Đàn ông VN trong Kim Vân Kiều *

Có anh bạn gửi cho một bài viết, tác giả là phụ nữ ở VN, lên án đàn ông VN; đưa ra những tật xấu của họ tương tự như một bài viết của một cô gái Việt ở Nhật Bản, nhân danh toà án phụ nữ tối cao để kết án đàn ông VN khiến mình nhớ đến truyện Kiều của ông Nguyễn Du.
Năm 3ème, học Việt Văn có phần Kim Vân Kiều đến cuối năm đi thi BEPC thì mình không đủ điểm thi viết nên phải vào thi vấn đáp. Nhờ Kim Vân Kiều mà mình đậu bằng Trung học Pháp. Lúc vào vấn đáp môn Việt Văn thì ông giám khảo hỏi lí do ông Nguyễn Du viết truyện Kiều. Mình trả lời vì ông ta làm quan cho nhà Nguyễn nhưng vẫn nhớ đến vua Lê khi xưa. Vua Lê không có thực quyền vì chúa Trịnh kiểm soát hết.
Có lẻ các quan thời của ông ta rất gian tham nên ông ta dùng các nhân vật trong Kim Vân Kiều để nói lên hiện tình của đất nước. Nào là Tú Bà tượng trưng cho vua Nhà Nguyễn, còn Mã Giám Sinh, Sở Khanh,... chỉ là tay sai, như các quan của Triều đình bắt dân chúng cày cuốc, để nộp thuế cho họ sống sung sướng. Không ngờ ông giám khảo thích câu trả lời của mình nên cho điểm cao, đủ điểm đậu BEPC năm đó.
Lúc học Kim Vân Kiều thì phải công nhận các nhân vật nam trong câu chuyện không có ai khiến mình nể phục, muốn noi theo gương họ rồi nhìn quanh thì thấy đàn ông lớn tuổi như ông cụ mình với tính gia trưởng, tinh thần nho giáo làm mình không phục. Trong 4 đổ tường thì ông cụ mình chỉ không biết uống rượu còn ba thứ kia là có hết. Đánh bài thua, thiếu nợ bắt bà cụ mình buôn bán trả nợ,... nên mình tránh đi theo con đường của ông cụ. Các ông cứ bảo đàn ông là phải ngoài đường nhưng thật ra họ chỉ ở quán cà phê, bia ôm chớ có chạy áp phe, làm việc gì đâu.

Nhân vật nam đầu tiên trong Kim Vân Kiều là Kim Trọng. Ông thần này tán gái rất nghề, Thuý Kiều mới chừng ấy tuổi, nhất là thời đó mà ban đêm dám chui qua nhà Kim Trọng, dạo đàn, hát con chim Đa Đa. Anh chàng này yêu em thì yêu nhưng khi đụng chuyện thì ca bài chuồn tẩu, nói phận em như Đạm Tiên nên cứ hăng say lên đường báo hiếu còn để đánh dấu mối tình hữu nghị của đôi ta, anh xin lấy Thuý Vân làm vợ. Khốn nạn nhất là sau 15 năm, Thuý Kiều đã trả nợ hết cho cha thì nhảy xuống sông Tiền Đường để làm mồi cho cá nhưng nợ trần chưa dứt, lại gặp ông thần Kim Trọng kêu về hầu anh ta trong tuổi già, cho thuốc cao mỡ, cao đường hay cao máu uống không công.
Mã Giám Sinh thì thật ra không có tội gì cả. Hắn chỉ là con buôn, gặp ai hoạn nạn thì bỏ tiền ra mua để bán lại cho Tú Bà kiếm lời. Như Tây hay nói "le malheur des uns fait le bonheur des autres". Trong thời đại Nho Giáo khi mấy ông thầy đồ, lười không biết buôn bán nên cứ gào thét Sĩ Nông Công Thương, cho các người làm ăn buôn bán là hạng cùng đinh trong xã hội và để cho các bà vợ lo toan mọi việc trong khi mình thì cứ bảo Khổng tử nói nam vô tửu như kỳ vô phong. Có người khi tỉnh còn xót xa cho vợ làm vài bài thơ thương tặng vợ như ông Tú Xương, được vợ nuôi 24 năm mới đậu rồi chả làm gì cả. Một Mụ vợ đi làm trả nợ chưa hết thì kiếm thêm Mụ thứ hai, thứ ba vì trai tài năm thể bảy thiếp.
Kế đến ông thần Sở Khanh. Thật ra ông này được Tú Bà bảo dụ khị để bắt ép Thuý Kiều đi khách chớ không phải kiểu đàn ông chơi hoa rồi bỏ chạy không trả tiền child support. Có nhân vật mà mình ghét nhất khi học Kim Vân Kiều là Thúc Sinh nhưng không ngờ sau này khi lập gia đình thì mình cũng như hắn hoặc còn tệ hơn. Hắn còn dám đi cô đầu, trong khi mình bước ra khỏi nhà phải xin phép đồng chí gái vĩ đại, lãnh đạo có phê chuẩn thì mới dám đi. Có lẻ người đàn bà mà mình cảm phục nhất là Hoạn Thư, nhẹ nhàng hỏi chồng; đi nghe Ả đào phải lao lực thôi thì em mua một cô ca kỷ về đàn trong khi vợ chồng mình đối ẩm.
Từ Hải chết đứng vì tin lời gái Giang Hồ thì cũng đáng rồi Hồ Tôn Hiến dụ Thuý Kiều kêu Từ Hải ra hàng đã nói lên Thuý Kiều không có thông minh lắm nhất là ở Nhà thổ bao nhiêu năm vẫn còn ngây thơ như dân chúng hay nhân dân cứ nghe chính phủ, các tay làm chính trị mua chuộc dụ dỗ để rồi cứ bị thua thiệt, cong lưng ra đi cày đóng thuế.
Sau này về VN thì mình bị khựng khi thấy 3-4 giờ chiều là đàn ông la cà ngồi nhậu. Nghèo nhậu theo nghèo, giàu thì vào quán rồi sau này có các màn tăng 2, tăng 3 nhưng quan sát phụ nữ thì mình không biết họ suy nghĩ gì. Mấy tên em rễ mình thì cũng nhậu nhưng có chừng mực, biết lo cho gia đình, vợ con ngoại trừ 2 tên thì cứ nhậu quên trời quên đất. Người xưa khuyên con cháu "nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua ruộng" mà thấy làm tiền không bao nhiêu mà cứ nhậu thì chắc chắn phải có nguồn tài chánh từ nơi khác để trang trãi những cuộc nhậu linh đình. Đó là chưa kể đến những hệ quả của các cuộc nhậu; rượu sẽ làm hại các nội tạng sau này đau ốm thì vợ con lại nai lưng ra trả nợ tiền thuốc thang thì đến đời cháu chắt cũng không ngất đầu lên. Ai cũng nêu cao khẩu hiệu hi sinh đời bố củng cố đời con nhưng lại ăn hít đời bố, đời con trả nợ.
Mình có bà dì khi xưa cũng đòi hỏi nhiều lắm rồi cuối cùng lấy ông chồng có một đời vợ thêm 4 đứa con riêng về đi làm nuôi chúng cũng chết sớm. Ngày xưa, không có quỹ hồi hưu nên nổi lo sợ của con người là khi về già, không có con cháu chăm sóc, nuôi ăn nên đàn bà có người đành phải làm lẻ ông nào đó để có một hai đứa con để sau này nhờ khi không còn khả năng lao động nữa. Có lẻ vì lí do đó mà người đàn ông có một địa vị khá cao trong xã hội và gia đình.
Ngày nay phụ nữ được ăn học, đi làm tự nuôi thân thì cái nhu cầu về kinh tế không còn quan trọng nữa vì họ có thể tự nuôi họ, thậm chí có người làm tiền nhiều hơn đàn ông cho nên họ có sự lựa chọn. Ở hải ngoại mình nhận thấy phụ nữ Việt đẹp và giỏi thường lấy chồng ngoại quốc hay lấy chồng xấu trai. Người ngoại quốc không có cái tính gia trưởng nên cưng chìu người phụ nữ nên dễ được lòng các cô Mít. Có lần mình hỏi cô bạn của đồng chí gái tại sao lấy ông chồng mà cô ta cứ la tối ngày. Cô này cũng xinh, dược sĩ cho hay là hồi còn trẻ thì có nhiều tên săn đón nên đòi hỏi đủ thứ đến khi mấy tên đẹp trai, khá khá bỏ chạy đi tìm người khác thì nhìn quanh chẳng còn ai ngoài tên chồng của cô ta, dù không đẹp trai nhưng chai mặt lại thêm nói giọng Quảng chở đi chơi nên đăng kí lên xe bông với hắn.
Đọc bài của tên bạn gửi và xem hình hoa hậu Á rập thì có một cô lại phán bao nhiêu tội lỗi đều do đàn ông mà ra. Cô ta kể lần đầu tiên thấy phụ nữ Pakistan, bận Burqa đâm ra phẩn nộ kêu gào đàn ông gian ác, dã man. Nhiều khi nhìn vào một Văn hoá khác mà mình không am tường, con người thường đeo một lăng kính của văn hoá, định kiến của họ nên những gì không hợp với Văn hoá hay định kiến của họ thì họ phê bình, lên án ngay.
Thật ra trong Coran (thánh kinh) của hồi giáo thì đâu có bắt buộc phụ nữ che mặt nhưng các giới trưởng giả hồi giáo, từ từ che mặt với thời trang tương tự như Âu Châu, phụ nữ đội mũ thêm có voile che mặt mà ta thường thấy trong tranh hay xi nê. Vợ của thái tử William đội mũ, có khăn voile che mặt thì thiên hạ khen còn phụ nữ Á Rập che mặt thì họ lên án. Dần dần, thời trang che kín mít hết thêm chiến tranh và phong tục nên phụ nữ ra đường phải che mặt và thân thể để cho phái nam nể trọng họ, muốn giữ thanh danh của dòng họ, gia đình. Khi người con gái ra đường có một người đàn ông đi theo là để nói lên gia đình của cô ta cao Quí có người rảnh đưa đi. Bên Tây mấy cô đầm mình quen ghét nhóm thanh niên Á rập vì mỗi lần đi nhảy đầm thì mấy tên này xem họ là gái làng chơi, buông thả nên có cử chỉ khiếm nhả với họ vì đối với dân Á rập, con gái ra đường phải kín đáo để được tôn trọng nhưng không che mặt lại đi nhảy đầm, điên cuồng theo điệu nhạc sẽ làm đàn ông Á rập hiểu lầm.
Hàng ngày chúng ta bị truyền hình và tin tức tảy não, định hướng về thời sự nên nhiều khi không hiểu rõ vấn đề chúng ta lấy định kiến của người khác làm của mình. Điển hình chiến tranh Afghanistan, Iraq, Syria,... được giới thiệu như bọn khát máu,..đàn áp phụ nữ mà quên đi lí do Hoa Kỳ đem quân tham chiến tại các nơi này vì muốn đem lại dân chủ cho dân chúng ở đây? Báo Chí ít ai nói đến gần 5 triệu người Á Phú hãn , 20% dân số bị lưu đầy, chạy sang các nước láng giềng để tị nạn như Pakistan, Ba Tư,..từ khi quân đội Liên Xô xâm chiếm nước này.
Mình có coi phim Baran (mưa) của một đạo diễn Ba Tư cũng 12 năm rồi nói về cuộc sống của 1.5 triệu người tị nạn Á Phú Hãn sinh sống tại Ba Tư nhất là thế hệ thứ 2 được sinh ra và lớn lên tại nước này tương tự như người di dân lậu gốc Mễ tại Hoa Kỳ. Câu chuyện bắt đầu với một ông người Á Phú Hãn, dân ở lậu đi làm chui ở công trường và bị té gãy chân nên sau đó ông ta chống nạn, dẫn một người con đến làm thế cho ông ta khiến một tên người Thổ Nhỉ Kỳ ganh tức bảo bọn Á Phú Hãn dành hết công ăn việc làm của người Thổ Nhỉ Kỳ có giấy phép đi làm ở Ba Tư. Hắn rình rập tên Á Phú Hãn nhỏ con này để phá hoại để chủ đuổi cậu Bé Á Phú Hãn đi không ngờ hắn khám phá ra cậu Bé Á Phú Hãn là gái giả trai. Ông bố bị té không lao động được nên cô con gái giả trai để đi làm. Cuối cùng tên Thổ Nhỉ Kỳ mê cô con gái giả trai này và hình cô nàng cũng động lòng. Hắn bán cái giấy phép đi làm cho xã hội đen để đưa tiền cho ông bố cô gái đem gia đình về lại Á Phú Hãn. Trong lúc tiễn đưa, cô con gái cởi cái Burqa cho anh chàng Thổ Nhỉ Kỳ xem mặt rồi bỏ xuống lên xe. Hình ảnh này rất đẹp tuy không nắm tay nắm cẳng như phim âu á ngày nay. Anh chàng này nhìn dấu chân của cô gái đang bị mưa rơi làm nhoà đi trong khi anh ta nở một nụ cười của kẻ đang yêu.
Bú xua La mua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét