Siem Reap 2017

Máy bay từ trên cao đảo vòng hồ Tongle Sap mà mình nghe và học vào giờ địa lý, nay mới thật sự hiển thị. Quá to. Nơi đã nuôi người Campuchia từ bao nhiêu thế kỷ qua để rồi hôm nay, với các đập thủy điện được xây cất tại thượng nguồn sông Cửu Long đã dần dần diệt sạch cá tại hồ này. Mình có xem một phim thời sự PBS về vấn nạn này, người đánh cá than không còn cá to và phải làm cực nhọc mới được cá.
Điều làm mình ngạc nhiên đầu tiên khi máy bay đáp xuống fi trường Siem Reap là kiến trúc của phi trường quá tiệp trong phong cảnh, văn hoá và văn minh của xứ này. Kiến trúc được làm bằng mái cổ truyền của người khmer, làm ít hao tốn điện hay máy điều hoà thay vì chạy đua theo những nét lai căng, rẻ tiền như những các nước lân cận.
Vào trong phi trường thì càng ngạc nhiên hơn vì họ trang trí nội thất kiểu kiến trúc Angkor Wat. Như mọi du khách mình ghé lại quầy xin chiếu khán, tốn $32/ người, riêng bà cụ mang sổ thông hành Việt Nam thì miễn phí. Một tên hải quan kêu Việt Nam và Cambodia là anh em.
Ra khỏi phi trường có người đón đưa về khách sạn. Tên đi đón bận đồ vest lịch sự thêm anh tài xế. Tối đó thì khách sạn kêu xe Tuk Tuk chở bọn này đi xem vũ dân tộc, một loại văn hoá tính ra đã bị xoá bỏ bởi nhóm Khmer đỏ trong những năm đầu cách mạng, đã tiêu diệt 2/5 dân số, người có chung dòng máu, may thay có một bà cựu vũ nữ hoàng gia sống sót để dạy lại cho hậu thế. Ăn bao bụng, đủ thứ món Tây Miên, tốn tổng cộng $12 vừa xem vũ dân quê rồi vũ cũng đình.

Về Huế chả thấy họ làm gì cả ngoài mấy cái thuyền rồng tìm cách chặc chém du khách chớ chả có những màn trình diễn nghệ thuật hàng đêm để giới thiệu văn hoá dân tộc cho du khách. Mình có vào một tiệm ăn thì họ có ban nhạc hò mái nhị, đánh đàn tranh. Thật ra nếu biết khai thác thì người ta cũng có thể tạo dựng lại cảnh sinh sống trên đò để thu hút du khách. Cần tư duy đột phá về du lịch vì có rất nhiều cách để thu hút và giới thiệu văn hoá Việt Nam cho du khách.
Phải nói đến xe Tuk Tuk, một loại xe, chở khách bình dân kiểu xe Lam Đàlạt khi xưa nhưng chỉ chở độ 4 người lớn, nói lên tinh thần chế biến của dân Cao Miên. Họ dùng xe gắn máy như Honda, họ chế một dàn sắt, hàn vào thân xe sau lưng người lái. Họ gắn đầu của xe lôi 2 bánh vào dàn sắt của xe gắn máy rồi kéo xe lôi chở khách đi. Mình thấy nhiều chiếc, họ dùng cái ống nước truyền nước biển, gắn vào thùng nước lạnh truyền qua máy xe để làm giảm nhiệt của máy để có thể chạy xa, không bị nóng máy, lột dên vì khi xưa, chạy xe xuống Tùng Nghĩa là phải ngưng lại dọc đường để chờ máy nguội. Trên xe lôi hai bánh thì có hai băng ghế đối diện nhau kiểu xe ngựa, có mái che mưa nắng. Ngoài ra mình thấy họ độ lại xe gắn máy để người ta kéo đi các quán, quầy xe mì, kẹo kéo,…. trong khi ở Việt Nam thì họ chỉ đặt cái thùng nhỏ phía sau xe gắn máy thêm cái loa to đùng để rao bán bắp luộc,…nên rất hạn chế số lượng bán.
Nước bên cạnh Việt Nam mà thấy nền văn minh, văn hoá khác hoàn toàn, có lẻ vì vậy mà không bị Việt Nam đồng hoá hoàn toàn ngay cả khi VC đổ quân sang đánh Khờ me đỏ, cứu họ thoát nạn diệt chũng vì nền văn minh cha ông của họ để lại quá cao so với Việt Nam.
Đồng chí gái kêu khi xưa, nghe người lớn gọi người Khờ Me là “Mọi”, ai ngờ họ văn minh, giỏi hơn người Việt quá nhiều.
Mình thấy hình như sau 75, người Việt hình đã mất hết sáng kiến tạo dựng. Nhớ khi xưa, nhà thằng Phước ở đường Phan Đình Phùng, trước khách sạn Mimosa, chế được chiếc xe “Cart”, mình có mượn chạy vòng vòng Đàlạt. Nghe báo Việt Nam kể có ông nào chế được trực thăng nhưng chính quyền không cho bay hay tiếp tục nghiên cứu, kêu nguy hiểm hay ông nào chế tạo xe chi đó cũng bị cấm nên chính phủ Campuchia mời qua giúp họ chế hay sửa chữa xe tăng cho quân đội Cao Miên….
Giao thông thì khá hơn so với Việt Nam, người ta nhường nhau, không bấm còi in ỏi ngoại trừ khi qua mặt hay báo hiệu người chạy phía trước, không hổn loạn như tại Việt Nam. Chạy đến cái cầu, mình thấy xe Tuk Tuk của mình dừng lại để đoàn xe bên kia chạy qua rồi bên kia ngừng lại nhường bên này. Đi máy bay ở Việt Nam, mình xứ thấy người Việt tranh dành đòi lên trước mọi người cho bằng được rồi cãi nhau. Trước hay sau thì hành khách phải lên hết thì máy bay mới cất cánh. Mọi người đều có số chỗ ngồi nên không hiểu tại sao phải tranh dành cho mệt.
Thành phố Siem Reap tuy nhỏ nhưng họ tổ chức nhiều Show hàng ngày cho du khách để tạo công ăn việc làm cho dân chúng, thêm giới thiệu văn hoá xứ họ cho du khách. Ăn bao bụng để du khách biết các thức ăn của xứ họ, xem múa hay xiếc nhiều trò lắm. Rất khôn. Mình thích trở lại xứ này chớ Việt Nam vì còn gia đình nếu không mình dành tiền đi chơi xứ khác. Đi chơi để thoải mái vô tư chớ không muốn phải cãi cọ dành dựt tranh nhau.
Thử xem sự khác biệt với Đàlạt. Đàlạt cũng là nơi du khách thăm viếng đông đảo nhưng tối lại không có những chương trình xem văn nghệ kiểu đại trà, giới thiệu văn hoá Việt Nam như hát quan họ, múa nhạc người dân tộc. Xem như mất đi một nguồn thu hút lợi nhuận từ du khách, thay vì ở lâu du khách bỏ đi sớm. Về đêm không có gì được tạo dựng nhằm thu hút du khách. Chợ Âm Phủ thì quá nghèo nàn so với chợ đêm ở Siem Reap. Có thể họ có ý nghĩ làm những việc này nhưng có lẻ không có khả năng hay cho người ra xứ người học cách tổ chức như qua Hawai xem người ta tổ chức những Luau.
Nghe nói lễ hội Hoa Đàlạt mỗi năm đều bị lỗ thêm không dùng hoa Đàlạt mà họ mua hoa từ Trung Quốc hay các vùng như Châu Đốc….. Lý do để họ kiếm ăn. Họ mua ở xa thì giá $1 thì họ kêu người bán làm biên lai $5, để họ bỏ túi do đó năm nào cũng bị lỗ.
Về quê, nghe ông chú họ than là nạn tham nhũng quá nhiều tại Việt Nam nên khổng thể tiến lên được, nợ công quá tải. Nhiều người có con ra trường phải chạy 5,6 trăm triệu mới có công ăn việc làm nên khi họ vào làm thì phải tìm cách gở lại vốn. Cô em mình nói nhỏ là ông chú họ tào lao xịt bột vì khi chú còn làm việc cho cơ quan, vào Đàlạt kêu cô em nói dùm khách sạn viết biên lai giả gấp 5 lần để về quê nộp tiền lấy bỏ túi. Nay về hưu rồi phản lại.
Đây có chợ đêm to lớn, nhất là sạch sẽ, có thùng rác khắp nơi. Hôm qua đi viếng đền Angkor thì thấy một tên du khách tàu, hút thuốc lá rồi quăn trước cổng vào, bị người xét vé kêu lượm tàn thuốc đi bỏ thùng rác. Nhà vệ sinh công cộng rất sạch sẽ, họ bỏ vỏ thơm để cho thơm và tránh nước tiểu bắn tùm lum. Rất hay lại không tốn tiền, không có mùi khai của nước tiểu.
Người dân rất đàng hoàng hiền lành không chặt chém du khách kiểu người Việt. Chính phủ họ cũng hay, tạo dựng một hệ thống xử dụng thông tin công nghệ để tránh tham nhũng hay làm giả.
Xin chiếu khán vào xứ họ, không có hình thì họ bắt đóng thêm $2, để scan cái mặt của người nộp đơn nên không có thằng Hải quan nào ăn gian hay ăn chận. Đi tham quan các đền đài thì không có bán vé tại cổng mà phải đến trung tâm trong thành phố để mua. Họ chụp hình mỗi người đi tham quan để in trên vé nên vào cửa là tránh nạn in vé lậu hay du khách vào xong đưa vé cho người ở ngoài đi vào. Chỗ ra vào của đền đài, không có cổng kiết gì cả ngoài một anh chàng hay cô nào ngồi trên ghế đẩu. Mình nhớ đi Ninh Bình thì mấy tên soát vé không trả lại vé vào cửa để họ ra bán lại ăn chia.
Nhà của họ làm cũng khá hay. Họ lợp mái tôn rồi lấy lá dừa hay rơm phủ lên để giúp cách nhiệt, không hiếp dâm không gian một cách vô tội vạ. Các cổng đi vào nhà hay khu vực được xây cất rất tỷ mỹ không bú xua la mua như các cổng phố phường văn hoá tại Việt Nam. Chả thấy pa nô khẩu hiệu, toàn dân nhiệt liệt gì đó khắp nơi hay cờ quạt chi cả. Các bảng hiệu cũng nhẹ nhàng như Đàlạt trước 75 không áp đảo thị giác của người dân.
Tối hôm qua vợ chồng mình đi ra phố chơi thì phố xá đông đúc, cảm thấy thanh bình. Đồng chí gái cứ kêu vui quá vui quá. Người ta cũng rao hàng nhưng không như kiểu Việt Nam, không mua bị họ chửi thề, đòi đập hay đánh. Nói như một ông thầy cũ: “khổng giáo bao nhiêu đời thêm 70 năm xã hội chủ nghĩa …”
Hôm nào rảnh mình kể đền Angkor Wat vì mình có nghiên cứu đền này và kiến trúc krmer khi còn sinh viên. Hôm nay sẽ đi viếng Hồ Tongle Sap.
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét