Người Thầy cũ

Hôm trước mình có dịp gọi điện thoại cho một người thầy cũ ở trường Văn Học. Rất cảm động sau 42 năm mình mới nghe lại giọng nói của thầy. Nhìn hình ảnh, video tải trên mạng của Văn Học Đà Lạt thì muốn liên lạc với thầy nhưng cứ ngại ngùng rồi cô Tôn Nữ Thể Bình đi lấy chồng nên đám làm đài phát thanh Văn Học Đà Lạt, nhờ mình thế, gọi hỏi thăm thầy.
Trong 40 năm qua, bao nhiêu cuộc đổi đời, người thầy vẫn sống theo thiên chức của mình, một nhà giáo trong khuông khổ của một nhà mô phạm, sống theo tình nghĩa hơn là với thủ đoạn như đa số trong cuộc sống định hướng kinh tế thị trường. Mình hỏi thầy có bí quyết gì để sống trẻ và khoẻ mạnh vì xem video các buổi họp mặt thầy trò thì có nhiều tên học trò đầu bạc răng long. Thầy nói không có bí quyết gì cả, chỉ sống với tình nghĩa.
Người thầy rất ngạc nhiên khi nghe mình kể những gì thầy nói trong lớp khi xưa. Mình nhớ thầy bảo các anh chị nào mà yêu nhau thì đem nhau lên thác Cam Ly, nhớ đem theo lon sơn Bạch Tuyết, để vẽ trên tảng đá, trái tim và mũi tên và tên 2 người quyện vào nhau rồi cùng nắm tay nhau thề: "ngày nào hãng sơn Bạch Tuyết xụp tiệm thì tình đôi ta mới tan vỡ", ai ngờ 75 đến thì chủ công ty Bạch Tuyết bỏ chạy nên lời thề xưa quá linh ứng.
Thầy có viết bài đăng trên trang nhà của Văn Học như gửi gấm những lời nhắn nhủ cho những học trò cũ xưa, đang chạy theo cuộc sống vội vã, định hướng kinh tế thị trường như hình ảnh ông đồ của Vũ đình Liên mà mình học khi xưa. Người thầy vẫn giữ thiên chức của mình, một nhà giáo, kể những gì thầy cố làm về kinh tế sau 75 đều thất bại, đành thúc thủ nhìn cuộc đời qua nhanh. Thầy như nhân vật Don Quichotte, của Miguel De Cervantes mà mình có dịp viếng thăm La Mancha khi du lịch ở Tây Ban Nha, vẫn giữ tác phong của người thầy giáo, ảnh hưởng của Nho giáo ở thế kỷ 21.
....
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay ....
Người thầy cũ vẫn còn đấy nhưng học trò xưa còn ai, còn ai nhớ. Nghe thầy kể là các con của thầy không giàu nhưng sống được và cái may mắn cho thầy là con cháu vẫn ở gần thầy trong tuổi già, đó là niềm hạnh phúc khi về già, thấy con cháu ăn nên làm ra khiến mình cũng mừng cho thầy.
Thầy đậu cử nhân Luật nhưng khi ra trường thì nhận thấy trên thực tế vai trò luật sư không phải để bào chữa cho kẻ yếu nên quay qua học thêm cử nhân Văn Khoa nên dạo ấy ít ai đậu hai bằng cử nhân. Thầy làm hiệu trưởng trường Văn Học và dạy môn Việt Văn. Mình mê cách giảng của thầy khi học về nhóm Tự Lực Văn Đoàn qua cuốn tiểu thuyết " Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh, nói về những xung đột của trường phái mới theo Tây học và trường phái cổ của xã hội phong kiến.
Mình thắc mắc vì khi Loan đã được tha bổng về tội ngộ sát Thân, người chồng mà 😭.Kh diễn tả qua hai sắc hoa ti gôn:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người...
Loan yêu Dũng nhưng vì áp lực của gia đình nên đành lấy Thân, một người rất cỗ, gia trưởng, phong kiến rồi trong một cuộc cãi vã Loan vô tình đâm chết người chồng. Sau này cô ta vẫn tìm kiếm Dũng để chắp nối tình xưa nhưng Dũng cố tránh và tác giả cho Dũng thoát ly. Mình hỏi thầy câu hỏi mà mình vẫn ưng ức trong 42 năm qua, tại sao Dũng lại bỏ ra đi trong một đêm mưa gió. Đi thoát ly là đi theo cách mạng? Nhưng thầy giải thích là không có cách mạng cách mung gì cả. Tác giả cho thấy cái bế tắc của xã hội và để mỗi người tự lựa chọn con đường mình đi.
Người của thế kỷ 20 bị vùi dập trong cuộc xung đột giữa cái mới và cái cũ thì người Việt hải ngoại, ngày nay cũng lâm vào tình trạng tương tự, gia đình là nền tảng cho mấy thế hệ bị lung lay, khi phải trả giá cho sự hội nhập vào xã hội mới, văn hoá Tây phương. Người chồng khi xưa, quyền uy rất gia trưởng bổng nhiên thấy tiếng nói của mình không còn được ai quan tâm vì tuổi già, sức yếu không kiếm được công ăn việc làm.
Kinh tế nắm quyền quyết định. Người vợ có thể ít học hơn nhưng lại có thể đi cắt chỉ, đem lợi tức về cho gia đình. Người chồng bổng chốc trở thành tên nội trợ, đóng vai người chồng hiền. Có miệng như câm vì không biết tiếng nước sở tại, có chân như què vì không biết lái xe, phải đợi con cháu rãnh cuối tuần mới đưa đi thăm bạn bè hay hội hè với đồng nghiệp, chiến hữu xưa tương tự như vị tướng hồi hưu của Nguyễn Huy Thiệp, oai hùng trong trận mạc bao nhiêu, nay phải ngồi vá bánh xe bên lề đường.
Thầy nhận xét mình bị ảnh hưởng của Tây hơn Việt vì mình không nghĩ là có sự ngăn cách vì ngày nay kỹ nghệ thông tin, ta có Skype, điện thoại thông minh,..nên có thể nói chuyện với một người thân bên bờ đại dương vì theo thầy gặp nhau vẫn có cái gì trân trọng, tình cảm hơn. Vì lẻ đó mà hai tuần liên tiên thầy phải lên Đà Lạt để gặp lại đám học trò xưa.
Phim Hollywood của Mỹ lúc nào cũng cho đoạn kết "có hậu" vì sau bao nhiêu cách trở,, người con trai và người con gái yêu nhau vẫn có một kết luận tốt là họ lấy nhau, hạnh phúc lâu dài và có nhiều con. Kết luận của cuốn Đoạn Tuyệt thì tác giả không biết cách nào để kết thúc nên chỉ biết; cho Dũng thoát ly đi trong mưa gió và Loan, ở lại chịu nhiều áp lực của xã hội phong kiến. Dũng như một kẻ quất ngựa truy phong để lại người mình yêu chịu đựng, lãnh trách nhiệm. Có lẻ đó là thiên chức của người đàn ông Việt Nam mà ta thường thấy trong xã hội xưa và nay.
Mình thấy trong thi ca, văn chương hay nhạc của Việt Nam đều tôn vinh sự chia lìa, xa cách, bao trùm các mối tình. Người ta văn chương hoá các cuộc chia lia bằng cách dùng những điển tích của Tầu để rồi những từ đó biểu hiệu cho sự ngăn cách, chia phôi như Sông Tương hay Sông Ngân. Mình hỏi sông Ngân là ở đâu thì thầy bảo là Ngân Hà. Mình nghe Hà thì có vẽ cao quí nhưng thật ra tiếng Việt nghĩa là Sông hay chữ Giang cũng là Sông.
Mình có hỏi thầy là những điển tích bên tàu thì thế hệ mình không thể hiểu nhiều như Sông Tương hay Tương Giang, khởi nguồn từ Lâm Quý chảy về đến cửa sông Hào thì bị chia đôi rồi đổ vào hồ Động Đình mà trong sử về Hai Bà Trưng có nhắc đến nơi khởi đầu cuộc nổi dậy dành độc lập của người Việt. Đó là những điển tích mà mình không hiểu được vì không học chương trình Việt tương tự khi mình và mấy đứa con nói chuyện về những điển tích của xứ Hy Lạp như Medusa, Zeus, Eros,..., thì mụ vợ tịt vì không có học ở Việt Nam.
42 năm sau, nghe lại được giọng của người thầy cũ khiến mình cảm động, vẫn giọng oang oang như xưa khi đứng trên bục giảng về sự xung đột giữa cái cũ và cái mới trong xã hội Việt Nam. 40 năm qua mình cũng đã trải qua nhiều xung đột tự bản thể, gia đình, thân hữu. Mình nghe thầy kể về mê học Luật nên sau khi đậu tú tài thì có ghi tên học hàm thụ của đại học Luật Khoa Sàigòn. Họ gửi cho 5,6 cuốn sách, chưa đọc được một chương thì có nghị định đi du học nên thôi đành hẹn lại.
Nhs
031315

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét