Lâu đài vùng Loire

Có một mùa xuân, mình không đi phượt hai tuần như mọi năm ở Ý Đại Lợi hay mấy nước khác, để đi phượt dọc vùng sông Loire, nơi mà các gia đình hoàng tộc Pháp quốc khi xưa sinh sống. Nếu ai viếng Pháp quốc thì nên bỏ ít ngày để viếng vùng này.
Dạo ấy, mình hay đi phượt bằng cách xin quá giang xe “hitchhiking” nhưng kỳ đi viếng vùng này, sau năm học về lịch sử kiến trúc Pháp quốc thì lấy xe lửa đi cho nó lành. Ngủ thì nghỉ đêm tại các lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse), cần làm một thẻ hội viên quốc tế mỗi năm để đi khắp âu châu. Ngoài ra cần mua thêm cuốn “Guide des routards” để xem chỗ ăn ở, viếng chỗ nào, ăn tiệm nào, quán nào, mua thêm cuốn “guide vert Michelin” để đọc những chi tiết về văn hoá, kiến trúc, lịch sử. Ngày nay thì dùng Internet khỏe re.
Dạo ấy, đi quá giang xe tương đối an bình. Các đài phát thanh có những chương trình như trên RTL hay Europe 1 để thính giả gọi vào đài, nói muốn đi từ đâu đến đâu rồi ai có xe nhất là các xe vận tải, tài xế lái xe đường xa nên cần có người ngồi chung nói chuyện.
Năm đó, mình lấy xe lửa từ Paris xuống thành phố Orléans, kinh đô cổ xưa của vua chúa Pháp sinh sống mà khi xưa mấy ông tây bà đầm dạy về mấy ông vua Clovis, dòng họ Bourbon, Catherine de Médicis,… đủ trò,…khiến mình điên điên. Mình có kể rồi về cuộc chiến 100 năm và Jeanne D’Arc vào trú trong thành này nhưng sau này vẫn bị quân đội Anh Quốc thiêu đốt. Mình có một ông cậu bà con, con của ông Tư, anh của mệ ngoại mình đi Tây thừoi Bảo Đại, nghe nói ở vùng này nưhng không có địa chỉ nên chịu.
Mình chỉ ghé lại đây vài tiếng, đi vòng vòng đợi xe lửa đi thành phố nhỏ hơn có cái tên Blois, điểm đầu tiên cho chuyến đi. Thành phố này, ngày xưa, vua chúa ở từ thời Trung Cổ đến thời Phục Hưng nên lâu đài này, đánh dấu sự phát triển liên tục trong thời gian này. Có hai phần kiến trúc rõ rệt của hai thời đại này. Phần cũ do Louis 12 đến vua François đệ nhất phần mới. Cái đẹp nhất có lẻ là những cầu thang được thiết kế thời này, đi lên rất nhẹ nhàn và rộng. Sau này mình chỉ áp dụng được một lần khi vẽ biệt thự 25,000 sq.ft. của một ông hoàng tử xứ Saudi ở Las Vegas.
Được cái là họ chỉnh sửa lại nội thất phía trong như thời xưa, rất tốn kém. Cái nền nhà lót gạch quá đẹp. Gặp Việt Nam thì họ cạy lên hết, dán mấy tấm gạch bằng nhựa hoàng tráng. Họ đóng thêm mấy cái đà gỗ để chống các vòm, khỏi xụp vì quá lâu, mấy trăm năm, trên 500 năm. Nghe nói sau này, học có gắn đèn, làm show ban đêm để du khách xem màu mè thay đổi theo tiếng nhạc.
Viếng lâu đài hoàng tộc này, người ta có thể xem lịch sử kiến trúc pháp từ trung cổ đến cổ điển, gothique và thời phục hưng. Các vua pháp sống tại lâu đài này như François 1er, có cầu thang quá đẹp. Một trong những cầu thang đẹp của dinh thự mà mình đã viếng trên 35 nước.
Viếng và vẽ xong thì mình bò về lữ quán thanh niên vì thông thường họ mở cửa sau 5 giờ chiều. Phải đến sớm, đợi vì mùa hè, có thể hết chỗ vì dân trẻ đi bụi khá nhiều. Lấy phòng xong thì tắm rữa. Phòng thì ngủ chung với thiên hạ, đâu có 4 cái giường 2 tầng. Mình đến sớm nên chiếm nằm trên cao vì nằm ở dưới hay nghe cót két, khó ngủ.
Năm ngoái thằng con đi âu châu, qua Pháp cũng trải nghiệm các lữ quán thanh niên như bố nó ngày xưa.
Ra phòng khách, gặp đám đi bụi khác, ngồi nói chuyện, trao đổi thông tin về những tỉnh sắp đến. Nhiều người đã đi qua các nới mình sắp đến, báo cho biết chỗ nào đáng xem hay ăn, ngược lại mình cũng kể về những nơi mình đã đi qua. Có vài lần, gặp vài người nói sẽ ghé Paris, mình cho địa chỉ nhà mình, đúng hơn là phòng ô sin, viết tờ giấy cho bà gác dan, nói cho họ ở nhờ vài ngày. Tối đó ăn cơm ở lữ quán thanh niên thì gặp hai chị em Klaudia và Ute từ Frankurt, Đức quốc. Ngồi nói chuyện thì hai chị em cô này rũ mình đi chung viếng mấy lâu đài nên mình nhất trí.
Đi phượt, có cái thú là gặp giới trẻ khắp nơi, nhiều khi có những cuộc tình hữu nghị, nữa nắng nữa mưa đột xuất, hay đi chung một đoạn đường rồi mỗi người lại tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn. Có người mình vẫn còn liên lạc đến ngày nay, viếng thăm nhà họ khi đi phượt, ghé sang tỉnh của họ.
Vùng này được xem là đồng bằng, tây gọi là Val De Loire , thung lũng Loire nên đạp xe nhẹ nhàng. Lữ quán thanh niên có dịch vụ cho mướn xe đạp. Sáng ăn xong, mình vác túi đựng đồ vẽ bỏ lên xe đạp rồi cũng hai chị em con Klaudia đạp. Hai chị em này, ngày nay mình có gặp lại khi làm việc ở Thuỵ Sĩ, có ghé nhà chơi. Ngày nay vẫn thăm hỏi, có chồng con hết nhưng từ 35 năm thì không gặp lại. Hy vọng lần sau đi Đức quốc thì sẽ ghé thăm.
Thật ra viếng vùng này, không nên viếng hết mấy lâu đài vì nhiều quá thì sẽ ớn, như ăn bao bụng, rốt cuộc chả biết mình viếng cái gì nên tụi này, chọn đi vài cái tiêu biểu gần gần để đạp xe đạp. Dạo ấy người đức và nhóm bắc âu, tiên phong về du lịch sinh thái. Mình thì thích vẽ hơn, quan sát cuộc sống dân sở tại.
Bù lại ngày nay, người ta đi du lịch như đi “check in”, đến nơi để xeo phì hay chụp hình cúng tổ Phây Búc thay vì quan sát, đọc thông tin về lịch sử của địa phương. Ăn món thuần tuý của địa phương. Khi xưa, hoàng đế Julius Ceasar có câu bất tử: “Veni, vidi, vici”, tạm dịch Tôi Đã Đến, Tôi Đã Thấy, Tôi Đã Chinh Phục, khi ông ta đến những nơi để chinh phục cho đế chế La MÃ. Ngày nay, người ta đi du lịch có thể nói: Tôi đã đến, tôi đã xeo phì, tôi đã tải lên phây búc. Chán Mớ Đời
Mình thích quan sát, nghe ngóng khi đi du lịch, cố gắng nói tiếng địa phương, ăn uống món địa phương,… tuần rồi đi Kanab, đi viếng phong cảnh, đá núi. Ngồi một mình, ngắm trời đất, núi và sa mạc, bổng mình nghe tiếng chim hót khá là lạ, đưa mắt nhìn quanh thấy một con chim lạ thấy hạnh phúc như mình đang được chìm dần trong dung dịch rất nhẹ nhàng. Tương tự vợ chồng, bạn bè ngồi yên bên tách trà hay ly cà phê, không nói câu nào nhưng không gian tịch lặng sẽ khiến họ cảm nhận như đang bơi lội trong một hạnh phúc vô biên.
Mình đi trước đồng chí gái nhưng lâu lâu phải đứng đợi vì sợ bị đồng chí gái la, không đợi vợ xeo phì đủ trò. đồng chí gái với mấy bà bạn xeo phì xeo mập đủ loại.
Lâu đài đầu tiên đến là Chambord. Đang còn oải vì bao nhiêu năm không đạp xe đạp mà hai cô người đức, đạp ào ào lên những dốc nhỏ khiến mình thở như trâu tháng 7. Lâu đài này lớn nhất vùng này do ông vua François 1er xây dựng. Nghe nói có đến 426 phòng thêm có công viên rất rộng để dùng cho việc đi săn. Gia đình vua thì ở lâu đài Blois, vì kiên cố hơn trên đồi, lỡ có giặc đến thì còn tử thủ được mà mình kể trên, còn lâu đài này khi mùa thu đến thì họ lại đến đây đi săn và tiếp khách như vua Charles Quint. Nói chung rất đẹp, khó diễn tả nổi. Đến vùng này thì bắt buộc viếng lâu đài Chambord này. Viếng xong, mình ngồi vẽ một tí trong khi hai chị em Klaudia đi viếng vườn, xem hoa. Cái khổ là đi với thiên hạ thì mình phải vẽ nhanh, rồi về nhà vẽ tiếp.
Nghe nói, lâu đài này có sự cộng tác của Leonardo da Vinci vì có một thời gian ông ta sống ở vùng này nhưng không kiểm chứng được vì không thấy trong tư liệu, tranh vẽ của nghệ nhân này để lại.
Tụi này lấy đồ ăn trưa ở trong vườn. Đẹp! Vườn thiết kế theo kiểu phải rất Cartesien, khá đẹp và uy nghi nhưng lại mất đi cái duyên dáng như vườn kiểu Ý Đại Lợi. Còn vườn Anh Quốc thì cứ chạy lòng vòng, không biết lối ra. Đi phượt, mình hay mua jambon và bánh mì để đem theo ăn trưa. Hai chị em kia ăn chi chả nhớ nhưng chắc cũng phô mát và thịt nguội, nói chuyện lung tung xẻng về kiến trúc, nghệ thuật. Mình định bụng sẽ viếng xứ đức để xem nhưng xứ đức kiến trúc chả có gì nức nở lắm. Người đức nổi tiếng về trí tuệ nhưng về cái đẹp thì thua xa Ý Đại Lợi và Pháp quốc.
Sau đó cả 3 đạp xe đến lâu đài Cheverny, được xem là nội thất được thiết kế đẹp nhất vùng này mà hoạ sĩ Hergé, dựa vào để vẽ lâu đài Moulinsart trong truyện họa hình phóng viên Tintin mà hồi bé mình rất mê. Cuộc đời, người ta mê quyền lực vì họ có thể sở hữu những gì họ muốn mà không cần phải làm.
Lâu đài này thuộc dòng họ Hurault, bị chiếm đoạt mấy lần nhưng hậu duệ vẫn tìm cách mua lại, và bắt đầu cho du khách thăm viếng gần 100 năm nay. Lúc đầu thì ông vua Henri II, chiếm để cho bà bồ Diane de Poitiers nhưng bà này thích lâu đài Chenonceau hơn nên bán lại cho con cháu dòng họ Hurault. Đến khi cách mạng 1789 ra đời thì dòng họ này lại bị chiếm nữa để rồi sau đó được mua lại vì mấy người chiếm không có tiền bảo quản. Ngày nay con cháu cho du khách thăm viếng để có tiền bảo quản.
Mình vẽ trong khi hai chị em đi thăm viếng vườn hoa rồi cả đám đạp xe về lữ quán thanh niên. Tắm rữa xong thì ăn cơm, tán gẫu với đám thanh niên khác rồi cả bọn đi rữa chén bát, quét nhà.
Hôm sau thì cả 3 đi Lâu đài kế tiếp là Chenonceau, còn được gọi là « château des dames », lâu đài do phụ nữ xây dựng và ở như bà Diane de Poitiers và Catherine de Médicis. Lâu đài này có đặc điểm, được xây trên dòng sông Cher và bắt cầu từ bờ bên này qua sông luôn. Thêm vào có những vườn kiểu pháp rất đẹp. Từ bên này, vào cổng lâu đài bởi cái cầu, đi xuyên lâu đài thì ra bên kia sông đến khu rừng.
Lâu đài này nổi tiếng vì cái cầu được xây trên sông, trên thực tế thì được xây từ thế kỷ 11, nhưng đến thời PHục Hưng, kiến trúc sư nổi tiếng của pháp Philibert De L’Orme xây lại rồi họ chơi cái cầu, có nhà cửa trên cầu, rất đẹp, khiến ngày nay, người ta đến hay chú ý là cái cầu này. Dạo mình viếng lâu đài này thì mơ một ngày trở lại Đàlạt, sẽ thiết kế và xây một căn nhà với chiếc cầu nhỏ hơn bắc qua suối Cam Ly. Đến khi về Đàlạt thì thất kinh, nhà cửa được xây bú xua la mua. Suối siếc gì biến mất, nay nghe nói vào mùa mưa, Đàlạt lụt tan tành.
Lâu đài này thuộc giòng học Marques nhưng đến đời vua Francois đệ nhất thì bị xiếc vì thiếu nợ triều đình. Sau này vua Henry đệ nhị tặng cho bà thiếp tên Diane de Poitiers. Bà ta kêu ông Philibert de L’Orme xây cái cầu để nối bờ sông bên kia. Cho làm đê để ngăn mùa nước lụt.
Khi vua Henry II băng hà thì bà vợ Catherine de Médicis, làm nhiếp chính trước khi con trai là Francois đệ nhị lên ngôi, chơi kiểu Hà Nội “cưỡng chế” lâu đài này của bà Diane de Poitiers, thiếp của chồng cũ mình, đổi lấy lâu đài ở Chaumont. Bà ta cho tu sửa, xây thêm đủ trò, vì lẻ đó người ta gọi là lâu đài phụ nữ vì do hai bà quyền cao của triều đinh pháp khi xưa xây dựng, mang âm tính nhiều hơn là lâu đài Chambord.
Hôm sau thì hai chị em Klaudia đi Orleans, còn mình thì viếng lâu đài Amboise. Lâu đìa này do Louis Amboise xây dựng nhưng sau này bị ghép tội phản lại triều định, bị chém và vua tịch thâu. Nằm bên dòng sông, rất đẹp.
Ông vua Henri II và vợ là bà Catherine de Médicis, nuôi mấy người con của họ tại đây. Sau này ông Leonardo da Vinci, đến Pháp và có ở đây nhưng thật ra là nhà bên cạnh với tên Clos Lucé nối kết với lâu đài bởi một đường hầm địa đạo. Ngày nay, người ta viếng ngôi nhà ông Da Vinci cư ngụ nhiều hơn là lâu đài.
Sau đó mình đi Tours chơi ít ngày, thăm một người bạn học cùng trường rồi lấy xe lửa về Paris, đi học lại.
Lâu lâu xem truyền hình Tây thì thấy họ làm festival đủ trò để làm tiền. Mùa hè họ che dù lều tùm lum để du khách đến nghe nhạc, tiêu tiền nên mất đi cái đẹp ban sơ ngày xưa.
Xong om





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét