Dạo tiểu học, mình học giờ Việt Văn nghe nói đến Luỹ Thầy, cuối tuần đi vào vườn trong Suối Tía qua ngõ dốc Nhà Bò ở đường Đào Duy Từ nên hay thắc mắc về ông tể tướng của Chúa Nguyễn.
Theo mình hiểu ông Đào Duy Từ rất giỏi nhưng chế độ Chúa Trịnh không cho đi thi tương tự sau 75, con cháu nguỵ quân, nguỵ quyền không được học đại học. Bố mẹ ông ta là nghệ sĩ, thời đó họ gọi xướng ca vô loại chớ không như ngày nay là Siêu Sao. Đi thi thì phải được làng xã chứng nhận hộ khẩu, l ý lịch nên mẹ ông ta, giá chồng nhờ một xã trưởng đổi tên cho ông là Vũ Duy Từ để đi thi và đỗ xong thì tên xã trưởng nổi hứng bắt bà mẹ lấy hắn nhưng không được nên đi tố giác nên ông bị lột áo quan, đuổi về chăn trâu.
Sau đó ông ta trốn vào nam, đi chăn trâu, được chủ phát giác là có học và có tài nên gã con gái cho rồi tiến cử với chúa Nguyễn sau làm đến tể tướng. Để tránh sự xâm chiến, đánh phá của chúa Trịnh, ông ta đề nghị chúa Nguyễn xây hai cái luỹ để ngăn chận sau được gọi là Luỹ Thầy.
Ông còn được gọi là ông tổ của Hát Bộ Việt Nam với tuồng Sơn Hậu và nhạc cung đình của triều đình Huế. Ngoài ra ông ta còn viết cuốn sách về quân sự "Hổ Trướng khu cơ" để huấn luyện binh sĩ.
Ông làm quan được 8 năm nhưng đã giúp Chúa Nguyễn gầy dựng nền móng cho nhà Nguyễn kéo dài 9 đời Chúa (131 năm) và 13 đời vua nhà Nguyễn (143 năm) mà dân gian hay gọi "9 chúa 13 vua). Đàng Trong, mở các hải cảng buôn bán với thế giới bên ngoài nên khá phồn thịnh thêm có chương trình Nam Tiến.
Bên Tàu, thời Tam quốc nghe nói có ông Khổng Minh, Gia Cát Lượng theo phò Lưu Bị trên 30 năm, làm đến tể tướng nhưng nhà Thục chỉ nắm giữ được 27 năm sau khi Lưu Bị qua đời thì mất nước. Thử hỏi nếu ông Đào Duy Từ được làm quan từ thời mới đậu Á Nguyên của Nhà Lê mà được Chúa Trịnh trọng dụng thì chắc chúa Trịnh đã thống nhất Sơn hà từ lâu và chúa Nguyễn đã không có cơ hội nghe ông trạng nguyên Nguyễn Vĩnh Khiêm vào nam để sống sót và gầy dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn sau này.
Nghe kể khi Mạc Đăng Dung chịu trói trước sứ tàu để tránh chiến tranh, làm dân tình khổ sở thì Chúa Trịnh vớ đại một người thuộc con cháu nhà Lê, ngu ngu một tí rồi phong làm vua bù nhìn kiểu Đổng Trác hay Tào Tháo thời Tam Quốc, phò vua nhà Hán 10 tuổi, coi như mình là vua trên thực tế.
Mình cũng thắc mắc l ý do ông vua Trần Nhân Tông, sau khi đánh đuổi quân Nguyên, lại bỏ đi tu. Có lần mình kể cho một ông thầy Pháp về người Việt Nam đã đánh đuổi ba lần quân Nguyên khiến ông ta ngạc nhiên vì quân đội của Thành Cát Tư Hãn được xem là đoàn quân bách chiến bách thắng, đã gầy dựng lãnh thổ của đế quốc này lớn nhất thế giới trong lịch sử.
Có thể trong chiến tranh, ông vua này giết người nhiều quá nên về già, lo sợ nên đi tu. Con cháu sau này lên ngôi như An Tông và Dụ Tông được xem là những tên chơi bời, không bao giờ chú tâm đến việc nước.
Nhiều lần ông về cung thì thấy con cháu ăn chơi quá độ.
Có điểm lạ là sau khi gian khổ đánh đuổi được quân Nguyên, thay vì lo chỉnh đốn lại đất nước vì có nạn đói, không có người làm ruộng trong thời gian chiến tranh,... Sau khi đánh đuổi quân Nguyên, vua nhà Trần lại bắt dân chúng làm hộ khẩu lại để kiểm tra dân số để đánh thuế, để vua chúa có tiền để xây dựng tượng đài hay cung cấm để sống vương giả như câu tục ngữ "được làm vua thua làm giặc". Khi vét hết của dân thì vua nhà Trần lại đem quân đi đánh mấy xứ nhỏ như Lào và Chiêm Thành cho nên có nhiều sử gia cho rằng Việt Nam dạo đó không phải là một quốc gia, chỉ là một đạo quân, đi đánh các xứ khác, cướp bóc tương tự thời Thập Nhị Sứ Quân, mấy bộ tộc Việt choảng nhau vì lười làm ruộng, cứ đi đánh cướp bóc các bộ lạc khác đến khi Đinh Bộ Lĩnh, giết trâu để đãi đám chăn trâu, bỏ trốn vì sợ bị bắt, sau đó thành lập sao huyệt, cướp bóc rồi từ từ diệt hết những bộ tộc khác, xưng đế lập ra nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt nhưng làm vua được 12 nam thì chết rồi con cháu chém giết nhau rồi ngôi báu cũng mất luôn lọt vào tay nhà Lê.
Ở Âu Châu, nước Phổ thường được xem là một quốc gia chuyên đánh trận, sau này một phần đất đai là nước Đức ngày nay. Ở Hy Lạp, có dân vùng Sparta, chuyên huấn luyện lính thiện chiến từ bé, để đánh thuê hay cướp bóc hay người Anh hay thuê các người Gurkha (lính gốc Nepal) vì họ rất trung thành và gan dạ.
Ông Winston Churchill là một người lãnh đạo giỏi trong thời chiến nhưng thời bình thì ông ta đã thất bại trong việc tái kiến thiết đất nước.
Đọc lịch sử Việt Nam thì mình cảm thấy là dân mình đánh giặc thì hay nhưng khi nói đến việc kiến thiết đất nước thì không khá, ngoại trừ nhà Nguyễn sau này được kéo dài gần 300 năm.
Có thể khi Chúa Nguyễn xin vua Lê đem gia đình họ hàng xuống miền nam lập nghiệp để tránh bị Chúa Trịnh giết hại, vì ở xa vua nên ông ta cởi mở, cho dân chúng buôn bán với các tàu buôn của các nước vì các vùng Hà Tỉnh, Phú Xuân đất đai nghèo khó trồng trọt mà người ta kể ăn cơm với cá gỗ. Chúa Nguyễn cầu hiền, cần có người giúp đỡ nên khi bận đồ thường để đón ông Đào Duy Từ, thì ông này không chịu nói chuyện nên phải vào cung thay áo quần ra gặp Đào Duy Từ.
Người Việt mình từ nhỏ đã bị nhồi sọ, yêu thích các nhân vật trong lịch sử, thích đánh giặc, ưa chuộng bạo lực như tôn thờ anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc,.., của nhà Tây Sơn là anh hùng dân tộc nhưng đọc lịch sử thì thấy mấy anh em nhà Tây Sơn là đám cướp biển, chuyên đánh cướp các tàu buôn ghé Việt Nam rồi trong lúc triều đình bị Trương Phúc Loan lộng hành, dùng các tướng lười biếng nên giặc nổi khắp nơi nên anh em nhà Tây Sơn, gốc Tàu, họ Hồ, chạy vào nam khi Hồ Quý Ly bị đánh bại, nổi lên chiếm đóng nhiều nơi rồi xưng đế.
Qua tài liệu của ngoại quốc thì đám cướp này giết người man rợ, đốt phá hải cảng Hội An, tàn sát dân chúng, đốt tàu buôn đến nổi chính phủ Nhật khuyến cáo các tàu buôn không nên ghé lại Việt Nam. Hồi nhỏ mình được dạy tôn sùng anh em nhà Tây Sơn. L ý do đó mà khi Nguyễn Ánh trốn sang Chiêm rồi sang Pháp xin cứu viện thì dân chúng che chở, cho ẩn nấu dù biết nếu bị lộ thì lính Tây Sơn sẽ giết cả nhà. Tương truyền ở miền nam, đàn bà con gái vùng gần Bạc Liêu rất đẹp vì khi Nguyễn Ánh chạy trốn lính Tây Sơn thì cung nữ theo hầu ở lại vùng này nên có một thiểu số đàn bà con gái ngày nay rất đẹp.
Đọc tài liệu về ông Đào Duy Từ, không biết bà ngoại mình có dính dáng gì với dòng họ của ông này vì mệ ngoại mình họ Đào nên mình thắc mắc đi tìm, sau này có dịp mình sẽ kiếm tài liệu ở quê ngoại. Mình chỉ biết ông ngoại là thuộc dòng của Mạc Đăng Dung, Mạc Đĩnh Chi, sau ông tổ đổi họ lấy chữ lót Đăng để con cháu ghi nhớ cội nguồn.
Nói chung nhìn lịch sử Việt Nam thì chỉ thấy đánh nhau, các triều đình được lập lên rồi bị các nhà khác đánh xụp nên mình xem như là các đảng cướp hay bộ tộc không có truyền thống canh tân xứ sở, chỉ lo cướp đất dành dân để đóng thuế. Các vua xem người dân như nô lệ, bắt phải đóng thuế như xã hội đen bảo kê, bắt phải đóng thuế cho các vua quan có tiền xây cung điện. Chỉ có ông Đào Duy Từ, không được trọng dụng vì lý lịch của gia đình, vượt biên trốn xuống miền nam, cởi mở hơn nên được thu nạp nên có cơ hội, giúp Chúa Nguyễn trong 8 năm, thành lập căn bản cơ sở để con cháu sau này trị vị đến gần 3 thế kỷ.
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét