Ký ức của chúng ta?

Hôm trước, nghe đài phát thanh phỏng vấn một cô bạn đột xuất, làm một chuyến tham quan Việt Nam với đồng chí trai từ Sàigòn ra Huế, vô Đà Lạt, gặp lại thầy và bạn học xưa. Nghe cô nàng kể vừa chấm nước mắt khiến mình cũng cà bưng theo. Không biết cô nàng có ngụ ý gì khi nói năm nay 60 tuổi không biết cuộc đời ngày mai ra sao. Có bệnh hoạn chi không nhưng mình không dám hỏi. Độ tuổi này có nhiều người bạn đã bỏ cuộc chơi.
Đây là lần đầu tiên sau 40 năm, cô ta mới đặt chân lại trên đất Mẹ, bở ngỡ như Lưu Nguyễn về quê. Trường xưa nay chỉ còn lại dấu ấn nữa cầu thang, nhà của gia đình bị bỏ hoang sau ngày Đà Lạt bỏ ngỏ. Cô ta không bàng hoàng khi bước chân xuống fi trường Tân Sơn Nhất như từng mường tượng.
Trong lúc chuyện trò với bạn học xưa thì có nhiều người nhắc đến những bài viết trên diễn đàn, đã giúp họ nhớ lại thời gian tuổi mới lớn, mộng mơ của họ được lưu trữ trong một dung dịch đầy ấp kỷ niệm lẫn ký ức của đời người.
Hôm trước, mình rất ngạc nhiên lẫn bàng hoàng khi một cô cựu học sinh của Yersin, Văn Học, điện thoại cho mình vì nghe tin mình biết, quen với người bạn trai của cô ta khi xưa. Cô nàng kể là mỗi khi đến chơi nhà người bạn trai mà thấy mình đi kinh lý, lang bạt vào nhà tên này thì cô nàng vội trốn, có lẻ sợ mình mét với gia đình cô ấy hay mắc cỡ. Mình đoán cô ta nhớ lầm mình với ai vi mình không thân với người Bồ của cô ta khi xưa nhưng vẫn yên lặng hóng chuyện. Coo nàng nói suốt 3 tiếng đồng hồ, mình chỉ ngồi nghe. Kinh. Có lần trong sân trường, mình thấy tên này cười với cô nàng từ xa nên đoán hai anh chị tình trong như đã mặt ngoài không e. Cô ta khát khao muốn được nghe mình kể về những kỷ niệm ít ỏi của mình với anh chàng này và cô nàng khám phá ra thêm những sinh hoạt khi xưa của người bạn quá cố. Như vác súng lên trường Trần Hưng Đạo bắn tên nào.
Anh ta ở gần nhà, nhỏ hơn mình một tuổi. Hồi nhỏ có chơi bắn bi, đánh đáo với nhau nhưng lớn lên thì mỗi người một ngã rồi tình cờ gặp lại khi mình sang Văn Học thì có nói chuyện, tan trường nhiều khi có dịp đi chung đường về nhà. Mình không ngờ những kỷ niệm ít oi về anh chàng này lại là một kho tàng quý báu đối với cô nàng. Dạo ấy, bố mẹ cô ấy không muốn cho cô ta giao du với tên hàng xóm của mình, đưa ra Quy Nhơn sống với người thân. Tên hàng xóm buồn đời ra ngẫn vào ngơ, học hành không được nên buồn đời, lấy súng ông bố tự bắn cái đùng đi Tây. Cô ta không biết, rồi di tản qua Hoa Kỳ. Sau này nghe bạn bè kể lại thì mới chới với con gà mái. Nên khi đọc bài mình kể về ông thần này thì cô ta gọi điện thoại, hỏi đủ trò. Khi không mình làm bác sĩ tâm lý, ngồi nghe thiên hạ kể chuyện tình của họ. Hôm tước, mình có cho điện thoại cô nàng cho một cô bạn thân ở Đà Lạt khi xưa. Nghe nói hai người đã liên lạc với nhau lại. Rất mừng.
Có lần gặp một anh chàng trên tiểu bang Washington, sinh quán tại Đà Lạt, rể của Yersin. Anh chàng kể có đọc ké bài trên diễn đàn. Những ký ức của người viết lại giúp anh ta nhớ lại hình ảnh ông bán kẹo kéo, ông bán đậu phụng rang, ông thợ nhuộm,... Càng đọc anh ta càng kêu đúng rồi, đúng rồi, đúng rồi. Tháng 8 vừa rồi lên Seattle, đã hẹn trước để gặp nhưng cô bạn và mình hiểu lầm, cứ đợi người kia rảnh gọi để gặp nhau. Vấn đề là mình và đồng chí gái chạy đi leo núi ná thở nên khi mình lên phi trường thì cô nàng mới gọi. Không có duyên gặp.
Nhiều khi đọc bài của người khác viết, nói đến một nhân vật nào mình không biết nhưng dần dần bổng thấy như đã quen. Hè vừa rồi, về thăm Đà Lạt thì có gặp mặt một số người này, tuy khi xưa không biết nhau nhưng không thấy xa lạ, có gì thân thương như đã gặp nhau từ đâu. Có lẻ mình đã gặp họ qua ký ức của những người trên diễn đàn.
Hình mình vẽ khi đến New York lần đầu tiên. Ai ngờ nay không còn nữa. Những nơi mình đi qua đều có để lại ký ức qua những tranh vẽ. Một số được bán để trả tiền nhà trọ và ăn.
Mình đi đâu thì cũng có người mời ăn cơm, bún thang, bánh căn, xôi, ôi thôi đủ trò mà những chiến sĩ chị nuôi, khi xưa mình không biết nhưng đến nhà lần đầu như đã quen từ kiếp trước. Cái lạ về chia sẻ ký ức chung của một thế hệ, vang bóng một thời. Ngay mụ vợ mình không biết ất giáp chi về mấy người này nhưng mỗi lần đi công tác ở tiểu bang khác, là được mấy người này đón về, chiêu đãi như thượng khách.
Nhiều khi vào diễn đàn Văn Học để đọc những bài thơ, nghe những bài ca, mình ngóng nhất là bài của mấy ông thầy cũ vì có cảm tưởng như mấy người thầy này vẫn tiếp tục cái nghiệp làm thầy, bồi dưỡng trí tuệ thêm cho học trò dù tóc chúng đã bạc.
Cuộc đời như một tấm khảm (mosaic), mà trong đó mỗi người là một mảnh hay như một miếng puzzle mà nếu thiếu vắng thì khiến bức tranh mất hẳn ý nghĩa. Có nhiều người imeo, nói mình tiếp tục viết nhưng mình chỉ biết một phần của bức tranh xưa của tuổi thơ, cho nên cần có người tiếp tay, kể lại mảnh đời của họ hay những người quen.
Có người ngại nói rằng không biết viết. Thật ra ở đây, mình chỉ kể cho nhau nghe chớ có phải làm luận văn để thầy cô chấm điểm như xưa đâu. Không biết viết tiếng việt trên máy điện toán thì thâu lại hay gọi cho ai trong nhóm, kể cho họ rồi họ tường thuật lại. Nói tới viết tiếng Việt trên ipad, hôm qua mình và đồng chí gái có ghé thăm Chức Nữ, được ăn bưởi roi và xôi hạt sen với ruốc mà quên chỉ cô nàng cách sử dụng viết tiếng việt trên điện thoại. Mình có tặng cô nàng cuốn Mực Tím Sơn Đen. Ăn xôi hạt sen của cô nàng hoài mà không đáp lễ được.
Sau đó hai vợ chồng chạy ra biển đi vòng vòng như thời mới quen nhau. Cứ nắm tay nhau đi trên cầu rồi trên cát. Mình khám phá ra một điều là không cằn nhằn khi mụ vợ không đem theo áo ấm. Vui vẻ đưa cho đồng chí gái cái áo của mình. Mỗi tuần hai vợ chồng ra biển hít thở không khí biển. Hè vợ mình hay tổ chức đốt lửa ngoài biển với mấy người bạn, ăn uống thì già nên không cần rườm rà như xưa. Như thể tạo thêm ký ức để mai sau không còn lết nữa thì còn có chút gì để nhớ.
Ký ức, trong mỗi chúng ta, người Việt lưu vong, tỵ nạn hay ở Việt Nam, đều có những lý do riêng cho sự ràng buộc trong tâm thức mặc dù 40 năm qua, chúng ta đã xa nhau trong không gian lẫn tiềm thức. Không hiểu lí do, ngày nay những cảm giác mơ hồ từ tâm khảm đã cuồn cuộn như nước lũ từ nguồn cội, kéo chúng ta về mà không ai có thể chối bỏ, khước từ. Có thể ký ức làm gợi nhớ bằng hạnh phúc hay đau thương như cuộc tình đầu đời mà cô gái 16, 17 đã để lại Đà Lạt, nhưng nổi đau ấy vẫn đi theo cô ấy đến tận cuối đời như một món nợ trong nổi nhớ, ước vọng của loài người. Hình ảnh người bạn trai khi xưa tuy chưa xoá mờ trong tâm thức nhưng một chi tiết gì đó được mình thuật lại, như bức tranh được người hoạ sĩ tô đậm lên lại những nét mờ nhạt qua thời gian.
Người Do Thái bị bạo chúa đuổi ra khỏi vùng đất quê hương của họ. Trong suốt 2000 năm mất nước, lưu vong, lưu lạc kiếm ăn trên khắp thế giới, họ đều nhắc nhở nhau "Ngày này, năm sau sẽ gặp ở Jerusalem". Để rồi với sự kiên trị, dân tộc họ đã trở lại Jerusalem năm 1948. Cô bạn trong suốt 50 năm lưu lạc ở xứ người, vẫn không mất niềm tin, một ngày nào đó sẽ gặp lại quê xưa, bạn cũ thầy xưa, thì thầm: " Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại, Đà Lạt ơi thôi hết những chiều xưa" và đầu năm nay cô ta đã toại nguyện, làm người lữ khách đi ngược lại con đường cái quan mà đoàn văn nghệ Tiên Rồng khi xưa đã diễn cho học sinh Văn Học, Đà Lạt.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn