Lưu vong tại quê

(Đúng như bạn đã viết.
Tâm tư của kẻ lưu vong dừng lại ngay từ khi họ rời xa cố quận. Hình ảnh sẽ và mãi mãi là hình ảnh cũ, dù vật đổi sao rời.
Một kẻ xa quê ngỡ ngàng khi trở về bến cũ; người làng ngỡ ngàng khi nhìn người xưa trở về hồ chi kẻ ra đi...
"Hôm qua em đi tỉnh về...
nào đâu cái yếm lụa sồi,
cái dây lưng đủi nhuộm hồi sang xuân.."
..huống chi kẻ lưuvong_mất nước. Họ không chỉ mất vóc dáng hình hài nơi sinh ra và lớn dậy; họ mất luôn cả âm thanh, mùi vị, rồi bản sắc.
Rồi họ tiếc dù vẫn biết vật vẫn đổi và sao vẫn rời. Tớ đang nói cho bạn mà cũng đang nói cho mình.
"..thành phố của mình sao lạc lõng thế, Lăng ơi" )
Trên đây là một đoạn lá thư của một anh bạn viết. Anh bạn này thì mình không bao giờ học chung, khi mình vào Văn Học thì anh ta đã rời Đà Lạt đi xa nhưng nhờ mái ấm Văn Học nên mình có duyên gặp anh ta. Anh ta là một người rất có tài, hát hay, viết văn, làm thơ rất chiến nhưng mình thích anh ta nhất là cái tính rất khiêm nhường. Anh không muốn ai biết là con của một thi sĩ nỗi tiếng của Việt Nam hay khoe tài của mình. Cái tính này mình muốn học nhưng chịu vì cái gốc bần cố nông, thiếu văn hoá của mình.
Lâu lâu anh ta làm bài thơ đắc ý thì gửi cho mình hay chia sẻ với ai đó đọc, mình có bài nào đoán anh ta thích đọc thì gửi chớ không gửi loạn cào cào. Anh rủ mình lên dự đêm "ngu 3 năm, dại cùng ngày" mà anh đang ráo riết chuẩn bị cho tháng 7 tới. Nghe nói anh và nhóm thân hữu tổ chức một đêm ca nhạc để quyên tiền giúp mấy nạn nhân lụt lội rất thành công tháng qua. Mình có bạn từ Paris sang nên không lên dự được. Hội ngộ kỳ này, anh ta sẽ phụ trách chương trình văn nghệ nên rất xôm tụ. Ai muốn tham gia chương trình, ngâm thơ, hét hò chi đó thì xin cho biết để anh ta soạn chương trình. Anh ta sẽ đem dàn âm thanh nổi mới tậu và sân khấu từ miền bắc xuống.
Anh kể có lần con gái đi học 6 tháng ở Hà Nội, gọi về chất vấn sao không cho con gái biết ông nội là một nhà thơ nỗi tiếng, anh chỉ ngậm ngùi nói bố không có tài nên không dám khoe. Cô con gái đi học ở đại học Hà Nội thì nghe giảng về thơ của ông nội. Cứ tưởng tượng, cô con gái vào học thi ca Việt Nam, thì lù lù ông thầy chiếu tấm ảnh ông nội trên bảng. Chới với.
Chẳng quen biết nhưng anh ta lái xe từ San Jose xuống, ghé thăm vợ chồng mình rồi hát vài bản cho vui nhà. Vợ chồng mình chạy lên miền bắc, ghé thăm vợ chồng anh ấy. Anh ta thầm nói vợ em nói thích bác gái của bác rồi thế là vui rồi. Muốn làm bạn mà mấy mụ vợ không ưa nhau thì bù trớt. Đồng chí gái có cái tính hiền nên đi đâu ai cũng mến nên mình ăn ké.
Nếu mình không lầm anh ta có nói đến Nguyễn Bính, khi thấy cô gái cùng làng đi tỉnh về, đã thấy khác khác rồi. Anh ta nhận xét đúng là mình chỉ nói có một chiều, Từ Thức trở về quê xưa mà quên không xét lại phía người ở lại xem xét mình ra sao.
Nhớ lần đầu về thăm nhà, ghé thăm ông cậu bà con mà khi xưa hay cho mình mượn xe gắn máy đi chơi. Ngồi nói chuyện với cậu xong thì hôm sau cậu ghé nhà kể là con cậu, ở trong nhà phía sau bếp, nói mình không phải Việt kiều. Đa số Việt kiều về là nỗ banh xác,… mình hơi thắc mắc nên hỏi mấy cô em thì được biết nhiều người đi ra khỏi nước mới có mấy năm, về lại quê xưa, nói ngọng nghịu tiếng Việt trong khi mình vẫn nói rặc tiếng Việt, không chêm tây tàu gì cả.
Theo tài liệu thì trên thế giới có trên 2,000 giống dân, chũng tộc mà theo Liên Hiệp Quốc thì chỉ có 206 quốc gia, do đó ta có thể xem là có rất nhiều người lưu vong. Có người lưu vong ở một xứ khác, có người lưu vong chính trên mảnh đất nơi họ sinh ra như anh bạn học xưa, đang học đại học y khoa Huế, bổng bị đuổi không cho học. Với cái lý lịch, nhân thân ngang dọc, con cháu nguỵ quân nguỵ quyền, anh không làm gì được trong một chế độ học tài thi lý lịch, Hồng hơn chuyên, bắt buộc sống như kẻ bên lề, lưu vong trên chính đất nước mình.
Vợ chồng mình có đóng góp giúp các em gốc Chu-Ru, xe đạp để đi học thì mới khám phá ra những người thiểu số cũng bị lưu vong chính tại các buôn, trên quê hương của họ. Họ nói tiếng Việt bằng giọng bắc dù ở cạnh Đơn Dương, văn hoá cỗ truyền của họ bị xâm chiếm, đúng hơn là bị Hà Nội hoá.
Như đa số các người Việt tại hải ngoại, các người trong nước cũng bị lưu vong, họ đứng tòn teng ở gạch nối người Việt "tiền 1975-hậu 1975". Có cô em út sinh năm 1975, thường hỏi một người anh: 'trước 75 sống sướng hả anh". Họ nói tiếng Việt pha lẫn ngữ vựng Việt Nam Cộng Hoà và sau 75. Có người nói nghe nhiều từ của cán bộ không hiểu mô tê chi cả. Nhiều người nhà cửa bị tịch thâu, bị đuổi đi kinh tế mới hay trốn vượt biển không thoát, trở về thì lang thang, sống tạm ở đâu đó.
Mình về Đà Lạt còn có nhà cửa khi xưa để ở còn đồng chí gái về Sàigòn hay Hội An thì nhà cũ đã bị người có đảng tịch chiếm. Gõ cửa xin vào xem thì họ không cho, ngậm ngùi chỉ mấy đứa con nhà của mẹ khi xưa, bị tước đoạt công khai.
Hình ảnh đau buồn khó quên của một anh bạn học cũ, sinh viên y khoa Huế năm thứ 2, bị lôi cỗ ra khỏi trường vì con nguỵ quân, bao nhiêu mộng ước của tuổi trẻ bị chôn vùi vì sinh nhằm quê hương, chốn ở. Sống lây lất mấy chục năm qua, ngày ngày chăm sóc cháu ngoại để con mình đi lao động.
Một anh bạn khác, học rất giỏi, đậu tú tài pháp hạng Assez Bien, nay lái xe thồ nuôi vợ con. Khi xưa mộng anh ta trở thành một giáo sư đại học nhưng 30 tháng 4 đến, mọi thứ đều dừng cả. Bỏ học đi làm thuê vặt vãnh, mình có gặp lại lần đầu về thăm gia đình nhưng sau đó thì không gặp nữa.
Mỗi tháng 4 đến là mình cảm thấy không vui vì ngày 30/04/75 vẫn lơ lững treo khơi khơi trong đầu óc mình. Tháng tư là tháng của ký ức, của hoài niệm về một thời thơ ấu, không âu lo của tuổi thơ, về một quê hương đã mất. Nhiều khi mình muốn bơi ngược thời gian như cá hồi, trở về tắm lại ở hồ Xuân Hương.
Có cô cháu du học ở Hoa Kỳ, nói sao người Việt ở đây chỉ loay hoay trước 75, rồi kinh tế mới, vượt biển,… thế hệ cháu, không bao giờ nhắc đến chuyện đó. Thật ra thế hệ ông bà cụ mình vẫn lơ lững giữa "trước giải phóng và sau giải phóng". Trong những câu chuyện với thế hệ của ông bà cụ, mình vẫn nghe cụm từ "trước giải phóng" và "sau giải phóng".
Ông Adam và Eva, thuỷ tổ của loài người, vì óc tò mò, vén mấy lá nho che bộ phận sinh dục cho nhau xem thì khám phá ra sự khác biệt và ăn trái cấm nên bị đầy xuống trần gian. Vậy họ được xem là những người lưu vong đầu tiên của loài người. Không biết họ có những hoài niệm về thiên đường như người Việt lưu vong nhớ về cố quốc hay thời Việt Nam Cộng Hoà.
Chúng ta là những gì chúng ta nhớ. Những gì chúng ta nhớ tạo nên ý nghĩa về những gì chúng ta làm, chứng kiến; và những gì chúng ta làm, chứng kiến được ghi nhớ sẽ tạo nên hình ảnh, bản sắc của chúng ta. Những hình ảnh ấy sẽ là nguyên liệu căn bản tạo nên bản sắc của mỗi cá nhân. Do đó những người lớn tuổi, mất trí nhớ, bao giờ cũng mất bản sắc của họ vì không còn trí nhớ. Bà mẹ vợ mình khi xưa hay hỏi đồng chí gái là "tui có chồng chưa?", đồng chí gái trả lời không có dôn thì làm sao có con khiến bà cụ cười nhưng không hiểu cười về điều gì.
Mỗi khi gặp mặt các bạn học cũ Đà Lạt thì mình rất vui vì mỗi người kể về ký ức của họ. Ký ức không thuần tuý riêng tư, có tính cách cá nhân lại có tính tương tác. Mỗi ký ức của mỗi người bạn học xưa, có tính chất cá nhân nhưng xen lẫn một không gian, thời gian, hoàn cảnh và những người khác mà có thể mình biết hay không biết.
Qua nỗi nhớ chúng ta nối kết với bản ngã và môi trường xung quanh, quá khứ và hiện tại, cá nhân và tập thể, cái riêng và cái chung. Có lần gặp vợ chồng cô bạn, không biết có học chung hay không nhưng nhất định là ở Đà Lạt. Ông chồng kêu là khi đọc bài mình viết kể đến ông thợ nhuộm với cái trống bỏi thì hình ảnh ấy gợi đến nổi nhớ của anh ta về ông thợ nhuộm, khiến anh ta buột miệng kêu đúng rồi rồi tới ông hớt tóc, anh ta cũng nhớ lại hình ảnh đó, kêu đúng rồi, ông bán xắp xắp hay đứng ở kem Việt hưng hay bờ hồ,….
Do đó cái nhớ nào của một ai vẫn lấp lánh hồi quang của một tập thể: nuôi dưỡng bản sắc cá nhân đồng thời đồng thời đóng góp vào sự định hình của một tập thể. Rồi ký ức ấy bị tập thể tác động ngược lại biến ký ức thành một quá trình chọn lọc liên tục.
Do đó ký ức không phải là cái "đĩa cứng" thâu các hình ảnh, âm thanh,…, một cách vô hồn. Ký ức được tái tạo và tái cấu trúc liên tục với thời gian khi con người chúng ta thêm tuổi, thêm cách suy nghĩ, cách kiến tạo. Cùng một sự kiện nhưng được nhớ ở các thời điểm khác nhau, với những không gian, tâm trạng khác nhau do đó ký ức vẫn có tính chất hiện tại. Ký ức là quá khứ được hiện tại hoá do đó nó có tính chính trị của nó. Nhớ như một loại hình ảnh tự sự, diễn ngôn.
Nói về ký ức, chúng ta có thể chia thành hai loại: ký ức của quê hương, của lựu chọn của những người trong nước và ký ức quê hương của số phận cho những người việt hải ngoại hay nói cách khác là ký ức của người thắng cuộc và ký ức của người thua cuộc, nạn nhân. 30/4/75 là một ngày có vạn người vui, triệu người buồn, cho thân phận và cho quê hương.
Hà Nội rêu rao bọn nguỵ quân, vượt biển là phản quốc nhưng rồi sau đó là ve vãn với chiêu bài quê hương là chùm khế ngọt, kêu dụ người lưu vong đem tiền về. Có dạo ngồi nói chuyện với một ông lưu dân, gốc Hà Nội. Ông ta kêu tôi là lưu dân, không phải tỵ nạn như các anh. Ông ta nói sao các người miền nam cứ đau đáu về chuyện 30/4/75 trong khi chúng tôi đã quên, muốn hoà hợp hoà giải dân tộc. Được cái là ông thần này, nghe người khác kể lại thì ông ta phục mình dù thành phần chế độ cũ, dân du học của Việt Nam Cộng Hoà, thuộc loại học giỏi.
Ký ức của người Việt hải ngoại là ký ức của nạn nhân, của đầm đìa máu và nước mắt. Không chỉ là thời gian chiến tranh từ 1954 đến 1975 mà ngay cả sau 30/4/75 với các vùng kinh tế mới, trại cải tạo, đánh phá tư sản, ngăn sông cách chợ,…, khiến họ phải gạt bỏ chạy trốn để tìm một con đường sống.
Ông cán bộ lưu dân này có vài triệu đô hưởng nhàn ở Hoa Kỳ tuyên bố theo người thắng cuộc. Nếu ông ta nghĩ đến một ngày nào đó, ăn cướp vào nhà ông ta, đuổi cả nhà ra đường rồi sau đó cả gia đình lê lết từ kinh tế mới về lại Sàigòn, ghé lại căn nhà của mình khi xưa. Tên chủ nhà mới bảo chúng tôi đã tha thứ cho các anh rồi, sao anh vẫn còn căm hận chúng tôi.
Mình không chủ trương hận thù nhưng tin vào sự tha thứ như chúa Giê Su, bị hành hình vẫn tha thứ cho người đã giết ông ta, kinh Phật nói về tha thứ để được giải thoát khỏi cái nghiệp nhưng mình không tin vào đạo đức quên lãng vì "you are what you remember".
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét