Hôm nay có anh bạn học cũ đến nhà thăm rồi hai thằng đi vòng vòng Đàlạt chơi. Chạy vào ấp Sòng Sơn, Suối Tía để mình viếng lại vườn của nhà khi xưa, sau này ông cụ mình đã bán rẻ dù mình đã nói không được bán khi về lần đầu.
Xe chạy lên đường Pasteur, chạy ngang biệt thự của ông bà Thái Thúc Nha, công ty xi nê Alfa film chi đó, lâu quá rồi không nhớ, rồi căn biệt thự bên cạnh của người dì ruột của đồng chí gái vĩ đại vô vàn kính yêu, Đông Phương Ngân Hàng. Sau 75 họ đổi tên thành trung tâm vắc xin, chích chó gì đó, sau đó phải đổi tên lại thành Pasteur vì nếu không sẽ không nhận được viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho các viện Pasteur trên thế giới. Ty công chánh khi xưa thì bị che khuất bởi một ngôi nhà hay chi đó rất cực xấu.
Xe rẽ trái qua đường Triệu Việt Vương mà khi xưa mình hay đi, tuy xa hơn để tránh đám dốc Nhà Bò chận đánh khi vào vườn. Hai bên đường khi xưa chỉ là thông và thông, đi không có một bóng người khiến mình sợ ma mỗi lần đi vườn về, khi nghe tiếng gió thổi xì xào mấy cành thông, nay thì mọc đầy nhà, hàng quán khiến mình không biết đâu đâu là đâu.
Từ thức khi xưa nghe kể đi đâu mấy năm, khi trở lại cố hương thì cứ tính một năm ở thiên đường bằng 10 năm ở trần thế. Mình về lần đầu năm 1992, đến nay là 27 năm mà có cảm tưởng như mỗi năm ở thiên đường bằng 200 năm ở trần thế. Mình về năm kia thì nay đã thấy thay đổi rất nhiều ở Đàlạt.
Mình thấy cái dốc bên phải nên đoán là cái dốc ngày xưa đi vào ấp Sòng Sơn, có đồn Quân Cụ bên phải, nay chỉ toàn là nhà và nhà. Chạy một đoạn xa thì mới thấy một con đường rẽ xuống bên trái thì đoán là con đường đất mà bà cụ cho ủi để xuống vườn nhưng thấy xe hàng đậu đầy nên quay về. Họ cho xe máy ủi cày một vũng sâu khá rộng , chắc để làm cái hồ nước hay chi đó không rõ.
Xe chạy ra rồi rẽ phải chạy về hướng hồ Tuyền Lâm, đèo Prenn, mà khi xưa không dám chạy vào vì sợ Việt Cộng nằm vùng. Nhìn xung quanh, toàn là nhà và quán ăn,… rừng thông biến đâu hết, rồi xa xa trên đồi núi, cũng thấy họ đốn cây, đốn rừng. Đàlạt mà không còn thông thì đâu phải là Đàlạt, khí hậu mát? Trời nóng như điên, ít hơn Sàigòn nhưng nóng hơn ngày xưa. Mình bận áo cánh tay mà vẫn nóng.
Xe rẽ qua đường xuống đèo Prenn, rồi chạy xuống Đức Trọng, Tùng Nghĩa mà mình có kỷ niệm khi đi lạc quyên cứu trợ bão lụt miền trung với bạn học cũ khi xưa. Khu này khi xưa cũng vắng teo nay thì nhà cửa mọc lên như nấm hoang, không có trật tự, cho thấy không có kế hoạch phát triển gì cả tương tự thương phế binh cắm dùi ngày xưa ở góc Cường Để và Hai Bà Trưng. Dân miền bắc hay xứ nào vào Đàlạt làm ăn rồi kêu con cháu vào rồi chiếm đất, xây cất loạng cào cào lên. Mai mốt nếu có quy hoạch mới, cần nối rộng đường thì lại nghe tin tức cưỡng chế đủ trò. Xe chạy đến Phi Nôm mà khi xưa bà cụ hay xuống mua chén đĩa do người Nhật làm chủ nên kiểu rất đẹp.
Hai thằng nhắc đến Trần Quang Hùng học chung khi xưa, nhà ở Đơn Dương nên chạy xuống đó xem sao. Mình thấy họ xẻo núi mà khi rời phi trường Liên Khương thì có thấy xa xa, nay hiển thị cận cảnh thì xót xa cho thiên nhiên bị tàn phá. Khi xưa bom đạn của mỹ hay thuốc khai quang không phá rừng nhiều như vậy, cho thấy với sức người sỏi đá cũng thành cơm, rừng riết gì cũng thành sỏi đá.
Thấy căn nhà của tên này ở ngày xưa, đối diện cái cây to đùng, lên ở trọ Đàlạt, cuối tuần về nhà. Được biết là bố tên này là dân tập kết nhưng con cháu vẫn được đi học, thậm chí mình đoán hắn ngày xưa lớn tuổi hơn mình, rồi làm giấy tờ giả lên Đàlạt học. Nghe anh bạn kể là có gặp lại sau 75, anh ta về dạy ở Sàigòn rồi làm cán bộ cao cấp chi đó. Cũng mừng cho anh bạn học cũ vì mình có gặp lại vài người bạn te tua sau 75, đang học y khoa rồi công an vào trường, đuổi ra khỏi lớp, đi thanh niên xung phong, nay lêu bêu như người đi bên lề cuộc đời.
Xe rẽ trái lên Đàlạt, chạy qua Cầu Đất mà khi xưa có vài lần dám chạy xuống đây vì có lò chén Thiên Nhiên do người Đài Loan làm. Họ xẻo đồi núi để trồng lê guim trong mấy cái lều bọc nhựa, xa xa thấy hồ Than Thở. Xung quanh là nhà cửa, rừng thông biến mất vì khi mình về năm 1992, có chạy lại đây kiếm Nguyễn Đình Tài thì vẫn thấy hoang vu. Kinh.
Mình bổng nhớ đến tên bà nào có sở trà ở đây, qua tàu buôn bán chi đó bị giết nên hỏi thì anh bạn chỉ những đồi trà là của bà ta. Nghe nói bà ta là gái miền Tây chài được một người đài loan, bỏ công ty ở xứ mình để sang đây trồng trà ô long rồi bà này ly dị vì tài sản đều đứng tên bà ta nên ông chồng mất trắng hết toàn bộ gia tài. Bà ta bị giết chắc là do ông chồng đài loan. Nay con cháu quản lý công ty. Anh ta kể về mấy người khác cũng chài được ngoại kiều,… kinh.
Có người mới sang định cư theo diện di dân ở Hoa Kỳ, hỏi mình có nên để người con đứng tên thì mình khuyên là không vì nếu mai sau con họ ly dị thì họ mất trắng tay tài sản vì đứng tên con trai, phải chia cho con dâu là ngọng. Có những cách khác để đứng tên tài sản nhưng họ nói không rành anh ngữ nên mình không dám nói thêm sợ họ điên cái đầu vì cần thời gian để tìm hiểu pháp lý tại Hoa Kỳ cũng như ai về Việt Nam thì nên tìm hiểu kỹ về pháp luật sở tại tước khi mua nhà cửa.
Mình nghe nói mận Trại Hầm đều bị phá bỏ để trồng Cà Phê, thấy cây nho nhỏ mọc đầy. Thấy buồn vì người nông dân phải bán bao nhiêu tấn cà phê để mua một cái điện thoại thông minh mà thị trường cà phê của thế giới là do các công ty đa quốc gia nắm giữ giá. Họ thu mua rẻ rồi để dành khi nào thất mùa là tung ra bán có lời chớ người nông dân việt trồng cà phê chả lời thêm mà lạng quạng là tiêu vốn phá sản hết vì không có bảo hiểm nông nghiệp.
Đọc báo Việt Nam thì được biết là trái cây của nông dân việt từ xứ quảng không được bán qua Trung Quốc ở biên giới mà người ta gọi là Biên Mậu. Ai muốn bán thì phải dán nhản Madze in China. Các xe vận tải không được chở hàng qua Trung Quốc, đành quay về, đỗ thơm dứa,…bên đường vì hư,… mình đoán không có người giỏi anh ngữ để tìm thị trường ở hải ngoại nên cứ bán rẻ cho Trung Quốc rồi Trung Quốc dìm giá.
Mình đi viếng một công trường ở Đàlạt, do người đức xây dựng. Họ có nhà máy làm len bằng lông cừu của Tân Tây Lan ở Trung Quốc nay họ chuyển qua Việt Nam để sử dụng khí hậu Đàlạt để làm loại len đắc tiền này. Mình thấy nội bụi lông cừu bay lan khắp vùng này là cũng khốn nạn cho dân sở tại vì ô nhiểm môi trường. Các luật lệ của Trung Quốc bắt đầu thấy những tai hại của công nghệ hoá man rợ đã làm ô nhiểm môi trường nên bắt đầu kiểm soát gắt gao. Việt Nam thì không nghĩ tới hậu quả môi trường nên nhất trí.
Cuối cùng đói quá, anh bạn kêu vào khách sạn Sàigòn Đàlạt chi đó ăn cơm. Đây là nhà của một gia đình tây khi xưa mà mỗi lần đi học mình hay thấy con gà tây mào đỏ. Có cái xích đu với mấy đứa con nít ngồi chơi. Có lần về Đàlạt, mình có ghé đây ăn cơm mấy bạn học cũ Văn Học. May quá, vừa bước vào thì trời ập cơn mưa xuống. Hai tên gọi món canh khổ qua nhồi thịt, thịt xường rim mặn và xà lách. Mình mê xem như ăn gần hết đĩa xà lách Ku-ron đặc biệt của Đàlạt. Lâu quá mới được ăn lại rau này. Chắc trước khi rời Đàlạt, phải đi ăn lại món này.
Anh bạn kể là có dạo, hai vợ chồng ra Hà Nội chơi thăm quê. Cô vợ nhận xét là ngoài bắc người ta chặt gà, thái thịt rất đẹp mắt nên tò mò hỏi. Được biết họ cắt thịt gà, thịt heo, bò,…bằng kéo thay vì chặt thịt bằng dao với cái thớt ở miền nam. Hỏi thêm thì họ cho biết đó là hệ quả của thời trước 75. Ai mà ăn gà ăn thịt mà chặt thớt thì hàng xóm nghe nên họ phải dùng kéo, sử dụng để cắt vỏ lớp xe để làm dép râu. Họ dùng kéo để cắt khi ăn vịt, gà , heo nên không ai dùng thớt, dao nữa để cắt thịt.
Có ông kia gốc Việt nhưng gia đình ở nghệ An, chạy qua Thái Lan vào những năm 45-54. Mình có ông dượng, chạy qua Thái Lan, lấy vợ Thái, có 4 con, sau liên lạc được với gia đình ở Đàlạt, nên đem con về. Ở Thái Lan, mình có gặp vài người Thái gốc Việt, sinh tại Thái nhưng nói tiếng Việt còn nhuyễn lắm nhưng đa số là theo Hà Nội. Sau 75 thì ông ta về Việt Nam thăm quê cha đất tổ. Đi xe lửa từ Hà Nội xuyên nam. Ông ta thắc mắc là khi xe lửa chạy qua tới Quảng Trị là không khí khác hẳn, cây cối xanh tùm,…nên thắc mắc hỏi một người nam gốc bắc về thăm quê. Ông này giải thích là trước 75, ngoài bắc sống kiểu dân Triều Tiên ngày nay, cái gì họ cũng ăn hết, không thấy cò thấy vạc gì cả, chim muông gì giết ráo để ăn. Nghe giải thích thì ông ta mới giác ngộ cách mạng.
Ngồi nói chuyện thì lại lái về gia đình Võ Đình Dung, được xem là giàu nhất một thời ở Đàlạt. Anh bạn kể là có một người con gái của ông bà Dung, đi du học ở pháp tên là Võ Thị Tri Túc thì phải, sau 54 thì về Hà Nội, gửi con cho gia đình nuôi trong nam. Hai vợ chồng là giáo sư đại học ở Hà Nội. Sau 75, vào Đàlạt, tìm cách đòi lại đất của gia đình, như trường Việt Anh, vườn ông Ba Đà,... ôgn bà Võ Đình Dung, cho đất để thành lập Mả thánh ở Đàlạt, Chùa Linh Sơn,... sau này hai vợ chồng chết vì ung thư sau khi đã tìm cách cho con cháu sang Pháp quốc hết.
Có bà cán bộ cao cấp miền bắc kể là sau 75, trước khi vào nam thì bà ta được học tập chính trị, những khó khăn khi vào nam nhận công tác. Họ cho bà ta biết là trong nam đĩ điếm ma cô nhiều lắm do chế độ thối nát nguỵ quân nguỵ quyền để lại. Đàn bà con gái toàn là đĩ điếm không. Bà ta lấy xe lửa Thống nhất xuyên nam, giúp miền nam làm cách mạng.
Xe đến Quảng Trị thì bà nghe mấy người phụ nữ miền nam rao hàng bán thì bà ta kêu mới 7 giờ sáng mà đĩ miền nam đã ra đường bán dâm rồi mà sao công an của cách mạng không xử lý, làm gì cả. Bà ta nghĩ đúng là bọn nguỵ quân nguỵ quyền tàn ác thật. Xe đến Huế cũng tương tự, thấy mấy bà đi bán rong kêu bán nên lương tâm cách mạng của một đảng viên trung thành không cho phép bà ngồi yên nên chạy xuống xe, kiếm công an, hỏi sao anh không bắt con điếm mới 6 giờ sáng đã đi bán dâm.
Ông công an hoảng hồn, đi theo bà ta tới gặp bà bán rong thì mới vở lẻ là bà ta bán hột vịt lộn. Bà ta rao :” Ai ăn lồn khôn?” Chán Mớ Đời
Chú em rễ nhắc mình đi chạp mộ ông cụ chiều nay. Mai là giỗ ông cụ.
Xong om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét