từ thưở bé. Mình hay tự hào là tổ tiên từng đánh thắng giặc Mông Cổ trong khi cả thế giới đều bị đoàn quân của Thành Cát Tư Hãn chinh phạt. Mình thích nhất là 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ của nhà Tây Sơn, nên muốn học Võ Bình Định.

Mình mê nhất là trận đánh Đống Đa năm Kỷ Dậu của vua Quang Trung nên năm 1995, ngày đầu tiên đến Hà Nội, mình phải đi viếng cái gò Đống Đa, nhỏ bé nhưng để lại dấu ấn lịch sử. Sau này có dịp đọc thêm sách vở về Việt Nam, những tài liệu của ngoại quốc thì mình chưng hửng về lịch sử mà mình đã được dạy trong lớp hay đọc sách báo Việt ngữ.

Mình so sánh cách giảng dạy lịch sử cho học sinh ở Việt Nam và các nước mình có dịp sinh sống một vài năm thì nhận thấy: lối dạy của nước mình; tôn sùng bạo lực, dạy trẻ em nuôi lòng căm thù thay vì giảng dạy môn lịch sử đúng với lịch sử đã diễn ra khi xưa, để học sinh có thể có một nhận định căn bản thay vì bị lừa đảo cho mục tiêu chính trị của chính phủ. Họ nhồi sọ con nít những thần tượng phi lý mà họ tự đặt ra, thổi phồng dù không có thật.

Gần đây coi trên mạng đoạn phim về cuộc hành quyết Nguyễn Văn Trổi thì thấy ông này đâu có dật khăn bịt mắt, hô to 3 lần HCM muôn năm như bài thơ của Tố Hữu đã viết.

Cái buồn cười là cả nước ngày nay biết Lê Văn Tám, ngọn đuốc cách mạng là do ban tuyên truyền dựng ra để cổ vũ tinh thần chiến đấu nhưng vẫn có đường, trường học,..mang tên LVT.

Mình được học tập căm thù Nhà Nguyễn, dù có công thống nhất đất nước trong gần 2 thế kỷ. Sau này mới hiểu khi học Kim Vân Kiều, đọc tài liệu của ông Trần Trọng Kim,... Ông Ngô Đình Diệm là một cựu Thượng Thư của triều đình nhà Nguyễn, sau này truất phế vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn do đó mang mặc cảm của một người tôi không trung với vua như nền Văn hoá Khổng Việt, không được đề cao do đó các sách sử của VNCH đề cao nhà Tây Sơn. Họ gạt bỏ hết những cái xấu xa của đám quân Tây Sơn, tuyên truyền họ như thánh. Mấy ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Du,..vẫn một lòng với nhà Lê nên trong các tài liệu lịch sử của họ để lại, nói lên các sĩ phu Bắc Hà, khinh miệt nhà Nguyễn.

Việt Cộng thì họ phải lên án nhà Nguyễn phong kiến, đề cao anh hùng áo vải Lê Lợi, nhà Tây Sơn vì hợp với hoàn cảnh lịch sử của họ. Người mình lại có tính hay nổ nên có một thì nói mười nên từ từ thánh hoá tất cả những gì bé tẹo. Có lẽ mình không có gì hãnh diện, để tự hào nên bốc đồng nổ văng miểng. Awn đặc sản Quảng Trị quá nhiều.

Các giáo sĩ truyền giáo của Tây phương, thích nhóm Tây Sơn phía Nam vì họ được phép truyền giáo còn đàng trong thì chúa Trịnh và vua Lê, theo nhà Thanh cấm truyền đạo cho nên những lá thư của họ viết về toà Thánh, để báo cáo tình hình tại Việt Nam khả tín. Trong cuốn "A Voyage to Cochinchina" xuất bản tại London năm 1806 đã ghi: nước Anh dạo ấy đã chiếm đóng Ấn Độ, cử ông Chapman sang xem xét tình hình bán đảo Đông Dương. Theo ông Chapman thì binh lính của Nguyễn Nhạc không có kỷ luật, mạnh, chỉ cần 100 binh lính có kỷ luật sẽ đánh thắng. Dạo đó, quân đội của 3 anh em Tây Sơn là ô hợp các đám cướp thổ phỉ và hải khấu.

Tổ tiên của 3 anh em Tây Sơn, họ Hồ, có giả thuyết nói họ thuộc con cháu Hồ Quý Ly, bỏ chạy vào Nam rồi đổi tên thành họ Nguyễn. 3 anh em Tây Sơn khởi đầu bằng nghề ăn cướp, quen với đám thổ phỉ Thượng Du, hải khấu vùng Duyên Hải gốc Tầu nên trong tài liệu của Đài Loan có nói đến voi được sử dụng bởi đám quân miền núi và các thuyền theo dòng sông, đánh lén lực lượng của nhà Thanh và dùng hỏa khí mà các đám hải tặc Tầu hay dùng.

Nhà Thanh gửi Tôn Sĩ Nghị, quản đốc Lưỡng Quảng đem quân sang Việt Nam vì mẹ của vua Lê Chiêu Thống cầu cứu. Vua Càn Long không có ý đánh, chỉ muốn Tôn Sĩ Nghị sang xem tình hình có thể cắt đất chia cho vua Lê và Nguyễn Huệ.

Tôn sĩ Nghị làm cái hịch nói đem 100,000 quân sang để làm uy nhưng trên thực tế chỉ có 4,000-5,000 lính chính quy còn khoảng 6,000 số người kia là dân được sát nhập vào đội quân để lo phần lương thực, được đem theo để lo phần ẩm thực, hạ tầng cơ sở cho đoàn quân. Dân tình ở Thăng Long ghét nhóm binh lính Tây Sơn, được Nguyễn Huệ để lại sau khi đánh thắng vua Lê vì căn bản là những đám cướp. Sau khi đánh bại vua Lê và Chúa Trịnh thì quân lính của Tây Sơn, đốt phá, cướp bóc Thăng Long mà theo các giáo sĩ thì cháy mấy ngày mấy đêm các cung điện của nhà Lê. Khi quân Thanh sang thì dân chúng chỉ chỗ núp của binh lính Tây Sơn do Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm thống lãnh, đánh không lại, phải bỏ chạy về Tam Điệp, đợi lệnh của Nguyễn Huệ.

Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh tơi bời, bỏ trốn ở miền nam, được dân tình giúp đỡ, đem đi trốn đã nói lên sự căm thù của dân chúng đối với đám quân thổ phỉ của 3 anh em nhà Tây Sơn. Các tài liệu của Nhật bản, nói về đám cướp đốt cháy thành phố Tai-Phô, Hội An bây giờ khiến các thương thuyền Nhật không dám trở lại buôn bán với Việt Nam.

Khi chúa Nguyễn Hoàng đem gia đình vào đàng trong vì lý do địa lý nên cho phép buôn bán nên tàu bè các nước tấp nập ghé lại. Có lẽ bỏ vua Lê mà đi tìm chỗ dung thân nên Chúa Nguyễn cũng không thi hành các luật lệ gắt gao, tuyển dụng những người tài như Đào Duy Từ, con cháu của xướng ca vô loại,.... Mình có đọc đâu đó thì kinh tế của Đàng Trong của chúa Nguyễn khá hơn ngoài Bắc. Miền Trung là xứ gà ăn đá, đất đai ít lại thêm mưa lụt hàng năm, bị hai luồng gió từ biển vào và từ bên Lào thổi sang nên chỉ mong vào buôn bán với các thương thuyền ngoại quốc.

Dạo đó Thăng Long chắc có độ 10,000 hay 15,000 người sinh sống cho nên nói nhà Thanh đem sang 20 vạn quân thì hơi quá. Các sử gia ăn cơm vua chúa nên viết theo hay nịnh hót để được ban thưởng. Trong sử Việt thì kể vua Quang Trung cho 10 người khiêng một cái mộc để đỡ đạn,.., và có cả thảy 60 cái mộc vị chi là 600 lính để đánh tan 200,000 quân Thanh trong một đêm. Tương tự ngày nay người ta thêu dệt anh hùng Lê Văn Tám, Phan đình Giót, Nguyễn Văn Trổi,..

Thật ra, theo ông Nguyễn Chính dịch các văn bản, sử liệu của triều đình Nhà Thanh về cuộc chiến trận đánh này có quân của nhóm thổ phỉ từ vùng núi tập kích với voi tượng và nhóm cướp biển cho tàu men theo bờ sông để đánh bộc hậu, đốt phá nên mới phá 10,000 quân của Tôn Sĩ Nghị trong một đêm. Sau khi quân Thanh bỏ chạy và chết nhiều nhất khi chạy qua cầu, chen lấn nên lọt xuống sông.

Các tướng tài của Nguyễn Huệ như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân,...đều không được nêu tên trong trận đánh lịch sử này. Các tướng này chỉ mới xuất hiện sau này mà đa số là từ bên ngoại của vua Quang Trung, các nữ tướng như Bùi Thị Xuân nên không biết vùng này dạo đó theo chế độ mẫu hệ? Ai có tin tức gì về vấn đề này thì cho mình xin.

Dân chúng bị thất mùa liên tiếp mấy năm, nay phải nuôi thêm đám lính của Tôn Sĩ Nghị nên dân chúng bắt đầu chán vua cháu nhà Lê làm họ thêm khổ cực, cộng thêm trời mùa Đông ở đất Bắc rất lạnh, nghe kể dân chúng không có ăn, phải nấu cỏ để ăn. Thêm những người gốc Tầu sinh sống tại Việt Nam, nhân cơ hội quân nhà Thanh sang nên họ hùa theo, chỉ điểm, cướp bóc dân tình nên dân chúng bắt đầu oán than.

Theo các giáo sĩ thì sau trận đánh ở gò Đống Đa, Nguyễn Huệ bắt dân chúng Bắc Hà, xây đắp một cái lũy phòng hờ lính nhà Thanh trở lại. Chỉ trong vòng 2-3 ngày đã làm xong vì dân chúng sợ bị giết. Các giáo sĩ gọi Nguyễn Huệ là "Attila của Việt Nam", tả ông ta là một người rất hung tợn, giết người, tàn độc. Ông ta mộ binh bằng cách bắt mỗi làng giao bao nhiêu người, không đủ thì bắt phụ nữ giả trai cho đủ chỉ tiêu nếu không thì sẽ bị giết.

Dạo còn đi học ở VN, mình mơ thành người Quang Trung, tiếc nuối là ông vua này mất sớm nếu không đã đòi lại hai xứ Quảng Tây và Quảng Châu. Sau này đi sang Tầu thì mới hú vía là ông ta chết sớm chớ nếu không ngày nay mình chắc là người Tầu. Có ông Trần Đại Sỹ, bên Pháp nghiên cứu và đi viếng mấy nơi mà hai Bà Trưng, nổi dậy chống quân Tô Định ở Quảng Châu. Theo ông ta, ngày nay còn có những nơi thờ hai bà.

Không ai nói đến là sau khi thắng trận Đống Đa, Nguyễn Huệ đã cho con rể, giả làm vua Quang Trung đi sứ sang Tầu, hứa với triều đình Càn Long là sẽ nộp triều cống như mọi lần, có thể đã quỳ lạy trước vua Tầu. Khi xưa, Mạc Đăng Dung quỳ lạy sứ Tầu để tránh việc đao binh vì biết quân đội mình quá yếu, không thể chống lại, để người Việt không bị chết oan.

Nhìn lại thì người Việt chúng ta rất tôn sùng, ưa chuộng bạo lực. Chúng ta tôn sùng anh hùng dân tộc, những người đánh trận, chống lại ngoại xâm trong khi những người có tài như Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Du..., thì ít ai biết hay nói đến. Các mặt trận kháng chiến hay gần đây có những người đã từng lừa gạt cộng đồng nhưng vẫn lập phong trào này, phong trào nọ, ra tuyên ngôn kia để móc ví tiền của người lưu vong. Thật sự, những người lưu vong này cũng biết là không có thật nhưng những phong trào này đáp ứng lại sự mong muốn của họ, cho dù chỉ là một bánh vẽ. Tương tự, các người lưu vong gốc Ái Nhĩ Lan, họ quyên tiền cho nhóm Sinn Fein mặc dù biết là không đưa tới đâu nhưng sự đóng góp tài chánh giúp lương tâm của họ được an bình.

Sách sử nói Nguyễn Huệ là người có tài thao lược, kinh ban tế thế...., nhưng khi ta thấy ông ta đem lính đánh anh mình, Nguyễn Nhạc làm tiêu hao lực lượng của Tây Sơn, nhờ vậy mà Nguyễn Ánh mới có cơ hội lập nên nhà Nguyễn sau khi ông ta chết. Thật ra từ khi lên ngôi đến khi chết, ông ta chỉ làm vua có 4 năm thì không thể nói gì nhiều về tài kinh ban tế thế.

Nhà Tây Sơn nổi lên đánh phá nhà Nguyễn vô hình trung đã làm gián đoạn chương trình bình định xứ Cam Bốt vì sau khi nhà Nguyễn được thành lập thì người Pháp đã vào Việt Nam đô hộ, chấm dứt sự bành trướng về phía Tây của chúa Nguyễn, nếu không có nhóm Tây Sơn nổi dậy thì ngày nay dân Cam Bốt đã có kết cuộc như người Chiêm Thành. Có tài liệu nói bên Cam bốt hay Thái Lan, có những lò Võ mà tổ sư là những chiến tướng của Tây Sơn. Có lẽ họ thờ những người này vì họ đã giúp các nước này không bị đô hộ, khai phá bởi dân An nam.

Khi một cán bộ cao cấp, tuyên bố 40 năm sau, 90,000 Hàn Kiều sinh sống tại Việt Nam làm chủ hãng công nghiệp trong khi 90,000 người Việt hiện sinh sống tại Nam Hàn, làm nhân công hay vợ người Hàn. Sự khác biệt của giữa hai nước trong vòng 40 năm quá khác biệt nhưng trên thực tế Việt Nam thua xứ Cao Ly từ xưa.

Vào thế kỷ thứ 6 công nguyên thì xứ Cao Ly đã có chữ viết riêng của họ, được pha chế, phiên âm từ chữ Hán như chữ Nôm của xứ An Nam sau này. Họ có một nền Văn hoá, nhiều tác phẩm văn chương khá cao nhưng không may vào thế kỷ 10, các du học sinh sang Tầu, khi trở về họ ưa chuộng thơ Đường, Tô Đông Pha,... nên dần dần các giới nho học mến chuộng chữ Hán, ngâm nga thi ca của Tầu, nền Văn học của họ bị hán hoá nên không có những tuyệt tác ra đời trong thời gian này. Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm là bằng chữ Nôm còn những tác phẩm được làm bằng chữ Hán do người Việt sáng tác thì hầu như không có. Có nhưng không hay vì không phải tiếng mẹ đẻ nên khó mà thả hồn theo đó.

Tương tự có bao nhiêu tác phẩm viết bằng chữ nước ngoài do người Việt lưu vong sáng tác. Gần đây có một nhà Văn Pháp gốc Việt nhưng đề tài của cô ta chỉ cô động về Việt Nam nên không ăn khách với đọc giả ngoại quốc.

May thay 400 năm sau, họ khám phá ra vấn nạn này nên đã mạnh dạn đổi mới, trở về với chữ viết của nước họ, sau này khám phá thêm một chữ viết mới Hangeul, có 26 chữ cái vào thế kỷ 19. Họ không thần phục người Tầu như xưa, tìm lại bản thể chính của người Cao Ly. Họ cũng trong tình trạng địa lý của Việt Nam, sát ranh giới với Tầu nhưng họ không bị nô lệ hoá về mặt tinh thần.

Gần đây, mình có đọc bài của ông nào nói về sự tiến bộ của xứ Cao ly. Ông ta nói là người Nam Hàn, dịch chương trình giáo dục của Nhật để dạy cho học sinh sau cuộc chiến tranh cao ly chấm dứt năm 1953, chia đôi đất nước của họ. Thật ra, chương trình giáo dục của Nhật đã được áp dụng, giảng dạy tại xứ Triều Tiên từ 30 năm trước, khi quân đội Nhật chiếm đóng, đô hộ xứ này. Tương tự, khi chính phủ của ông Trần Trọng Kim lên cầm quyền thì ông Hoàng Xuân Hãn đã dùng chương trình giáo dục của Pháp để dạy học sinh Việt Nam, chỉ đổi về môn lịch sử, Văn chương,....

Sự khác biệt giữa xứ Cao Ly và Việt Nam dẫn đến câu hỏi nguyên nhân, lý do tại sao đất nước mình bị bỏ lại sau. Những thập niên 50 ‐ 60 của thế kỷ trước, Sàigòn được gọi là hòn ngọc Viễn đông, là ước mơ của mọi quốc gia trong vùng.

Mình chỉ có hai giả thuyết: một là người Việt xấu xí, hai là Văn hoá Việt xấu xí. Ngày nay, có trên 2 triệu người gốc Việt, sinh sống tại hải ngoại. Nói chung trong 5 thập niên qua, người Việt lưu vong đã hoà nhập, đóng góp tài năng của mình cho cộng đồng quốc tế, nơi họ định cư. Có người đoạt giải Fields, sáng chế công nghệ, thành viên trong những công trình lớn của các nước sở tại, giáo sư trong các đại học lớn của Âu Châu, Hoa Kỳ, thành công trong thương trường,...nên không thể nói căn bản người Việt là xấu xí, tồi bại.

Hàng năm người Việt Hải ngoại gửi về cho gia đình trên 11 tỷ đô, đã nói đến sức mạnh kinh tế của họ ở hải ngoại. Nếu tính đầu quân thì số tiền người Việt lưu vong, dựa vào tiền gửi về cho gia đình, thu nhập của cộng đồng cao hơn tổng sản lượng Quốc gia của nước Việt Nam Cộng Hoà xã hội chủ Nghĩa với 90 triệu người dân. 2 triệu dân ở xứ người làm tiền nhiều hơn 90 triệu dân trong nước.

Hãng Intel cần tuyển 100 kỹ sư tại Việt Nam để gửi họ đi học tập để làm việc cho hãng xưởng của họ mới thành lập nhưng chỉ tuyển được 27 người, ngoài ra họ phải mướn kỹ sư Ấn độ. Thí dụ này là điển hình cho sự giáo dục trong nước không đáp ứng, bắt nhịp với sự phát triển kinh tế, công nghệ thông tin của thế giới mặt phẳng.

Mấy đứa cháu mình kể là năm thứ nhất vào đại học, phải học chủ nghĩa Marx Lenin, học định hướng xã hội chủ nghĩa. Một chủ nghĩa đã lỗi thời mà các nước trên thế giới đều vứt bỏ. Thật ra thầy cô cũng biết nhưng vì miếng cơm nên cũng phải làm con vẹt, giảng dạy đưa đến tình trạng là người Việt nói và làm không đi đôi, nói vậy mà không phải vậy. Từ năm đầu tiên, sinh viên đã được dạy nói láo, không được bày tỏ những gì mình suy nghĩ, tư duy. Con người bị bắt buộc sống trong giả dối hàng ngày. Những suy tư của họ khác với những gì họ làm hay nói như nhân vật Jekyll và Hyde.

Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhất nhưng không có nghiên cứu gì cả, lại nghe nói trong tương lai gần đây lợi tức người dân sẽ thua xa dân Cam Bốt và Lào mà người Việt thường nhìn từ chiếu trên, xưa nay hay chê bai, khinh thường họ.Vậy nguyên nhân chính là Văn hoá Việt xấu xí, cản trở đất nước vùng lên, thoát khỏi sự u tối. Chúng ta phải dứt khoát từ bỏ nền Văn hoá Khổng Việt, một Văn hoá đã nô lệ hoá ông bà chúng ta mấy ngàn năm nay. Nếu ngày nào, người Việt hãnh diện về tiếng mẹ đẻ của mình, trân trọng Việt ngữ thì trong tương lai ta mới hy vọng có một nhà văn đoạt giải Nobel.

Khi nhìn lịch sử, chúng ta cần nhìn từ nhiều khía cạnh nhất là không để tình cảm lấn chiếm, ảnh hưởng đến cái nhìn khách quan của mình.

Khi chiếm đóng Việt Nam, đô đốc Bonard phân vân, chưa biết phải dạy chữ Nôm, hay chữ Quốc ngữ cho dân bản xứ thì các nhà truyền giáo muốn dùng chữ Quốc ngữ để giúp họ truyền giáo nhanh hơn. Nhiều khi mình ngẫm nếu dạo đó, người Pháp cứ tiếp tục dạy hán Văn hay chữ Nôm thì Có lẽ ngày nay Việt Nam mình đã có một kết cuộc rất khác. Các bạn nghĩ sao?

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét